Việt Nam nhiều đồi núi. Nhưng một Cha quản xứ phải lái xe trên đường dốc núi hiềm trở hàng trăm kilômét để dâng Thánh Lễ hàng tuần thì chắc là hiếm thấy. Việt Nam còn nhiều khó khăn về tôn giáo. Nhưng Thánh Lễ bị ngăn chặn và luôn có người chú ý theo dõi thì không phổ biến cả nước. Việt Nam còn nhiều người nghèo đói, nhưng trẻ em phải trần truồng trong cái giá rét mùa đông cũng không phải là đa số.

Tất cả những khó khăn gian lao nhất mà một giáo xứ, một cha xứ và những giáo dân lam lũ phải chấp nhận thì giáo xứ Lào Cai có hết. Người ta nghe tin hay đọc tin đây đó về giáo xứ này, nhưng phải đến nơi, phải cùng cha xứ đi vào những thôn làng hẻo lánh, trắc trở và gặp những con người nghèo khổ ở đó thì mới cảm được những đau khổ của những con người thật sự đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

Xem Hình

Lào Cai là một giáo xứ ở cực Bắc Việt nam, thuộc giáo phận Hưng Hóa. Trong những năm qua, giáo xứ Lào Cai “nổi tiếng” qua những khó khăn về tôn giáo mà cha xứ và giáo dân hứng chịu.

Nhiều người đã đọc bài viết của Cha quản xứ Giuse Nguyễn Văn Thành (Chủ tịch Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng Giáo phận Hưng Hóa) trên website laocaichurch.org: “Theo chương trình, lễ mừng Chúa Phục Sinh cho bà con giáo dân Mường Khương sẽ cử hành vào lúc 15g00 tại nhà bà Trần Thị Trầm, thôn Sàng Chải, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, cách thành phố Lào Cai 50 cây số, nhưng rất sớm trước đó, khoảng 30 cán bộ, công an, an ninh viên thuộc huyện và thị trấn Mường Khương đã có mặt để ngăn cản giáo dân đến dự lễ. Khi cha phó Phêrô Nguyễn Đình Thái tới nơi, họ yêu cầu cha phải ra khỏi thị trấn. Cha Thái hỏi lý do thì ông Cường, phó chủ tịch thị trấn, trả lời “vì không được phép của chính quyền”. Cha Thái giải thích: “Phép hay không thì xin hỏi cấp trên của các ông, bởi Ban Tôn Giáo tỉnh, trong một cuộc họp trước đây với Tòa giám mục, giáo xứ Lào Cai và giáo họ Mường Khương, đã đồng ý cho cử hành thánh lễ tại ba điểm là thị trấn Mường Khương, Bản Xen và Bản Lầu”. Trong khi cha đang trao đổi với ông Cường thì ông Thanh, công an viên, có lời nói cùng hành vi thô bạo với cha Thái và định hành hung giáo dân. Quá bất bình, bà con đã phản ứng mạnh mẽ suýt xảy ra ẩu đả”.

Ở thế kỷ 21 mà những chuyện như thế có thể xảy ra cho tôn giáo thì cũng là điều “quý hiếm” trên thế gian này vốn đa đoan nhưng chẳng mấy ai còn hảnh xử như thế. Nhưng ở đây chúng tôi không nhằm trình bày giáo xứ Lào Cai ở khía cạnh ấy.

Giáo xứ Lào Cai đón nhận Tin Mừng từ năm 1880 do các Linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris đến truyền giáo. Vào năm 1897 ngôi nhà thờ thứ nhất đã được xây cất nơi đây, nhưng vì chiến tranh nên đã bị tàn phá bình địa. Từ năm 1947 đã thiếu vắng các linh mục coi sóc, đoàn chiên tan tác, giáo dân chạy đây đó sinh sống. Mãi tới năm 1999 Cha Gioan Maria Vũ Tất (hiện là Giám mục Chính Tòa Giáo phận Hưng Hóa) lên làm mục vụ. Nhờ ơn Chúa thương cách lạ thường, ngài đã xây dựng lại cho giáo xứ Lào Cai ngôi nhà thờ hiện nay.

Giáo xứ Lào Cai hiện nay trải dài trên 8 huyện và có 27 dân tộc sinh sống. Số giáo dân Lào Cai là 3500, chia thành 15 giáo họ. Cha quản xứ là Cha Giuse Nguyễn Văn Thành. Ngài được nhiều linh mục triều và dòng đến phụ tá trong công việc mục vụ rất khó khăn vất vả. Nhà thờ giáo xứ tọa lạc tại phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, nên còn được gọi là nhà thờ Cốc Lếu.

Chúng tôi được Cha xứ Lào Cai đưa đến một số giáo họ và giáo điểm thuộc giáo xứ. Chiếc xe hơi cũ kỹ của ngài men theo triền núi dọc bờ sông Nậm Thi, biên giới Việt – Trung. Các giáo họ trải dài trên vùng đất có chiều dài gần cả trăm cây số. Cảnh thiên nhiên đẹp nao lòng, nhưng nhìn nhà cửa và sinh hoạt của người dân thì lại xốn xang. Dân chúng đa phần nghèo khổ, thiếu trước hụt sau.

Người dân Lào Cai một số lòng đạo vững vàng. Dĩ nhiên vẫn có những người giáo dân không tha thiết với lòng đạo, có lẽ một phần do ảnh hưởng của những năm tháng quá khó khăn về mọi mặt. Trong một “Câu chuyện Truyền giáo” đăng trên website của Giáo phận Hưng Hóa, Cha Giuse Thành kể chuyện một người phụ nữ đến gặp ngài và nói: “Dạ, thưa Thầy cho em thôi theo Đạo để em về với Phật, bên lương dân ạ, bởi vì bà ngoại em theo Đạo, khi nhỏ ở dưới quê em cũng được theo bà ngoại đi nhà thờ, dâng hoa nhưng từ năm 1966 lên đây không có nhà thờ em chẳng được đi nhà thờ. Em lại lấy chồng không Công Giáo, các con chẳng ai theo Đạo cả. Em muốn thôi Đạo để trở về Lương và trở về một mối cho thuận tiện. Kẻo chẳng ở bên nào rồi lại thiệt thòi!”. Và thế là cha Giuse phải khuyên bảo phải trái cho đến khi “chị từ bỏ ý định chuyển sang lương dân và quay trở về với Chúa” (Xin Thầy cho em chuyển sang lương dân- Câu chuyện truyền giáo số 25, www.giaophanhunghoa.org).

Chúng tôi thấy xúc động nhất là khi đến thăm nhà nguyện giáo họ Bản Xen thuộc giáo xứ Lào Cai. Đó là một ngôi nhà nhỏ, rất nghèo nàn, chơ vơ giữa rừng thưa. Nhìn Cha xứ giữa những anh chị em hăng hái phục vụ trong cảnh thiếu thốn cùng cực như thế, chúng tôi thấy dậy lên trong lòng nhiều suy nghĩ và tâm tình khó diễn tả.

Ngày đầu xuân, chúng tôi chưa có dịp trở lại Lào cai, chỉ liên lạc qua Internet với Cha xứ Giuse Nguyễn Văn Thành, và được ngài chia sẻ thêm về sinh hoạt ngày Tết của giáo xứ:

“Trong những ngày tết Nguyên Đán, lòng người như mở ra và muốn đón nhận cái mới qua việc thăm hỏi và chúc Tết. Nhận được cơ hội này, cha xứ Lào Cai mời gọi quý cha phụ tá, thầy phó tế và quý tu sỹ tích cực viếng thăm và chúc Tết. Trước tiên là những người già cả, neo đơn và đau yếu. Tiếp theo là người nghèo và dân tộc cũng như lương dân. Rồi đến những người trí thức và giới sinh viên cũng như những người không có khả năng ăn tết. Cuối cùng là giáo dân khô khan và ngại ngùng đến nhà thờ. Kết quả là rất khả quan. Nhiều người thiện cảm với nhà thờ và một số người bỏ nhà thờ nhiều năm đi lễ dịp Tết. Đặc biệt, có một số người lương dân tham dự Thánh lễ đầu Năm Mới".

Gioan Lê Quang Vinh