Xem hình ảnh

Okarche, Okla., ngày 28 tháng 7 2018: Hôm nay thứ bảy, cùng với các giáo xứ trên khắp Tiểu Bang Oklahoma, Gx Holy Trinity (Ba Ngôi) ở thị xã nông nghiệp nhỏ bé Okarche, OK, dâng lễ kỷ niệm lần đầu tiên kính nhớ Chân Phước tử đạo Stanley F. Rother, cũng là vị tử đạo đầu tiên sinh ra tại Hoa Kỳ, nhân dịp giỗ 37 năm cái chết anh hùng cuả ngài.

Một số người Công Giáo từ Guatemala, nơi mà chân phước Rother từng làm chánh xứ, cũng có mặt.

Ngoài Tiểu Bang Oklahoma ở Hoa Kỳ ra thì giáo phận Sololá-Chimaltenango ở Guatemala, nơi vị tử đạo từng phục vụ 13 năm cho người bản xứ, cũng tổ chức lễ mừng.

Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của Thành Phố Oklahoma đã tới chủ lễ và ban lời giảng huấn.

Còn có mặt trong buổi lễ là hai người em ruột còn sống, sơ Marita từ nhà dòng ở Kansas về và ông Tom Rother và vợ Marty (em dâu) và gia đình vẫn còn làm nông trại ở đây.

Trước khi đến tham dự và làm phóng sự cho buổi lễ này, chúng tôi đã đi thăm viếng các di tích lịch sử cuả vị tử đạo, trong số đó có Phòng trưng bày Di sản của tổng giáo phận Oklahoma (Heritage Museum Oklahoma Diocese Center), là một phòng lưu trữ các hiện vật và thông tin về cuộc đời của vị tử đạo.

Chúng tôi may mắn gặp ông George Rigazzi, là nhân viên trong hội đồng sử học cuả hồ sơ phong thánh, làm tour guide hướng dẫn, và ông đã đặc biệt cho xem một vài thánh tích quí hiếm được giữ riêng an toàn chứ không được trưng bày ra ngoài.

Vào sáng tứ bảy trong khi đi tham quan khu phố nhỏ Okarche OK, chúng tôi lại gặp một cái may mắn thứ hai là ông Joe Wittrock, một người từng quen biết chân phước Rother, dẫn đi xem hầu hết các nơi có kỷ niệm cuả vị á Thánh, như nơi rửa tội, nơi giúp lễ, chỗ giật chuông nhà thờ, gia trang mà vị tử đạo từng sinh sống, những nơi ngài góp sức xây dựng (ngài là một tay thợ mộc có hạng)…

Đặc biệt khi tới nghiã trang cuả Gx Holy Trinity, chúng tôi bất ngờ được cái may mắn thứ ba là gặp người em gái cuả vị chân phước, nữ tu Marita, mới từ Kansas về quê để dự lễ. Cuộc trò chuyện thật là riêng tư và cảm động. Được hỏi Sơ có cảm nghĩ gì khi có một người anh trở thành Chân Phước tử đaọ? Sơ Marita cúi đầu suy nghĩ rồi buồn buồn trả lời “nó là một sự vừa cay đắng vừa ngọt ngào” (it is bitter sweet!)

Được biết vào năm 1968, Cha Stanley F. Rother (sinh năm 1935) là một linh mục cuả giáo phận Oklahoma City (1963) đã được gửi đi Guatemala để phục vụ cho một cộng đồng nông thôn nghèo mà đa số là dân bản địa, có tên là Santiago Atitlan (1968).

Là một linh mục truyền giáo, Cha Rother không chỉ thực hiện các nhiệm vụ mục vụ, nhưng cũng hăng hái trong những công việc thường nhật khác như sửa chữa những chiếc xe tải bị hỏng hoặc lao động trên các cánh đồng chung với giáo dân. Ngài tổ chức hợp tác xã cho nông dân, xây dựng một trường học, một bệnh viện, và đài phát thanh Công Giáo đầu tiên, để sử dụng cho việc dậy giáo lý cho các làng xa xôi.

Trong những năm đó, cuộc nội chiến ở Guatemala mỗi ngày mỗi xôi động lên và chiến tranh tiến tới gần ngôi làng an lạc cuả ngài. Những vụ bắt cóc, giết người và bạo động đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày, nhưng Cha Stanley vẫn kiên định ở lại để ủng hộ đoàn chiên của mình.

Trong một lần về quê thăm nhà, Cha Stanley đã được Đức Giám Mục cuả Oklahoma gợi ý rằng ngài có thể ở lại Hoa Kỳ nếu muốn, nhưng Cha Stanley đã trả lời “Người mục tử không thể chạy trốn khi vừa mới có dấu hiệu nguy hiểm” (The shepherd cannot run at first sign of danger)

Câu nói đó đã trở thành châm ngôn cho phong trào xin phong thánh cho ngài.

Năm 1981, nhiều người vũ trang đã đột nhập vào nhà xứ ban đêm để bắt cóc ngài. Có nhiều dấu hiệu chống cự cuả ngài (ngài là một nông dân mạnh khoẻ) nhưng ngài không hề la lên tiếng nào, vì vậy những người khác ở trong nhà xứ và nhà thờ đã không bị vạ lây. Không thể kéo ngài đi một cách êm thấm, các sát thủ đã bắn vào ngài hai phát đạn trước khi bỏ đi. Vụ án bị chánh quyền cho ‘chìm xuồng’ từ đó đến nay.

Trong dịp kỷ niệm này, Đức Tổng Giám Mục Coakley đã có đoạn viết như sau:

“Ngài đã dùng tài năng tự nhiên của mình vào việc phục vụ trong chức vụ tư tế và trong các nỗ lực truyền giáo. Đứng trước vô vàn thử thách đang đối diện với các linh mục ngày nay, đây là một vị linh mục mà chúng ta có thể lấy đó làm gương và ăn mừng – đó là một người mục tử không hề chạy trốn.”