Melbourne, Chúa Nhật 5-11, một ngày cuối mùa xuân miền Nam nước Úc, trời thật lạnh vào buổi chiều sau 7 giờ khi mặt trời đã lặn, mặc dù ánh sáng vẫn còn soi rõ mặt đất. Trong hội trường mang tên vị Nữ Thánh Mary Thánh Giá, Mary MacKinllop, khoảng hơn 200 người đã tề tựu trong bữa tiệc gây quỹ xây dựng giáo xứ.
Hình Trần Đức Danh và Nguyệt Trần
Mười lăm năm tồn tại với vị linh mục, Cha Gio, người Úc giỏi tiếng Việt, được tiếp nối với Cha Sơn, và linh mục Leenus người Ấn Độ cùng với Cha Nguyễn Xưa người Việt, giáo xứ đã có nhiều thay đổi. Cả hai vị linh mục Ấn-Việt đều có mặt tại Holy Child khoảng bảy năm mặc dù Cha Xưa về giáo xứ ít hơn một chút. Cộng đoàn người Việt có thánh lễ mỗi tuần và số giáo dân khoảng hơn 200 người, nhưng hội tụ toàn những anh chị làm việc tích cực có mặt trong nhiều sinh hoạt của người Việt khắp Melbourne. Holy Child là một trong 15 cộng đoàn người Việt thuộc Tổng Giáo Phận Melbourne.
Sau bài diễn văn vắn gọn mở đầu của Cha Chính Xứ Leenus, Cha Nguyễn Xưa đã làm phép bữa tiệc và tiếp theo là phần văn nghệ, rút tên trúng thưởng và xổ số. Trong những màn trình diễn văn nghệ thông thường, một bài hát gây ấn tượng và rất xúc động là lúc toàn thể hội trường được mời cùng đứng lên để hợp ca Tôn Vinh Mẹ Fatima nhân dịp Năm Thánh Mẹ. “Lạy Mẹ Fatima, Mẹ nỉ non bao lần. Tội gian trần làm phiền cho trái tim Mẹ...” Tiếng hát như một lời van xin và một lời hứa. “Sống bên Mẹ, chết bên Mẹ, con sợ chi, Mẹ ơi!” Bài hát như nhắc mọi người nhớ về một nước Việt Nam cho đến hôm nay vẫn còn ngụp lặn đắm chìm trong lầm than, đói khổ của ách thống trị bạo tàn. Nước Nga đã trở lại như Lời Mẹ đã hứa 100 trước, nhưng Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn và Trung Hoa vẫn còn trong đau thương khốn cùng. Việt Nam đã thoát cảnh binh đao nhưng lại đang chia lìa và xâu xé lẫn nhau với nạn ngoại xâm hiện đại và tàn nhẫn hơn bao giờ hết trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Một em bé rất bé, chừng năm tuổi, trong áo dài mầu đỏ, hát bài “Tôi yêu quê tôi.” với những hình ảnh, mái tranh nghèo, nhịp cầu tre, con sông dài, ... Tất cả như nhắc lại một đất nước thật đẹp, nhưng cũng đầy đau thương với chiến tranh triền miên bất tận, cuộc chiến này nối tiếp cuộc chiến kia không dứt. Quê hương tôi hôm nay vẫn đầy hận thù, đau thương và đói khổ. Cha Vũ Phước Hiến, một linh mục trẻ đã do Cha Gio giúp đỡ, đêm nay hát bài “Mùa mưa lần trước”. Mùa mưa lần trước anh về, nhưng mùa mưa lần sau anh đã chẳng còn trên cõi thế. Bài hát nhắc nhở những khuôn mặt lính trong hội trường nhớ về những kỷ niệm một thời chinh chiến đã qua nhưng vết hằn vẫn còn trên lưng lớp thanh niên nay đã bước vào tuổi xế chiếu, sáu mươi hay bảy mươi và hơn nữa.
Một bài hát khiến hội trường xúc động vô cùng, đó là bài “Thưa mẹ, con là người Việt Nam.” Vâng con là con Mẹ Việt Nam, máu đỏ da vàng, “màu của kiếp lầm than”. Màu da của con mang đầy những vết tích chiến tranh, loạn lạc. Những vết tích đã hằn sâu của những thế hệ “sinh nhầm thế kỷ” với năm, hay bảy lần chạy loạn, tản cư, di cư và vong thân nơi xứ người. Những người con xa xứ và những người con còn trong nước của Mẹ mang bao nhiêu vết tích của Mậu Thân, Lộc Ninh, Mùa Hè Đỏ Lửa, của trận chiến Nam Lào 1972, trận chiến vào Cam-bốt, ... với những lớp trai ra đi không phải do mình, nhưng vì tham vọng, vì chiến tranh chủ nghĩa, vì lòng tham và hận thù mà ngoại bang đã mang lại, trút trên đầu người con Việt Nam hai miền mà di hại vẫn còn cho mãi đến hôm nay.
Bài hát cuối chương trình của ca trưởng Ca Đoàn Don Bosco “Nắng Thuỷ Tinh”của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như một giấc mơ về một ngày nắng đẹp cho quê hương, một ngày mà cử điệu trong bài múa của Cha Xưa cùng các anh chị em giáo xứ trong màu áo đỏ như những hy vọng cho thế hệ đang lớn và thế hệ mai sau. Hẹn gặp trong mùa gây quỹ năm tới.