Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm Chúa Nhật 20 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ nỗi buồn của ngài trước một loạt các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng trong những ngày gần đây và lên án “bạo lực vô nhân đạo” trong các vụ tấn công này. Những nhận xét của ngài đã được đưa ra sau bài huấn đức trong trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật cùng với những người hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô.
“Trong những ngày gần đây, chúng ta buồn phiền về những vụ tấn công khủng bố đã gây thương vong cho rất nhiều nạn nhân ở Burkina Faso, Tây Ban Nha và Phần Lan. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người quá cố, những người bị thương và gia đình họ và chúng ta hãy khẩn cầu Chúa, là Thiên Chúa của lòng thương xót và bình an, xin Ngài giải phóng thế giới khỏi những hình thái bạo lực vô nhân đạo này.”
Hôm Chúa Nhật 13 tháng 8, bọn khủng bố đã tấn côn vào một nhà hàng Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Ouagadougou. Chúng xả súng bắn bừa bãi vào các thực khách giết chết 18 người.
Trong khi đó tại Barcelona, lúc 4:50 chiều thứ Năm 17 tháng 8, bọn khủng bố Hồi Giáo IS lái một chiếc xe tải nhỏ tông vào khách bộ hành trên đường Las Ramblas giết chết 13 người và làm hàng chục người khác bị thương. Vài tiếng đồng hồ sau đó, một cuộc tấn công khủng bố khác đã diễn ra ở thị trấn duyên hải Cambrils khiến cho một người chết và hàng chục người khác bị thương. 5 tên khủng bố bị cảnh sát bắn chết. Ít nhất 7 tên khác trong nhóm khủng bố được tin là đã chạy thoát được sang biên giới với Pháp.
Cảnh sát đã lục soát một đền thờ Hồi Giáo tại Ripoll, bắt giữ một thày giảng Kinh Koran tên là Abdelbaki Es Satty, tịch thu hàng trăm ống ga chứa các chất độc hóa học được chuẩn bị cho một vụ khủng bố quy mô lớn.
Cho đến nay vụ khủng bố tại Barcelona được kể là vụ khủng bố nghiêm trọng nhất với một con số đông nhất các tên khủng bố tham gia và số tang vật lớn nhất bị tịch thu; cùng với sự tham gia trực tiếp của hàng giáo sĩ Hồi Giáo.
2. Phản ứng của Tòa Thánh trước vụ khủng bố tại Tây Ban Nha
Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu 18 tháng 8, ông Greg Burke, giám đốc văn phòng báo chí của Vatican cho biết như sau:
“Đức Thánh Cha đã theo dõi với đầy âu lo về những gì đang xảy ra ở Barcelona. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân của cuộc tấn công này và muốn bày tỏ sự gần gũi của mình với toàn thể người dân Tây Ban Nha, đặc biệt là những người bị thương và gia đình các nạn nhân.”
Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Tây Ban Nha đã lên tiếng kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình và cho các nạn nhân và gia đình trong các thánh lễ Chúa Nhật 20 tháng 8 vừa qua.
Bọn khủng bố Hồi Giáo IS thông qua hãng tin Amaq của chúng đã lên tiếng chịu trách nhiệm về vụ tấn công này.
3. Đức Hồng Y Sarah nói những kẻ cách mạng mới đang cố gắng tiêu diệt các gia đình Kitô
Đức Hồng Y Robert Sarah nói rằng những người ủng hộ phá thai và kiểm soát dân số ở Châu Phi thời nay cũng giống như những kẻ cách mạng Pháp thời xưa đã thảm sát người dân Vendée.
Trong một bài giảng để tôn vinh những vị tử đạo Vendée, được truyền trực tuyến bởi Famille Chrétienne, Đức Hồng Y Sarah ca ngợi các nhà lãnh đạo trong khu vực và dân chúng đã chống lại chủ nghĩa vô thần, nhưng nói rằng Giáo Hội và gia đình truyền thống vẫn đang tiếp tục bị bức hại.
Cuộc chiến ở Vendée, kéo dài từ tháng 3 đến tháng 12 năm 1793, là cuộc tổng nổi dậy của những người bình dân nhằm chống lại chính phủ cộng hòa cách mạng Pháp đang hung hăng bách hại Đạo Thánh Chúa. Cuộc nổi dậy được lãnh đạo bởi người Công Giáo, phần lớn gồm các nông dân.
Sau cuộc nổi dậy, hàng chục ngàn thường dân bị tướng Louis Marie Turreau thảm sát. Nhiều người đã được Giáo Hội tôn vinh.
Đức Hồng Y hỏi: “Ngày hôm nay ai sẽ đứng lên vì Thiên Chúa? Ai sẽ dám đương đầu với những người bách hại Giáo Hội thời hiện đại? Ai sẽ có can đảm để đứng lên mà trong tay không có vũ khí nào khác ngoài kinh Mân Côi và lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa, khi đối mặt với những thách đố nghiêm trọng trong thời đại chúng ta? “
Những thách đố nghiêm trọng trong thời đại của chúng ta, theo Đức Hồng Y, là “chủ nghĩa tương đối, sự thờ ơ và thái độ coi thường Thiên Chúa”.
Đức Hồng Y đã đặt ra với các khán thính giả câu hỏi này:
“Ai sẽ nói với thế giới rằng tự do duy nhất đáng để đánh đổi mạng sống mình là tự do tôn giáo?”
4. Đức Hồng Y Nichols kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho vị tiền nhiệm của ngài
Đức Hồng Y Cormac Murphy-O'Connor, cựu tổng giám mục Westminster đã phải vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.
Đức Cha Richard Moth của giáo phận Arundel và Bighton nói trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Bẩy 19 tháng 8 rằng Đức Hồng Y Vincent Nichols đã gửi một bức thư cho tất cả các giám mục của Anh và xứ Wales kêu gọi cầu nguyện cho vị tiền nhiệm của ngài.
Đức Hồng Y Nichols viết: “Những lời cầu nguyện yêu thương này là nguồn sức mạnh và sự an ủi to lớn khi ngài bình tâm suy ngẫm về tất cả những gì đang và sẽ diễn ra, tất cả đều trong vòng tay của Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa củng cố ngài trong đức tin và tin cậy và xin cho những lời cầu nguyện của Giáo Hội mà ngài rất quý trọng, an ủi và nâng đỡ ngài.”
Đức Hồng Y Murphy-O'Connor từng làm Giám mục Arundel và Brighton trong gần 23 năm trước khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục của Westminster vào năm 2000.
Đức Cha Moth nói thêm: “Như chúng ta đều biết, Đức Hồng Y Cormac đã coi sóc Giáo Phận này trong yêu thương và với một ý chí vĩ đại, tôi chắc chắn với anh chị em rằng những lời cầu nguyện của tất cả chúng ta vào thời điểm này rất có giá trị”.
5. Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli kêu gọi Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo
Đức Tổng Giám mục Girelli, nhà ngoại giao không thường trú của Vatican, đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo trong bài giảng tại Đại hội Thánh Mẫu ở La Vang với sự tham dự của hơn 100,000 người.
Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli đã chủ sự buổi lễ khai mạc Đại hội Thánh Mẫu hôm 13 tháng 8 tại tỉnh Quảng Trị.
Trong Thánh Lễ, cùng với các giám mục Việt Nam và khoảng 200 linh mục, Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng:
“Trong một số tỉnh, các quan chức dân sự đang lo lắng và phàn nàn về người Công Giáo và hành động của họ”
Đức Tổng Giám mục Girelli đã khuyên cộng đoàn nên theo các lời khuyên khôn ngoan của Thánh Phêrô: “Chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa chứ không phải loài người”, và khuyên các quan chức nhà nước nghe theo lời Chúa Giêsu “Hãy trả lại cho Caesar những gì của Caesar và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”.
Hướng đến các viên chức nhà nước Việt Nam, ngài nói: “Tôi muốn nói với các Caesar của Việt Nam, các ông hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”.
Lời khuyên này của ngài đã được cộng đoàn đáp lại bằng một tràng vỗ tay rất lớn.
Đầu năm nay, các giám mục Việt Nam đã chỉ trích Luật Tôn giáo mới có hiệu lực vào ngày 1 tháng Giêng. Các ngài nói những cụm từ trừu tượng trong luật “dễ bị lạm dụng để trút trách nhiệm và lên án các tổ chức tôn giáo khi chính phủ không hài lòng.”
Trong Thánh Lễ, Đức Tổng Giám mục Girelli nói rằng Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam phải được nhà nước xem như một điều gì đó tích cực chứ không phải là một điều gì đó là vấn đề đối với đất nước.
6. Đức Hồng Y Urosa nói các giám mục Venezuela phản đối mọi can thiệp của quân đội nước ngoài, dù là từ Mỹ hay Cuba
Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino của thủ đô Caracas nói: Các giám mục Công Giáo Venezuela “bác bỏ bất cứ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài” bất chấp tình hình nguy kịch hiện nay của quốc gia.
Sau khi cử hành Thánh Lễ vào dịp kỷ niệm 150 năm ngày khánh thành nhà thờ chính tòa thủ đô, Đức Hồng Y Urosa đã phản ứng lại trước tuyên bố mới đây của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, gợi ý về một sự can thiệp quân sự của Mỹ, để tái lập lại trật tự tại Venezuela.
Đức Hồng Y thừa nhận: “Cuộc khủng hoảng mà chúng tôi, những người Venezuel đang phải chịu đựng là rất nghiêm trọng. Vì thế, nhiều quốc gia khác đang nói đến khả năng can thiệp quân sự.”
Tuy nhiên, Đức Hồng Y khẳng định: “Chúng tôi là người Venezuelan, và đặc biệt là vì chính phủ của chúng tôi đã tạo ra những vấn đề, nên chúng tôi chính là những người phải giải quyết cuộc khủng hoảng này.”
Đức Hồng Y Urosa nhận xét rằng các giám mục Venezuela sẽ bác bỏ “bất cứ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài”. Ngài mạnh mẽ cáo buộc sự can thiệp quân sự của Cuba tại Venezuela trong một thời gian dài nhằm ủng hộ chế độ xã hội chủ nghĩa.
7. Khả năng Đức Thánh Cha sang thăm Nga là còn quá sớm
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã sang thăm Nga từ 21 đến 23 tháng 8.
Phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Công Giáo Nga, cho biết trong chuyến viếng thăm Mạc Tư Khoa, Đức Hồng Y Pietro Parolin, đã không có bất cứ cuộc thảo luận nào về khả năng Đức Thánh Cha sang thăm Nga.
Cha Iglor Kovalevsky nói với thông tấn xã Interfax của Nga rằng còn quá sớm để thảo luận về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha khi Đức Hồng Y Parolin gặp Đức Thượng Phụ Chính thống giáo Kirill của Mạc Tư Khoa.
Cha Kovalevsky nói: “Chính Đức Hồng Y đã nhấn mạnh rằng vấn đề này sẽ không được thảo luận”.
Cha Kovalevsky nói rằng sau cuộc họp lịch sử tại Cuba, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill có thể sắp xếp một cuộc gặp gỡ khác ở một quốc gia nào đó, nhưng không phải là tại Mạc Tư Khoa.
Đức Thượng Phụ Kirill vấp phải một sự chống đối rất mạnh trong nhiều thành phần Chính Thống Giáo Nga không muốn thấy bất cứ bước tiến đại kết nào giữa hai Giáo Hội. Tuyên bố của cha Kovalevsky hiển nhiên là nhằm trấn an các thành phần này.
Nhiều lần trong thời triều đại của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các viên chức Vatican đã tìm cách sắp xếp chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng tại Nga. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đã bị phá vỡ vì các quan chức Chính thống giáo quá nhấn mạnh đến các tranh chấp giữa Giáo Hội - đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tài sản của Giáo Hội Công Giáo tại Ukraine. Cộng sản đã tịch thu các nhà thờ của Giáo Hội Công Giáo Ukraine và trao cho Chính Thống Giáo. Đa số các nhà thờ này vẫn còn trong tay của Chính Thống Giáo mặc dù cộng sản đã sụp đổ tan tành từ lâu.
8. Đức Hồng Y Medina xin các linh mục đừng cho rước lễ, đừng cử hành tang lễ cho các chính trị gia ủng hộ phá thai nếu họ không ăn năn công khai
Một Hồng Y Chilê đã cảnh báo các chính trị gia rằng nếu họ ủng hộ hợp pháp hoá việc phá thai, họ không được phép rước lễ cho đến khi họ thực hiện một hành động ăn năn công khai.
Trong một bức thư được xuất bản trên Nhật Báo El Mercurio, Đức Hồng Y Jorge Medina Estevez mô tả các nỗ lực nhằm hợp pháp hóa việc phá thai là một “tội ác”. Ngài trích dẫn giáo huấn rõ ràng của Giáo Hội rằng hỗ trợ phá thai là một tội lỗi nghiêm trọng, và nhấn mạnh rằng Giáo Luật hiện hành cấm tất cả những người “kiên trì trong tội lỗi” không được phép rước lễ.
Đức Hồng Y Medina từng là Bộ trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích trước khi nghỉ hưu vào năm 2002 nói rằng một chính trị gia ủng hộ phá thai hợp pháp “không nên nhận được bất cứ phiếu bầu nào của các Kitô hữu.”
Ngài lập luận rằng hành vi ủng hộ phá thai là một hành vi công khai của một chính trị gia, nên các chính trị gia phải đưa ra một dấu chỉ ăn năn công khai trước công chúng để khôi phục sự hiệp thông của họ với Giáo Hội. Ngài nhấn mạnh rằng sự ăn năn công khai cuả họ là “cần thiết cho sự sống vĩnh cửu của họ.”
Theo Đức Hồng Y các chính trị gia không ăn năn sau khi ủng hộ phá thai thì không nên được an táng theo nghi thức Công Giáo.
9. Các giám mục Canada nói: “Chúng tôi không thể chấp nhận những cách thế khai thác mỏ vô luân của các công ty Canada đang hoạt động ở Mỹ Latinh”
Các giám mục Công Giáo Canada đã công bố một lá thư lên án những cách thức vô luân của “những công ty khai thác mỏ của Canada đang hoạt động ở châu Mỹ Latinh hoặc các khu vực khác trên thế giới”.
Trong một bức thư gửi cho Thủ tướng Justin Trudeau, Đức Giám Mục Douglas Crosby của Hamilton, chủ tịch hội đồng giám mục Canada, nói rằng các Giám Mục Canada “không thể thờ ơ trước những tiếng kêu của người nghèo và trước các hậu quả của việc suy thoái môi trường trong căn nhà chung của chúng ta”.
Bức thư yêu cầu mở các cuộc điều tra sâu rộng nhằm giải quyết các khiếu nại đối với các công ty khai thác mỏ của Canada.
Theo các Giám Mục Canada, cần có các biện pháp cho phép các tòa án Canada truy tố các công ty khai thác mỏ vì vi phạm luật môi trường ở các nước khác; và chấm dứt sự hỗ trợ của chính phủ đối với các công ty khai thác mỏ thông qua các hiệp định thương mại tự do và bảo vệ đầu tư quốc tế.
10. Hơn một triệu người đã trốn khỏi Nam Sudan tràn vào Uganda
Chỉ trong vòng hơn một tuần, hơn một triệu người tị nạn Nam Sudan đã tràn vào Uganda, khi tình hình ở quốc gia Châu Phi này càng ngày càng trở nên tồi tệ. Nam Sudan đã bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến với Sudan và sau đó lại rơi vào cảnh nội chiến.
Hội đồng người tị nạn Na Uy - một trong nhiều cơ quan nhân đạo đang cố gắng đương đầu với cuộc khủng hoảng tại Nam Sudan cho biết: “Các gia đình đang thoát khỏi địa ngục trần gian ở Nam Sudan. Chỉ trong một tuần đã có hơn một triệu người chạy giặc. Đó là một con số chưa từng thấy”
Hơn 6 triệu người Nam Sudan được ước tính có nguy cơ bị đói. Kể từ khi giành được độc lập vào năm 2011, Nam Sudan đã lại rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu và gần như bất tận. Quốc gia này bị chia rẽ bởi những xung đột nội bộ đầy bạo lực khiến hàng trăm ngàn gia đình mất nhà cửa, việc thu hoạch mùa màng bị ngưng trệ và việc cung cấp hàng cứu trợ cũng gặp vô số các khó khăn.
11. Các cuộc hôn nhân Công Giáo ở Tô Cách Lan giảm xuống chỉ còn bằng với con số vào năm 1941
Một linh mục người Tô Cách Lan nổi tiếng đã kêu gọi “ tăng cường một cách có hệ thống và việc rao giảng và dạy giáo lý về hôn nhân”. Ngài ghi nhận rằng con số các cuộc hôn nhân Công Giáo ở Tô Cách Lan đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 70 năm qua.
Cha Peter Magee, người đứng đầu tòa án hôn phối Tô Cách Lan, cho biết trong năm 2016, chỉ có 1,346 cuộc hôn nhân Công Giáo ở nước này. Đó là con số vào năm 1941, khi người Tô Cách Lan thua xa bây giờ. Mức cao nhất các cuộc hôn nhân Công Giáo đạt được vào năm 1970, là 7,066.
Cha Magee nói rằng các linh mục nên huy động các chuyên gia trong mọi lĩnh vực giúp đỡ các ngài trong việc chuyển tải đến anh chị em tín hữu tầm nhìn về hôn nhân của Giáo Hội, đó phải là “nguồn cảm hứng”.
12. Giám mục Philipin lên án việc sử dụng các con tin làm những kẻ đánh bom tự sát
Một giám mục Công Giáo Phi Luật Tân đã lên án kế hoạch của bọn khủng bố Hồi Giáo IS buộc các con tin phải làm những kẻ đánh bom tự sát.
Đức Cha Edwin de la Peña y Angot của Marawi - thành phố trên đảo Mindanao, nơi những bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tấn công vào nhà thờ chánh tòa và bắt giữ các con tin hồi tháng 5 - đã mạnh mẽ lên án các tên thánh chiến Hồi Giáo đang sử dụng các con tin làm bom người.
Tòa Giám Mục của Đức Cha Edwin đã bị khủng bố Hồi Giáo đốt phá. Hiện ngài đang cư trú tạm thời tại thành phố Medina lân cận. Đức Cha bày tỏ lo ngại về số phận của một linh mục và hàng chục giáo dân đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt giữ làm con tin.
Trong thành phố Marawi, bọn khủng bố Hồi Giáo IS hiện chỉ còn không đến 40 tên và đang bị bao vây bởi hàng ngàn quân chính phủ. Tổng thống Roberto Duterte muốn lợi dụng tình hình tại đây cho các mục tiêu chính trị, do đó, cuộc chiến tại thành phố Marawi kéo dài hết tháng này sang tháng khác mặc dù quân số của bọn khủng bố không quá 40 tên.
13. Tổng Giám Mục Perth kêu gọi các tín hữu bỏ phiếu chống hôn nhân đồng tính
Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe của Perth đã kêu gọi người Công Giáo ghi danh bỏ phiếu, trong một cuộc trưng cầu dân ý bất thường được tổ chức qua bưu điện về việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính tại Úc.
Trong một lá thư mục vụ được đọc trong tất cả các giáo xứ của tổng giáo phận Perth, Đức Cha Timothy giải thích rằng Giáo Hội Công Giáo “không thể hỗ trợ các đề xuất thay đổi định nghĩa pháp lý của hôn nhân để bao gồm cả các cặp đồng tính.”
Trong khi thừa nhận rằng Giáo Hội Công Giáo không thể áp đặt niềm tin của mình lên xã hội Úc, Đức Tổng Giám Mục nói rằng người Công Giáo có quyền đưa ra quan điểm của mình.
Dịp này, ngài mạnh mẽ chỉ trích các hình thức quảng cáo trên các phương tiện truyền thông nhằm bôi lọ và chế diễu những người phản đối hôn nhân đồng tính. Ngài nhận xét rằng thật là không xứng đáng chút nào khi chế diễu những ai phản đối hôn nhân đồng tính “thiếu chiều sâu trí tuệ”. Nhiều người thật là không công bằng khi cố ép buộc quan điểm của họ đối với người khác và thật tàn nhẫn khi khẳng định rằng những những ai phản đối hôn nhân đồng tính là không có tình yêu, không có lòng từ bi hay thiếu hiểu biết.
14. Một linh mục truyền giáo dòng Salesiêng Don Bosco ở Ethiopia đã rửa tội cho hơn 7,500 người
Cha Giorgio Pontiggia, dòng Salesiêng Don Bosco, đáng được ghi vào Guiness thế giới vì trong 11 năm qua ngài đã truyền giáo và rửa tội cho 7,569 người.
Cha Giorgio Pontiggia đã thường trú nhiều năm trong một ngôi làng bên ngoài Gambella. Ngài nói: “Khi tôi đến đây hồi mười một năm trước, tôi tìm thấy khoảng 40 người Công Giáo”.
Nhờ những nỗ lực phi trường của ngài, cha đã xây được nhà thờ, trường học, nhiều nhà nguyện chung quanh và đưa hầu hết dân chúng trong khu vực vào Giáo Hội. Chúa Nhật 13 tháng 8 vừa qua, ngài vừa rửa tội cho một nhóm tân tòng, nâng số người được ngài rửa tội lên 7,569 người.
Năm nay, khi số giáo dân lên khá cao, một cha dòng Salesiêng Don Bosco khác đã được cử đến phụ giúp ngài.
15. Tại Iceland, tất cả các trường hợp thai nhi mang hội chứng Down đều bị giết chết hết
Hãng thông tấn CBS của Mỹ cho biết tại Iceland, tất cả các trường hợp thai nhi mang hội chứng Down đều bị giết chết hết.
Nhà di truyền học Kari Stefansson, cũng là một nhà thần kinh học và di truyền học hàng đầu, nói với CBS rằng: “Theo sự hiểu biết của tôi, người ta đã tận diệt được căn bệnh này trong xã hội Iceland. Bằng cách nào à? Không một thai nhi bị hội chứng Down có thể sống nổi tại Iceland. Người ta giết chết hết tất cả các trường hợp như thế”.
Patricia Heaton, một nữ diễn viên người Mỹ nhận xét chua chát rằng: “Ngày nay đến Iceland, người ta không tìm được người dân địa phương nào mắc hội chứng Down. Giới y khoa thường tuyên bố loại trừ được bệnh này tại Iceland. Họ không làm được chuyện đó. Họ chỉ đơn giản là giết chết tất cả những ai mắc chứng này.”
Kari Stefansson cho biết các nước khác cũng “na ná như thế”.
“Hoa Kỳ có tỷ lệ phá thai đối với hội chứng Down được ước tính là 67 phần trăm, theo các số liệu từ năm 1995 đến năm 2011. Tại Pháp con số này là 77%; và tại Đan Mạch là 98%.”