Do đâu có cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trẻ em?

Chấn động đầu tiên báo trước trận động đất trong Giáo Hội Công Giáo xuất phát từ vụ Gilbert Gauthe ở Louisiana, một linh mục bị kết án năm 1985 vì lạm dụng 39 trẻ em trong các năm từ 1972 tới 1983. Hồ sơ ghi rằng các giới chức Giáo Hội biết các khiếu nại chống Gauthe nhưng không hành động chi. Một vụ khác diễn ra trong thập niên 1990 với các tiết lộ về cựu linh mục ở Dallas tên Rudolph Kos, được các chuyên viên mô tả như “một ấu dâm đúng sách vở”. Một phiên tòa dân sự cho thấy vị này được tiếp tục giữ chức vụ ít nhất một năm sau khi các lời cảnh cáo tới tay giám mục liên hệ. Năm 1992, có vụ James Porter, một cựu linh mục ở Massachusetts bị tố cáo lạm dụng cả hai chục trẻ em. Mà đây cũng không phải chỉ là hiện tượng xẩy ra ở Hoa Kỳ mà thôi. Ở Gia Nã Đại cuối thập niên 1980, nhiều lời tố cáo xuất hiện cho thấy các lạm dụng thể lý và tình dục tại viện mồ côi của Dòng Christian Brothers ở Newfoundland. Cuối cùng, hơn 300 cựu học sinh lên tiếng, và dòng này bị tuyên bố phá sản vì bị nhiều vụ kiện cáo.

Tất cả đều là khúc mở đầu cho một trận bão sẽ nổi lên vào ngày 6 tháng Giêng năm 2002, khi bài báo đầu tiên của tờ Boston Globe xuất hiện nói về người lạm dụng hàng loạt và là một cựu linh mục tên John Geoghan, bị tố cáo lạm dụng hơn 130 trẻ em trong 30 năm làm linh mục. (Geoghan bị giết trong tù tháng Tám năm 2003). Tuy nhiên, không phải việc lạm dụng biến vụ này thành một vụ nổi tiếng, nhưng là khuôn thước dùng trong việc đổi Geoghan hết từ chỗ này qua chỗ nọ và do đó, khiến nhiều trẻ em hơn nữa bị lâm nguy. Ngoài ra, còn nhiều tiết lộ khác nữa như vụ một cựu linh mục tên là Paul Shanley, bọ tố cáo và kết án đã hiếp một bé trai. Nhưng điều gây ngỡ ngàng là người ta khám phá ra Shanley, trong thập niên 1970, vốn có liên hệ với “Hiệp Hội Yêu Thương Đàn Ông Con Trai Bắc Mỹ”. Bất chấp các lời báo động, các giới chức Giáo Hội vẫn để Shanley tiếp tục làm linh mục nhiều năm sau đó, cả ở Boston lẫn ở San Bernardino, California. Trong vòng một năm sau các tiết lộ này, Đức Hồng Y Bernard Law nhiều quyền thế của Boston phải từ chức trong thất sủng.

Một đợt tương tự diễn ra ở khắp Âu Châu trong các năm 2009 và 2010. Tại Ái Nhĩ Lan, “Phúc Trình Murphy” được chính phủ tài trợ đã lên tài liệu cho hàng trăm vụ lạm dụng tình dục ở tổng giáo phận Dublin từ năm 1975, và cho rằng khá nhiều giám mục của Dublin đã xử lý các vụ này một cách tồi tệ. Từ lúc phúc trình này xuất hiện, tổng số các lời tố cáo ở Ái Nhĩ Lan đã tăng tới gần 15,000.

Các gương xấu trên nhanh chóng lan qua các nước khác. Ở Bỉ, cảnh sát ruồng bố một số cơ sở của Giáo Hội hồi tháng Sáu năm 2010 vì nghi ngờ có lạm dụng tình dục, đến nỗi phải khoan các mộ phần của 2 vị Tổng Giám Mục trước đây mong tìm được văn bản dấu kín. Ở Đức, các tiết lộ lạm dụng đã gây nên nhiều lời phê phán đối với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô trong thời gian 5 năm ngài làm Tổng Giám Mục Munich, từ năm 1977 tới năm 1982, lúc linh mục lạm dụng tên Peter Hullermann gần như được tự do hoạt động. Vụ của cố linh mục Mễ Tây Cơ Marcial Maciel Degollado, người sáng lập ra Đạo Binh Chúa Kitô, cũng được nhiều người lưu ý. Cuối cùng, năm 2006, Đức Bênêđíctô đã buộc vị này phải sống cuộc sống cầu nguyện và thống hối, nhưng các lời tố cáo lạm dụng và sai trái về tình dục thì đã có từ cuối thập niên 1990, nên nhiều người ngạc nhiên sao cần tới từng ấy thời gian mới chịu hành động.

Giáo Hội đã xin lỗi chưa?

Giáo Hội đã xin lỗi và xin lỗi nhiều lần. Các vị giám mục và giới chức đã xin lỗi trong nhiều khung cảnh khác nhau, trong đó, có những cuộc gặp gỡ các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng và một số vị còn hướng dẫn các buổi phụng vụ thống hối công cộng với các nạn nhân nữa. Trong một buổi phụng vụ loại này tổ chức tại một nhà thờ ở Rôma hồi thang Hai năm 2012, Đức Hồng Y Marc Ouellet, người Gia Nã Đại, vị đứng đầu Thánh Bộ Giám Mục của Tòa Thánh, đã gọi cuộc khủng hoảng này là một “nguồn gây xấu hổ và tai tiếng hết sức lớn lao”; ngài nói rằng lạm dụng tình dục không phải chỉ là một “tội ác” mà còn là một “kinh nghiệm thực sự giết người đối với các nạn nhân vô tội”. Tính đến giữa năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đích thân gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng 6 lần (trong các cuộc tông du Hoa Kỳ, Úc, Malta, Anh, và Đức, cũng như một cuộc gặp gỡ tại Rôma với các “nạn nhân đầu tiên” của Gia Nã Đại). Trong chuyến tông du Úc năm 2008 của ngài, Đức Bênêđíctô nói rằng “tôi hết sức ân hận đối với nỗi đau đớn và nỗi đau khổ mà các nạn nhân phải chịu, và tôi bảo đảm với họ rằng là mục tử của họ, tôi chia sẻ sự đau khổ của họ”.

Các tai tiếng lạm dụng tình dục lớn lao ra sao?

Phân tích thấu đáo nhất về thống kê xuất hiện ở Hoa Kỳ. Một cuộc nghiên cứu năm 2004 do các vị giám mục Hoa Kỳ yêu cầu Trường Cao Đẳng Công Lý Hình Sự John Jay ở New York thực hiện đã nhận diện 10,667 đơn tố cáo của các nạn nhân đưa ra trong các năm 1950-2002; con số này tăng tới 15,235 vào năm 2009. Nói chung, gần 5,000 linh mục và phó tế đã bị ít nhất một lần tố cáo lạm dụng, đại diện cho 4 phần trăm hàng giáo sĩ ở Hoa Kỳ trong nửa thế kỷ trước. Các nhà chuyên môn cho rằng phần trăm này tương tự như phần trăm các người trưởng thành của tổng dân số nói chung. Phần lớn các tố cáo này liên quan tới các thập niên 1960 và 1970, trong khi khoảng thời gian 5 năm, từ 1975 tới 1980, chiếm khoảng 40 phần trăm. Theo cuộc nghiên cứu này, tám mươi mốt phần trăm nạn nhân thuộc nam giới. Còn về hạn tuổi, 22.6 phần trăm 10 tuổi hoặc nhỏ hơn, 51 phần trăm giữa tuổi 11 và 14, và 27 phần trăm giữa tuổi 15 và 17.

Về tài chánh, cuộc khủng hoảng đã gây ra một thiệt hại khổng lồ. Michael Bemi và Pat Neal, thuộc nhóm lãnh đạo của một chương trình Công Giáo chống lạm dụng ở Hoa Kỳ, đã phác họa các chiều kích của sự thiệt hại này tại một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Hai năm 2012 tại Rôma về cuộc khủng hoảng. Họ cho biết tại Hoa Kỳ, khoảng 2 tỷ 2 dollars đã được các giáo phận và các dòng tu chi trả. Họ cho rằng con số này có thể thấp vì một số giáo phận và dòng tu đã thương lượng các vụ điều đình kín đáo. Bemi và Neal nói rằng tổng chi phí hoàn cầu có thể vượt quá 4 tỷ dollars.

Ngoài các vụ kiện cáo dân luật ra, hàng chục linh mục lạm dụng còn bị ngồi tù, và không ít giới chức Giáo Hội bị truy tố vì đã không phúc trình việc lạm dụng. Năm 2001, Đức Cha Pierre Pican của giáo phận Bayeux-Lisieux, Pháp, lãnh án tù treo 3 tháng. Năm 2012, Đức Ông William Flynn, người Hoa Kỳ, bị kết tội làm trẻ em lâm nguy vì lúc phụ trách việc phân phối nhân viên của tổng giáo phận Philadelphia, đã tái cử nhiệm một linh mục bị hoài nghi lạm dụng tới một giáo xứ mới. Tháng Mười năm 2011, Đức Cha Robert Finn của Kansas City, Missouri, trở thành vị giám mục Hoa Kỳ đầu tiên bị buộc tội hình sự vì đã sơ sót không tường trình một lời tố cáo chống lại một linh mục… Tháng Chín năm 2012, Đức Cha Finn bị kết tội và lãnh án hai năm tại ngoại hầu tra.

Các quan sát viên cho rằng tác động tài chánh và luật pháp của cuộc khủng hoảng tuy có nặng nề, nhưng thiệt hại đối với thế giá tinh thần của Giáo Hội còn nặng nề hơn nữa. Nhiều người nhấn mạnh tới các liên hệ gay gắt tồi tệ trong Giáo Hội. Một số linh mục phàn nàn việc mình bị hy sinh hay phản bội vì tiếng tăm hay quyền lợi của một ai đó; các vị này cho rằng tiếng thơm và quyền được hưởng một phiên toà thích đáng đã bị gạt qua một bên chỉ vì các vị giám mục không muốn bị coi là “mềm yếu” đối với việc lạm dụng. Nhiều người Công Giáo tin rằng cuộc khủng hoảng đã tạo nên một mất mát lòng tin lớn lao nơi người giáo dân đối với giới lãnh đạo Giáo Hội.

Ai đáng trách?

Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là: những người phạm tội lạm dụng tình dục chỉ là một thiểu số nhỏ trong hàng ngũ linh mục. Thế nhưng, như mọi người biết, trong hầu hết các tai tiếng, không hẳn tội ác nguyên khởi nhưng là việc che đậy tội ác này đã đem sự việc tới chỗ đổ vỡ, và điều này chắc chắn là trường hợp của Giáo Hội Công Giáo. Điều gây phẫn nộ không hẳn là chuyện các linh mục xách nhiễu trẻ em, mà là Giáo Hội che dấu các sự kiện, không cho công chúng thấy, và che chở các người lạm dụng. Một trong các câu hỏi được bàn cãi nhiều nhất liên quan tới cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục là: ai đáng trách đối với việc che đậy này, với ba nhóm thường bị công kích hơn cả:

Thứ nhất, các giám mục và bề trên dòng vốn được bộ giáo luật của Giáo Hội coi là những người giám sát hàng giáo sĩ hàng đầu. Thành thử khi có lời tố cáo chống các linh mục và các vị này thường được âm thầm hoán chuyển loanh quanh, khiến cho các trẻ em khác bị lâm nguy, thì nhân vật chịu lỗi thường được coi là vị giám mục giáo phận và các phụ tá của ngài, hay các vị bề trên dòng tu mà linh mục này vốn thuộc về. Sau một thập niên bị phát giác, phần lớn các giám mục hiện nay đều thừa nhận việc này. Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, trong một cuộc phỏng vấn năm 2009, đã phát biểu điều này như sau: “Khi bạn có những người vi phạm hàng loạt này, khi bạn thấy những chuyện xẩy ra như thế này, hết lần này tới lần nọ, hẳn bạn phải thắc mắc không biết đang diễn ra thứ quỉ quái gì đây?”.

Thứ hai, nhiều nhà phân tích tin rằng Rôma cũng phải chịu trách nhiệm phần lớn. Nhiều nhà phê bình cho rằng Vatican từng minh nhiên áp đặt chính sách giữ bí mật các vụ lạm dụng tình dục, trong khi những người khác cho rằng dù không có “khói súng” để minh chứng rằng chính Vatican đạo diễn việc che đậy, nhưng điều chắc chắn là Rôma không đưa ra bất cứ khuyến khích nào để các giám mục và các bề trên dòng xử lý các vụ này một cách xông xáo.

Về phương diện dân luật, các cố gắng tại tòa án Hoa Kỳ nhằm buộc Vatican nhận trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, cho tới nay, đã không thành công, thường dựa trên tư cách miễn nhiễm của Vatican như một quốc gia có chủ quyền. Tháng Tám năm 2012, một chánh án của tòa liên bang cấp quận ở Oregon phán quyết rằng Vatican không phải là “chủ nhân” của các linh mục Công Giáo, và do đó, không có nghĩa vụ pháp lý dân sự đối với tác phong của họ. Chánh án này ví quyền kiểm soát của Vatican đối với các linh mục giống như quyền của hiệp hội luật sư của tiểu bang đối với các luật sư vậy.

Thứ ba, một số nhà quan sát cho rằng nền văn hóa đại chúng của Công Giáo, chứ không phải chỉ là thẩm quyền của các cơ cấu Giáo Hội, cũng đồng lõa trong cuộc khủng hoảng. Họ nói rằng: đã từ lâu, quá nhiều người Công Giáo đã đặt các linh mục lên bệ thờ, đến nỗi, đôi khi làm ngơ, thậm chí còn tìm cách biện minh cho các sai phạm của họ. Theo cái nhìn này, thực ra không cần Vatican hay vị giám mục phải ra lệnh giữ im lặng trước tội lỗi của Ông Cha. Theo các nhà quan sát này, bài học đáng giá của cuộc khủng hoảng này là: nền văn hóa giữ im lặng đó quả là giết người.

Các cáo buộc trên có sai lầm không?

Dù các nhà chuyên môn nhấn mạnh rằng phần lớn các lời tố cáo đều chính đáng, cũng vẫn có những trường hợp nổi bật trong đó, chúng không đúng. Thí dụ, Cha Kevin Reynolds là một cha xứ ở Quận Galway, Ái Nhĩ Lan, người trước đó từng truyền giáo ở Kenya. Tháng Năm năm 2011, ngài bị tường thuật trong một chương trình điều tra trên mạng truyền hình quốc gia Aí Nhĩ Lan, RTE, gọi là Mission to Prey (Truyền Giáo Để Rình Mồi). Nhà báo Aoife Kavanagh phỏng vấn một phụ nữ Kenya; bà này tố cáo rằng Cha Reynolds hiếp bà năm 1982, khi bà 14 tuổi, và do đó, bà đã hạ sinh một đứa con. Trước khi chương trình này được phát tuyến, Cha Reynolds tình nguyện để người ta làm thử nghiệm phụ hệ (paternity test), nhưng chương trình vẫn được phát tuyến. Hai cuộc thử nghiệm độc lập sau đó về DNA đã quả quyết Cha Reynolds không phải là cha của đứa bé. RTE tiến hành cuộc điều tra nội bộ, cho ngưng chương trình, và công bố lời xin lỗi công khai.

Trong một số ít trường hợp, các linh mục bị tố cáo như Cha Reynolds được phục chức sau khi các cuộc điều tra, thường do Giáo Hội và cảnh sát và công tố viên địa phương tiến hành không tìm được bằng chứng nào hỗ trợ cho lời tố cáo. Nhiều linh mục bị rơi vào tình huống này cho biết vết nhơ do những lời tố cáo láo gây ra không bao giờ thực sự biến mất. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội thừa nhận nan đề này, nhưng thường cho rằng nhu cầu phải giữ cho trẻ em an toàn và vì thế, phải coi trọng mọi lời tố cáo, nặng ký hơn sự thiệt hại có thể có đối với tiếng thơm của vị linh mục.

Các giới chức Giáo Hội hiện nay nói gì về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục?

Sau các tai tiếng hơn một thập niên, các phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo thường đưa ra 4 điểm nhấn mạnh sau đây. Thứ nhất, theo họ, đại đa số các giáo sĩ Công Giáo không bao giờ lạm dụng tình dục bất cứ ai. Thứ hai, bóc lột tình dục trẻ em là tai họa phổ quát trong xã hội, do đó, gọi nó như một vấn đề “Công Giáo” vừa gây hiểu lầm vừa nguy hiểm. Thứ ba, họ nhìn nhận khuôn mẫu đáng trách trong việc chuyển đổi các người lạm dụng từ công việc này qua công việc nọ, nhưng đồng thời họ cũng nhấn mạnh rằng việc chuyển đổi đó diễn ra ở một thời mà sự hiểu biết về việc lạm dụng tình dục trẻ em chưa được phát triển ở bất cứ nơi đâu. Dưới góc cạnh này, theo họ, quả không hợp tình hợp lý khi phán đoán các hành vi quá khứ theo các tiêu chuẩn ngày nay.

Thứ tư, các giới chức cho rằng Giáo Hội đã cải thiện rất nhiều. Giáo Hội đã đưa ra nhiều chính sách mới và mạnh mẽ, trong đó có chính sách “một lần phạm là bạn khăn gói ra đi” (one strike and you’re out) ở Hoa Kỳ; theo đó, một linh mục sẽ vĩnh viễn bị loại dù chỉ bị một lời tố cáo đáng tin là đã lạm dụng. Theo họ, Giáo Hội hiện nay cam kết hợp tác với cảnh sát và các công tố viên. Giáo Hội cũng đầu tư nhiều tài nguyên to lớn vào các chương trình ngăn ngừa và khám phá các vụ lạm dụng, trong đó, có việc điều tra lý lịch các nhân viên và huấn luyện tại các cơ sở như trường học và giáo xứ. Một số giới chức Giáo Hội còn cho rằng hiện nay, Đạo Công Giáo đã trở thành người lãnh đạo về phương diện xã hội trong cuộc chiến đấu chống việc lạm dụng trẻ em.

Các nhà phê bình Giáo Hội nói gì?

Những người phê bình, như Mạng Lưới Những Người Sống Sót Từng Bị Các Linh Mục Lạm Dụng, là nhóm chính chuyên bênh vực các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng ở Hoa Kỳ, thường đáp lại rằng: tất cả các điều trên cho thấy có sự tiến bộ, nhưng chưa đủ.

Thứ nhất, theo họ, các giới chức Giáo Hội vẫn còn tìm cách bác bỏ các lời yêu cầu phải tiết lộ trọn vẹn các hồ sơ cá nhân và các tài liệu khác. Thứ hai, họ cho rằng, Giáo Hội chưa áp đặt chính sách khắp thế giới “phải có tường trình viên bắt buộc”, buộc, chứ không chỉ khuyến cáo, các giới chức tường trình các lời tố cáo cho cảnh sát và các công tố viên dân sự. Thứ ba, họ cho rằng các chính sách mới và nghiêm ngặt của Giáo Hội đối với các linh mục lạm dụng chưa đi đôi với các biện pháp nhận trách nhiệm cũng mạnh mẽ tương tự dành cho các giám mục từng che dấu vụ lạm dụng. Họ trưng dẫn trường hợp Đức Hồng Y Bernard Law của Boston, người được chuyển qua Rôma sau khi từ chức và tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong các bộ sở của Tòa Thánh, trong đó, có Thánh Bộ Giám Mục, nơi ngài có khả năng gây ảnh hưởng đối với việc bổ nhiệm các giám mục Hoa Kỳ. Nói chung, họ cho rằng các vị giám mục có thành tích kém đối với các vụ lạm dụng tình dục thường vẫn còn được thăng tiến trong bước đường nghề nghiệp của mình.

Quần chúng Công Giáo nghĩ gì?

Thăm dò dư luận Công Giáo, xem ra có ba luồng suy nghĩ khái quát về ý nghĩa của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Một luồng coi nó chủ yếu như một sai phạm về quản trị và giám sát, với các hậu qua được coi là thảm khốc, nhưng là một sai phạm phần lớn đã được giải quyết. Một luồng khác tin rằng cuộc khủng hoảng cho thấy nhiều vấn đề sâu xa hơn nhiều trong Giáo Hội, trong đó, có thái độ không lành mạnh đối với tính dục và các hệ thống quyền hành vô trách nhiệm; luồng suy nghĩ này nhấn mạnh rằng các biện pháp như chính sách “một lần sai phạm” chỉ là những băng keo dán tạm lên các vết thương chứ không chữa trị các căn bệnh nằm bên dưới chút nào. Luồng suy nghĩ thứ ba tin rằng cuộc khủng hoảng là kết quả của việc mù mờ về tín lý và lỏng lẻo về luân lý, mà thuốc chữa chỉ có thể là lòng trung thành và kỷ luật nghiêm minh hơn.

Nói chung, dù phần lớn người Công Giáo thành thực khiếp đảm trước các tai tiếng lạm dụng trẻ em và thất vọng sâu xa trước những điều họ biết được từ các thiếu sót của các nhà lãnh đạo Giáo Hội trong việc đáp ứng một cách thích đáng, đa số xem ra vẫn không từ bỏ Giáo Hội. Thí dụ, cuộc thăm dò tại Hoa Kỳ vào năm 2012 của Viện Gallup cho thấy 82 phần trăm người Công Giáo Hoa Kỳ vẫn chấp nhận việc làm của các cha xứ của họ, 74 phần trăm vẫn cảm nhận như trước về vị giám mục giáo phận của họ, và 70 phần trăm vẫn chấp nhận việc làm của cả các giám mục Hoa Kỳ nói chung lẫn của Đức Giáo Hoàng nói riêng. Xét tới các tường thuật có tính tiêu cực đại thể về Giáo Hội trong suốt thập niên qua do cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đem tới, thì những con số vừa kể quả là những lá phiếu tín nhiệm khá đáng kể.

Tác động lịch sử của các tai tiếng lạm dụng tình dục đối với Giáo Hội Công Giáo phần lớn sẽ được xác định bởi việc luồng suy nghĩ nào trong ba luồng suy nghĩ trên, hoặc sự phối hợp nào của cả ba luồng suy nghĩ ấy, sẽ nắm ưu thế ở đầu thế kỷ 21.

Còn tiếp