THẰNG BÉ VÔ GIA CƯ
Mark link S.J.

Chủ đề:
Chấp nhận lời mời dự tiệc của Chúa không phải là quyết định nhất thời mà phải là một sự dấn thân liên tục.”

Ngày xưa, khi tổ chức đám cưới trong gia đình mình, các vua chúa thường loan báo cho dân chúng và những người được mời dự tiệc từ nhiều tuần lễ trước và tiệc cưới sẽ được tổ chức vào đúng ngày đã loan báo trước. Vì thế một khi đã nhận lời mời rồi mà lại vắng mặt trong bữa tiệc là một điều xúc phạm rất mạnh đến gia chủ.

Xin lấy một ví dụ hiện đại để minh hoạ điều này. giả sử con trai bạn vừa trở về nhà sau khi xa xứ 5 năm trời. Cậu ta dự tính sẽ về tới nhà vào một lúc nào đó trong tuần tới nhưng chưa rõ sẽ nhằm vào ngày thứ năm hay thứ sáu. Thế là bạn gọi điện cho hai đứa bạn thân nhất của nó và mời chúng đến chung vui bữa tối mừng đón cậu con trai trở về nhà. Bạn giải thích hoàn cảnh và yêu cầu chúng dành sẵn cho hai ngày đó, chúng nhiệt tình đồng ý ngay. Thế rồi khi nhận được tin con trai bạn sẽ về vào ngày thứ sáu, bạn liền gọi điện lại cho các bạn nó và nói: "Bữa ăn tối sẽ xảy ra vào tối thứ Sáu". Hai cậu này sẽ làm bạn choáng váng nếu chúng trả lời: "Xin lỗi bác nhé ! đêm đó chúng cháu đã có một chương trình khác rồi!".

Ðây đúng là loại tình cảnh mà Chúa Giêsu hình dung trong tâm trí qua bài dụ ngôn hôm nay. Cử tọa mà Chúa Giêsu ám chỉ trong dụ ngôn là dân Do Thái thời Ngài. Từ nhiều thế kỷ trước, họ đã chấp nhận lời Chúa mời gọi làm dân riêng của Ngài, làm khách đặc biệt nơi bàn tiệc Nước Chúa. thế nhưng khi Chúa Giêsu đến loan báo bữa tiệc chính thì họ lại từ chối lời mời gọi của Ngài.

Rõ ràng dụ ngôn Chúa Giêsu nhằm áp dụng cho đám dân Do Thái thời Ngài. Tuy nhiên nó có áp dụng cho cả chúng ta ngày nay không? Nó chứa đựng sứ điệp gì cho chúng ta là những người đang sống ở thế kỷ 21 này? Chúa Giêsu đang nói gì với chúng ta qua dụ ngôn ấy?

Dân Do Thái đã chấp nhận lời mời gọi đầu tiên của Thiên Chúa. Nhưng rồi một số người trong họ đã thay lòng đổi dạ. Dụ ngôn kể rằng một người thì quyết định đi đến nông trại làm việc, người nữa thì họ tham dự vào công chuyện làm ăn khác. Không phải là họ đị nhậu nhẹt hay gây tội ác gì, họ chỉ làm một điều gì khác thay vì đi dự tiệc cưới thôi.

Tôi cho rằng đây chính là bài học dành cho chúng ta. Chúng ta cũng đã từng chấp nhận lời mời gọi của Chúa. chúng ta từng lãnh nhận phép rửa tội và Thêm sức. Chúng ta từng gật đầu với lời mời gọi làm khách của Ngài vào dự tiệc đám tiệc vĩnh cửu.

Tuy nhiên gật đầu ưng thuận lời mời gọi của Chúa đâu phải là sự dấn thân mang tính chất nhất thời. Ðó là một tiến trình đòi hỏi phải liên tục dấn thân và thích ứng bởi vì cuộc sống thường nhật rất dễ khiến chúng ta sao lãng và bỏ quên. Mất sự sống đời đời, bởi vì thức ăn tầm thường của cuộc đời này dễ nhét đầy bụng chúng ta và làm cho chúng ta quên đi bữa tiệc vĩnh cửu.

Chấp nhận lời mời gọi của Chúa không chỉ là vấn đề gật đầu một lần rồi sau đó quên tuốt đi, mà việc này giống như câu nói "Tôi đồng ý" trong hôn nhân. Câu "Tôi đồng ý" này đâu phải là điểm kết cho một tiến trình mà chính là điểm khởi đầu. Nhận lời Chúa cũng giống như tốt nghiệp đại học bởi vì sự tốt nghiệp không phải là điểm kết thúc cho công cuộc học vấn mà chỉ là bệ phóng cho sự học hỏi tiến xa hơn mà thôi.

Sự dấn thân của chúng ta cho Chúa cũng phải tăng triển lên, nếu không nó sẽ hao mòn và mất đi giống như bắp thịt không được sử dụng đến. Chẳng hạn hãy tự hỏi phép Thánh Thể mà chúng ta đang tham dự ngay lúc này đây, ngày hôm nay phép ấy có ý nghĩa đối với chúng ta hơn một năm trước đây không? Nếu không, thì tại sao không? Hoặc Lời Chúa chẳng hạn. Chúng ta có cố gắng chăm chỉ nghe và áp dụng lời ấy vào cuộc sống thường nhật của chúng ta không? Hay là sau khi nghe rồi chúng ta lại bỏ lời ấy ngoài tâm trí và quên tuốt ngay khi rời khỏi Thánh Lễ?

Cách đây ít lâu, một mục sư nọ đã kể lại câu chuyện sau đây về chính mình. Ðêm nọ trong khi ông đi đóng cửa nhà thờ thì gặp một cậu bé đang ngủ ở hàng ghế sau cùng. Ông đánh thức cậu ta dậy và xin lỗi cậu vì ông sắp sửa phải đóng cửa nhà thờ. Cậu bé liền cắt nghĩa đêm nay cậu không có chỗ nào để trú ngụ và mong được lưu lại trong nhà thờ. Vị mục sư trả lời ông hy vọng cậu bé sẽ hiểu dùm cho ông. Tuy nhiên ông không nghĩ rằng lưu lại nhà thờ là một dự kiến hay. Thế là ông mời cậu ta vào phòng tiếp tân. Trong lúc chờ đợi, ông gọi điện cho hai trung tâm cư trú trong thành phố hầu gắng tìm một chỗ cho cậu bé qua đêm. Rủi thay, đêm đó không có trung tâm nào còn chỗ trống cả. Vị mục sư liền xin lỗi cậu ta. Cậu ta liền nói rằng cậu ta hiểu, đoạn bắt tay vị mục sư và biến mất vào bóng đêm.

Trở về nhà, mục sư liền kể cho bà vợ biến cố trên. Bà ta liền nhìn ông và nói: "Tại sao ông không mang nó về nhà? Lẽ ra nó có thể ngủ trong phòng ngủ dành cho khách mà!" vị mục sư suy nghĩ một lúc đoạn buồn bã lắc đầu nói: "Chà bây giờ thì quá trễ rồi!" Nói đoạn, ông ngồi xuống chiếc ghế dựa cầm Thánh Kinh lên, giở ra, cầm chiếc bút đánh dấu, đoạn bắt đầu đọc đoạn Thánh Kinh dành riêng cho ngày hôm đó là bài dụ ngôn người Samaritanô nhân lành. Bỗng dưng vị mục sư nhận thấy cậu bé bỏ đi ấy giống hệt như người đàn ông bị thương tích trong câu chuyện ngụ ngôn trên. Chính cậu ta cũng cần đến sự giúp đỡ của một ai đó hảo tâm. Ông cũng trông thấy mình giống như vị thượng tế trong dụ ngôn. Ông đã bước sang một bên mà chẳng giúp gì cho cậu bé. Vị mục sư liền đóng quyển Kinh Thánh lại. Ông chợt nghĩ đến một mẩu chuyện ông đã nghe cách đây nhiều năm khi ông còn là một chủng sinh:

"Có một ông lão Do Thái đến gặp một vị đạo sư (Rabbi) và nói: "Thưa thầy, con vừa đọc xong toàn bộ Kinh Thánh lần thứ năm trong đời con". Vị đạo sĩ liền nhìn ông lão và nói:
- "Hỡi Abraham, điều quan trọng không phải là ông đã đọc toàn bộ Kinh Thánh được bao nhiêu lần, mà chính là Kinh Thánh đã được sống bao nhiêu lần trong cuộc đời ông".

Bài Phúc âm hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại kỹ lưỡng chính mình và tự vấn xem chúng ta có từng hành động giống như vị mục sư nọ không? Chúng ta có từng chăm chú lắng nghe Lời Chúa tại thánh lễ nhưng rồi chẳng áp dụng nó vào cuộc sống hằng ngày của mình không? Hoặc chúng ta có giống như hai mẫu người trong bài Phúc âm hôm nay chăng? Chúng ta có quá lu bu với tiệc tùng trần thế này đến nỗi quên mất bàn tiệc của cuộc sống vĩnh cửu không?

Chỉ có chúng ta mới trả lời được các câu hỏi này, và chúng ta buộc phải trả lời. Những câu trả lời ấy sẽ tạo nên sự thay đổi vĩnh viễn trong cuộc sống của chúng ta.

Ðể kết thúc, chúng ta hãy cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin giúp chúng con học được bài học hai mẫu người trong dụ ngôn hôm nay. Chúng con cũng đã từng chấp nhận Lời Chúa mời gọi dự bữa tiệc đời đời giống như họ. Xin giúp chúng con đừng phạm phải những sai lầm như họ. Xin đừng để chúng con đừng quá bận bịu với các công việc trần thế này đến nỗi quên mất cuộc sống đời đời.


CHỦ ÐỀ : Chúa mời chúng ta dự tiệc Nước Trời

Sợi chỉ đỏ :

Trong Thánh Kinh, hình ảnh "bữa tiệc" ám chỉ hạnh phúc Nước Trời, và hình ảnh "dự tiệc" ám chỉ việc được hưởng hạnh phúc ấy. Bài đọc I, đáp ca, và bài Tin Mừng đều nói tới việc Thiên Chúa mời mọi người dự tiệc của Ngài :

- Bài đọc I : "Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết đãi tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc"
- Ðáp ca : "Chúa dọn bàn tiệc đãi tôi, trước mắt quân thù của tôi"
- Tin Mừng : "Nước Trời giống như ông vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử Các ngươi hãy ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại. Và phòng cưới chật ních khách dự tiệc"

Minh họa

- Mille images 82 A
- "Mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới" (Mt 22,4)

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến
Có nhiều niềm hạnh phúc chúng ta đang hưởng mà không ý thức, chẳng hạn hạnh phúc được làm con Chúa, hạnh phúc được ở trong Giáo Hội, hạnh phúc mỗi tuần được dự tiệc của Chúa.
Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta xin Chúa giúp chúng ta ý thức những hạnh phúc ấy ; và chúng ta cũng xin Ngài dạy chúng ta biết sống thế nào để xứng đáng với tấm lòng của Chúa.

II. Gợi ý sám hối

- Tuy vẫn biết hạnh phúc Nước Trời là quý báu nhất, nhưng rất nhiều khi chúng ta coi trọng những giá trị vật chất hơn.
- Nhiều lần chúng ta từ chối ơn Chúa.
- Dù đang ở trong Nước Chúa và làm công dân Nước Chúa, nhưng cách sống của chúng ta chưa xứng đáng.

III. Lời Chúa

1. Bài đọc I (Is 25,6-9)

Bữa tiệc mà ngôn sứ Isaia mô tả có những nét đáng chú ý sau đây :
- Người thết đãi là "Chúa các đạo binh"
- Khách được mời dự là tất cả các dân
- Nơi dọn tiệc là "trên núi này", tức là núi Sion.
- Trong bữa tiệc đó, người dự không chỉ được thưởng thức những thức ăn ngon, mà còn được cất khỏi mọi buồn sầu, tủi hổ, tang chế.
Ðó chính là hạnh phúc Nước Trời được Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người không phân biệt ai.

2. Ðáp ca (Tv 22)

Tv 22 này rất quen thuộc đối với mọi tín hữu : Thiên Chúa là một mục tử chăm sóc đoàn chiên hết sức chu đáo : lo cho chiên có cỏ xanh để ăn, nước trong để uống, bóng mát để nghỉ ngơi, và còn bảo vệ để chiên có thể "ăn tiệc" thoải mái ngay trước mặt quân thù.

3. Tin Mừng (Mt 22,1-14)

Ý nghĩa của dụ ngôn bữa tiệc : Thiên Chúa ban hạnh phúc Nước Trời trước tiên cho dân do thái, nhưng họ đã từ chối vì chuộng những giá trị trần gian hơn ; Thiên Chúa lại ban hạnh phúc ấy cho muôn dân. Tuy nhiên, cũng như người dự tiệc cưới phải mặc áo cưới, người được mời gia nhập Nước Trời cũng phải có một nếp sống mới phù hợp với Tin Mừng.

4. Bài đọc II (Pl 4,12-14.19-20) (Chủ đề phụ)

Trong thời gian Phaolô bị cầm tù, tín hữu Philipphê đã rộng rãi giúp đỡ ông. Trong lá thư cám ơn gởi cho họ, Phaolô nói 2 ý :
- Thực ra ông cũng không cần những giúp đỡ vật chất ấy, vì một mặt ông đã quen thích nghi với mọi hoàn cảnh, và mặt khác ông còn được Chúa trợ giúp, cho nên "Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi".
- Tuy nhiên việc tín hữu Philipphê trợ giúp vật chất cho ông là một điều rất quý. Phaolô xin Thiên Chúa đền đáp lại xứng đáng cho họ.

IV. Gợi ý giảng

1. Ðiều trước mắt che khuất điều ở xa

Hạnh phúc Nước Trời, hay - nói cho dễ hiểu - hạnh phúc thiên đàng là thứ hạnh phúc trọn vẹn nhất, vững bền nhất, hơn tất cả mọi thứ hạnh phúc ở trần gian. Ai cũng biết thế.
Tuy nhiên, loài người chúng ta có một cái tật, là bị những cái trước mắt che khuất nên không nhìn thấy cái ở xa, giống như tật cận thị.
Cái trước mắt mà chúng ta thấy hằng ngày là hạnh phúc mà trần gian mang lại qua việc làm ăn, buôn bán. Nói cách khác, trước mắt phải lo làm ăn để có một cuộc sống bảo đảm về vật chất ; thiên đàng thì còn xa, sau này từ từ lo.
Suy nghĩ như thế có phần đúng, vì ta phải sống thực tế với hiện tại. Nhưng cũng có phần sai khi chỉ biết hiện tại mà không hề nghĩ tới tương lai.
Ðiều sai lớn nhất mà bài Tin Mừng này vạch ra là chẳng những ưu tiên lo cho hiện tại, mà còn "không đếm xỉa gì" đến bữa tiệc Nước Trời, thậm chí còn nhục mạ và hành hạ những sứ giả mà Thiên Chúa sai đến mời ta dự tiệc của Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho chúng ta một số điều để suy nghĩ :
- Chúa không hề trách vì chúng ta lo cho cuộc sống vật chất. Nhưng lo đến nỗi quên hẳn cuộc sống mai sau thì sẽ đáng trách. "Tiên vàn chúng con hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, mọi sự khác Ngài sẽ lo cho chúng con".
- Vì chúng ta dễ quên hạnh phúc mai sau, nên nhiều lần và nhiều cách Thiên Chúa sai người này người nọ đến nhắc nhở chúng ta. Chúng ta có khó chịu với những người ấy, xua đuổi họ, nhục mạ họ và ngược đãi họ không ?

2. Tại sao họ đã chối từ ?

Trong đoạn Tin Mừng này, thánh Mát thêu ghi lại hai lý do : "người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán". Thánh Luca thì ghi rõ hơn, tới 3 lý do : "Người thứ nhất nói : tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm ; người khác nói : Tôi mới tậu 5 cặp bò, tôi đi thử đây ; người khác nói : Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được"
(Lc 14,18-19)
3 lý do trong Luca có thể gom thành 2 loại là làm ăn (thăm đất và thử bò) và thụ hưởng (cưới vợ). Thực ra hai điều ấy không cấp bách đến nỗi phải lập tức làm ngay để đành từ chối lời mời ưu ái của nhà vua. Tuy nhiên, đó là hai nguyên do khiến nhiều người chối từ lời mời của Thiên Chúa. Ta có thể rút ra hai khuyến cáo :
* Quá mê làm ăn có thể kéo ta xa Chúa.
* Quá lo thụ hưởng cũng có thể kéo ta xa Chúa.

3. Những ông chủ trại, những thương gia và những kẻ ngoài đường

Chúng ta hãy lưu ý rằng hai hạng người từ chối dự tiệc cưới là những ông chủ trại và những thương gia. Họ không đến vì còn phải lo đi thăm trại và đi buôn bán. Còn những người mau mắn đến dự tiệc là những kẻ ở các ngã đường. Họ nghèo, họ đang đói cho nên được mời ăn tiệc là đến ngay.
Người no đủ không thích ăn tiệc bằng người đói khát.
Bởi thế, Ðức Giêsu đã nói rất chí lý : "Khốn cho các ngươi là những kẻ no đủ. Phúc cho chúng con là những người đói khát".

4. Y phục tiệc cưới

Phần cuối dụ ngôn này làm người đọc thắc mắc và khó chịu : những người đang ở ngoài đường đột nhiên được mời vào dự tiệc cưới thì làm sao có sẵn áo lễ mà mặc. Thế mà ông vua lại bắt một người không có áo lễ tống giam vào ngục.
Nên nhớ đây là một dụ ngôn, nghĩa là các chi tiết ám chỉ đến một ý nghĩa nào đó. Nếu bữa tiệc cưới là hình ảnh của Nước Trời, thì chiếc áo cưới tượng trưng cho nếp sống phù hợp với Nước Trời. Tự nhiên được mời vào Nước Trời đã là một hồng phúc, cho nên để đáp lại thì phải có một nếp sống phù hợp với Nước Trời.
Chiếc áo tượng trưng cho cách sống. Chúng ta hãy suy nghĩ về chiếc áo / cách sống hiện tại của chúng ta : Nó có tốt hơn, đẹp hơn chiếc áo / cách sống của những người không được ở trong phòng tiệc không ?
Chiếc áo tốt đẹp nhất của người dự tiệc Thiên Chúa chính là sống như Ðức Kitô, như lời Thánh Phaolô nói : "Anh em hãy mặc lấy con người mới" (Ep 4,24), "Hãy mặc lấy Ðức Kitô" (Gl 3,27)

5. Chuyện minh họa : viện cớ

Chúng ta có rất nhiều cớ để không làm điều mình phải làm, và nhiều cớ để làm điều lẽ ra không nên làm.
Ngày xưa có một anh thợ may rất khéo. Bao nhiêu áo đẹp của mọi người trong thành đều do anh may. Tuy nhiên bản thân anh thì chỉ có mỗi một chiếc áo rách. Lúc nào anh cũng mặc chiếc áo rách ấy, ngay cả trong những buổi tiệc lớn của thành phố. Có người thấy thế hỏi anh :
- Sao anh có thể may bao nhiêu chiếc áo đẹp cho mọi người mà lại không may cho anh được một chiếc áo lành lặn.
- Vì tôi phải may áo kiếm tiền, không có giờ may áo cho mình.
- Vậy anh hãy cầm lấy 20 đồng tiền này và may cho anh một chiếc áo, kể như tôi mướn anh may cho tôi vậy.
Anh thợ may cầm tiền về nhà. Ðến buổi tiệc tiếp theo, anh lại đến với chiếc áo rách cũ. Người bạn hỏi :
- Sao anh không may áo cho anh ?
- Chiếc áo cho chính bản thân tôi mà giá chỉ có 20 đồng thì quá rẻ, nên tôi không may !
Người bạn chẳng nói gì nữa, bởi vì có nói gì nữa thì anh thợ may cũng sẽ tìm được một cớ khác thôi.

V. Lời nguyện cho mọi người

CT : Anh chị em thân mến

Thiên Chúa mời gọi, ban phát tình thương và ân sủng một cách vô giới hạn cho tất cả mọi người. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.

1- Chúa Giêsu đã dùng bí tích Thánh tẩy mà quy tụ chúng ta vào trong Hội Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban Thánh Thần hiệp nhất đến trong Hội Thánh / để Người loại trừ mọi bất hòa / ghen ghét và chia rẽ giữa những người có cùng một niềm tin.

2- Chúa Giêsu là vua đem lại hòa bình / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa tiêu diệt mầm móng chiến tranh / và cho muôn dân được an cư lạc nghiệp.

3- Ðời sống thường ngày đem lại cho con người hạnh phúc thì ít / mà phiền muộn đau khổ lại nhiều / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban Thánh Thần / là nguồn an ủi kỳ diệu đến trần gian / đề Người lau sạch nước mắt cho những ai đang khổ sầu.

4- Ngày phán xét chung / Chúa chỉ căn cứ vào một tiêu chuẩn duy nhất / để thưởng công hay luận tội người kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn sống trọn vẹn niềm tin đã lãnh nhận / đặc biệt là biết chân thành yêu thương hết thảy mọi người.

CT : Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp chúng con sống trọn vẹn ơn gọi kitô hữu, nhờ đó chúng con có thể mạnh dạn nói như Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galát : "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi". Chúng con cầu xin.....

VI. Trong Thánh Lễ

- Trước kinh Lạy Cha : Họp nhau đây quanh bàn tiệc của Chúa, chúng ta hãy dâng lên Ngài lời kinh Lạy Cha một cách sốt sắng.
- Trước rước lễ : Chúng ta là những kẻ hạnh phúc được mời dự bàn tiệc của Chúa. Chúng ta hãy mặc chiếc áo cưới tượng trưng cho thiện chí muốn có một cuộc sống mới xứng đáng với Chúa hơn. "Ðây Chiên Thiên Chúa"

VII. Giải tán

Chúng ta sắp trở lại với cuộc sống thường ngày. Chớ gì những việc làm ăn, buôn bán đừng trở thành những nguyên do khiến chúng ta xa Chúa.