Vui mùa Giáng sinh
Người Pháp gọi là mùa Noel. Phát sinh từ cổ ngữ Nael, bắt nguồn từ chữ La-tinh Natalis : sự sinh ra đời (birth). Các cô chú Mễ gọi là Navidad. Đôi khi họ cũng dùng chữ Noe. Từ ngữ này không dính gì tới ông Noe (Anh ngữ là Noah) trong dịp đại hồng thủy trong Kinh thánh xưa.
Dân chúng cùng vui với bạn bè, thân nhân, lối xóm. Cùng kết hoa giăng đèn mừng Chúa. Gia đình xum họp đoàn tụ. Ai cũng mong giờ phút ăn tiệc đêm Giáng sinh. Dân ta quen gọi là dịp cắt bánh Réveillon. Quan trọng là cùng tới giáo đường dự lễ. Các bài thánh ca réo rắt bay bổng, cuốn hồn giáo dân lên cõi trời cao. Linh thiêng vô bờ. Trang nghiêm vô tận.
Trong niềm tin sâu xa vào ngày ‘cứu chuộc’ cao cả này, người ta hân hoan như đang sống trong bầu khí thần thánh thiên quốc. Người ta dâng lời nguyện cầu cho quốc thái dân an. Người ta tạm dẹp bỏ những lo toan trần tục. Người ta cũng phó thác mọi sự vào bàn tay quan phòng của Chúa.
Điều đặc biệt là ai cũng nghĩ tới người nghèo khổ xâu số trong dịp lễ này. Thế là các cơ quan từ thiện công tư đều ra tay gây quỹ và xin quà, nhất là cho những trẻ em thuộc gia đình nghèo. Người ta cũng tổ chức những buổi thăm viếng các cụ già cô đơn trong các viện dưỡng lão.
Tinh thần Giáng sinh được hiểu là như thế đó.
Huyền thoại ‘Ông già Noel’
Bà con vẫn nghe nói nguồn gốc vụ trao quà cho trẻ con vào dịp này, là do sự tích vị giám mục Nicholas xưa bên xứ Thổ nhĩ Kỳ. Ngài đã được phong thánh và kính vào ngày 6 tháng 12. Giám mục có lòng yêu mến trẻ nhỏ đặc biệt, nên được đem vào huyền thoại mùa Giáng sinh. Dân Hòa Lan gọi ngài là Sint Nicholaas, rồi biến dạng ra Sinterklass. Thời nhóm dân này làm ăn khấm khá ở vùng New York, họ phổ biến tên và sự nghiệp ngài, và rồi dân nói tiếng Anh gọi ngài là Santa Claus từ đấy.
Vào thế kỷ 19, nhà hoạt họa danh tiếng Thomas Nast đã hiện đại hóa hình ảnh ông già Noel trong một phim vui về Giáng sinh : một cụ già vui tính, râu tóc bạc phơ, má đỏ hồng, mặc bộ đồ đỏ trắng, bụng to, lưng đeo bao quà lớn, sẵn sàng trao cho lũ trẻ ngoan khắp nơi.
Quà của Chúa
Giáng Sinh là ngày ánh sáng của Thiên Chúa đến với con người. Ánh sáng đó đã đến và soi sáng cho những ai chịu đi trong ánh sáng. Nhưng ánh sáng cũng trở thành bóng tối nếu người ta cứ nhất định quay lưng lại.
Chúa Giáng sinh đem tới niềm vui cứu độ, sự tươi mát, nỗi hy vọng bao la. Chính vì vậy, trong mùa này, dân chúng cũng trang hoàng một loại cây thông, tiên khởi được thịnh hành ở Đức. Rồi ‘cây Noel’ được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi. Đến năm 1820 cây này được nhóm di dân người Ðức (nay ở Pennsylvania) mang sang nước Mỹ. Ngày nay, gần đến dịp Noel, người ta thường sắm một cây thông và trang trí lên đó những ngôi sao, những quả châu, dải kim tuyến lấp lánh, hoa... Cây thông Noel được xem là biểu tượng của niềm hy vọng và sức sống mới vươn lên cao, tạo them ý nghĩa trong các lễ hội Giáng sinh, cũng như để đón chào năm mới.
Bài học Chúa trao gửi cho nhân loại dịp này thật là cao cả nhiệm mầu : Người diễn tả sự trân trọng của Thiên Chúa đối với con người, qua mầu nhiệm nhập thể. Giáng Sinh là mầu nhiệm của Thiên Chúa. Nhưng trong mầu nhiệm này, con người chiếm vị trí trung tâm.
Chúa Giêsu giáng sinh đem đến cho ta niềm hi vọng lớn lao. Chúa Giêsu giáng sinh đổi mới tâm hồn ta. Và Người mong chờ ta sống một đời sống mới, xứng đáng với phẩm giá cao cả do ân sủng Chúa ban. Người bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa qua sự đồng cảm lớn lao, đến độ đồng hóa mình với con người. Vì yêu thương, Chúa đã xuống thế làm người. Vì yêu thương, Chúa cùng chịu chung số phận với loài người.
Sống tinh thần Giáng Sinh
Mừng lễ Giáng sinh chúng ta chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp : Giáng sinh vui vẻ, cuộc sống an khang, gia đình hạnh phúc... Nhưng thiết tưởng, những lời chúc tốt đẹp đó sẽ vẫn mãi chỉ là những câu những chữ trên sách vở, nếu mỗi người chúng ta không làm một vài nghĩa cử yêu thương nào đó, cho chính người thân yêu của mình nơi gia đình, cho người đồng nghiệp nơi công sở, cho người bà con nơi xóm ngõ.
Giờ đây, thay vì ngồi nguyền rủa bóng đêm của hận thù, bất công và chia rẽ, mỗi người hãy thắp lên ngọn nến của yêu thương, công bằng và hiệp nhất. Có như vậy, biến cố ‘Ngôi Lời nhập thể’ mới trở nên niềm vui và niềm hạnh phúc đích thực cho tất cả và từng người chúng ta.
Nếu lễ GS năm nay là dịp để chúng ta tỏ lòng yêu mến nhau nhiều hơn, qua việc tương trợ nhau, tôn trọng nhau, nhất là tôn trọng phẩm giá và sự sống con người, ngay cả với những người thấp cổ bé miệng nhất, và nếu vào dịp lễ GS năm nay, mỗi người chúng ta tạo một món quà mang lại niềm vui cho người khác, nhất là ‘niềm vui tin mừng’ cho tha nhân, thì có lẽ chúng ta mới thực sự là những người đến viếng và hiểu lòng Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ, và chúng ta mới thực sự là người đón nhận lời mà các thiên thần hát trong đêm nay :
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho người Chúa thương.”