HAY VATICAN CÓ NGHE TIẾNG CHÚA: “EM NGƯƠI ĐÂU RỒI ?”. St 4,9

Ngày 25 tháng 2 tới đây, phái đoàn Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ lên đường về giáo đô Rôma để thực hiện một cuộc “hành hương đặc biệt” mà danh từ chuyên môn gọi một cách đầy đủ là: VIẾNG MỘ HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ (VISITA “AD LIMINA SANCTORUM APOSTOLORUM PETRI ET PAULI”) hay thường gọi tắt là “Đi Ad Limina”[1].

Từ vùng Á Châu xa xôi, các “đấng kế vị các Tông Đồ thuộc dòng con cháu tiên rồng” lại được một lần “chạm ngưỡng cửa từ đường của mẹ Hội Thánh Công Giáo[2]. Lần “chạm cửa” nầy của các Tổng Giám Mục và Giám Mục Việt Nam diễn ra trong một bối cảnh mục vụ khá tế nhị của Giáo Hội mà trọng điểm chính là cuộc “lùm xùm-lời qua tiếng lại” giữa một số “quan chức cấp cao của Vatican và một ít Giám Mục hàng đầu Trung Quốc xoay quanh nội dung: sự chọn lựa nào cho cuộc hiệp thông của Giáo Hội Trung Quốc với nhau và với Giáo Hội Mẹ.[3]

Như một chút “cảm nhận mục vụ” nhân cuộc Ad Limina lần này của các Giám Mục Việt Nam, xin được bày tỏ “một góc nhìn về mối hiệp thông của Hội Thánh” từ vị trí của một kẻ nhỏ nhất trong dân Chúa.

I. Ý NGHĨA NỀN TẢNG CỦA VIỆC AD LIMINA:

Sự gặp gỡ “định kỳ” giữa các Tông Đồ với nhau, và đặc biệt, giữa các Tông Đồ với Vị “Tông Đồ Trưởng Phêrô”, là một truyền thống đã in dáu vết ngay từ thuở khai sinh Giáo Hội, thời “Công Vụ Tông Đồ”, như được ghi lại trong thư của Thánh Tông Đồ Phaolô gởi giáo đoàn Galat: “Ba năm sau tôi mới lên Giêrusalem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày”. (Gl 1,18).

Trải qua dòng thời gian, sau hai mươi thế kỷ, sinh hoạt đặc biệt của các vị “kế vị các Tông Đồ” nầy đã được quy định hẳn hoi trong Giáo Luật và với các chỉ thị trong các văn kiện Huấn Quyền:

- Bộ Giáo Luật 1983, trong hai khoản 399 triệt 1 và 400 triệt 1,2,3 ghi rõ. Xin trích:

“Cứ năm năm một lần, giám mục giáo phận phải đệ nạp lên Đức Giáo Hoàng bản phúc trình về tình trạng của giáo phận đã được ủy thác cho ngài, theo biểu mẫu và vào thời điểm theo Tông Tòa ấn định”. (BGL 399,1).

“(1) Vào đúng năm đệ nạp bản phúc trình lên Đức Giáo Hoàng, nếu Tông Tòa không ấn định cách khác, giám mục giáo phận phải về Rôma để viếng mộ các thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và phải yết kiến Đức Giáo Hoàng. (2) Giám mục phải tự mình chu toàn nghĩa vụ nói trên, trừ khi bị ngăn trở chính đáng; trong trường hợp này, ngài phải nhờ giám mục phó, nếu có, hoặc Giám Mục Phụ Tá, hay một tư tế khác có khả năng xứng hợp thuộc linh mục đoàn hiện đang cư ngụ trong giáo phận của ngài để thay thế ngài chu toàn nghĩa vụ đó. (3) Vị đại diện tông tòa có thể nhờ một người đại diện để thay thế ngài chu toàn nghĩa vụ đó, ngay cả khi họ đang ở Rôma; vị phủ doãn tông tòa không có nghĩa vụ này” (BGL 400,1-3).

- Tông Hiến Pastor Bonus:

“Các cuộc viếng Mộ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô cũng liên hệ tới các Bộ và các cơ quan khác của Giáo Triều Rôma. Quả thế, nhờ các cuộc tiếp xúc này, mà một cuộc đối thoại giữa các giám mục và Tòa Thánh được tiến triển và đào sâu, các thông tin hỗ tương từ hai bên cũng được trao đổi, các lời cố vấn cũng như gợi ý thiết thực cũng được đưa ra từ hai phía để mưu cầu lợi ý lớn nhất và sự tiến triển cũng như việc tuân thủ kỷ luật chung của Giáo Hội”[4]

- Chỉ thị của Bộ Giám Mục về các cuộc viếng thăm Ad Limina:

“Các Cuộc viếng thăm này phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, làm sao để 3 giai đoạn chính làm nên Cuộc Viếng thăm này – hành hương và tôn kính mộ Thánh Tông Đồ cả, cuộc gặp Đức Thánh Cha và các buổi trao đổi tại các Bộ của Giáo Triều Rôma được thể hiện một cách tốt đẹp và đem lại kết quả tích cực”[5]

Qua các trình bày của Giáo Luật cũng như văn bản Huấn Quyền trên, chúng ta có thể nói được rằng: sinh hoạt “Ad Limina” của Hội Thánh Công Giáo vừa là một dấu chỉ rõ nét vừa là một phương thế đúng đắn và hữu hiệu để phát triển, điều chỉnh và củng cố đời sống đức tin, đặc biệt, về phương diện hiệp nhất, cho dân Chúa.

II. TẦM QUAN TRỌNG VÀ CƠ HỘI THUẬN TIỆN:

Khi nhìn sự kiện “Ad Limina” nầy qua lăng kính của những “tín đồ tin học” hay “chuyên gia bàn phím”, thì chắc sẽ gặp được một cái bĩu môi: “Bày chuyện rườm rà, tốn tiền vô ích”. Trong thời đại công nghệ giao tiếp viễn liên tân tiến và khả dụng này, chỉ cần “ngồi nhà nhấp chuột” là đủ; đỡ tốn kém bao nhiêu thời gian, sức khỏe, chi phí và bao dịch vụ “ăn theo”.

Nhưng Hội Thánh Chúa Kitô lại không phải là một “công ty”, một “tổ hợp kinh tế, thương mại, văn hóa...hay gì gì đó nữa...” mà là một “dấu chỉ và phương thế hiệp thông” như minh định của Công Đồng chung Vatican II trong Hiến Chế Giáo Hội:

“Trong Đức Kitô, Giáo Hội như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người, vì thế Giáo Hội muốn trình bày rõ ràng hơn cho các tín hữu và toàn thế giới chính bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình, dựa trên giáo huấn của các Công Đồng trước đây. Thực trạng thế giới càng trở nên khẩn thiết, để con người ngày nay, khi đã gắn kết với nhau chặt chẽ hơn nhờ những mối liên hệ đa dạng trong lãnh vực xã hội, kỷ thuật và văn hóa, phải đạt đến sự hợp nhất trọn vẹn trong Chúa Kitô” (GH 1).[6]

Nội dung ý nghĩa trên còn được cắt nghĩa thêm về sự hiệp nhất giữa Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát, giữa Đức Thánh Cha và hàng Giám Mục trong Tông Hiến Sacrae Disciplinae Leges” (Các luật lệ của kỷ luật thánh):

“Giáo Hội như mối hiệp thông và do đó ấn định những mối liên hệ hỗ tương phải có giữa Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát, giữa tập đoàn tính và quyền tối thượng”.[7]

Chính vì thế, ad limina đối với các Giám Mục thuộc Giáo Hội địa phương chính là một “cơ hội thuận tiện” và quý báu để sống và thể hiện cụ thể chiều kích “Hiệp Thông” nầy, như cách trình bày của cố Đức ông Phanxicô Trần Văn Khả:

“Tại nước mình, các giám mục đã họp nhau trong các buổi họp của Hội Đồng Giám mục và các dịp khác, các ngài cũng có những ngày sống huynh đệ, tuy nhiên ở trong một bối cảnh khác, được giới hạn của một Giáo Hội địa phương, còn trong thời gian Thăm Viếng ad limina những ngày sống huynh đệ này mang một chiều kích sâu đậm hơn, với chính Đức Thánh Cha, với các cộng sự viên của Đức Thánh Cha trong việc cai quản Giáo Hội và qua Đức Thánh Cha, các ngài hiệp thông với các giám mục khác trên thế giới”.[8]

III. ĐÃ CHUẨN BỊ VÀ TẬN DỤNG ĐỦ CHƯA ?

Với một “cơ cấu phẩm trật” tối hảo được chính Chúa Kitô thiết lập và thường xuyên được hướng dẫn bới Chúa Thánh Thần, cùng được phù trợ bởi những phương thế khả dụng và đầy kinh nghiệm khôn ngoan của bề dày lịch sử...chắc nhiều người trong chúng ta không khỏi có những lúc đâm xao xuyến, trở trăn trước những sự kiện “không mấy đẹp mắt” xảy ra đây đó trong Hội Thánh liên quan đến các Giám Mục (Vụ án xử “lạm dụng tình dục” của tòa án Melbourne tại úc và Đức Hồng Y Bell, về tình trạng của giáo phận Ahiara, Nigeria và việc từ chức của Đức Cha Peter Ebere Okpaleke, về các bất đồng giữa các Giám Mục (Giáo Hội Hiệp thông hay thầm lặng) Trung Hoa về lộ trình chuẩn bị thiết lập bang giao giữa Vatican và nhà nước Cọng sản Trung quốc…).

Trong thời đại “thế giới bỗng dưng gần lại” như hôm nay, không thể đỗ thừa: sự kiện xảy ra quá đột xuất, mau lẹ khiến Tòa Thánh và các HĐGM trở tay không kịp để có những biện pháp tối ưu kịp thời giải quyết. Dĩ nhiên, cho dù thuộc về Thiên Chúa, Giáo Hội lại mang đầy đủ các nhân tố thuộc giới hạn con người, cho nên “Giáo Hội lại luôn có những tội nhân, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh tẩy, nên không ngừng bước theo con đường sám hối và canh tân” (GH 8).

Xác nhận chân lý nền tảng trên về Giáo Hội không có nghĩa để biện minh cho những cách “hành xử mục vụ” không mang lại hiệu quả hoặc gây ra những đổ vỡ và rạn nứt giữa lòng Hội Thánh mà trách nhiệm không nhỏ cuối cùng thuộc về Tòa Thánh và các Hội Đồng Giám Mục địa phương.

Đối với công cuộc truyền giáo tại Á Châu cách đây hơn ba thế kỷ, một sự kiện liên quan đến Giáo Hội tại Trung Hoa: nghi lễ thờ cúng tổ tiên[9], đã trở thành một “vết đen” vẫn còn ảnh hưởng tiêu cực cho đến mãi hôm nay đối với đông đảo người dân Á Châu, trong đó có Việt Nam. Trách nhiệm đầu tiên của vụ việc nầy phải công nhận thuộc về những quyết sách mục vụ không “thích dụng” của Tòa Thánh, đến đổi, vị linh mục chuyên về truyền giáo học, cha F.Gomez, đã kết luận “một câu xanh rờn”: “Không một biến cố nào trong lịch sử Giáo hội đã phương hại trầm trọng đến hoạt động truyền giáo cho bằng vụ này”.[10]

Không khéo, “sự cố Trung Hoa” có thể tái diễn một lần nữa ngay trong thời hiện đại. Vì chưng, nếu dựa vào những đánh giá, bình luận và thông tin trong những ngày nầy, chúng ta đang chứng kiến một sự “bất đồng thuận” khá nghiêm trọng giữa thẩm quyền tối cao của Hội Thánh hoàn vũ-Tòa Thánh Vatican và một số Giám mục thuộc Giáo Hội tại Trung Hoa, đặc biệt “Giáo Hội hầm trú” về các động thái mục vụ liên quan.

Sau đây là nhận xét của cha Cervellera[11]:

“Theo Cha Cervellera, những người Công Giáo thầm lặng, là những người đã bị sách nhiễu và khổ đau vì quyết tâm trung thành với Tòa Thánh, e sợ rằng Vatican sẽ hy sinh họ để đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh. Họ nhận xét rằng Vatican đã dàn xếp các cuộc họp và các cuộc trao đổi quan yếu với các đại diện của Giáo Hội “chính thức” do nhà nước ủng hộ, mà chưa có một hành động tương ứng nào như thế với các giáo sĩ thuộc Giáo Hội thầm lặng…

Theo những báo cáo được lưu hành rộng rãi, Tòa Thánh và nhà nước cộng sản Trung Quốc đang tiến gần đến một thỏa thuận trong đó Tòa Thánh sẽ chấp nhận các vị “giám mục” đã được “tấn phong” bởi bọn cầm quyền Trung Quốc mà không cần sự chuẩn y của Vatican. Đổi lại, Bắc Kinh sẽ công nhận quyền của Tòa Thánh bổ nhiệm các giám mục mới. Tuy nhiên, những giám mục này sẽ được chọn từ một danh sách do Hội Công Giáo Yêu nước đưa ra. Theo Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên Giám Mục Hương Cảng, nếu điều này xảy ra, bọn cầm quyền Trung Quốc có thể kiểm soát các bổ nhiệm giám mục và chỉ giới thiệu các ứng viên nào sẵn sàng công nhận uy quyền của chính phủ. Ngoài ra, những thỏa thuận này không đề cập đến tình trạng của các giám mục “thầm lặng” và các linh mục hiện đang chịu sự sách nhiễu của chính phủ, nhiều người đang bị bắt giữ. “[12]

Cũng trong viễn tượng khá tiêu cực đó khi nhìn về sự kiện nầy, giáo sư Richard Madsen[13] đã nhận xét:

“Điều đáng quan tâm và có tính chất định đoạt đối với các cuộc đàm phán giữa Vatican và Trung Quốc là liệu hai bên có thể đồng ý với nhau hay không về tình trạng của các giám mục và các tín hữu thuộc Giáo Hội thầm lặng. Nếu các tín hữu thầm lặng cảm nhận rằng Vatican đang bỏ rơi họ, thì họ có thể xem đây là một sự phản bội của Tòa Thánh đối với Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc và sẽ gây ra những chia rẽ nghiêm trọng trong Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc rất hồ hởi phấn khởi trước viễn tượng này. Các hành động của nhà cầm quyền Bắc kinh trong những năm qua cho thấy nó thèm khát muốn nhìn thấy Giáo Hội tại đất nước này suy yếu, và những chia rẽ sâu đậm hơn trong Giáo Hội sẽ giúp nó thực hiện điều này.”[14]

Nói đến người lại nghĩ đến ta. Cách đây 8 năm (2010), Giáo Hội tại Việt Nam cũng đã một thời “sóng gió” với sự kiện Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt từ chức và bị “bứng khỏi” thủ đô Hà Nội với bao nhiêu kết án và xúc phạm của truyền thông nhà nước Cọng Sản Việt Nam, để nhường chỗ cho Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, được tiếp đón bằng một rừng chống đối và đánh phá tơi bời hoa lá của cộng đoàn giáo dân thủ đô. Đây cũng được xem là một hậu quả tai hại của “quyết sách mục vụ nóng vội đến từ Vatican” mà thành phần phải gánh chịu hy sinh chẳng đáng có chính là đoàn dân Chúa Việt Nam. Chúng ta có thể đọc thấy nội dung phản ảnh “bi kịch mục vụ” nầy qua bài diễn văn của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh. Xin trích:

“Quyết định của Đức Thánh Cha có thể không đáp ứng được sự chờ đợi nhân loại của một số con cái, nhưng vẫn là quyết định của Đấng Đại Diện Đức Kitô trên trần gian. Giáo Hội chỉ là Giáo Hội, Toà Thánh chỉ là Toà Thánh một khi chúng ta có khả năng chấp nhận chiều kích siêu phàm của Giáo Hội. Điều đó đòi buộc chúng ta phải hiến tế quan điểm riêng của mình để đón nhận và tuân phục Thánh Ý đấng thay mặt Chúa Giêsu, Đấng thiết lập Giáo Hội.”[15]

Vào chính thời điểm nóng bỏng đó, có một tác giả đã nhận xét như sau:

“Chúng ta không thể trách Tòa Thánh là không hiểu rõ bản chất trí trá của nhà cầm quyền Cọng Sản Việt Nam nên đã có những quyết định không thích thích hợp; mà chúng ta hãy tự đấm ngực để nhận lấy thiếu sót vì chưa tích cực và trách nhiệm đủ trong việc phản ảnh đúng mức và tiên liệu chính xác những thực trạng mục vụ, chính trị và xã hội Việt nam để giúp Tòa Thánh đưa ra những định hướng và quyết định đúng đắn và ích lợi cho Giáo Hội cũng như đất nước Việt Nam.

Giáo Hội Việt Nam hôm nay nói được là có quá nhiều những mục tử khoa bảng. Giáo phận nào cũng đầy dẫy các linh mục, tu sĩ đi du học nước ngoài. Tuy nhiên, gần như không có những nhóm chuyên viên để làm việc chung và nghiên cứu tới nơi tới chốn các chuyên đề mục vụ nóng bỏng và cần thiết để tư vấn cho HĐGM, hầu có cơ sở vững chắc để đáp ứng các yêu cầu bức thiết đang tác động lên đời sống của dân Chúa. Trong khi đó, mỗi năm HĐGM chỉ gặp nhau có 2 lần mà phần lớn nghị trình chỉ là để bàn thảo những vấn đề mang tính đạo đức truyền thống và nội bộ, không phản ảnh được những trọng điểm mục vụ mang chiều kích “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ”. Phải chăng đó là lý do thứ ba để Giáo Hội Công Giáo Việt nam trở thành người thua cuộc.”[16]

Đơn cử một vài sự cố tiêu biểu đó để chúng ta nhận thức tầm quan trọng và cơ hội tuyệt vời của cuộc hành hương “Ad Limina” của các Giám Mục.

Thật vậy, nếu cả hai phía, Vatican với Đức Giáo Hoàng và các Thánh Bộ cùng với phái đoàn Giám Mục của Giáo Hội địa phương nỗ lực tận dụng cơ hội ad limina để bàn thảo và giải quyết rốt ráo các hồ sơ mục vụ liên quan đến Giáo Hội địa phương, chắc chắn sẽ hạn chế thật nhiều những rủi ro và thất bại mục vụ.

Có thể giả thiết điều nầy: Giáo Hội vẫn còn làm việc theo cung cách “quan lại” và “bàn giấy”: các Giám Mục yên tâm với một đống những bản báo cáo phúc trình vô hồn và gần như “tách biệt khỏi cộng đồng dân Chúa”; trong khi ĐGH và các Thánh Bộ tiếp đón trịnh trọng với những bài huấn đức mượt mà, những lời khen có cánh, những nhận xét đôi khi vô thưởng vô phạt. Trong khi những sự kiện quan trọng của Giáo Hội địa phương sẽ được “ngâm cứu giải quyết” theo các “kênh riêng” hoặc “ngoài luồng” do hệ thống chuyên viên cung cấp…. Nếu quả thật diễn ra như thế, thì e rằng, sau cuộc ad limina lần nầy rồi mọi sự cũng “theo chân ngài vũ như cẩn”.

Nói đến việc “tách biệt khỏi cộng đồng dân Chúa” là có ý muốn nói rằng: với một sự kiện mục vụ to tát như thế, nhưng thử hỏi, các Đức Giám Mục Việt Nam lần nầy không biết mang về Tòa Thánh được bao nhiêu ý nguyện của cộng đoàn dân Chúa Việt Nam; sợ rằng, cho đến hôm nay, chỉ có một số rất ít là đọc được bức thư chúc tết của Đức Tổng Gám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh để biết có sự kiện “Ad Limina” và biết ngài hứa sẽ trình lên Đức Thánh Cha những điều tốt đẹp của dân Chúa Việt Nam. Xin trích:

“Tôi cũng xin anh chị em cầu nguyện cho chuyến đi viếng mộ Thánh Phêrô tại Roma của Hội đồng Giám mục từ ngày 25/02/2018 đến ngày 09/03/2018 được tốt đẹp. Trong cuộc hành hương này, Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến. Chắc chắn chúng tôi sẽ kính trình ngài lòng yêu mến và sự trung thành của con cái Việt Nam đối với ngài và đối với Giáo hội hoàn vũ. Cạnh mồ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng tôi cũng sẽ hiệp ý với anh chị em để xin các ngài bầu cử cách đặc biệt cho quê hương, đất nước, dân tộc và mọi Kitô hữu Việt Nam.”[17]

Trong khi đó, Văn kiện Các chỉ thị của Bộ Giám Mục viết:

“Các cuộc vìếng thăm này có tầm mức quan trọng đặc biệt trong đời sống Giáo Hội, bởi vì chúng đạt tới tột đỉnh của các liên hệ giữa các mục tử của các Giáo Hội địa phương và Đức Giáo Hoàng. Quả vậy khi Đức Giáo Hoàng tiếp các giám mục, là anh em trong hàng giám mục, cùng với các giám mục bàn về các vấn đề liên hệ tới lợi ích của Giáo Hội và liên hệ tới sứ vụ mục tử của các giám mục, Đức Giáo Hoàng cũng làm cho các giám mục được kiên vững và nâng đỡ các ngài trong đức tin và trong đức ái. Như vậy hai bên tăng cường mối liên hệ hiệp thông phẩm trật và làm cho rõ nét tính cách “Công Giáo” của Giáo Hội và sự hiệp nhất của Giám mục đoàn”[18]

LỜI KẾT: “EM NGƯƠI ĐÂU RỒI ?”. St 4,9

Được biết, trong cuộc tĩnh tâm của Giáo Triều Rôma năm nay, Cha Josè Tolentino Mendonça đã khai triển nội dung bài suy niệm số 9 với chủ đề: Lắng nghe khát vọng của vùng ngoại biên theo gợi ý của một câu Chúa phán với Cain trong sách Sáng Thế: “Aben em ngươi đâu rồi” (St 4,9).

Cứ tạm cho các Giám Mục Việt Nam là những đứa em đi, thì không biết Đức Thánh Cha và các quan chức của Thánh Bộ, sau khi nghe bài suy niệm nầy, có nghe vọng một lời nhắc bảo: “Em ngươi đâu rồi”.

Nếu Giáo Triều quyết tâm thực hiện định hướng “Đi Ra” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, hay lời gọi mời tĩnh tâm “Lắng nghe khát vọng của vùng ngoại biên” thì hy vọng các cộng đoàn Giáo Hội như Trung Hoa, Việt Nam, Myanmar, Nigeria…chắc chắn sẽ nhận được những giải pháp và định hướng mục vụ tối ưu để củng cố và phát triển đời sống đức tin.

Cũng vậy, nếu các Giám Mục đi hành hương ad limina mà hành trang mang theo là những túi đầy những ước nguyện, thao thức của những cộng đoàn “vùng goại biên” của đất nước mình, giáo phận mình, thì ngày trở về, Giáo Hội địa phương sẽ vui mừng biết mấy.

Vâng, nếu tất cả cùng hướng về cuộc ad limina như cách nhìn của cố đức ông Phanxicô Trần Văn Khả, thì sự sống thần linh sẽ qua dịp nầy tuôn tràn trên dân Chúa, như dòng máu nóng lưu chảy khắp châu thân Nhiệm Thể:

“Các nhà thần học ví Cuộc Viếng thăm ad limina này như một việc lưu chuyển của máu, đi đi lại lại, có nhận có cho, và làm cho sự sống trong con người luôn ở thế phát triển, lưu hành và đổi mới, từ phía Người Kế Vị Thánh Phêrô, là Đức Giáo Hoàng, và các người Kế Vị các Thánh Tông Đồ, là các giám mục”[19].

Riêng người viết, xin dâng ba kinh Kính Mừng ngay tối hôm nay, để cầu nguyện cho các Đức Cha ngày mai lên đường đi ad limina được bình an.

LM.Giuse Trương Đình Hiền

Tối Thứ Bảy, 24/2/2018.

[1] Xin xem thêm bài viết của Đ.Ô. Phanxicô B. Trần Văn Khả: VIẾNG MỘ HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ (VISITA “AD LIMINA SANCTORUM APOSTOLORUM PETRI ET PAULI”).

Nguồn: http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/Ad-Limina/02YNghiaVaMucDich.htm.

[2] Limina: từ tiếng Latinh Limens, liminis: ngưỡng cửa.

[3] Để tiếp cận và đào sâu các nội dung thuộc đề tài “thời sự mục vụ nóng bỏng” nầy, xin giới thiệu một số các bài viết, bình luận sau đây được đăng trên trang mạng vietcatholic.org:

- Hà Minh Thảo: Tòa Thánh sắp tái lập bang giao với Tàu ? 21/Feb/2018.

- Vũ Văn An: Chuyên gia về Trung Hoa cho rằng thỏa thuận của Vatican với Trung Hoa là ''khập khiễng''; 20/Feb/2018.

- Vatican Insider: Một giám mục của Giáo hội thầm lặng Trung Quốc: “Chúng tôi sẽ vâng phục Đức Giáo Hoàng”. Minh Đức chuyển ngữ. Nguồn: trang web của HĐGMVN, 18.02.2018:

- Đặng Tự Do: Đức Hồng Y Trần Nhật Quân cảnh báo: Cộng sản muốn bắt Giáo Hội làm nô lệ; 17/Feb/2018.

- George Weigel: Những đề nghị mà Trung Quốc đưa ra hiện nay đã từng bị Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô thứ 16 bác bỏ; dịch giả: Đặng Tự Do; 16/Feb/2018.

- Đặng Tự Do: Công Giáo Hương Cảng tổ chức cầu nguyện suốt đêm để phản đối thỏa thuận giữa Vatican và Bắc Kinh; 15/Feb/2018.

- Giáo sư Richard Madsen: Trung Quốc theo đuổi các cuộc đàm phán với Vatican là nhằm tiêu diệt Giáo Hội tại Hoa Lục, J.B. Đặng Minh An dịch; 15/Feb/2017

- Vũ Văn An: Hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh với Trung Hoa; 06/Feb/2018.

- Vũ Văn An: Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin lên tiếng về cuộc đối thoại Vatican - Trung Hoa; 02/Feb/2018.

- Vũ Văn An: Hai vị Hồng Y lên tiếng về vấn đề đối thoại Vatican-Trung Hoa; 01/Feb/2018.

- Vũ Văn An: Tin thêm về hiện tình Giáo Hội tại Trung Hoa; 31/Jan/2018.

- Đặng Tự Do: Giáo Hội thầm lặng tại Trung Quốc gần tuyệt vọng với Tòa Thánh và quay ra làm liều; 08/Nov/2016

[4] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông hiến Pastor Bonus, 28-6-1988, về việc cải tổ Giáo triều Rôma, điều. 28-32 + Annexe, trong AAS 80, 1988, tr. 831-934; L’Osservatore Romano, 29-06-1988.

[5] X. Bộ Giám Mục, Chỉ Nam về Cuộc viếng thăm “Ad limina”, nt. 29-6-1988, s. II.

[6] CÁC VĂN KIỆN CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II, bản dịch của ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb Tôn giáo, 2012. Tr. 69-70.

[7] ĐGH Gioan Phaolô II: Tông hiến ban hành Bộ Giáo Luật năm 1983, Sacrae Disciplinae Leges” (Các luật lệ của kỷ luật thánh) trong Bộ Giáo Luật 1983, nt., tr. 12.

[8] Tài liệu đã dẫn: Đ.Ô. Phanxicô B. Trần Văn Khả: VIẾNG MỘ HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ (VISITA “AD LIMINA SANCTORUM APOSTOLORUM PETRI ET PAULI”).

[9] “Trong vụ tranh luận về “nghi lễ,” nhiều (tám vị) giáo hoàng đã lên tiếng. Ðức Clêmentê XI kết án “nghi lễ” hai lần vào các năm 1704 và 1715. Thấy thế, hoàng đế Khang Hy đã lên tiếng can thiệp. Vị này đã nhận nhiều tu sĩ Dòng Tên – như Adam Schall, Ferdinand Verbiest, Giuseppe Castiglione, v.v. – vào làm việc tại một số dịch vụ ở Bắc kinh, và nhờ họ mà Kitô giáo được phép sinh hoạt tự do khắp trong nước (1692). Phật lòng đến cực độ khi nhận được sắc lệnh của giáo hoàng, hoàng đế đã lập tức trục xuất khỏi Trung quốc Maillard de Tournon, là vị đại diện Tòa thánh đã mang sắc lệnh đến, và đến năm 1706 thì ra lệnh buộc tất cả các thừa sai không đồng quan điệm với Dòng Tên, phải rời khỏi Trung quốc. Như vậy, dư luận Châu Âu phân biệt rõ hai phía: một bên là Dòng Tên với lương dân, và bên kia là các Dòng Ða minh, Phanxicô, v.v. với Tòa Thánh! Cuối cùng, năm 1742, đức đã Biển Ðức XIV dứt khoát kết án các “nghi lễ” và cấm chỉ các cuộc tranh luận liên quan đến vấn đề. Trọng sắc năm 1715 buộc phải dùng danh từ “Thiên Chúa” và cấm dùng các từ “Thiên” và “Thượng đế,” để xưng danh “Ðức Chúa Trời”; ngoài ra, còn cấm cả việc tôn kính tổ tiên và buộc phải cất bỏ bàn thờ trong các gia đình, cất khỏi các nhà thờ tấm bảng ghi chữ “Kính Thiên” chính hoàng đế đã đích thân truyền viết.”. Nguồn: HỢP TUYỂN THẦN HỌC SỐ 31, NĂM THỨ 11 (2001). Chủ đề: Thiên khảo luận Truyền Giáo Học, số 1. Tác giả: F. Gomez – Ngô Minh. NGUỒN: http://www.htth.org/so31/chuong2.htm.

[10] HỢP TUYỂN THẦN HỌC SỐ 31, NĂM THỨ 11 (2001). Chủ đề: Thiên khảo luận Truyền Giáo Học, số 1. Tác giả: F. Gomez – Ngô Minh. NGUỒN: http://www.htth.org/so31/chuong2.htm.

[11] Cha Bernardo Cervellera, giám đốc thông tấn xã AsiaNews, nguyên giám đốc thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc và là người đã từng sống và dạy học tại Đại Chủng Viện Bắc Kinh trong nhiều năm. Nguồn: http://www.vietcatholic.org/News/Html/201776.htm.

[12] Bài viết: Đặng Tự Do: Giáo Hội thầm lặng tại Trung Quốc gần tuyệt vọng với Tòa Thánh và quay ra làm liều; 08/Nov/201. Nguồn: http://www.vietcatholic.org/News/Html/201776.htm.

[13] Giáo sư Richard Madsen, là một nhà xã hội học về tôn giáo của Đại học San Diego (California), đã từng hợp tác lâu dài với Đại học Phục Đán (复旦大学) ở Thượng Hải.

[14] Giáo sư Richard Madsen: Trung Quốc theo đuổi các cuộc đàm phán với Vatican là nhằm tiêu diệt Giáo Hội tại Hoa Lục, J.B. Đặng Minh An dịch; 15/Feb/2017. Nguồn: http://www.vietcatholic.org/News/Html/214338.htm.

[15] Diễn từ chúc mừng của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Phó chủ tịch HĐGMVN nhân ngày Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn ra mắt cộng đoàn dân Chúa tại Nhà thờ chính toà Hà Nội, 07-05-2010.

[16] Trần Đoan Hùng. Tác giả bài viết: CUỘC THẮNG THUA TRONG VÁN BÀI GIÁM MỤC. Nguồn: Trang mạng vietcatholic. Đường dẫn: http://www.vietcatholic.org/News/html/80329.htm.

[17] Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh. Lời chúc tết Mậu Tuất – 2018 của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh Tổng giám mục Huế Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Nguồn: Trang web HĐGMVN.

Đường dẫn: http://www.hdgmvietnam.org/loi-chuc-tet-mau-tuat-2018-cua-duc-tong-giam-muc-giuse-nguyen-chi-linh/9462.63.8.aspx

[18] X. Bộ Giám Mục, Chỉ Nam, nt. s. V. X. Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân, s. 29.

[19] Tài liệu đã dẫn: Đ.Ô. Phanxicô B. Trần Văn Khả: VIẾNG MỘ HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ (VISITA “AD LIMINA SANCTORUM APOSTOLORUM PETRI ET PAULI”).