ĐTC Phanxicô ngồi đối diện với màn ảnh lớn, nói chuyện trực tiếp với các phi hành gia qua vệ tinh cách trái đất 400 km.
Ngài mở đầu bằng cả hai lời chào sớm tối, vì ở ngoài không gian không còn phân biệt ngày đêm. Ngài bắt đầu bằng một gợi ý :
Thiên văn học giúp các phi hành gia chiêm ngắm chân trời vô hạn của vũ trụ, khiến ta trăn trở : Ta đến từ đâu và sẽ đi về đâu ?
Tiếp đó, ngài hỏi phi hành gia người Ý Paolo Nespoli : ‘‘Nhờ chuyến du hành trong không gian, bạn nghĩ sao về chỗ đứng của Nhân loại trong vũ trụ ?’’. Nhà khoa học không gian người Ý tỏ ra bối rối trước một vấn nạn phức tạp, cho biết ‘‘Càng biết nhiều mới nhận ra ta còn biết rất ít về các vấn đề. Ông mong muốn sau này, các nhà thần học, các triết gia, các nhà thơ có cơ hội lên không gian đế bày tỏ ý kiến về vấn nạn này. Phi hành gia Nespoli thực hiện chuyến công tác lần thứ tư trong không gian. Năm 2011, ông đã có dịp đàm đạo với Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI.
Ngài hỏi tiếp phi hành gia người Nga Alexandre Missourkine : ‘‘Các phi hành gia có nghĩ rằng chỉ có tình yêu mới có thể làm thay đổi được vũ trụ ? Missourkine vốn sinh trưởng trong một đất nước từng chìm đắm trong chủ thuyết cộng sản vô thần, tỏ ra thú vị khi mượn câu nói của nhà văn và phi công người Pháp Saint-Exupéry đã viết trong Le Petit Prince : Nhìn trên cao, hành tinh xem ra rất bình yên.
Đức Thánh Cha hỏi động lực nào khiến họ trở nên phi hành gia và niềm vui được công tác trong trạm không gian ? Nhà khoa học Nga Sergueï Riazanski cho biết ‘‘Các cuộc du hành không gian chính là tương lai của nhân loại’’. Phi hành gia người Mỹ Randy Bresnik làm việc tại Nasa, sinh sống trong một đất nước có truyền thống Kitô giáo, thưa với Đức Thánh Cha : ‘‘Niềm vui lớn nhất mỗi ngày là có thể chiêm ngắm từ ngoài không gian ngõ hầu tìm hiểu phần nào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Ta không thể đến đây để chứng kiến Trái đẹp tuyệt vời mà không cảm nhận từ trong tâm can’’. Các phi hành gia khác thì cho rằng tử trạm không gian, hành tinh không còn ranh giới, cũng không còn tranh chấp hơn thua.
Đức Thánh Cha nói đến chủ nghĩa cá nhân trong xã hội ngày nay. Ngài yêu cầu các phi hành gia suy nghĩ về sự hợp tác quốc tế trong trạm không gian này. Trước khi kết thúc cuộc đàm đạo, ngài mời gọi mỗi người ‘‘Hãy cầu nguyện cho tôi’’.
16 quốc gia tham gia trạm không gian ISS, năm 1998 được đặt vào quỹ đạo với chi phí lên tới 100 tỷ đô la. Hai nước Mỹ và Nga tài trợ phần lớn các chi phí. 6 phi hành gia hiện ở trong trạm không gian gồm 3 người Mỹ, 2 người Nga, 1 người Ý, từ 40 đến 60 tuổi.
Paris, ngày 27/10/2017
Lê Đình Thông