Mùa Để Bắt Đầu Yêu Thương.

(THỨ TƯ LỄ TRO 2018)

Dẫn nhập đầu lễ : Kính thưa ông bà và anh chị em,

Trước ngưỡng cửa của ngày Tết đang trở về, mà người Ki-tô hữu chúng ta hôm nay lại nhắc đến “con người là tro bụi” và buộc phải ăn chay kiêng thịt, như thế có quá nghịch lý và gai chướng không ? Tôi nghĩ là không. Bởi vì chắc anh chị em cũng như tôi đều có thể đoan chắc rằng : ngay giờ phút nầy, chứ không cần đợi đến ngày mai, ngày mốt…trên mọi nẻo đường của thế giới, đều đang xảy ra những tai nạn chết người, những cuộc sống tươi đẹp bị cắt đứt để trở về với kiếp tro bụi…!. Đấy ! Vui đó, sống đó rồi chết đó. Kiếp người là tro bụi còn gì !

Trong tiếng Do Thái, ADAMAH có nghĩa là BỤI ĐẤT. Và từ “bụi đất” Thiên Chúa đã làm nên con người ADAM. Vì thế, hai chữ ADAMAH (bụi đất) và ADAM (con người, người đàn ông) là hai chữ đồng âm. Có lẽ tác giả Kinh Thánh đã dùng kiểu chơi chữ đặc biệt nầy để nhắc nhở cho chúng sinh về cái hữu hạn, phù vân, tầm thường của kiếp người. “Con người vốn đến từ bụi tro rồi sẽ trở về tro bụi”. Chúng ta cũng có thể tìm thấy ý nghĩa đó trong một vài ca khúc quen thuộc :

:“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi. Ôi cát bụi mệt nhoài... (TCS)

Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó. Trời đã ban cho ta cám ơn trời dù sống thương đau. Mai kia chết rồi trở về cát bụi giàu khó như nhau.(Lê Dinh)

Cũng chính trong ý nghĩa nầy, hôm nay Giáo Hội đã khai mạc một thời gian Phụng Vụ đặc biệt, Mùa Chay, bằng một ngày đặc biệt “NGÀY TRO BỤI” hay “THỨ TƯ TRO BỤI” (tiếng Anh là DAY of ASHES hay ASH Wednesday), và Phụng vụ LỄ TRO luôn là một lễ quan trọng đối với mọi người Kitô hữu ; và chút nữa đây, chúng ta sẽ đón nhận chút tro trên đầu hay trên trán trong khi Lời Chúa trong Sách Sáng Thế âm vang như một điệp khúc :

“Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro...”

Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh, tro được dùng làm biểu tượng nói lên một cõi lòng buồn đau tan nát, một cõi lòng thống hối ăn năn vì tội lỗi. Trong lịch sử Israel, những lúc nước mất nhà tan, những lúc Thiên Chúa đánh phạt Dân Ngài bằng tai ương hoạn nạn, người ta rủ nhau rắc tro lên đầu, mặc đồ vải thô, mặt mũi sầu buồn ủ rũ, dâng lên những lời kinh ảo não để cầu xin Thiên Chúa dủ lòng thương xót thứ tha.

Trong Cựu Ước, khi dân Do Thái muốn xin Chúa thứ tha thì họ ngồi trên đống tro và xức tro lên đầu. Khi Giô-na báo cho dân thành Ni-ni-vê rằng Thiên Chúa sẽ hủy diệt thành phố của họ nếu họ không hoán cải, vị vua đã hành động như sau:

“Ông rời khỏi ngai vàng, cởi áo choàng, khoác áo vải thô và ngồi trên tro.” (Giô-na 3,6). Và cả thành phố đều làm như thế. Về phần Gióp, ông gặp mọi điều bất hạnh: mất hết của cải, con cái chết đi, thân ông bệnh hoạn. Ông nghĩ rằng Chúa trừng phạt ông vì ông không đủ tốt lành, vì thế ‘ông ngồi trên đống tro’ (G 2,8).

Thưa Anh Chị Em,

Hôm nay cũng thế, Mẹ Giáo Hội rắc tro lên đầu con cái mình để mời gọi chúng ta mở đầu một mùa ăn năn thống hối. Một lời kinh tôi thú nhận, một cử chỉ đấm ngực ăn năn mà thôi không đủ, cần cả một mùa ăn năn thống hối, thống hối tội lỗi bản thân, tội lỗi của dân Chúa và tội lỗi của toàn thể nhân loại. Để từ cuộc hoán cải, ăn năn hối tội, một con người mới được hồi sinh, một cuộc sống mới được tác thành trong Đức Kitô Tử nạn-Phục sinh.

Đức Thánh Cha Phanxico trong sứ điệp Mùa Chay 2018 đã gọi mời toàn thể dân Chúa hãy biến cuộc hành trình Mùa Chay thành một cơ hội để tái bắt đầu yêu thương :

“tôi mời gọi các phần tử của Giáo Hội hãy nhiệt thành tiến bước trên con đường Mùa Chay, được nâng đỡ nhờ các hoạt động làm phúc bố thí, chay tịnh và kinh nguyện. Nếu đôi khi lòng bác ái dường như bị tắt lịm trong bao nhiêu tâm hồn, thì nó vẫn không bị lịm đi trong con tim của Thiên Chúa! Ngài luôn ban cho chúng ta những cơ hội mới để chúng ta có thể tái bắt đầu yêu thương.”

Và như thế, cho dù được mời gọi dấn thân vào một “mùa hy sinh khắc khổ”, chúng ta vẫn hân hoan tuyên xưng rằng : Tro bụi cuộc đời vẫn ươm mầm hy vọng vinh quang. Hay cụ thể hơn, khi ý thức thân phận bụi tro của chính mình, chúng ta sẽ sẽ bắt đầu một cuộc đời mới, cuộc đời không bám rễ nơi trần gian hữu hạn nầy, nhưng vươn tới niềm hy vọng phục sinh trong quê trời hằng sống.

Đó cũng chính là ý nghĩa được Đức Thánh Cha Phanxico khai triển trong phần cuối của sứ điệp Mùa Chay năm nay :

“Trong đêm Phục Sinh, chúng ta sẽ cử hành nghi thức đầy ý nghĩa thắp sáng cây nến Phục Sinh: ánh sáng được lấy từ “lửa mới”, dần dần phá tan bóng đen và soi sáng cho cộng đồng phụng vụ.”Ánh sáng Chúa Kitô phục sinh vinh hiển phá tan đóng đêm của tâm trí”, để tất cả chúng ta có thể cảm nghiệm lại kinh nghiệm của các môn đệ trên đường Emmaus : lắng nghe Lời Chúa và nuôi dưỡng mình bằng Bánh Thánh Thể, giúp cho tâm hồn chúng ta tái nồng nhiệt tin cậy mến.”

Chính vì thế, trong cuộc hành trình 40 ngày chay tịnh nầy, ước gì chúng ta cũng biết để cho Lửa Thánh Thần thiêu rụi con người cũ thành tro bụi, rồi mạch nước Thánh Thần lại dùng chính tro tàn ấy mà dưỡng nuôi cho ta trở nên con người mới, đó là con người mà giáo huấn của Đức Kitô trong Tin Mừng hôm nay vừa nhắn gởi chúng ta :

- Hãy làm việc bác ái trong khiêm hạ và kín đáo, không phô trương.

- Hãy cầu nguyện trong thái độ chân tình với Thiên Chúa như cuộc tâm sự của cha con.

- Hãy ăn chay trong thái độ vui tươi, bình an như là một cử hành của tình yêu và ân sủng.

Như thế việc ăn chay của chúng ta, Mùa Chay của người Kitô hữu không phải giới hạn hay dừng lại với những việc làm thể chất bên ngoài (nhịn ăn một bữa, không ăn vặt, kiêng thịt...) mà cốt yếu đó là nỗ lực hoán cải và canh tân cuộc sống, trở về với Thiên Chúa trong con đường thiện hảo như Lời Chúa trong sách Giona hôm nay :

“Đừng xé áo nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em”. (Bđ1) hay như lời cầu nguyện của tác giả TV 50 : “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy...” (ĐC)

Mà trở về với Thiên Chúa không gì khác hơn là tái khám phá và canh tân Đức Tin, thực hành Đức Ái, một đức ái không phải chỉ là hành vi đột xuất, theo vụ mùa…nhưng, như Đức Thánh Cha Phanxico trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, phải là thái độ thường xuyên, phải là một “lối sống đích thực” :

“Việc thực hành làm phúc bố thí giải thoát chúng ta khỏi sự ham hố và giúp khám phá tha nhân là anh chị em chúng ta: điều chúng ta sở hữu không phải chỉ là của chúng ta. Tôi ước mong việc làm phúc được biến thành lối sống đích thực của mỗi người!”

Mùa Xuân đang đến và Mùa Chay lại về. Cuộc hành trình đức tin của dân Chúa lại có một bắt đầu mới để sắp xếp cuộc sống với Chúa, với chính mình và với tha nhân sao cho ngăn nắp hơn, ổn định hơn, đúng đắn hơn, sâu sắc hơn.

Và như thế, “40 ngày chay tịnh” sẽ là cuộc lên đường trong niềm tin yêu và hy vọng, trong hân hoan phấn khởi, trong nỗ lực và cố gắng của toàn thể anh chị em trong gia đình con cái Chúa. Đây chính là một cuộc “xuất hành mới của đoàn Dân Mới” với “40 ngày chiến đấu của Đức Ki-tô”, để cùng với Ngài, vượt qua và chiến thắng những cơn cám dỗ của “bánh mì đam mê vật chất”, của “tháp cao kiêu ngạo, cậy mình’, của “sự giàu sang và quyền uy thế tục”. Cuộc vượt qua và chiến thắng nầy không thể hẹn chờ, lấp lửng rày mai, mà phải tức khắc, dứt dạc. Bởi vì : “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (Bđ2). Amen.

Trương Đình Hiền

(Khai mạc Mùa Chay 2018)