Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Mùa Phục Sinh kết thúc với Lễ Kính Thờ Thiên Chúa Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần, đặc biệt qua mầu nhiệm Người hiện xuống trên các Thánh Tông Đồ ngày Lễ Ngũ Tuần, chính thức khai sinh nên Hội Thánh. Chân dung Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể, nhập thế đã được lịch sử ghi nhận, cách riêng bốn Tin Mừng đã góp phần trình bày cách rõ nét. Người ta cũng có thể dùng loại suy để hướng về Thiên Chúa Cha. Vì ai thấy Chúa Kitô là thấy Chúa Cha (x.Ga 14,9). Còn Chúa Thánh Thần là Đấng mà chúng ta dường như chỉ có thể nhận ra qua hoa trái của Người theo dòng lịch sử và đặc biệt theo dòng lịch sử cứu độ. Chúa Kitô đã từng ví Người như là gió (x.Ga 3,8). Điều này không chỉ nói lên sự tự do của Thánh Thần mà còn giúp ta nhận ra sự hiện diện của Thánh Thần qua các kết quả hành động của Người. Qua một vài hoa trái đặc trưng của Thánh Thần, chúng ta cũng có thể biết được cách thế hữu hiệu để trãi lòng mình ra đón nhận tác động của Người.

1. ƠN NGÔN NGỮ:

Ngôn ngữ được biểu hiện dưới nhiều hình thái như chữ viết, ký hiệu...nhưng ở đây chỉ muốn đề cập đến tiếng nói. Tiếng nói là một trong những ưu phẩm của loài người trỗi vượt trên các loài thụ tạo hữu hình. Nhờ có tiếng nói mà con người có thể truyền thông cho nhau tâm tư tình cảm và những nghĩ suy của mình. Nhờ có tiếng nói con người có thể hiệp thông với nhau cách đầy đủ và hiệu quả hơn, rộng rãi và sâu đậm hơn.

Đọc Thánh Kinh, nhất là đọc Tân Ước, chúng ta có thể chân nhận một trong những hoa trái của Thánh Thần là ơn ngôn ngữ. Khi Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa hiện xuống trên các Tông đồ ngày Lễ Ngũ Tuần, Người đã ban cho các ngài ơn được nói các thứ tiếng khác nhau (x.Cvtđ 2,1-13). Sách Công vụ tông đồ cũng tường thuật nhiều trường hợp những người lãnh nhận ơn Thánh Thần thì được ơn nói tiếng lạ, nói tiên tri (x.Cvtđ 10,45-46; 19,6-7). Chúa Giêsu an ủi động viên các tông đồ khi chịu bắt bớ thì Thánh Thần sẽ nói thay cho các ngài (x.Mt 10,20). Được Chúa Thánh Thần tác động chúng ta sẽ biết nói điều phải đạo, nói điều phải nói, nói lời tình yêu, nói lời chân lý.

Các nhà y học cho ta hay một sự thật về những người vừa câm vừa điếc từ thưở mới sinh. Chính vì bị tật bệnh điếc bẩm sinh nên người ta mới bị câm. Khả năng nói là một khả năng mà người ta học được nhờ bắt chước tha nhân. Không nghe được tiếng nói của tha nhân thì trẻ thơ không thể tập nói được. Như thế một trong những điều kiện tối cần để có thể nói được đó là có khả năng nghe.

Từ dữ kiện ở bình diện thể lý tự nhiên trên đây chúng ta có thể diễn suy lên bình diện siêu nhiên. Để có thể nói lời phải đạo, lời đáng nói, cần nói và nên nói, để có thể nói lời chân lý, lời tình yêu, nghĩa là nói dưới tác động của Chúa Thánh Thần thì tiên vàn chúng ta cần biết nghe. Dĩ nhiên là phải biết nghe Chúa Thánh Thần thúc đẩy, biết nghe Người phán dạy.

Xin hãy biết nghe bằng đời sống cầu nguyện chuyên chăm, bằng sự chiêm niệm sâu lắng. Xin hãy biết nghe lời chỉ dạy của mẹ Hội Thánh, nhất là trong lãnh vực đức tin và luân lý. Xin hãy biết nghe những nhà lãnh đạo các quốc gia, đặc biệt trong lãnh vực công bình và ích chung. Xin hãy biết nghe, bằng việc tiếp xúc tha nhân, nhất là những người nghèo, những người thấp cổ, kém phận. Xin hãy biết nghe những người không đồng thuận với chính kiến của ta, biết nghe cả những người trái ý ta...trong sự trân trọng và khiêm nhu chân thành. Một khi ta biết sẵn sàng lắng nghe, lắng nghe để thuận theo những gì phải đạo, để ngăn ngừa và phòng tránh những gì sai lạc...là lúc ta đang sẵn sàng đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần. Và khi ấy chắc chắn chúng ta sẽ biết cách nói theo hướng dẫn của Đức Chúa Trời Ngôi Ba.

2.ƠN XÂY DỰNG SỰ HIỆP NHẤT:

Ngày lễ Ngũ Tuần, khi hiện xuống trên các Tông đồ, Chúa Thánh Thần một cách nào đó thông ban ơn xây dựng sự hiệp nhất. Nhiều người thuộc nhiều quốc gia, dân tộc và tiếng nói có mặt lúc bấy giờ đã hiểu những lời rao giảng của các Tông đồ (x.Cvtđ 2,13). Chúa Thánh Thần chính là nguyên lý của sự hiệp nhất. Người làm cho muôn dân nên một trong Đức Kitô.

Nói đến sự hiệp nhất là giả thiết phải nhìn nhận sự khác biệt. Có những sự khác biệt chính đáng vốn là tất yếu khách quan. Đó là sự khác nhau về màu da, chủng tộc hay ngôn ngữ. Đó là sự khác nhau về phận vị, nghề nghiệp do sự phân công, phân nhiệm của xã hội. Đó là sự khác nhau về tư tưởng, chính kiến hay quan niệm sống do bởi hoàn cảnh lịch sử hay nền văn hóa chi phối hoặc do ý thức tự chọn của mỗi người xét như một chủ thể có lý trí và ý chí tự do... Nếu không nhìn nhận và tôn trọng những khác biệt chính đáng này thì chỉ có sự đơn nhất và đồng nhất trong bạo lực của độc tài, độc đoán, độc quyền. Và sự chia rẽ sẽ xuất hiện vì nhu cầu đấu tranh sinh tồn.

Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi ơn...nhưng tất cả là để phục vụ ích chung (x.1Cor 12,4-6). Sự hiệp nhất ở đây được thể hiện nơi việc cùng huớng đến một mục đích: ích chung. Văn hào St Exupéry cảm nhận chân lý này khi nói: “yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau mà cùng nhau nhìn về một hướng”. Tại Hội Đồng Lỉên Hiệp Quốc tháng 4/2008 Đức Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: ích chung của nhân loại xét như là con người đó là nhân quyền. Những quyền lợi căn bản của con người (quyền sống, lao động, học tập, cư trú, đi lại, ngôn luận... ) mà Liên Hiệp Quốc tuyên bố cách đây trên 60 năm chính là một trong những mục đích chính yếu giúp ta hiệp nhất với nhau khi ta nỗ lực dệt xây.

Mong sao người ta đừng đánh lận con đen giữa ích chung và ích riêng, ích riêng của cá nhân hay phe phái của mình. Mong sao hai từ phục vụ được thể hiện cách đích thực là việc làm của người tôi tớ. Cũng mong sao ngày càng hiếm dần và mất hẳn cái cảnh các “quan đầy tớ đạo đời” vinh thân phì da, miệng lưỡi gang thép, chỉ tay năm ngón...để cho đoàn đoàn lớp lớp ông chủ phải khom lưng chầu chực và cật lực hầu hạ.

Chúa Thánh Thần đã được ban cho nhân loại từ Trái Tim Cực Thánh của Chúa Kitô chịu đâm thâu trên thập giá (x.Ga 19,31-37). Chúa Thánh Thần đã được ban cho Hội Thánh cách đặc biệt ngày Lễ Ngũ Tuần. Mong sao khi “lửa cháy” và “gió lên” thì phát sinh nhiều hiệu quả tốt đẹp, nhờ chúng ta biết sẵn sàng đón nhận, nếu không thì hậu quả sẽ là “tro và bụi” thật nguy hiểm và thật khó lường.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.