TÔN GIÁO TRONG CỘNG ĐỒNG ÂU CHÂU

I. DIỄN TIẾN LỊCH SỬ

1. Thoáng nhìn về Kitô giáo.

Dân số của 25 quốc gia thuộc Cộng Đồng Âu Châu hiện nay có 82% người Kitô giáo, tức là Công giáo, Tin lành và Chính thống giáo.

Chỉ thoáng nhìn bản đồ, chúng ta thấy ngay Âu Châu là lục địa Kitô giáo. Việc rao giảng Phúc Âm trên lục địa này đã khởi đầu từ năm 45, khi Phaolô và Barnabê đến truyền giáo tại đảo Chypre. Về lục địa, chính mùa hè năm 50, Phaolô đã cập bến Philippê, nước Hy Lạp, rồi đến Tessalonica, Athêna, Corintô... và sau cùng là Roma, nơi đây Ngài đã chịu tử đạo vào năm 65, ít lâu sau Phêrô. Vào cuối thế kỷ III, Kitô giáo chiếm đa số tại Âu Châu, đặc biệt các nước Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha. Cho dù phải trải qua nhiều cuộc bách hại dữ dội, Kitô giáo phát triển nhanh lên miền Bắc Ý, Illyrie (nay lả Croatie) và xứ Gaule.

Sang thế kỷ IV, là thế kỷ quyết định. Năm 313, với sắc lệnh Milan, hoàng đế Constantin chấp nhận cho Kitô giáo được tự do sống đạo và truyền đạo. Rồi năm 391, hoàng đế Theodore lại thăng Kitô giáo thành tôn giáo chính thức của Đế quốc. Kể từ đó, việc truyền bá Tin Mừng mỗi ngày một thêm rộng khắp các nước Âu Châu, nước nào cũng có sự hiện diện hồ hởi của Kitô giáo, và các thừa sai được gửi đi khắp nơi vào các lãnh thổ dân ngoại. Trong thế kỷ V và VI, Tin Mừng được rao giảng tới các quần đảo Anh quốc, rồi trong thế kỷ VIII và IX, tới nước Đức. Còn các nước Hung Gia Lợi, Ba Lan và Bắc Âu đón nhận Tin Mừng vào khoảng năm 1000, Lettonie vào thế kỷ XII và Estonie trong thế kỷ XIII... Phải đợi tới thế kỷ XIV mới đến lượt Litunie, ‘nước dân ngoại’ cuối cùng của Âu Châu đón nhận Tin Mừng. Đặc biệt vào thế kỷ IX, các nước Đông Âu được phúc âm hóa nhờ hai anh em truyền giáo Cyrille và Méthode.

2. Chính Thống giáo.

Nhưng sau khi Âu Châu Kitô bị rạn nứt trầm trọng giữa hai ảnh hưởng Roma và Byzance là vụ đoạn tuyệt Kitô giáo Byzance, ngay từ đó được gọi là « Chính Thống » và Kitô giáo Latinh, từ đó mang danh là « Công Giáo ». Vụ đoạn tuyệt này thành dứt khoát bởi việc đoàn quân Thánh Giá bao vây thành Constantinople, năm 1204. Ngày nay Chính Thống hiện diện đông đảo nhất tại Hy Lạp, đảo Chypre, và thiểu số trong nhiều nước vùng Baltes, với những cuộc di tản của dân Nga. Chính Thống giáo lại lan tràn vào các nước mà đến nay còn ở ngoài, Cộng Đồng Âu Châu, đó là Bulgarie, Serbie, Ukraine và Biélorussie... Giáo Hội Chính Thống đã hiện diện tại Cộng Hòa Tchèque và Cộng Hòa Slovaquie, cũng như tại các nước Tây Âu nhờ vụ di tản của dân Bạch Nga sau cách mạng năm 1917.

3. Tin lành Luther, Calvin và Anh giáo.

Một vụ đoạn tuyệt khác đã làm Giáo Hội Công Giáo tại Âu châu, đó là vào thế kỷ XVI, khi Luther (1517) và Calvin (1533) phát động phong trào Cải Cách. Năm 1555 Charles-Quint công nhận quyền tự do tôn giáo theo nguyên tắc « Vùng nào nào theo tôn giáo vùng đó » (Cujus regio ejus religio) : Tôn giáo của mỗi ‘tiểu quốc’ trong Đế quốc Đức chính là tôn giáo của vị lãnh chúa ‘tiểu quốc ấy’. Thực tế chỉ còn hai ‘tiểu quốc’ Bavière và Rhénanie ở lại Công giáo ! Trong khi đó, giáo thuyết Luther lan tràn nhanh chóng tới các nước vùng Bắc Âu (Scandinavie) và các nước vùng Baltes. Còn Calvin, khai sinh và phát triển giáo thuyết tại Pháp, nhưng sau vụ hủy bỏ sắc lệnh Nantes (1685), ông đã chạy tìm môi sinh ở Thụy Sĩ và Ecosse.

Tại Anh quốc, đất chuẩn bị sẵn cho chương trình cải cách, vua Henri VIII đã ngang nhiên đoạn tuyệt với Roma và thiết lập Giáo Hội Anh (1534). Từ đó, bản đồ tôn giáo tại Âu Châu mang ranh giới mới cho tới thế kỷ XX. Trong thế kỷ này hai thảm kịch diễn ra gây ảnh hưởng nhiều đến tình hình tôn giáo tại Âu Châu.

4. Do Thái giáo.

Hiện diện ngay từ thế kỷ I trong Đế Quốc Roma, nôi rao giảng Kitô giáo, Do Thái giáo phát triển lần hồi trên khắp Âu Châu, nhất là trong thời Trung Cổ. Nhưng những cuộc bách hại và trục xuất xẩy ra nhiều lần, đặc biệt tại Tây Ban Nha năm 1492, đã chia Do Thái giáo thành hai ngành chính : Nghành ‘Sêfarades’ (ra khỏi Tây Ban Nha) sinh sống quanh vùng Địa Trung Hải, và ngành ‘Ashkénazes’ sống thịnh đạt tại hai vùng Trung Âu và Đông Âu, nhất là ở Ba Lan và ở Hy Lạp, nhưng nổi bật là tại Đức. Thế nhưng vào những thập niên đầu thế kỷ XX, dân Do Thái tại Âu Châu đã phải chịu những khó khăn chưa từng có trong lịch sử : Đa số đã bị tiêu diệt (shoah) do chủ trương kỳ thị của Đức Quốc Xa, chỉ từ năm 1939 đến 1945, dân số Do Thái đã từ 10 triệu giảm xuống còn 4 triệu. Ngày nay trong 25 nước thuộc Cộng Đồng Âu Châu, chỉ còn 1.400. 000 người Do Thái, mà hai nước có đông người Do Thái hơn cả là Pháp và Anh.

5. Hồi giáo

Riêng Hồi giáo, cắm dùi vào Tây Ban Nha từ năm 711, đã bị đánh duổi vào năm 1492. Trước đó, năm 1354, quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chặn lại trên đường tiến chiếm miền Baltes. Rồi năm 1453, thành Constantinople thất thủ, năm 1571 đảo Chypre chứng kiến quân Tây Ban Nha chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Lépante, và năm 1683 đến lượt thành Vienne, thủ phủ thứ hai của Đế quốc Ottoman tại Âu Châu bị thu hồi. Đế quốc Ottoman suy thoái nhanh chóng, nước Hy Lạp dành lại độc lập năm 1829, rồi lần lượt các nước vùng Baltes.

Năm 1923, hòa ước Lausane thu hẹp phần đất âu châu của Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ để lại vùng Thrace là lãnh thổ thuộc Âu Châu. Sự hiện diện lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ trên khắp Âu Châu không chinh phục được dân chúng trở lại Hồi giáo, ngoại trừ mấy xứ nhỏ Albanie, Kosovo, và Bosnie, và một thiểu số tại Bulgarie và Hy Lạp. Năm 1923, phần lớn người Hồi giáo đã bị trục xuất khỏi hai nước này.

Thực tế, yếu tố cơ bản tạo nên sự có mặt hiện nay của Hồi giáo tại Âu Châu chính là những làn sóng di dân vào những năm hậu bán thế kỷ XX, khởi sự từ các nước thuộc địa của Âu Châu : người Aghreb và người Châu Phi đen tại Pháp, người Ấn Độ và Pakistan tại Anh, nơi đây cũng có một thiểu số người Sikhs và Ấn giáo. Đó là chưa kể dân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ còn sinh sống ở Đức.

Rồi chính từ các nước thuộc địa, đặc biệt từ Việt Nam và Cao Miên, Lào mà số tín đồ Phật giáo mỗi ngày một thêm đông tại Pháp và tại Anh.

6. Chế độ vô thần và phong trào tục hóa.

Vào cuối thế kỷ XX, tại Âu Châu còn phát triển phong trào tục hóa. Bắt đầu từ Hòa Lan, Đức, Anh và Pháp. Sự kiện tách rời các giá trị tôn giáo của phong trào này dính liền hay đi đôi với não trạng xã hội tiêu thụ. Còn tại Đông Âu, 40 năm của chế độ cộng sản còn để lại nhiều dấu vết vô thần, vô tín ngưỡng, nhất là tại các nước Estonie, Lettonie, Cộng hòa Schèque vàHung Gia Lợi. Tình trạng này cũng nổi bật tại các nước Âu Châu Tin Lành.

II. THÀNH QUẢ CỦA LỊCH SỬ.

Những con số

Kitô giáo : Trong 25 nước thuộc Cộng Đồng Âu Châu hiện nay, Kitô giáo (Công giáo, Chính Thống và Tin Lành Luther, Calvin và Anh giáo) chiếm 82% dân số. Công giáo dẫn đầu với 60%, rồi các Giáo hội Tin lành 15%, Anh giáo 5% và Chính Thống giáo 2%.

Do Thái giáo và Hồi giáo : Cộng Đồng Âu Châu quy tụ 12 triệu người Hồi giáo, tức 2% dân số, và 1 triệu 4 tín đồ Do Thái giáo, mà hơn một nửa là sống trên đất Pháp.

Những người theo thuyết ‘bất khả tri’ (agnostiques) : Kể từ hậu bán thế kỷ XX, số người này mỗi ngày một gia tăng, đôi khi là đa số trong một nước như ở Cộng hòa Schèque, Hòa Lan và Estonie.

Những quy chế : Nếu sự tự do tôn giáo được mọi nước trong Cộng Đồng Âu Châu nhìn nhận, thì chỉ có một vài nước dành quy chế ưu biệt cho một tôn giáo : Tin lành tại nước Anh, Tin lành Luther tại Đan Mạch, Chính Thống giáo tại Hy Lạp. Nhiều hiến pháp, đặc biệt của Đức, Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan, Ba Lan có nhắc đến ‘lời cầu thần linh’ (instance divine) trong bản văn.

Các Hòa Ước : Những tương quan giữa Giáo Hội Công Giáo và quốc gia thường được hành xử bằng Hòa Ước. Mười lăm trong 25 quốc gia thuộc Cộng Đồng Âu Châu ký Hòa Ước với Tòa Thánh. Tại Đức, hầu như tất cả các Lander (miền) đều ký một Hòa Ước. Tại Pháp chỉ có vùng Alsace và Moselle. Năm 2002, quốc hội Schèque đã từ chối ký Hòa Ước với Tòa Thánh.

Các Cơ Quan : Ủy Ban Giám Mục Cộng Đồng Âu Châu (Comec) : quy tụ các Hội Đồng Giám Mục của mỗi quốc gia thuộc Cộng Đồng Âu Châu.

Hội Đồng của các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu (CCEE) : Liên kết các Hội Đồng Giám Mục của toàn lục địa Âu Châu.

Hội Đồng của các Giáo Hội tại Âu Châu (KEK) : quy tụ và liên hệ giữa các Giáo Hội (Công giáo, Tin lành, Anh giáo...) hiện hữu tại Âu Châu.

III. «GỐC RỄ KITÔ GIÁO »

Ngày 18. 06. 04 vừa qua, các nhà lãnh đạo của 25 nước thành viên của Cộng Đồng Âu Châu đã bỏ phiếu chấp nhận Hiến Pháp mới cho 450 triệu người dân Âu Châu. Người ta gọi là « Hiến Pháp lịch sử cho Âu Châu rộng lớn » (Constitution Historique pour la Grande Europe ». Qua lời của ông Joaquin Navarro-Valls, phát ngôn viên của Tòa Thánh chúng ta biết được nhận định của Tòa Thánh như sau : «Tòa Thánh hài lòng về giai đoạn mới mẻ và quan trọng trong việc diễn tiến hội nhập Âu châu, mà Đức Thánh Cha hằng mong ước và khuyến khích. Một trong những lý do về sự hài lòng này là việc chen vào trong bản văn của Hiến Pháp một lời cứu vãn quy chế của các tôn giáo trong các Quốc Gia thành viên và và nhất trí duy trì sự Hiệp Nhất với một tinh thần đối thoại cởi mở, trong sáng và thường xuyên, đồng thời nhìn nhận căn tính và sự đóng góp đặc biệt của các tôn giáo. Tuy nhiên Tòa Thánh không thể không lấy làm tiếc vì có một vài chính phủ chống đối việc tuyên bố rõ ràng ‘về các nguồn gốc kitô » (racines chrétiennes) của các dân tộc âu châu » (La Croix, 21.6.04, tr.3). Nhiều người nghĩ rằng : Không những đáng tiếc mà còn bất công, vì như chúng ta đọc thấy ở trên 82% dân chúng thuộc 25 Quốc gia thành viên Cộng Đồng Âu Châu hiện nay là Kitô giáo. Một Hiến Pháp cho 450 triệu dân trong đó có 82% người Kitô giáo, mà chỉ nhấn mạnh đến các khía cạnh chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa trong khi không dám nói đến những cội rễ chính yếu đã làm nẩy sinh và bao dưỡng nền chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa đó, thì e rằng ‘hiến pháp ấy chỉ là một cây gỗ cao bị chặt mất rễ cái’. (Giaoxuvnparis.org)