Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hội đồng Giám mục Công Giáo Philippines đã bảo đảm các nhà chức trách rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội không mưu toan gây bất ổn cho chính phủ.
Đức Giám Mục Reynaldo Evangelista của Imus, chủ tịch Ủy Ban Ngoại Vụ của Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân, nói rằng Giáo Hội sẽ không bao giờ là một phần của những nỗ lực gieo rắc bất hòa.
Đức Cha Reynaldo đã đưa ra tuyên bố trên sau khi gặp các quan chức cảnh sát cao cấp của Phi Luật Tân tại trụ sở Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân tại Manila vào ngày 28 tháng Sáu.
Đức Cha đã phản bác các báo cáo cho rằng Giáo Hội đang tìm cách gây bất ổn cho chính phủ sau các bài diễn văn của Tổng thống Rodrigo Duterte chống lại các nhà lãnh đạo Giáo Hội.
Ngài nói với các phóng viên sau cuộc họp, “Bất cứ nơi những nỗ lực gây bất ổn nào cũng không thể đến từ Giáo Hội”.
“Tôi có thể đảm bảo với bạn về điều đó”, ngài nói thêm rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm về “tình hình hỗn loạn hiện nay.”
Tổng thống Rodrigo Duterte là người chống báng quyết liệt Giáo Hội Công Giáo, ông ta thường công khai chỉ trích các Giám Mục và phạm thượng đến Thiên Chúa. Sau đó, vu vạ là Giáo Hội đang mưu toan lật đổ ông ta. Tất cả các động thái này nhằm đánh lạc hướng và biện minh cho những thất bại về kinh tế và xã hội.
2. Tuyên bố của Ủy Ban Giáo Dân Phi Luật Tân về những lời lẽ phạm thượng của tổng thống Rodrigo Duterte
Trong bài diễn văn trên đài truyền hình quốc gia hôm 28 tháng Sáu, tổng thống Rodrigo Duterte đã nói nhiều câu phạm thượng đến Thiên Chúa. Đây không phải lần đầu tiên ông ta làm như thế.
Dưới đây là bản dịch toàn văn tuyên bố chung của Laiko, Hội Đồng Giáo Dân Phi Luật Tân, và Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân.
CHÚA CHÚNG TA KHÔNG NGU XUẨN
Ông ta lại nói một lần nữa. Và lần này với sự nhấn mạnh rằng “CHÚA CỦA CÁC BẠN NGU XUẨN!”
Thiên Chúa của cha ông chúng ta, và của toàn thể thế giới Kitô Giáo đang bị chỉ trích là ngu xuẩn trong quốc gia Kitô Giáo này, trên đài Truyền Hình Quốc Gia, bởi tổng thống của chúng ta. Ông ta bôi nhọ những giáo lý của chúng ta, ông ta xúc phạm thánh thư của chúng ta và những kẻ a dua với ông ta thậm chí còn có gan lên tiếng bênh vực tất cả những lời lẽ này và nói rằng Giáo Hội Công Giáo nên ăn năn vì những tội lỗi và những vụ tai tiếng của chính chúng ta.
Sangguniang Laiko ng Pilipinas (Hội đồng Giáo dân Phi Luật Tân), cùng với các nhà lãnh đạo Giáo Hội và các mục tử, tố cáo với những lời lẽ mạnh nhất có thể được, đối với cách cư xử lạ thường, không trung thực và thô tục, và những lời nói cũng như những tấn kích vào đức tin đang được ném tới tấp vào CHÚA CHÚNG TA.
Là Kitô hữu và là công dân ở đất nước CHÚNG TA, chúng ta có quyền và nghĩa vụ chỉ ra những hành động phạm thượng nghiêm trọng này. Ông ta nên ăn năn và hối hận. Tổng thống phải là một con người dám chấp nhận đây là những hành vi sai trái và nên trưởng thành để biết kiềm chế các cơn giận dữ.
Với tuyên bố này, LAIKO kêu gọi tất cả các tín hữu thể hiện sự phẫn nộ của mình một cách thực sự Kitô giáo và đúng luật, thông qua tất cả các phương tiện và kênh có thể được.
Ban Giám đốc LAIKO,
MA. JULIETA F. WASAN
Chủ tịch
Sangguniang Laiko ng Pilipinas
Đức Giám Mục BRODERICK S. PABILLO, D.D.
Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Manila
Chủ tịch
Ủy ban Giáo dân Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân
29 tháng 6 năm 2018
3. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức Tân Tổng Giám Mục Peter Andrew Comensoli cho Tổng Giáo Phận Melbourne
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Giám Mục Peter Andrew Comensoli kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục Denis Hart, Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Melbourne, Úc Châu.
Đức Giám Mục Comensoli sinh năm 1964 tại Bulli, New South Wales, Úc. Ngài theo hoc ngành kinh doanh tại Đại học Wollongong và làm việc trong ngành ngân hàng bốn năm trước khi nhập chủng viện. Ngài được thụ phong linh mục cho Giáo phận Wollongong vào năm 1992.
Sau khi thụ phong, ngài được bổ nhiệm làm phó xứ tại Unanderra (1992), và nhà thờ chính tòa Wollongong (1992-1995), và Quản trị Giáo xứ tại Shellharbour (1995-1996).
Năm 2000, ngài hoàn tất Văn bằng Thần học chuyên về đạo đức tại Học viện Alphonsio ở Rome.
Sau khi trở về Úc, ngài được bổ nhiệm làm phó xứ ở vùng Tây Wollongong (2000) sau đó được bổ nhiệm làm Chưởng ấn của Giáo phận (2000-2006).
Từ năm 2006-2010, ngài theo học bằng Thạc sĩ tại Đại học Thánh Andrew và sau đó bằng Tiến sĩ về Triết học đạo đức tại Đại học Edinburgh ở Scotland. Sau đó, ngài trở về giảng dậy Viện đại học Công Giáo ở Sydney, và phục vụ trong Hội đồng Linh mục đoàn.
Ngài được tấn phong Giám Mục Phụ Tá cho Tổng Giáo Phận Sydney và làm Giám Quản Lý Tông Tòa sáu năm.
Năm 2014 Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục của Giáo phận Broken Bay và nay được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Melbourne thay thế Đức Tổng Giám Mục Denis Hart
4. Giáo phận Darwin, Australia có tân Giám Mục
Toà thánh vừa công bố bổ nhiệm Cha Charles Gauci hiện đang làm giám quản nhà thờ chính toà St Francis Xavier của tổng giáo phận Adelaide lên giám mục chính toà GP Darwin thay thế Đức Cha Eugene Hurley đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhận đơn xin nghỉ hưu.
Tân Giám Mục Charles Gauci là vị giám mục thứ VII của giáo phận Darwin. Cha xuất thân từ một gia đình ngoan đạo gốc ở hải đảo Malta, nằm ngoài khơi, trên vùng biển phía Nam của nước Ý. Gia đình di dân đến Úc khi Cha mới 13 tuổi, sau đó xin gia nhập chủng viện St Francis Xavier, Adelaide city thủ phủ của tiểu bang South Australia.
Thầy Charles được thụ phong linh mục năm 1977 và phục vụ tại nhiều giáo xứ trong tổng giáo phận Adelaide.
Ngài cũng đã từng giữ một số chức vụ lãnh đạo quan trọng trong giáo phận như chủ tịch Hội Đồng Linh Mục.
Cha Charles Gauci cho biết: Sở dĩ Ngài đã quen với cuộc sống của giáo phận Darwin cũng như đời sống đạo của cộng đoàn địa phương này, là nhờ được mời lên giáo phận Darwin tổ chức tĩnh tâm cho các linh mục cách đây 3 năm.
Cha nói: “Tôi hết sức cảm phục công việc mục vụ của các linh mục trong giáo phận Darwin, thường là tại các vùng rất xa xôi hẻo lánh, thiếu thốn mọi tiện nghi đối với những người Thổ Dân Úc, không như đời sống ở các thị trấn”.
Cha Gauci hy vọng sẽ đi thăm toàn giáo phận, càng sớm càng tốt để có thể gặp gỡ những người dân địa phương.
Darwin là một giáo phận có diện tích rộng lớn, chiếm hầu hết vùng Lãnh Thổ Bắc Úc.
Khi Toà Thánh công bố việc bổ nhiệm mới này, thì cũng là lúc Tòa Thánh cho biết, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn xin từ chức của Đức Giám Mục Eugene Hurley đương nhiệm giám mục GP Darwin đã xin nghỉ hưu ở tuổi cao niên. Đức Cha Eugene được bổ nhiệm giám mục GP Darwin trong suốt 11 năm qua, 9 năm làm giám mục GP Port Pirie, trước khi lên Darwin bắc Úc. Ngài đã từng ở cương vị giám mục trên 20 năm.
Đức Giám Mục Eugene Hurley sẽ chuyển sang chức giám quản tông toà giáo phận Darwin cho đến khi Đức Tân Giám Mục Charles Gauci chính thức nhậm chức. Tuy nhiên chưa rõ thời điểm phong chức.
Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge TGM giáo phận Brisbane, đương kim chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc Châu đã tuyên bối: Tôi hoan nghênh việc bổ nhiệm một nhân vật được coi là nổi tiếng trong lãnh vực chiều sâu tâm linh và dấn thân ra đi rao giảng Tin Mừng.
Đức Tổng Giám Mục Coleridge nói: “Cha Charles đã làm mục vụ cho đủ mọi tầng lớp trong xã hội, Ngài đã từng phục vụ tại các giáo xứ, làm tuyên uý cho các trường học, giám đốc linh đạo và đặc trách các chương trình tĩnh tâm”.
“Cha Charles sẽ là một món quà quý giá cho giáo phận Darwin. Ngài cũng là một bổ sung tốt cho Hội Đồng Giám Mục Úc nhờ kinh nghiệm lâu năm và đa dạng của Ngài trong vai trò của một linh mục và của một nhà giảng huấn đức tin”.
Giáo phận Darwin là một trong 3 giáo phận của Tổng Giáo Phận Adelaide, hay còn gọi là giáo tỉnh Adelaide, gồm có: GP Adelaide, GP Darwin và GP Port Pirie.
Hiện nay TGP Adelaide đang trống toà. Toà Thánh đã bổ nhiệm Đức Cha Greg. O’Kelly SJ giám mục giáo phận Port Pirie làm giám quản Tông Toà TGP Adelaide cho đến khi có quyết định mới của Đức Thánh Cha Phanxicô.
5. Tổng Giám Mục Đức đầu tiên công bố cho người phối ngẫu Tin Lành được rước lễ
Tờ Westfalenblatt cho biết Đức Tổng Giám Mục Hans-Josef Becker của Paderborn đã quyết định cho phép người phối ngẫu Tin Lành của người Công Giáo sống trong giáo phận của mình được Rước Lễ “trong từng trường hợp.”
Theo tờ Westfalenblatt, Đức Tổng Giám Mục nói với Hội Đồng Linh Mục tổng giáo phận vào ngày 27 tháng Sáu rằng tài liệu trước đây được gọi là “tài liệu mục vụ”, mà Hội Đồng Giám Mục Đức vừa tái công bố như một “hướng dẫn mục vụ” sau các cuộc thảo luận với Rôma, cho phép “sự giúp đỡ tinh thần để hình thành một quyết định lương tâm trong từng trường hợp kèm theo các chăm sóc mục vụ.”
Đức Tổng Giám Mục nói với tờ báo:
“Tại cuộc họp của Hội Đồng Linh Mục của Tổng Giáo Phận Paderborn vào ngày 27 tháng 6 năm 2018, tôi đã trình bày cách giải thích của tôi [về tài liệu này] và nói lên kỳ vọng rằng tất cả các linh mục trong Tổng Giáo Phận Paderborn sẽ tự làm quen với tài liệu hướng dẫn này và sẽ hành động theo tinh thần trách nhiệm mục vụ.”
Đề cập đến các cuộc hôn nhân hỗn hợp, Đức Tổng Giám Mục Becker nói thêm rằng qua phép rửa tội, đức tin Kitô giáo, và bí tích hôn nhân, hai Kitô hữu trong các kết hiệp hôn nhân này “hiệp nhất” với nhau. Người phối ngẫu Tin Lành trong các trường hợp như thế có thể có lòng khao khát mạnh mẽ được đón nhận Thánh Thể, và do đó nó là “vấn đề đi đến một quyết định có trách nhiệm về lương tâm”.
Đồng thời, vị Tổng Giám Mục 70 tuổi này nhấn mạnh rằng quyết định của ngài không tạo thành một “sự cho phép chung” bất cứ người Tin Lành nào cũng được Rước Lễ.
Được thành lập vào năm 799 sau Chúa Giáng Sinh, Tổng Giáo Phận Paderborn nằm ở bang North Rhine-Westphalia của Đức và có khoảng 1.5 triệu người Công Giáo.
6. Đức Hồng Y Müller chỉ trích các giám mục Đức muốn đặt hướng đi cho Giáo Hội
Đức Hồng Y Müller, cựu bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, mới đây đã trả lời phỏng vấn của tờ Catholic World Report về tình hình ở Đức, các căng thẳng nhân đề xuất cho một số người phối ngẫu Thệ Phản rước lễ, các tranh chấp liên tục về giáo huấn Giáo Hội liên quan đến việc phong chức cho phụ nữ cũng như đồng tính luyến ái.
Tin Lành hóa trắng trợn
Liên quan đến đề xuất rước lễ, Đức Hồng Y Muller nhận định rằng một nhóm các giám mục Đức dưới sự hướng dẫn của vị chủ tịch tự coi mình như những người đặt định xu hướng cho việc Giáo Hội Công Giáo tiến vào tính hiện đại. Họ coi việc tục hóa và phi Kitô Giáo của Âu Châu là một khai triển không thể đảo ngược. Vì lý do này, Tân Phúc Âm Hóa, tức chương trình của hai Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI, theo quan điểm của họ, là một trận chiến chống lại hướng đi khách quan của lịch sử, giống như Don Quixote đánh nhau với mấy chiếc cối xay gió. Họ tìm cho Giáo Hội một hốc đá để có thể sinh tồn trong yên ổn. Bởi đó, mọi tín lý đức tin nào chống lại “chính dòng”, tức đồng thuận có tính xã hội, đều phải được sửa đổi.
Một hậu quả của chủ trương trên là đòi hỏi rước lễ cho những người không có đức tin Công Giáo và cho cả những người Công Giáo không ở trong trạng thái có ơn thánh hóa. Cũng ở trên nghị trình của họ là: việc chúc lành cho các cặp đồng tính, rước lễ liên phái với người Thệ Phản, tương đối hóa tính bất khả tiêu của hôn nhân bí tích, việc cho phép các viri probati (những người đàn ông đã được thử thách) được thụ phong linh mục, bãi bỏ luật độc thân linh mục, chấp thuận các liên hệ tính dục trước và ngoài hôn nhân. Đó là các mục tiêu của họ, và để đạt được các mục tiêu này, họ sẵn lòng chấp nhận cả việc chia rẽ trong hội đồng giám mục.
Người tín hữu nào coi trọng tín lý Công Giáo bị khoác cho nhãn hiệu bảo thủ và bị đẩy ra khỏi Giáo hội, và bị chường mặt cho chiến dịch phỉ báng của các phương tiện truyền thông cấp tiến và chống Công Giáo.
Đối với nhiều giám mục, sự thật mặc khải và việc tuyên xưng đức tin Công Giáo chỉ là một biến số nữa trong nền chính trị quyền lực trong nội bộ Giáo Hội. Một số trong vị này viện dẫn các thỏa thuận cá nhân với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và nghĩ rằng những phát biểu của ngài trong các cuộc phỏng vấn với các nhà báo và nhân vật công cộng còn lâu mới là người Công Giáo đủ biện minh cho các chân lý vô ngộ của đức tin dù đã bị định nghĩa nhẹ hẳn đi. Tóm tắt, chúng ta quả đang đối phó với một diễn trình Thệ Phản hóa trắng trợn.
Ngược lại, đại kết với mục tiêu hợp nhất hoàn toàn mọi Kitô hữu đã được thể hiện trong Giáo Hội Công Giáo về phương diện bí tích. Tinh thần thế gian của hàng giám mục và giáo sĩ thế kỷ 16 là nguyên nhân của sự phân rẽ Kitô giáo, một điều hoàn toàn đi ngược lại ý muốn của Chúa Kitô, Đấng sáng lập ra Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Căn bệnh của thời đại đó bây giờ đáng lẽ là thuốc chữa để khắc phục sự phân rẽ. Sự thiếu hiểu biết đức tin Công Giáo vào thời đó có tính thảm khốc, đặc biệt là nơi các giám mục và các giáo hoàng, những vị cống hiến đời mình cho chính trị và quyền lực nhiều hơn cho việc làm chứng cho sự thật của Chúa Kitô.
Ngày nay, đối với nhiều người, việc được các phương tiện truyền thông chấp nhận quan trọng hơn sự thật, mà vì nó, chúng ta cũng phải chịu đau khổ. Hai Thánh Phêrô và Phaolô đã chịu tử đạo vì Chúa Kitô ở Rôma, trung tâm quyền lực vào thời của các ngài. Các ngài không được các nhà cai trị thế giới này tôn vinh như anh hùng, mà bị chế giễu giống như Chúa Kitô trên thập tự giá. Chúng ta không bao giờ nên quên chiều kích tử đạo của thừa tác vụ Phêrô và của chức giám mục.
Riêng đối với lý do tại sao cho phép một số phối ngẫu Thệ Phản của người Công Giáo rước lễ, Đức Hồng Y Muller cho rằng không giám mục nào có thẩm quyền ban rước lễ cho các Kitô hữu không có sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Chỉ trong một tình huống có nguy cơ tử vong, một người Thệ Phản mới có thể yêu cầu được giải tội bí tích và rước lễ như của ăn đàng (viaticum), nếu họ chia sẻ toàn bộ đức tin Công Giáo và do đó nhập vào sự hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo, mặc dù họ chưa tuyên bố chính thức việc mình trở lại.
Thật không may, ngay các giám mục ngày nay cũng không còn biết niềm tin của người Công Giáo vào tính hợp nhất của hiệp thông bí tích và hiệp thông giáo hội, và họ biện minh cho sự bất trung của họ đối với đức tin Công Giáo bằng điều gọi là quan tâm mục vụ hay giải thích thần học, những điều, tuy nhiên, mâu thuẫn với các nguyên tắc của đức tin Công Giáo. Mọi tín lý và thực hành phải được xây dựng trên Thánh Kinh và Truyền Thống Tông Đồ, và không được mâu thuẫn với những tuyên bố tín lý trước đây của Huấn Quyền Giáo Hội. Đây là trường hợp cho phép các Kitô hữu không phải Công Giáo được rước lễ trong Thánh lễ — không phải tình huống khẩn cấp đã được mô tả ở trên.
7. Đức Hồng Y Müller nói các Giám Mục Đức đang để cho thế giaan dạy bảo thay vì dạy bảo thế gian
Về việc sống đức tin ở Đức và ở Âu Châu, Đức Hồng Y Muller cho hay: Có rất nhiều người sống theo đức tin của họ, yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội của họ, và đặt tất cả hy vọng của họ vào Thiên Chúa lúc sống và lúc chết. Nhưng trong số họ có khá nhiều người cảm thấy bị bỏ rơi và bị phản bội bởi các mục tử của họ. Nổi tiếng trong công luận ngày nay là tiêu chuẩn để một giám mục hay một linh mục được cho là tốt. Chúng ta đang trải qua sự hồi tâm hướng về thế gian, thay vì hướng về Thiên Chúa, trái ngược với các phát biểu của Thánh Tông Đồ Phaolô: “Tôi đang tìm kiếm ân huệ của con người, hay của Thiên Chúa? Hay tôi đang cố làm làm vui lòng người ta? Nếu còn làm vui lòng người ta, tôi không nên là một đầy tớ của Thiên Chúa” (Gl 1:10).
Chúng ta cần các linh mục và các giám mục đầy nhiệt tâm đối với nhà Chúa, những người cống hiến đời mình hoàn toàn cho sự cứu rỗi của con người trong hành trình đức tin trở về quê nhà vĩnh cửu của chúng ta. Không có bất cứ thứ tương lai nào cho thứ “Kitô giáo Nhẹ”. Chúng ta cần những Kitô hữu có tinh thần truyền giáo.
Ngoại giao hay đức tin
Về việc phong chức phụ nữ và chỉ thị gần đây của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cho rằng không thể có việc phong chức này, Đức Hồng Y Muller nói rằng: Thật không may, ngay lúc này, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin không được đặc biệt tôn trọng bao nhiêu, và tầm quan trọng của nó đối với tính ưu việt của Phêrô không được thừa nhận. Phủ Quốc Vụ Khanh và ngành ngoại giao của Tòa Thánh rất quan trọng đối với mối liên hệ của Giáo Hội với các qốc gia khác nhau, nhưng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin quan trọng hơn đối với mối liên hệ của Giáo Hội với Đầu của Giáo Hội mà từ Người mọi ơn thánh đã phát sinh.
Đức tin là điều cần thiết cho sự cứu rỗi; nền ngoại giao của giáo hoàng có thể đạt được nhiều điều tốt đẹp trên thế giới. Nhưng việc công bố đức tin và tín lý không được phụ thuộc vào các yêu cầu và điều kiện của các trò chơi quyền lực trần thế. Đức tin siêu nhiên không phụ thuộc vào quyền lực trần gian. Trong đức tin, rõ ràng là bí tích Truyền Chức Thánh với ba bậc giám mục, linh mục và phó tế chỉ có thể được lãnh nhận một cách thành sự bởi một người đàn ông Công Giáo đã rửa tội, bởi vì chỉ có người này mới có thể tượng trưng và đại diện một cách bí tích cho Chúa Kitô là Phu Quân của Giáo hội. Nếu chức vụ linh mục được hiểu là một chức vụ quyền lực, thì tín lý này về việc dành các Chức Thánh cho những người Công Giáo thuộc phái nam là một hình thức kỳ thị chống lại phụ nữ.
Nhưng quan điểm về quyền lực và tiếng tăm xã hội trên là sai. Chỉ khi nào chúng ta nhìn mọi tín lý đức tin và bí tích bằng con mắt thần học, thay vì bằng con mắt quyền lực, thì tín lý đức tin liên quan đến các điều kiện tiên quyết tự nhiên của bí tích Truyền Chức Thánh và hôn nhân mới hiển nhiên đối với chúng ta. Chỉ có một người đàn ông mới có thể tượng trưng cho Chúa Kitô là Phu Quân của Giáo Hội. Chỉ một người đàn ông và một người đàn bà mới có thể tượng trưng cho mối liên hệ của Chúa Kitô với Giáo Hội.
8. Quan điểm của Đức Hồng Y Müller về vấn đề đồng tính luyến ái
Về cuốn sách gần đây của Daniel Mattson về đồng tính luyến ái có tựa đề “Tại Sao Tôi Không Gọi Mình Là Người Hoạt Động Đồng Tính?”, Đức Hồng Y Muller nhận định rằng: Cuốn sách của Daniel Mattson được viết từ viễn ảnh cá nhân. Nó được xây dựng trên một sự suy tư trí thức sâu sắc về tình dục và hôn nhân, điều này làm cho nó khác với bất cứ loại ý thức hệ nào. Do đó, nó giúp người bị thu hút đồng tính nhận ra phẩm giá của họ và đi theo con đường có lợi trong việc phát triển nhân cách của họ, chứ không để mình bị sử dụng như những con tốt trong đòi hỏi quyền lực của các nhà ý thức hệ. Con người nhân bản là một thể thống nhất bên trong của nguyên lý tổ chức tinh thần và vật chất, và do đó, là một ngôi vị và chủ thể hành động tự do của một bản chất vừa có tính tinh thần, tính thể xác và tính xã hội.
Người đàn ông được được tạo dựng cho người đàn bà và người đàn bà được tạo dựng cho người đàn ông. Mục đích của hiệp thông hôn nhân không phải là quyền lực của người này trên người kia, mà đúng hơn, là sự kết hợp trong yêu thương tự hiến, trong đó cả hai cùng lớn lên và cùng nhau đạt được mục tiêu nơi Thiên Chúa. Ý thức hệ tình dục, một ý thức hệ giản lược con người vào việc hưởng lạc tình dục, thực sự thù địch đối với tình dục, vì nó phủ nhận rằng mục tiêu của việc làm tình và eros (dục tính) là agape (bác ái, tình yêu đúng nghĩa). Con người nhân bản không thể để mình bị hạ xuống hàng một con vật phát triển cao độ. Họ được mời gọi yêu thương. Chỉ khi tôi yêu người khác vì chính họ thì tôi mới đi vào chính tôi; chỉ khi đó tôi mới tự do thoát khỏi nhà tù tự kỷ nguyên thủy của tôi. Người ta không làm mình được thành toàn bằng cách gây hại đến người khác.
Luận lý học của Tin Mừng có tính cách mạng trong một thế giới duy tiêu thụ và yêu mình thái quá. Vì chỉ có hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi, không còn khư khư giữ một mình, mới tạo ra nhiều kết quả. “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này sẽ giữ cho nó hưởng sự sống đời đời” (Ga 12:25).