Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một tông huấn mới, Gaudete et Exsultate (Mừng rỡ Hân hoan), trong đó ngài đưa ra các chỉ dẫn thực hành nhằm đạt đến sự thánh thiện trong thế giới hiện đại.
Toàn bộ Tông huấn được chia làm 5 chương với 177 đoạn.
Đức Thánh Cha nói rằng tài liệu này “không phải muốn trở thành là một luận văn về sự thánh thiện”, nhưng muốn “tái đề nghị lời mời gọi thánh thiện một cách thực tế cho thời đại chúng ta, với mọi rủi ro, thách thức và cơ hội”.
Sự thánh thiện, theo Đức Thánh Cha, không chỉ dựa vào lời cầu nguyện thôi mà còn phải bao gồm việc phục vụ những người quẫn bách và việc tự làm chủ bản thân.
Ngài đưa ra một ví dụ: “một người phụ nữ đi mua sắm, cô ấy gặp một người hàng xóm và họ bắt đầu nói chuyện, và những lời tán gẫu bắt đầu nổi lên. Nhưng cô ấy nói trong tâm hồn mình: ‘Không, tôi sẽ không nói xấu ai’. Đây là một bước tiến trong sự thánh thiện.”
Ngài viết tiếp: “Sau đó, ở nhà, một đứa con của cô muốn nói chuyện với cô về những hy vọng và ước mơ của nó, và mặc dù mệt mỏi, cô ấy ngồi xuống và lắng nghe với sự kiên nhẫn và tình yêu. Đó là một sự hy sinh mang lại sự thánh thiện.”
“Sau đó cô ấy cảm nghiệm một số lo lắng, nhưng nhớ lại tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria, cô ấy lấy chuỗi hạt của mình ra và cầu nguyện lòng đầy đức tin. Một con đường thánh thiện khác lại mở ra. Sau đó, cô ấy đi ra đường, gặp một người nghèo và dừng lại để nói một lời tốt đẹp với người ấy. Lại thêm một bước hướng đến sự thánh thiện.”
Mở rộng thêm trong bối cảnh gặp người vô gia cư vào một đêm lạnh giá, Đức Giáo Hoàng viết: “Tôi có thể xem ông ta như là một điều bực bội.. . hoặc tôi có thể đáp lại với đức tin và đức ái, và tôi nhìn thấy trong người này một con người có phẩm giá giống hệt như phẩm giá của riêng tôi.”
“Một Kitô hữu là như thế!”
Trong chương thứ ba, Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào mỗi mối phúc trong tám mối phúc thật và cách Kitô hữu có thể sống theo những đòi buộc này, và sau đó trong chương bốn, ngài hướng cái nhìn của độc giả vào những dấu chỉ của sự thánh thiện trong thế giới ngày nay, bao gồm sự kiên nhẫn, hiền lành và niềm vui.
Đức Thánh Cha cũng chỉ trích các Kitô hữu chỉ tập trung vào một vấn đề chuyên biệt, chẳng hạn như phá thai, hay việc gây thiệt hại cho người khác.
Mặc dù việc chống đối phá thai “cần phải rõ ràng, mạnh mẽ và nhiệt thành, vì ở đây mối đe dọa là phẩm giá của một mạng sống con người, là điều luôn luôn là thánh thiêng”, tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm: “Cuộc sống của người nghèo, là những người đã chào đời, đang trong cảnh thiếu thốn, bị bỏ rơi và bị thiệt thòi, cũng thánh thiêng không kém”
Đức Thánh Cha đặc biệt chỉ trích những người theo thuyết “tân Pelagia”, mà theo Đức Thánh Cha, là những người “bị ám ảnh bởi lề luật, bởi những lợi ích xã hội và chính trị, bởi một mối quan tâm thận trọng đối với phụng vụ, giáo lý và uy tín của Giáo Hội, và một sự mơ hồ về khả năng đối phó với các vấn đề thực tiễn, cũng như sự quan tâm quá mức đối với các chương trình tự hoàn thiện cá nhân.”
Ngài nhận xét rằng: “Một số Kitô hữu dành quá nhiều thời gian và sức lực cho những điều này, hơn là để cho Thánh Linh dẫn dắt mình theo con đường yêu thương”.
Đức Thánh Cha cảnh báo rằng chủ nghĩa “tân pelagia” này có thể khiến cho Giáo hội “trở thành một bảo tàng viện hoặc là sở hữu của một số ít người được chọn.”
Trong chương cuối cùng, Đức Giáo Hoàng nhắc đến ma quỷ nhiều lần, đó không phải là “chuyện thần thoại” và các Kitô hữu cần phải có tinh thần chiến đấu liên tục chống lại ma quỷ.
Ngài nói: “Chúng ta không nên nghĩ về ma quỷ như một huyền thoại, một biểu trưng, một biểu tượng, một hình dung từ hoặc một ý tưởng”.
“Sai lầm này sẽ dẫn chúng ta đến sự mất cảnh giác, gây ra những bất cẩn và cuối cùng dễ bị tổn thương hơn. Ma quỷ không cần phải nhập vào chúng ta. Nó đầu độc chúng ta với những nọc độc của hận thù, biệt lập, ghen tị và tội lỗi. Khi chúng ta mất cảnh giác, nó tận dụng cơ hội để phá hủy cuộc sống của chúng ta, gia đình và cộng đồng của của chúng ta.”
Tông huấn cũng đặc biệt nhắc đến Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận của Việt Nam. Đức Thánh Cha viết:
“Khi Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận bị giam trong tù, ngài đã không mòn mỏi chờ đợi được trả tự do. Nhưng chọn lựa của ngài là: ‘Tôi sống giây phút hiện tại, tràn đầy tình thương’; và cách ngài cụ thể hóa điều đó là: ‘Tôi lợi dụng những cơ hội xảy ra mỗi ngày, để hoàn thành những công việc thông thường một cách ngoại thường’”.
Tông huấn này là tài liệu quan trọng thứ năm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sau Lumen Fidei, Laudato Si ', Evangelii Gaudium và Amoris Laetitia.
Tông huấn Gaudete et Exsultate (Mừng rỡ Hân hoan) của Đức Thánh Cha Phanxicô về “ơn gọi thánh thiện trong thế giới hiện đại” đã được công bố vào sáng ngày thứ Hai 9 tháng Tư., Đức Thánh Cha đã ký vào tài liệu này ngày 19 tháng Ba năm nay, lễ kính Thánh Giuse.
Tài liệu này đã được Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, Giám quản Giáo phận Roma trình bày tại một cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh.
Tham dự cùng Đức Tổng Giám Mục còn có nhà báo Gianni Valente, một người Ý làm việc cho Fides, cơ quan thông tấn xã Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và Paola Bignardi, một nhà giáo dục và là cựu Chủ tịch Tổ chức Công Giáo Tiến Hành Italia.
Tựa đề của lời Tông huấn là cụm từ được sử dụng trong Phúc Âm Matthêu chương 5 câu 12, phần cuối của Tám Mối Phúc Thật “Anh em hãy mừng rỡ hân hoan, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.”
2. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về Tông huấn Gaudete et Exsultate
Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, là Tổng Giám Mục Galveston-Houston và Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ Công Giáo, đã ra thông báo hoan nghênh Tông huấn “Gaudete et Exsultate” (Mừng rỡ Hân hoan) của Đức Thánh Cha Phanxicô về “Ơn gọi thánh thiện trong thế giới đương đại.” Trong tuyên bố, Đức Hồng Y DiNardo bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của ngài đối với Đức Thánh Cha vì những lời khuyên và lời mời gọi mỗi Kitô hữu “thừa nhận và mở lòng mình ra với những điều Thiên Chúa mong muốn nơi họ.”
Đức Hồng Y DiNardo viết về “Gaudete et Exsultate” như sau:
“Tôi muốn đích thân bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của tôi với Đức Thánh Cha vì những lời mạnh mẽ, và thẳng thắn của ngài trong Tông huấn Gaudete et Exsultate. Trong Tông huấn này, Đức Thánh Cha Phanxicô rất rõ ràng - Ngài đang làm nhiệm vụ của mình như là vị Đại Diện Chúa Kitô, bằng cách thúc giục mạnh mẽ mỗi và mọi Kitô hữu, một cách tự do vô điều kiện, hãy nhìn nhận và mở lòng mình ra với những gì Thiên Chúa mong muốn nơi họ: Đó là: “nên thánh, như Ngài là thánh” (1 Pr 1:15) Nhiệm vụ được ủy thác cho mỗi người chúng ta trong Nước Rửa Tội rất đơn giản - nhờ ân sủng và quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi để trở thành những vị thánh.
'Đừng sợ sự thánh thiện (số 32).' Những lời này của Đức Thánh Cha đã bật lên trong tôi khi tôi đọc Tông huấn này lần đầu tiên. Một cách nào đó, mỗi người chúng ta có một nỗi sợ hãi không dám cố gắng vươn đến sự thánh thiện - một nỗi sợ hãi rằng chúng ta sẽ bị người đời chế giễu, chê chối, hoặc thậm chí ghét bỏ, chúng ta sẽ bị tách biệt khỏi đám đông. Tuy nhiên, đó chính là những gì Chúa đã kêu gọi mỗi người và mọi người trở nên! Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta: Một Kitô hữu không thể nghĩ đến sứ mệnh của mình trên trái đất này nếu không nhìn thấy sứ mệnh ấy là một con đường nên thánh, vì 'đây là ý muốn của Thiên Chúa, đó là sự thánh hóa anh em (1 Thes 4: 3) (số 19.). '
Đức Thánh Cha mô tả sự thánh thiện đến qua những cố gắng hàng ngày mà mỗi người chúng ta phải đối mặt. Trong cuộc sống thường nhật, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta: 'Chúng ta cần nhận biết và chống lại khuynh hướng hung hăng và ích kỷ của chúng ta, và đừng để cho chúng đâm rễ sâu trong chúng ta' (số. 114). Tuy nhiên, ngài nói, đây là trận chiến thật ngọt ngào, vì nó cho phép chúng ta vui mừng mỗi khi Chúa chiến thắng trong cuộc sống của chúng ta '(số 158).
Một đoạn văn đặc biệt chỉ ra sự cần thiết phải hành động một cách lịch thiệp trong tất cả các tương tác của chúng ta, đặc biệt là khi sử dụng các phương tiện truyền thông. Đức Thánh Cha viết: “Các Kitô hữu cũng có thể bị lôi cuốn vào mạng lưới bạo lực bằng lời nói thông qua internet và các diễn đàn truyền thông kỹ thuật số”. Điều này có thể đúng ngay cả trong các phương tiện truyền thông Công Giáo (số 115). Ngay cả trong những bất đồng nóng giận của chúng ta với nhau, chúng ta luôn luôn cần phải nhớ rằng chính Thiên Chúa là Đấng phán xét chứ không phải con người (Giacôbê 4:12).
Trong ánh sáng của niềm vui Phục Sinh, khi chúng ta cử hành sự sống lại của Chúa chúng ta, tôi khuyến khích mọi Kitô hữu nhen nhóm lại ơn gọi nên thánh khi được rửa tội của chúng ta bằng cách đọc những lời khuyên tuyệt vời này của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt là phần rất đẹp về Tám Mối Phúc Thật. Qua việc trình bày Hiến Chương Nước Trời, và đưa ra những ví dụ về cách sống ơn gọi nên thánh của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, Đức Thánh Cha đã ban cho chúng ta một công cụ tuyệt vời để đổi mới tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho nhau.”
3. Tình trạng của các tín hữu Kitô tại dải Gaza
Theo linh mục Công Giáo duy nhất tại dải Gaza, trong sáu năm qua số Kitô hữu trong lãnh thổ này đã giảm mạnh từ 4,500 người xuống còn 1,000, do những điều kiện khắc nghiệt mà họ phải đối phó trong cuộc sống.
Người dân tại Gaza “sống trong một nhà tù lộ thiên vì chúng tôi không thể đi ra đi vào lãnh thổ này. Chúng tôi không thể thăm người thân, tìm việc làm, thuốc men hay bệnh viện tốt ở bên ngoài”, cha Mario da Silva nói với ACI Prensa.
Dải Gaza có diện tích 365 km vuông, là một phần của Palestine, nằm ở phía tây Israel với dân số 1.8 triệu người. Kể từ năm 2007, lãnh thổ này đã được cai trị bởi phong trào Hồi giáo Hamas.
Kể từ khi Hamas lên nắm quyền ở đó, Israel và cả Ai Cập đã phong tỏa kinh tế dải Gaza, hạn chế dòng người và hàng hóa ra vào vùng đất nhằm giảm bớt các vụ tấn công hoả tiến bắn vào Israel từ lãnh thổ này.
Cha Silva, linh mục của Dòng Ngôi Lời, nhớ lại rằng khi ngài đến Gaza vào năm 2012 “tình hình đã rất khó khăn. Theo thời gian, tôi hy vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn, nhưng nó chỉ trở nên tồi tệ hơn.”
Người dân Gaza chỉ có điện trong ba giờ mỗi ngày, và thiếu nước uống.
Hầu hết người dân Gaza đang thất nghiệp, và những người làm việc phải sống với số tiền ít ỏi “khoảng 150-200 đô la một tháng”.
“Gaza thực sự là một nhà tù. Mọi người không có tiền và có một tình hình thật khủng khiếp. Đó là tình trạng đói nghèo tràn lan.”
Các điều kiện khắc nghiệt tại Gaza đã dẫn đến những cuộc di dân của người Kitô hữu Palestine.
Cha Silva cho biết thêm: “Mỗi năm các tín hữu Kitô được phép thăm viếng những nơi thánh trong Lễ Phục Sinh và Giáng Sinh”, và nhiều người trong số họ ra đi không bao giờ trở lại”.
4. Bạo lực bùng lên tại dải Gaza
Hàng chục người đã thiệt mạng kể từ hôm thứ Sáu 6 tháng Tư vừa qua khi các cuộc đối đầu bạo lực giữa những người biểu tình Palestine và các lực lượng Israel đã bùng lên dọc biên giới Israel-Gaza.
Quân đội Israel đã bắn đạn thật thẳng vào những người biểu tình Palestine dọc theo hàng rào biên giới. Theo quân đội Israel, bạo lực trong những ngày này được kể là khốc liệt nhất tại Gaza từ năm 2014.
Bảy người, kể cả một thiếu niên, đã bị bắn chết ở miền đông Gaza vào hôm thứ Sáu. Bộ Y tế Palestine ở Gaza cho biết như trên trong một tuyên bố.
Hơn 1,000 người bị thương, ít nhất 25 người trong số đó bị thương nghiêm trọng. Hàng chục người bị thương đã được điều trị gần hàng rào biên giới. Mười hai phụ nữ và 48 trẻ em nằm trong số những người bị thương.
Những căng thẳng đã bùng lên ở cả hai phía của biên giới Gaza-Israel trong ngày 6 tháng Tư là ngày người Palestine gọi là ngày “Thứ Sáu Cuồng Nộ”. Đó là một phần trong các cuộc biểu tình “March of Return”, với mục tiêu là vượt qua hàng rào biên giới và trở về những vùng đất của họ, nay đã trở thành một phần của Israel.
5. Tin tức loan truyền nhanh trên Internet về hiện tượng máu Chúa rỉ ra tại Đền Thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem
Sau khi được hạ xuống từ trên thánh giá, thi thể Chúa được đặt lên một phiến đá để xức dầu trước khi chôn cất. Phiến đá ấy được gọi là “the Stone of the Anointing” (Phiến đá xức dầu) và được đặt bên trong Đền Thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem.
Trong tuần qua, tin tức loan truyền rất nhanh trên Tweeter nói rằng đã xảy ra hiện tượng máu rỉ ra từ hôm Thứ Sáu Tuần Thánh Chính Thống Giáo 6 tháng Tư vừa qua.
Một tweet đọc được như sau: “Tin tức mới nhất từ #Jerusalem tại nhà thờ Phục Sinh: máu được rò rỉ từ phiến đá đặt thi thể Chúa Giêsu trước khi chôn cất. Bạn có thể nghe thấy cảnh sát Israel đang đóng cửa khu vực này”, đã được retweet khoảng 1,800 lần và nhận được hơn 2,500 cái likes trong vài giờ đầu tiên. Tweet này do Twitter Nicola Kanaan tung ra.
Nhà thờ Thánh Mộ - Holy Church of the Holy Sepulchre - là danh từ của Công Giáo, người Chính Thống Giáo gọi là nhà thờ Phục sinh – Holy Church of Resurrection.
Các tweet được chia sẻ và đánh giá cao ngay trong ngày đầu tiên trên trang web Reddit, nơi người dùng chủ yếu vào để xem một video là có thật hay không.
Khi bị chất vấn bởi các Twitter khác là những người không thể tìm thấy thông tin về vấn đề này từ các nguồn khác, Kanaan tung ra một đoạn video thứ hai, mà ông cho là cảnh quay bên ngoài Nhà thờ Mộ Thánh cho thấy đám đông đang xô đẩy nhau để vào nhà thờ xem phép lạ.
Sự thật là gì?
Video trong đó ông Kanaan tuyên bố là “tin tức mới nhất” và ông đã tận mắt chứng kiến hôm 06 tháng Tư năm 2018, thực ra đã được chính ông tải lên YouTube vào ngày 11 tháng Chín năm 2015. Nói cách khác, ông Kanaan không nói sự thật. Tin này chỉ là fake news.
Nhiều người ngây thơ tung tin giả với dụng ý cổ vũ lòng đạo đức nơi người khác. Tin giả không làm tăng vinh quang Chúa, gây nên nên thất vọng, và là một dấu chỉ phản chứng của niềm tin Kitô. Hãy nghe lời Chúa cảnh báo:
“Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Ðức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Ðừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Ðừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Ðừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Ðức Vua cao cả. Ðừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay đen được. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ. (Mt 5, 33-37).
6. Số người Công Giáo Hoa Kỳ tham dự các thánh lễ đang giảm dần
Căn cứ vào một cuộc khảo sát cuả viện Gallup, thì số lượng người Công Giáo Hoa Kỳ đi dự lễ đã giảm nhanh và đều đặn trong vòng 10 năm qua, nay chỉ còn có 39 %.
So với những năm 2005-2008, số trung bình những người đi dự thánh lễ trong vòng 7 ngày là 45%, nhưng từ năm 2014 cho đến 2017 thì giảm 6 %.
Thời hoàng kim có lẽ là vào năm 1955, khi mà 3 trong 4 người Công Giáo đã không quên đi dự thánh lễ hằng tuần, lúc đó số tham dự trung bình cho mọi lứa tuổi là 75%.
Đối với số người trẻ tuổi từ 21 đến 29, trong những năm 2005-2008 có sự gia tăng đến 29%, nhưng qua đợt thống kê mới nhất, năm 2014-2017, lại giảm chỉ còn có 25%.
Nhóm tuổi tham dự cao nhất là 60 tuổi trở lên, bây giờ đang là 49%, tức là đã giảm so với 59% trong 10 năm vừa qua.
Viện Gallup cũng lưu ý rằng tuy sự tham dự Thánh Lễ hàng tuần sút giảm nhưng tỷ lệ tổng thể của những người Mỹ nhận mình là người Công Giáo thì “khá ổn định,” tức là không giảm, lý do có lẽ là, theo viện Gallup, là do sự tăng triển của số dân nhập cư gốc Latin.
Cuộc nghiên cứu cũng cho biết về số người dự lễ cuả các nhà thờ Tin Lành, vẫn khá ổn định, giữ vững ở mức 45% trong mười năm qua, mặc dù số giáo dân Tin Lành nói chung đang giảm sút đáng kể, từ 71% vào 60 năm trước, bây giờ chỉ còn có 47% trên tổng số dân Mỹ.
7. Đức Giáo Hoàng nói với Thừa Sai Lòng Thương Xót rằng sự phục vụ của họ rất quý giá cho Giáo Hội
Trong buổi tiếp kiến chung với khoảng 550 các Thừa Sai Lòng Thương Xót tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tái khẳng định rằng nhiệm vụ của họ rất cần thiết cho Giáo Hội và cũng nhắc nhở họ rằng con đường của người Kitô là một con đường đầy khó khăn “với những tảng đá dễ vấp ngã và những vỏ chuối dễ trượt chân.”
Hội Đồng Giáo Hoàng về Phúc Âm Hóa đã tổ chức một cuộc họp mặt các Thừa Sai Lòng Thương Xót tại Roma trong vài ngày để cầu nguyện và tường trình. Trong cuộc gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào hôm thứ Ba, Đức Giáo Hoàng đã nói rằng họ đang cung cấp một dịch vụ thiết yếu cho Giáo Hội
Mặc dầu mục đích ban đầu của Đức Giáo Hoàng là giao nhiệm vụ chọ họ chỉ giới hạn trong Năm Lòng Thương Xót thôi, nhưng Đức Giáo Hoàng đã quyết định gia hạn nhiệm vụ và khuyến khích họ tiếp tục cải tiến “sứ vụ thương xót” vì có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều người đã hoán cải trở lại nhờ sự phục vụ của họ.
Chúng ta cần phải trông thấy Chúa Kitô phục sinh từ bên trong, lấy tay sờ vào các vết thương, dấu chỉ tình yêu của Ngài như tông đồ Toma, và nhận ra Ngài qua các vết thương như các môn đệ xưa kia. Bước vào trong các vết thương của Chúa là chiêm ngưỡng tình yêu vô bờ vọt ra từ trái tim Ngài, là sờ mó được tình yêu thương xót của Ngài, là Đấng luôn luôn tha thứ cho chúng ta.
8. Thánh lễ kính Lòng Thương Xót Chúa tại Vatican
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng Thánh Lễ cử hành lúc 10 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót trước thềm đền thờ Thánh Phêrô, với sự tham dự của hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có 60 Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và 550 Linh Mục, thừa sai Lòng Thương Xót Chúa.
Quảng diễn trình thuật Phúc Âm kể lại biến cố Chúa Kitô phục sinh hiện ra với các tông đồ có sự hiện diện của Tôma, là người không chỉ muốn trông thấy Chúa, mà còn lấy tay sờ vào các vết thương cuộc khổ nạn của Ngài nữa, Đức Thánh Cha ghi nhận động từ “trông thấy” được lập lại nhiều lần. “Các môn đệ vui mừng trông thấy Chúa” (Ga 20,20); và họ nói với Toma: “Chúng tôi đã trông thấy Chúa” (c. 25). Nhưng Phúc Âm không miêu tả họ trông thấy Chúa thế nào, cũng không miêu tả Đấng Phục Sinh, mà chỉ ghi nhận một đặc điểm: “Ngài tỏ cho các ông thấy tay và cạnh sườn” (c. 20). Xem ra Phúc Âm muốn nói với chúng ta rằng các môn đệ đã nhận ra Chúa qua các vết thương của Ngài. Tôma cũng đã muốn trông thấy “dấu đanh trong các tay của Chúa” (c. 25) và ông tin sau khi đã trông thấy (c. 27).
Chúng ta phải cám ơn tông đồ Tôma vì ông đã không chỉ bằng lòng nghe các người khác nói rằng Chúa Giêsu sống, và trông thấy Ngài bằng xương bằng thịt, mà ông đã muốn trông thấy bên trong, lấy tay sờ vào các vết thương là các dấu chỉ tình yêu của Chúa. Phúc Âm gọi ông là “Didimo” có nghĩa là song sinh. Và trong nghĩa này Tôma thật sự là anh em song sinh của chúng ta. Vì đối với cả chúng ta nữa biết rằng có Thiên Chúa thôi không đủ: một Thiên Chúa phục sinh nhưng xa xôi không làm tràn đầy cuộc sống chúng ta; một Thiên Chúa xa cách, cho dù có công bằng và thánh thiện tới đâu đi nữa, cũng không lôi kéo chúng ta. Không, chúng ta cần “trông thấy Thiên Chúa”, tay sờ vào Đấng đã sống lại vì chúng ta.
Chúng ta có thể trông thấy Ngài qua các vết thương. Khi nhìn vào đó, các môn đệ đã hiểu rằng Chúa đã không yêu thương họ để giỡn chơi, và Ngài tha thứ cho họ, mặc dầu giữa họ dã có người chối bỏ Ngài, có người bỏ rơi Ngài. Đức Thánh Cha định nghĩa việc bước vào trong các vết thương của Chúa như sau:
Bước vào trong các vết thương của Chúa là chiêm ngưỡng tình yêu vô hạn vọt ra từ trái tim Ngài. Là hiểu rằng con tim Ngài đập cho tôi, cho bạn, cho từng người trong chúng ta. Anh chị em thân mến, chúng ta có thể coi mình là kitô hữu và nói về biết bao nhiêu giá trị của đức tin, nhưng như là các môn đệ chúng ta cần trông thấy Chúa Giêsu bằng cách sờ mó tình yêu của Ngài. Chỉ như thế chúng ta mới đi vào con tim của đức tin, và như là môn đệ chúng ta tìm thấy một sự bình an và một niềm vui (cc. 19-20) mạnh mẽ hơn mọi ngờ vực.
Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài giảng: sau khi đã trông thấy các vết thương của Chúa, Toma đã kêu lên “Lậy Chúa con và là Thiên Chúa của con” (c. 28). Tôi muốn lưu ý tính từ thánh Tôma lập lại: “của con”. Đó là một tính từ chiếm hữu và nếu chúng ta suy nghĩ xem ra nó không hợp, khi quy chiếu về Thiên Chúa: làm sao Thiên Chúa lại có thể là “của tôi” được?. Làm sao tôi lại có thể làm cho Đấng Toàn Năng là “của tôi”? Thật ra, khi nói là “của tôi”, chúng ta không phạm thánh, nhưng chúng ta tôn vinh lòng thương xót của Ngài, bỏi vì chính Ngài đã muốn “trở thành của chúng ta”. Và như trong một câu chuyện tình chúng ta nói: “Chúa đã làm người vì con, Chúa đã chết và sống lại cho con và khi đó Chúa không chỉ là Thiên Chúa ; Chúa là Thiên Chúa của con, Chúa là sự sống của con. Nơi Chúa con đã tìm ra tình yêu mà con kiếm tìm, và còn hơn thế nữa nhiều, như con đã không bao giờ tưởng tượng được”.
Thiên Chúa không bị xúc phạm là “của chúng ta”, bởi vì tình yêu đòi hỏi sự tín thác, lòng thương xót đòi hỏi sự tin tưởng. Ngay ở đầu Mười Điều Răn Thiên Chúa đã nói: “Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi” (Xh 20,2) và Ngài nhấn mạnh: “Ta là Chúa Thiên Chúa của ngươi, Ta là một Thiên Chúa ghen tương” (c. 5). Đây là đề nghị của Thiên Chúa, người yêu ghen tương, tự giới thiệu như Thiên Chúa của bạn. Và từ con tim xúc động của Tôma vọt lên câu trả lời: “Lậy Chúa của con và Thiên Chúa của con”. Hôm nay qua các vết thương, trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta hiểu rằng lòng thương xót không phải là một đức tính của Ngài giữa các đức tính khác, mà là nhịp đập của chính con tim Ngài. Và như thế giống như Tôma chúng ta không sống như các môn đệ lưỡng lự, sùng kính nhưng lảo đảo; chúng ta hãy trở thành những người say mê Chúa!
Vậy làm thế nào để hưởng nếm tình yêu này, hôm nay làm thế nào để sờ tay vào lòng thương xót của Chúa Giêsu? Phúc Âm cũng gợi ý cho chúng ta, khi nhấn mạnh rằng vào chính chiều ngày Lễ Phục Sinh (x. c.19), nghĩa là vừa sống lại, điều thứ nhất Chúa Giêsu làm là trao ban Thánh Linh để tha tội. Để sống kinh nghiệm tình yêu cần đi qua đó: để cho mình được tha thứ. Nhưng đi xưng tội xem ra khó khăn. Trước Thiên Chúa chúng ta bị cám dỗ làm như các môn đệ trong Phúc Âm: đóng kín cửa lại. Các vị đã làm thế vì sợ hãi và chúng ta cũng sợ hãi, xấu hổ mở lòng ra và nói lên các tội lỗi của mình. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn hiểu sự xấu hổ, không xem nó như một cửa khép kín, nhưng như bước đầu tiên của sự gặp gỡ. Khi chúng ta cảm thấy xấu hổ, chúng ta phải biết ơn: nó có nghĩa là chúng ta không chấp nhận sự dữ, và điều này tốt. Sự xấu hổ là một lời mời gọi thầm kín của linh hồn cần đến Chúa để chiến thắng sự dữ. Thảm cảnh đó là khi không còn biết xấu hổ gì nữa. Chúng ta đừng sợ cảm thấy xấu hổ! Và từ xấu hổ chúng ta bước sang sự tha thứ!
Trái lại, có một cửa đóng kín trước ơn tha thứ của Chúa, đó là cửa của sự chịu trận. Các môn đệ đã sống kinh nghiệm ấy, kinh nghiệm rằng vào lễ Phục Sinh họ nhận thấy mọi sự trở lại như trước kia: họ vẫn còn ở đó, tại Giêrusalem, nhưng mất tin tưởng; “chương Giêsu” xem ra kết thúc, và sau bao thời gian sống với Ngài đã không có gì thay đổi. Cả chúng ta nữa cũng có thể nghĩ: “Tôi là kitô hữu từ biết bao lâu nay, mà chẳng có gì thay đổi cả, tôi luôn luôn phạm các tội như cũ”. Khi đó, mất tin tưởng, chúng ta khước từ lòng thương xót. Nhưng Chúa kêu gọi chúng ta: “Con không tin rằng lòng thương xót của Cha lớn lao hơn sự khốn nạn của con hay sao? Con lại tái phạm tội ư? Hãy lại xin sự thương xót, và chúng ta hãy xem ai sẽ thắng thế!” Thế rồi, ai hiểu biết bi tích tha tội, thì cũng biết điều này: không đúng là mọi sự lại như trước. Đức Thánh Cha giải thích như sau:
Vào mỗi lần được tha thứ chúng ta được củng cố, khích lệ, bởi vì chúng ta cảm thấy được yêu thương một lần nữa, được ôm một lần nữa. Và khi được yêu thương, chúng ta cảm thấy đớn đau hơn trước. Đó là một sự đau đớn sinh lợi, từ từ tách chúng ra khỏi tội lỗi. Khi đó chúng ta khám phá ra rằng sức mạnh của sự sống là lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa và tiến tới, từ sự tha thứ này sang sự tha thứ khác.
Sau sự xấu hổ và chịu trận có một cửa khác đóng kín, đôi khi bằng thép: đó là tội lỗi của chúng ta. Khi tôi phạm một tội lớn, nếu trong tất cả sự lương thiện tôi không muốn tha thứ cho chính mình, tại sao Thiên Chúa lại sẽ phải làm điều đó với tôi? Tuy nhiên, cửa này chỉ khoá từ một phía, là phiá chúng ta; đối với Thiên Chúa nó không bao giờ lại không có thể bước qua được. Như Phúc Âm dậy, Chúa thích vào “chính khi các cửa đóng kín”, khi mọi ngõ xem ra bị chặn lại. Ở đó Thiên Chúa làm những việc kỳ diệu. Ngài không bao giờ quyết định xa cách chúng ta, chính chúng ta để Ngài ở bên ngoài. Nhưng khi chúng ta xưng tội, thì xảy ra điều chưa từng nghe: chúng ta khám phá ra rằng chính tội lỗi đã giữ chúng ta xa cách Chúa ấy lại trở thành nơi gặp gỡ Ngài. Nơi đó Thiên Chúa bị thương tích vì tình yêu đến gặp các vết thương của chúng ta. Bởi vì Ngài là lòng thương xót, và làm các điều kỳ diệu trong các bần cùng của chúng ta. Như thánh Tôma hôm nay chúng ta hãy xin ơn nhận biết Thiên Chúa của chúng ta: tìm ra trong sự tha thứ của Ngài niềm vui của chúng ta, tìm ra trong lòng thương xót của Ngài niềm hy vọng của chúng ta.