Tâm tình của Đức Maria trong Kinh Magnificat - 22/12/2017

Hôm nay, chúng ta suy niệm về Đức Maria, nhân vật nổi bật thứ II của Mùa Vọng, sau Chúa, qua bài ca Magnificat. Trong lời Kinh này chúng ta rút ra ba tâm tình chính yếu của Đức Mẹ.
1) Tâm tình ngợi khen
Trước hết, tâm tình ngợi khen: Đức Maria đã ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa vì ân huệ và những điều cao trọng mà Người đã làm cho Mẹ. Ơn vô nhiễm nguyên tội, ơn đồng trinh trọn đời, ơn làm Mẹ Thiên Chúa, và sau này ơn vinh hiển cả hồn cả xác. Tất cả là do lòng thương xót Chúa, do Đấng Cứu Độ ban, nên Mẹ luôn sống trong tâm tình cảm tạ và ngợi khen Chúa. Đó là tâm tình chính yếu mà phụng vụ Kitô Giáo dội lại trong mỗi cử hành. Bởi lẽ mọi ân huệ được ban cho chúng ta phát xuất từ Thiên Chúa. Nên phải luôn ca tụng và ngợi khen Chúa như Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa.”
2) Tâm tình hoan hỷ
Tâm tình thứ hai là vui mừng hoan hỷ: “Linh hồn tôi hớn hở trong Chúa.” Với biến cố truyền tin, Đức Maria sống mầu nhiệm nhập thể như thể là một biến cố thần hiện ở mức độ cao nhất và nó làm cho Mẹ trở thành kiểu mẫu về một tâm hồn “nhiệt thành nhờ Thánh Thần” (Rm 12,11). Đó là Lễ Hiện Xuống của Mẹ. Mẹ được đầy Thánh Thần, tràn ngập niềm vui thánh thiện trong lòng. Chúng ta không thể hiểu được những hành vi và lời nói của Đức Maria trong cuộc viếng thăm bà Êlisabét nếu không ở trong ánh sáng của kinh nghiệm thần bí mà không có gì so sáng được. Đức Maria là người đầu tiên có kinh nghiệm về “niềm hoan lạc trong Thánh Thần” và lời kinh Magnificat là chứng tá tuyệt vời nhất về điều này. Từ khi Mẹ cưu mang Chúa trong lòng, Mẹ ở trong tình trạng tràn đầy niềm vui và hoan lạc trong Thánh Thần. Mặc dầu có Chúa và tin vào Chúa không có nghĩa là Mẹ được miễn trừ mọi nỗi buồn, đau khổ, trái lại, Mẹ bắt đầu bước vào một hành trình bất trắc và phải chịu thử thách quyết liệt, nhưng Mẹ đã vượt qua tất cả, nhờ sự tin tưởng phó thác một cách sâu thẳm vào Chúa. Dù lắm chông gai thử thách, tâm hồn Mẹ vẫn bình an và hoan hỷ trong Chúa. Bởi vì Chúa là bến đỗ mà Mẹ đã cắm neo cuộc đời mình. Mẹ vui mừng vì thấy quyền năng và ơn cứu của Chúa được thực hiện trong cuộc đời.
3) Tâm tình khiêm tốn
Tâm tình thứ ba là khiêm tốn: Sự khiêm hạ của Đức Maria sau nhập thể xuất hiện như một trong những phép lạ vĩ đại nhất của ân sủng. Làm sao Đức Maria có thể kham nổi sức nặng của tư tưởng này: “Bà là Mẹ Thiên Chúa! Bà là Đấng Cao Cả nhất trong mọi loài thụ tạo!” Lucifer không thể giữ được sự căng thẳng này một cách đúng đắn và tính kiêu ngạo đã làm nó chao đảo, nên nó đã gục ngã. Còn Đức Maria không như thế. Mẹ luôn giữ mình khiêm nhường, khiêm hạ, như không có gì xảy ra trong cuộc sống mình. Mẹ luôn xác tín rằng mình chỉ là “phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.” Nếu có là gì đều do ân sủng, do lòng thương xót Chúa, do “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.” Thánh Bênarđô chào Mẹ: “Lạy Mẹ Đồng Trinh, nữ tử của Con Mẹ. Mẹ càng khiêm nhường càng được tán dương hơn bất bất cứ thụ tạo nào khác.”
Như thế, tâm tình ngợi khen, hoan hỷ và khiêm tốn là ba tâm tình chính của Mẹ trong lời Kinh Magnificat và đó cũng là ba tâm tình Mùa Vọng mà chúng ta cần có để mừng Con Chúa Giáng Sinh. Ba tâm tình đó như là máng cỏ để cho Con Thiên Chúa được sinh ra một lần nữa trong lòng chúng ta. Vì như các bậc thầy tu đức nhắc nhở rằng: “Nếu Chúa Giêsu có sinh ra bởi Đức Maria ngàn lần tại Bêlêm sẽ không mang lại ý nghĩa gì cho chúng ta nếu Người không một lần được sinh ra nhờ đức tin trong lòng chúng ta.”
Xin Mẹ dạy chúng ta có những tâm tình xứng hợp này để đón mừng Con Chúa giáng sinh và để Chúa cũng được giáng sinh trong lòng chúng ta một lần nữa. Amen.