Lúc 5 giờ chiều ngày thứ Sáu 30 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi Phụng Vụ Suy Tôn Thánh Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trước sự hiện diện của gần 9 ngàn tín hữu, hơn 40 Hồng Y và 50 Giám Mục trong giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nằm phủ phục trước bàn thờ chính Đền Thờ Thánh Phêrô, trước khi mở đầu với lời nguyện, xin Chúa nhớ lại lòng từ bi và đoái thương, bảo vệ gia đình mà Chúa Kitô, Con Chúa, đã khai mạc mầu nhiệm vượt qua cho họ trong máu của Người.

Sau bài thương khó, cha Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng, đã trình bày với Đức Thánh Cha, giáo triều Rôma và cộng đoàn bài chia sẻ của ngài như sau:


“Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19: 33-35).

Không ai có thể thuyết phục chúng ta rằng lời chứng long trọng này không đúng với sự thật lịch sử, rằng người nói rằng ông đã ở đó và thấy điều này thực sự đã không có ở đó và không nhìn thấy gì. Tác giả đặt hết sự trung thực của mình ra để làm chứng trong trường hợp này. Trên đồi Canvê, dưới chân thập giá, là mẹ của Chúa Giêsu và bên cạnh bà, có “môn đệ mà Chúa Giêsu yêu thương”. Chúng ta có chứng tá của một chứng nhân mắt thấy tai nghe!

Tác giả “đã thấy” không chỉ những gì xảy ra như mọi người thấy, nhưng trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần sau Lễ Vượt Qua, tác giả cũng thấy được cả ý nghĩa của những gì đã xảy ra: trong khoảnh khắc này, Chiên Con thật của Thiên Chúa đã bị hiến tế và ý nghĩa của lễ Vượt Qua xưa đã được ứng nghiệm; Chúa Kitô trên thập tự giá là đền thờ mới của Thiên Chúa mà từ cạnh sườn người, như tiên tri Ezekiel tiên đoán (47: 1ff), đã tuôn trào nước hằng sống; thần khí mà Ngài đã trao ra lúc trút hơi thở sau cùng đã bắt đầu sự sáng tạo mới, như thuở khai sinh lập địa “Thần khí của Thiên Chúa”, lơ lửng trên mặt nước, đã biến đổi sự hỗn loạn thành vũ trụ. Gioan đã hiểu ý nghĩa của những lời cuối cùng của Chúa Giêsu: “Thế là đã hoàn tất” (xem Ga 19:30).

Nhưng chúng ta có thể tự hỏi mình tại sao lại có sự tập trung vô hạn vào ý nghĩa thập giá của Chúa Kitô? Tại sao một Ðấng bị đóng đinh hiện diện cùng khắp trong các nhà thờ của chúng ta, trên các bàn thờ, và ở mọi nơi các Kitô hữu thường lui tới?

Có người cho rằng một chìa khóa để hiểu được mầu nhiệm Kitô Giáo, là Thiên Chúa tỏ mình ra theo cách “sub contraria specie”, nghĩa là dưới một hình thức trái ngược lại với thực tại của mình: Chúa cho thấy sức mạnh của Ngài trong sự yếu đuối, sự khôn ngoan trong sự ngu xuẩn, sự giàu có trong cảnh nghèo hèn.

Tuy nhiên, chìa khóa này không áp dụng cho thập giá. Trên thập tự giá, Thiên Chúa tỏ ra mình ra một cách “sub propria specie”, nghĩa là Chúa mạc khải chính mình cho chúng ta như Ngài thực sự là, trong thực tại gần gũi và thực tế nhất của Người. “Thiên Chúa là tình yêu”, Gioan viết (1 Ga 4:10), một tình yêu dâng hiến, một tình yêu bao gồm trong sự tự hiến, và chỉ trên thập tự giá mà khả năng tự hiến vô hạn của Thiên Chúa mới biểu lộ hết chiều dài của nó. “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13:1); “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban nghĩa là lên án tử, Con duy nhất của Ngài” (Ga 3:16); “Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gal 2:20).

Năm nay, năm mà Giáo hội sẽ tổ chức một Thượng Hội đồng về Thanh niên và đặt ra mục tiêu là đưa họ vào vị trí trung tâm trong quan tâm mục vụ của Giáo Hội, sự hiện diện trên đồi Calvê của môn đệ mà Chúa Giêsu yêu thương có một sứ điệp đặc biệt. Chúng ta có mọi lý do để tin rằng Gioan đã gia nhập với Chúa Giêsu trong thời thanh niên. Đó thực sự là một tình yêu. Mọi thứ khác đột nhiên đứng ở vị trí thứ hai. Đó là một cuộc gặp gỡ hiện sinh “cá vị”. Trong khi trung tâm suy nghĩ của thánh Phaolô là công việc của Chúa Giêsu – nghĩa là mầu nhiệm vượt qua của cái chết và sự sống lại của Ngài – thì dòng suy nghĩ của thánh Gioan đặt trung tâm nơi bản ngã, nơi con người của Chúa Giêsu. Đây là nguồn gốc của tất cả các câu nói “Ta là” với cộng hưởng thần thánh được nhắc đến nhiều lần trong Tin Mừng của ngài: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống”; “Ta là cửa”; đơn giản “Ta là”

Gioan hầu như chắc chắn là một trong hai môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả khi Chúa Giêsu xuất hiện tại nơi thánh Gioan làm phép rửa và đã đi theo Người. Khi họ hỏi, “Thưa thầy, thầy ở đâu?” Chúa Giêsu đáp: “Hãy đến và xem. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1: 35-39). Giờ đó đã quyết định cuộc đời của Gioan, và anh không bao giờ quên nó.

Trong năm nay, thật là phù hợp để chúng ta cố gắng khám phá cùng với những người trẻ những gì Đức Kitô mong đợi nơi họ, những gì họ có thể cống hiến cho Giáo Hội và xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là một cái gì đó khác hơn nữa: đó là giúp những người trẻ tuổi hiểu những gì Chúa Giêsu mang đến cho họ. Gioan đã khám phá ra điều này trong khi ở cùng Ngài, đó là “sự đầy tràn niềm vui” và “cuộc sống sung mãn”. Chúng ta hãy làm sao để trong tất cả các diễn từ về thanh thiếu niên và những người trẻ tuổi, lời mời gọi chân thành của Đức Thánh Cha trong tông huấn Niềm Vui Phúc Âm được vang vọng như những lời dưới đây:

“Tôi mời gọi tất cả Kitô hữu, ở mọi nơi, vào khoảnh khắc này, hãy canh tân một cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu Kitô, hoặc ít nhất là một sự cởi mở để cho Người có thể gặp được họ; Tôi yêu cầu tất cả các bạn làm điều này không mệt mỏi mỗi ngày. Đừng ai nghĩ rằng lời mời gọi này không dành cho mình, vì không ai bị loại trừ khỏi niềm vui được Chúa mang đến (Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, số 3).

Gặp gỡ Chúa Kitô một cách cá vị vẫn còn là điều có thể trong cuộc sống hôm nay vì Người đã sống lại; Người đang sống, không phải là một nhân vật của quá khứ. Mọi thứ đều có thể sau cuộc gặp gỡ cá vị này; trái lại, khi không có cuộc gặp gỡ đó, không có gì ổn định hoặc lâu dài.

Bên cạnh tấm gương là cuộc đời của ngài, Thánh Gioan Thánh Sử cũng đã để lại một thông điệp bằng văn bản cho những người trẻ tuổi. Trong thư Thứ Nhất của ngài, chúng ta đọc thấy những lời làm rung động từ những bậc cao niên cho đến những người trẻ trong các giáo đoàn mà ngài thành lập:

“Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho anh em: anh em là những người mạnh mẽ; lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần. Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian.” (1Ga 2: 14-15)

Thế giới mà chúng ta đừng mê say, cái thế giới mà chúng ta đừng chiều theo, như chúng ta biết, không phải là thế giới được tạo ra và yêu mến bởi Thiên Chúa; hay là thế giới của những người mà chúng ta phải luôn luôn đi ra để gặp gỡ họ, đặc biệt là người nghèo và những người ở giai tầng thấp nhất của xã hội. “Hòa vào” với thế giới đau khổ và bị gạt ra ngoài lề này, một cách nghịch lý, lại chính là cách tốt nhất để “cách ly” chúng ta khỏi thế giới bởi vì nó có nghĩa là đi theo hướng mà thế giới đang muốn bỏ chạy càng xa càng tốt. Nó có nghĩa là tách chúng ta khỏi chính nguyên tắc “đặt mình là trung tâm” đang thống trị thế giới này.

Không, thế giới chúng ta đừng mê say là cái gì đó khác; đó là cái thế giới sau khi đã bị thống trị bở Satan và tội lỗi, bởi “quyền lực trên không trung”, như Thánh Phaolô đã gọi trong thư Êphêsô (2: 1-2). Cái thế giới đó đang đóng một vai trò quyết định trong dư luận, và ngày nay nó đúng là một quyền lực trên không trung theo nghĩa đen bởi vì nó lan truyền qua vô hạn các phương thế điện tử thông qua sóng điện từ. Một nhà văn nổi tiếng viết rằng quyền lực này “cao độ và mạnh mẽ đến nỗi không một cá nhân nào có thể thoát khỏi. Nó được coi là một tiêu chuẩn được mặc nhiên công nhận. Hành động, suy nghĩ hoặc nói năng ngược lại với tinh thần này được coi là ngớ ngẩn hoặc thậm chí là sai lầm và phạm tội. Chính trong tinh thần này mà con người ngày nay gặp gỡ thế giới và các sứ vụ, nghĩa là họ đón nhận thế giới mà cái tinh thần này trình bày với họ”[1]

Đây là những gì chúng ta gọi là sự thích nghi với tinh thần của thời đại, nói vắn tắt là sự phù hợp. Một tín hữu thi sĩ lớn trong thế kỷ vừa qua, là T. S. Eliot, đã viết ba câu nói nhiều hơn cả những quyển sách: “Trong một thế giới của những kẻ trốn chạy / Người đi ngược chiều / Sẽ được coi là đang trốn chạy.” [2]

Các Kitô hữu trẻ thân mến, nếu các bạn cho phép một ông lão như Gioan nói chuyện trực tiếp với các bạn, thì tôi đây sẽ khuyên các bạn: hãy là những người đi ngược chiều! Hãy có can đảm để đi ngược dòng! Cái hướng ngược chiều này đối với chúng ta không phải là một nơi chốn nhưng là một con người; chính là Chúa Giêsu, bạn của chúng ta, và là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.

Một nhiệm vụ và là một sứ mệnh được đặc biệt ủy thác cho các bạn: là hãy giải cứu tình yêu của con người khỏi sự trôi dạt bi thảm đã đưa đến chỗ: tình yêu không còn là món quà trao ban bản thân mà chỉ là sự chiếm đoạt người khác một cách thường khi bạo lực và độc đoán. Thiên Chúa tự tỏ mình trên thập tự giá như agape, tình yêu tự hiến.

Nhưng tình yêu tự hiến không bao giờ tách rời khỏi tình ái, không tách khỏi một tình yêu chào đón, theo đuổi, mong muốn, và vui mừng khi được yêu thương. Thiên Chúa không những chỉ thực thi “lòng bác ái” khi yêu thương chúng ta, nhưng Ngài cũng mong muốn chúng ta; trong suốt Kinh thánh, Người tỏ mình ra như một người phối ngẫu yêu thương và ghen tuông. Tình yêu của Ngài cũng là thứ “tình ái” theo nghĩa cao quý của từ đó. Đây là những gì Đức Bênêđíctô XVI giải thích trong thông điệp Deus Caritas, Thiên Chúa là tình yêu, của ngài:

Tình yêu ham muốn và tình yêu ban tặng - một thứ tình yêu “đi lên” và một thứ tình yêu “đi xuống” không bao giờ tách biệt nhau. Niềm tin theo Thánh Kinh không tạo nên một thế giới song song bên cạnh hay một thế giới nghịch lại với hiện tượng nguyên thủy của con người là tình yêu, nhưng đón nhận con người trọn vẹn, can thiệp vào sự tìm kiếm tình yêu của họ để thanh luyện và từ đó khai mở cho họ những chiều kích mới. (số 7-8)

Đây không phải là vấn đề từ bỏ những niềm vui của tình yêu, sự thu hút và ham muốn, nhưng là biết phải làm sao kết hiệp được tình yêu ham muốn và tình yêu ban tặng thành một mong muốn cho nhau, thành một khả năng trao ban chính mình cho người khác, trong khi nhớ lại lời thánh Phaolô viện dẫn một câu nói của Chúa Giêsu “Cho thì có phúc là nhận” (Công vụ 20:35).

Tuy nhiên, khả năng này không xảy đến một sớm một chiều. Cần phải chuẩn bị chính mình để trở nên một món quà tổng thể của bản thân mình cho một sinh vật khác trong hôn nhân, hoặc cho Thiên Chúa trong đời sống tận hiến, bắt đầu bằng cách trao ra những món quà là thời gian, nụ cười của các bạn, và thời gian trong cuộc sống dành cho gia đình, giáo xứ, và các công việc tình nguyện. Đây là điều mà rất nhiều bạn đã lặng lẽ làm.

Trên thập giá, Chúa Giêsu không chỉ đưa ra cho chúng ta một ví dụ về tình yêu tự hiến đến cùng; Người cũng ban ân sủng cho chúng ta để có thể thực hiện tình yêu ấy đến một mức độ nào đó trong cuộc sống của chúng ta. Nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Ngài tuôn đến chúng ta hôm nay qua các bí tích của Hội Thánh, qua Lời Chúa, và thậm chí qua việc đơn thuần là nhìn vào Đấng bị Đóng Đinh trong đức tin. Một điều cuối cùng Gioan đã nhìn thấy một cách tiên tri dưới cây thập tự: những người nam và nữ của mọi thời đại và mọi nơi sẽ hướng mắt nhìn lên “Đấng đã bị đâm thâu qua” và khóc lóc với những giọt lệ ăn năn và được ủi an (xem Ga 19:37 và Zac 12: 10). Chúng ta hãy hiệp cùng họ trong những lễ nghi phụng vụ tiếp theo.






[1] Heinrich Schlier, Principalities and Powers in the New Testament (New York: Herder and Herder, 1961), pp. 31-32.

[2] T. S. Eliot, Family Reunion, Part II, sc. 2, in The Complete Plays of T. S. Eliot (New York: Houghton Mifflin Harcourt, 2014), p.110.