Thoạt kỳ thủy, tôi định chọn đề tài cho bài giảng giao thừa là giao thừa: chuyển giao và thừa nhận. Chuyển giao từ Đinh Dậu và đón nhận năm Mậu Tuất. Nhưng rồi đọc lại bài giảng Giao thừa năm ngoái, với đề tài người Công Giáo có được cúng Giao thừa mời ông bà về ăn Tết hay không, thấy thiếu triển khai một vế và hứa sẽ nói trong năm nay, nên xoay ngay đề tài hướng về vế thiếu đó của bài năm ngoái.

Năm ngoái chỉ mới trả lời Giao Thừa người Công Giáo được mời ông bà, mà thiếu vế “về ăn Tết.” Về ăn Tết chứ không phải về ngồi chơi, xơi nước, về phù hộ cho con cháu thôi đâu. Về ăn Tết đàng hoàng.

Dẫu cho ngôn ngữ Việt nam chữ ăn trong ăn Tết không thể dịch ra tiếng Tây tiếng Mỹ. Mà nếu cứ dịch đích thị là ăn, thì càng quả phù hợp với tâm tình người Việt ta.

Nhìn thấy một người Việt ta đặt mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, Một người Tây Phương bĩu môi lên tiếng: Họ chết rồi, đâu có ăn được nữa, mà dâng cơm cho họ làm chi.

Chúng ta có biết người Việt này trả lời làm sao không ? “Thế các ông cũng nghĩ rằng tổ tiên các ông đã chết rồi vẫn còn mắt còn mũi để ngửi hương thơm nhìn hoa đẹp khi các ông đặt hoa xông hương lên cho họ chắc. Các ông có nghĩ là họ, những kẻ nằm kia, còn biết ngắm hoa, thưởng thức hương thơm mà các ông dâng cho họ sao. Vậy thì đâu có khác gì giữa dâng hoa mà họ chẳng thấy, dâng hương mà họ không ngửi được, với dâng cơm mà họ không ăn đâu” (*).

Nhưng cái hay của dâng cơm là : cơm là ăn. Cơm là lương thực cần thiết để sống. Vậy là khi dâng thức ăn, người ta tin rằng người chết còn sống.

Có một nhà thần học, người Đài Loan, tên là Choan Seng Song, chứng kiến và mô tả nghi thức một bà mẹ, mỗi ngày đặt lên bàn thờ người con trai của bà đã chết một bát cơm. Nhà thần học này nhận ra rằng, đơm bát cơm là dấu chỉ rõ nhất bà mẹ tin con mình còn sống. Trong ý nghĩa này, bát cơm kết nối người sống và người chết. Chính bữa ăn mà sự thông hiệp mọi thành viên trong gia đình -sống hoặc chết-diễn ra.

Cũng vì vậy mà Nhà Tưởng Nhớ gắn liền với sinh hoạt người sống. Du Sinh dư sức làm một nhà tưởng nhớ riêng biệt, nhưng sẽ không diễn tả được rõ nét sự hiệp thông giữa người sống và kẻ chết, mà ta tin vẫn sống. Cho nên chẳng xúc phạm gì khi ta ăn uống bên cạnh những người đã ra đi trước chúng ta, vì ta tin họ vẫn sống.

Chính vì bức bách do giáo hội Tin Lành tại một số nước Đông Á, như Nhật, Đại Hàn, Đài Loan vẫn cấm đoán không cho hương khói nói chi đến hoa quả thức ăn và dĩ nhiên cũng không được đặt bàn thờ tổ tiên, người chết (đến nỗi họ có một kiểu nói: vào nhà nào mà không thấy bàn thờ người chết, đích thị là Kitô hữu), nên một sinh viên học tại Đại Học Wesley, năm 1990, đã trình luận văn tiến sĩ với đề tài thật thách thức: Tổ tiên còn sống: Giáo hội có biết điều đó không ?

Mà sống đồng nghĩa với ăn. Còn ăn là còn sống. Khi thăm một người bệnh nặng, mà nghe kể, còn ăn được, ta biết, họ còn sống. Khi hết ăn được là chết cận kề. Vì thế ăn kề với sống. Chết rồi mà vẫn mời ăn, chứng tỏ tin rằng còn sống. Mà quả thế, kinh tiền tụng lễ cầu cho tín hữu qua đời, ta nghe thấy gì: đối với chúng con là những kẻ tin: sự sống biến đổi chứ không mất đi. Và khi nơi trú ngụ dưới trần bị tiêu hủy, chúng con được về sống hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời. Chết là sống dưới một hình thái khác.

Trở về với thượng nguồn của Kitô giáo, ta sẽ ngạc nhiên khám phá ra rằng vào thế kỉ thứ tư và thứ năm vẫn đã có một nghi thức gọi là: bữa ăn cho người chết cử hành ngay tại mộ của người vừa nằm xuống đó. Theo Jungmann, nhà Phụng vụ học chuyên nghiên cứu về cội nguồn của các nghi thức, thì người Kitô hữu giữ tập tục này (bữa ăn cho người chết tại mộ), không phải nhằm cung cấp thức ăn nuôi sống người chết, nhưng muốn tin rằng họ vẫn còn sống.

Tập tục này bị lạm dụng, như xưa thời Phaolo tại Corintô: bữa ăn huynh đệ trước lễ bẻ bánh trở thành chè chén say sưa của những kẻ giàu giữa những người nghèo không no được một góc bụng, nên Phaolo đã cảnh cáo trong 1Cr 11, 17-34, thì bữa ăn cho người chết cũng đã bị giáo hội cấm. Cấm không phải vì đó là tập tục kẻ ngoại, mà vì những lạm dụng không thể tha thứ được. Tại Milan, giám mục Ambrosio cấm tuyệt đối. Tại Hyppone, giám mục Augustino biến cải nó thành nơi làm phúc cho kẻ nghèo đói. Ngài cho phép mang thực phẩm tới mộ, miễn là vừa phải thôi, rồi dành một phần cho kẻ nghèo đói. Sau đó ta thấy biến mất hẳn bữa ăn cho người chết, vì bị cấm. Bị cấm vì lạm dụng để say sưa chè chén.

Ngày nay những lạm dụng như thế khó xảy ra, vì lễ vật dâng thường là tượng trưng hơn là vì nhu cầu thực tế. Thường là quả, là trái, là ly nước, bát gạo, nên cũng chẳng thể say sưa.

Đêm nay giao thừa, người Việt khắp nơi cúng giao thừa mời ông bà tổ tiên về ăn tết với con cháu. Người Việt Công Giáo ta đây cũng dâng lễ giao thừa mời ông bà tổ tiên về ăn tết. Ăn nghĩa là ta tin họ vẫn sống. Và ăn tất phải có cái để ăn. Cái ta chọn là bánh. Bánh vuông tượng trưng cho đất. Người bởi đất mà ra và sẽ trở về đất. OBTT cũng bởi đất vuông và đã trở về với một vuông đất nên ta sẽ dâng (ai muốn gọi cúng cũng chẳng sao) lên ÔBTT bánh chưng vuông, rồi ta sẽ hưởng lộc từ ông bà. Ta sẽ dâng lên Chúa, là Tổ Tiên của các tổ tiên, bánh tròn, là tinh hoa ruộng đất, để trở thành bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng ta.

Ta thấy có cái gì tương tự giữa cúng và dâng. Người ta cúng ÔBTT rồi dùng của đã cúng đó. Ta dâng lên Chúa bánh và rượu rồi ta “rước (lễ)” chính bánh và rượu đó đã biến thành của lễ hiến dâng, thì hôm nay, ta dâng, ngoài rượu nho và bánh tròn, dâng thêm bánh vuông lên ÔBTT và dâng bánh vuông đó lên Chúa là Tổ tiên của các tổ tiên, rồi ta hưởng lộc những gì ta dâng. Bánh vuông nhưng vẫn xuôi lọt đến các gia đình như lộc của tổ tiên và của Chúa là Tổ tiên của các tổ tiên.

LM. An-Phong Nguyễn Công Minh, ofm

__________________________________________

(*) một phiên bản khác, ý vị hơn: Tây hỏi : “Ông có nghĩ họ sẽ ra khỏi mộ ăn bát cơm ông dângkhông ?” Đông đáp : “Họ sẽ ra cùng lúc với người quá cố của ông bước ra ngửi hương thơm”.