Trong những ngày Ông Trump còn đang tranh cử chức tổng thống Hoa Kỳ, giáo sư Charles C. Camosy của Đại Học Fordham về môn Đạo Đức Thần Học và Xã Hội, đã viết một loạt bài bình luận so sánh nền đạo đức học nhất quán về sự sống của Đức Phanxicô và nền văn hóa vứt bỏ mà lúc ấy ông Trump bị coi là đại biểu.

Nhân dịp hai vị sắp sửa gặp nhau tại Vatican, chúng tôi xin trình bầy các nhận định của vị giáo sư này.


Gốc rễ nền đạo đức học nhất quán về sự sống của Đức Phanxicô

Đức Phanxicô được coi là vị giáo hoàng nhất quán về đạo đức học sự sống. Dĩ nhiên, nền tảng của đạo đức học này là Thánh Kinh và Thánh Truyền. Riêng tại Hoa Kỳ, người đầu tiên đem nó ra trình bày với công chúng một cách đầy sáng tạo chính là Đức Hồng Y Joseph Bernardin của Chicago.

Thực vậy, các giám mục Hoa Kỳ lúc đó bầu Đức Hồng Y Bernardin làm chủ tịch Ủy Ban Phò Sự Sống. Còn Đại Học Fordham thì mời ngài tới Thành Phố New York để đọc bài diễn văn Gannon năm 1983. Ngài đã thỏa mãn lời mời này với bài diễn văn nổi tiếng tựa là A Consistent Ethic of Life: an American-Catholic Dialogue (Đạo Đức Học Nhất Quán về Sự Sống: Cuộc Đối Thoại Hoa Kỳ - Công Giáo).

Bài diễn văn trên nổi tiếng đến nỗi ngày hôm sau, New York Times cho chạy hàng tít lớn: “Bernardin Yêu Cầu Người Công Giáo Đấu Tranh Cả Vũ Khí Hạch Nhân Lẫn Nạn Phá Thai” và mô tả Đức Hồng Y như người đã mở màn “một cuộc tấn công rộng lớn vào hàng loạt vấn đề có liên quan tới ‘tính thánh thiêng của sự sống’, trong đó, có vũ khí hạch nhân, phá thai, và án tử hình”.

Bài báo trên kích động nhiều phản ứng và quan tâm cao độ, khiến Đức Hồng Y Bernardin dành nhiều thì giờ hơn nữa để đào sâu nền đạo đức học nhất quán về sự sống. Nhờ thế, cuối cùng, ngài đã nối kết các vấn đề như nghèo khó, an tử, di truyền học, chăm sóc sức khỏe và khiêu dâm vào đạo đức học.

Dù ngài nói rõ: ta không nên che phủ nhiều sự khác nhau có thật giữa các vấn đề được ngài nối kết với nhau như trên, ngài vẫn đã chứng minh được các đặc điểm chung rất đáng lưu ý của chúng và mời gọi chúng ta lý luận một cách nhất quán khi đề cập tới các vấn đề này. Ngài cho rằng, những ai dấn thân vào lý lẽ và tính chân chính đều phải từ khước việc bàn đến các vấn đề cá thể trên một cách ad hoc (chỉ chuyên về nó), tách rời nó một cách giả tạo ra khỏi các mối tương quan của nó với các vấn đề khác.

Nền đạo đức học nhất quán về sự sống cũng bị chỉ trích, phần lớn chung quanh vấn đề phá thai. Một số người ở phe tả chính trị chỉ trích nó vì, một cách thiếu phê phán, nó đã gộp chung các vấn đề công bằng xã hội vào việc hạn chế quyền phá thai. Trong khi ấy, một số người thuộc cánh hữu chính trị chỉ trích nó vì đã không coi trọng việc hàng triệu sinh mạng bị nạn phá thai lấy đi như đối với những vấn đề ít quan trọng hơn khác.

Tuy nhiên, chống lại các chỉ trích trên, “Kế Hoạch Mục Vụ Dành Cho Các Sinh Hoạt Phò Sự Sống” của các giám mục Hoa Kỳ minh nhiên lấy “Nền Đạo Đức Học Nhất Quán Về Sự Sông” làm khuôn khổ trung tâm của nó. Trích dẫn Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các giám mục quả quyết rằng “ở đâu sự sống có liên quan, ở đấy việc phục vụ bác ái phải nhất quán một cách sâu xa. Nó không thể khoan thứ cho thành kiến và kỳ thị, vì sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm ở mọi giai đoạn và trong mọi hoàn cảnh; nó là một thiện ích bất khả phân chia. Như thế, chúng ta cần phải tỏ lòng chăm sóc đối với mọi sự sống và sự sống của mọi người”.

Bất cứ ai đã đọc thông điệp Tin Mừng Sự Sống (Evangelium Vitae) năm 1995 của Đức Gioan Phaolô II, hẳn không thể không nhìn ra nền đạo đức học nhất quán của ngài về sự sống.

Khi bênh vực phẩm giá cố hữu của sự sống con người, nhất là khi sự sống này yếu ớt và không ai bảo vệ, Đức Gioan Phaolô II lưu ý người ta không những tới “các tai ương nghèo khó, đói khát, bệnh tật, bạo lực và chiến tranh xưa cũ” mà cả “các đe dọa mới đang xuất hiện trên quy mô lớn lao đáng ngại”. Bảng liệt kê càng dài hơn khi Đức Giáo Hoàng cùng với Công Đồng Vatican II “mạnh mẽ kết án” các thực hành “chống lại chính sự sống”:

“Bất cứ loại sát nhân, diệt chủng, phá thai, trợ tử hay tự hủy hoại mình nào, bất cứ điều gì vi phạm tính toàn vẹn của con người nhân bản, như làm què quặt, các hành hạ đối với thân xác hay tinh thần, các mưu toan cưỡng bức ý chí người ta; bất cứ điều gì xâm phạm tới nhân phẩm, như các điều kiện sống phi nhân, việc giam cầm độc đoán, trục xuất, nô dịch, đĩ điếm, mua bán phụ nữ và trẻ em; cũng như các điều kiện làm việc phũ phàng, trong đó, con người bị đối xử chỉ như các dụng cụ để kiếm lời chứ không phải như những ngôi vị tự do và có trách nhiệm; tất cả những điều này và những điều khác tương tự như chúng đều quả là những điều ô nhục. Chúng chuốc độc xã hội con người, và gây hại cho những người thực hành chúng nhiều hơn cho những người bị chúng gây thương tích”.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng phản ảnh cùng những quan điểm như vị tiền nhiệm của ngài. Trong Caritas in Veritate (Đức Ái trong Sự Thật), ngài chống lại sự phân biệt giả tạo giữa các vấn đề “phò sự sống” và “công bằng xã hội”. Phá thai, an tử, và việc dùng và diệt bào thai để nghiên cứu phải được nhìn qua khuôn khổ công bằng xã hội, y hệt như chủ nghĩa tư bản hoàn cầu, các quan tâm sinh thái, và nghèo khó phải được nhìn qua khuôn khổ sự sống.

Chẳng hạn, dù Đức Bênêđíctô XVI đưa ra lời kêu gọi có tính khai phá phải quan tâm hơn nữa tới sinh thái trong Caritas in Veritate, vì nền đạo đức học nhất quán về sự sống, nhưng ngài từ khước việc cô lập hóa mối quan tâm này khỏi điều ngài gọi là “sinh thái nhân bản”:

“Nếu thiếu lòng tôn trọng đối với quyền sống và quyền chết tự nhiên, nếu việc thụ thai, mang thai và sinh ra của con người được làm một cách nhân tạo, nếu các bào thai người bị hy sinh cho nghiên cứu, thì lương tâm xã hội kết cục sẽ đánh mất ý niệm sinh thái nhân bản và, cùng với nó, là ý niệm sinh thái môi trường… Nhiệm vụ của ta đối với môi trường được liên kết với các nhiệm vụ của ta đối với con người nhân bản, được xem xét ngay trong họ hay trong tương quan với người khác. Ta sẽ lầm lẫn nếu chủ trương tuân giữ một số nhiệm vụ trong khi chà đạp một số nhiệm vụ khác”.

Thành thử, dù Đức Hồng Y Bernardin làm cho nền đạo đức học nhất quán về sự sống trở thành nổi tiếng, nhưng lực đẩy chính của ngài cũng chỉ là việc mạnh mẽ bảo vệ giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Và mặc dù các Đức Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đặt để nền tảng vững chãi cho nền đạo đức học nhất quán, nhưng các ngài vẫn để chỗ để ta góp phần làm nó lớn lên.

Điều đáng mừng là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp nối con đường của hai vị tiền nhiệm. Khẳng định điều các ngài dạy trong các vấn đề sự sống, ngài đã đẩy xa hơn nữa truyền thống đạo đức học nhất quán. Thiển nghĩ, thuật ngữ “nền văn hóa vứt bỏ” có sức mạnh rất lớn trong khả năng nói chuyện với thế hệ mới.

Nền đạo đức học nhất quán về sự sống dưới thời Đức Phanxicô

Camosy cho rằng các người bảo thủ và cấp tiến thế tục đã thay phiên nhau ca ngợi hoặc tố cáo Đức Giáo Hoàng Phanxicô như một người cấp tiến. Nhưng lập trường của ngài về các vấn đề luân lý nóng bỏng theo chân rất sát Nền Đạo Đức Học Nhất Quán về Sự Sống của các vị tiền nhiệm.

Đoạn văn đẹp đẽ sau đây của Laudato Si’ đủ nói lên điều trên:

"Văn hóa duy tương đối cũng là một vô trật tự y như thế khi nó khiến người này lợi dụng người nọ, đối xử với nhau như những đồ vật không hơn không kém, buộc họ phải khổ sai lao động hay bắt họ làm nô lệ để trừ nợ. Loại suy nghĩ y như thế đang dẫn tới việc bóc lột tình dục trẻ em và bỏ rơi người có tuổi không còn phục vụ quyền lợi của ta nữa. Đây cũng là não trạng của những người nói rằng: ta hãy để cho các lực lượng vô hình của thị trường điều hòa nền kinh tế, và coi tác động của chúng đối với xã hội và thiên nhiên như những thiệt hại phụ thuộc. Thiếu vắng các chân lý khách quan hay các nguyên tắc đúng đắn thay cho việc thỏa mãn các thèm muốn và nhu cầu tức khắc của riêng chúng ta, thì đâu là các giới hạn có thể đặt lên việc mua bán người, tội ác có tổ chức, buôn ban ma túy, và thương mại kim cương gây đổ máu (blood diamonds) và lông các loài thú đang có nguy cơ diệt chủng? Điều này há không y hệt như thứ luận lý học duy tương đối chuyên biện minh cho việc mua bán các bộ phận của người nghèo để bán lại hay sử dụng trong thí nghiệm, hay loại bỏ các trẻ em vì chúng không phải là điều cha mẹ các em mong muốn? Cũng chính cùng một thứ luận lý học “dùng rồi vứt bỏ” này đã sản xuất ra không biết bao nhiêu đồ phế thải, vì ý muốn vô trật tự muốn tiêu thụ nhiều hơn là thực sự cần thiết”.

Một số người có thể ngạc nhiên khi thấy phá thai được dành cho một chỗ nổi bật trong danh sách này, vì nhiều người vẫn cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng yêu cầu chúng ta không nên quá bàn tới chủ đề này. Ấn tượng này có thể phát xuất từ một cuộc phỏng vấn độc quyền mà Đức Giáo Hoàng đã dành cho một ấn phẩm Dòng Tên năm 2013 (Tập San America ở Hoa Kỳ), trong đó, ngài nói:

“Ta không thể chỉ nhấn mạnh tới các vấn đề liên quan tới phá thai, hôn nhân đồng tính và việc sử dụng các phương pháp ngừa thai. Việc này không thể. Tôi vốn không nói nhiều về các vấn đề này, và vì thế tôi đã bị chỉ trích. Nhưng khi nói tới các vấn đề này, chúng ta phải nói tới chúng trong bối cảnh của chúng”.

Trái với những gì được tường trình, Đức Phanxicô đã không nói với người Công Giáo phải ngưng việc nói tới phá thai. Đúng hơn, ngài đã cùng với các vị tiền nhiệm nhấn mạnh rằng phá thai phải được hiều trong bối cảnh cam kết đối với các vấn đề khác về sự sống.

Thực vậy, ngay ngày hôm sau, Đức Phanxicô đã sử dụng một ngôn từ rất mạnh để lên án phá thai trong một diễn văn trước một số bác sĩ sản và nhi khoa ở Rôma. Giới truyền thông đã không có cùng một sự chú ý khi Đức Phanxicô nói rằng: “mọi trẻ em chưa sinh ra, dù bị bất công kết án phải trục thai, đều có khuôn mặt của Thiên Chúa”. Một cách đầy ý nghĩa, khi ngài cho rằng phá thai là sản phẩm của “não trạng kiếm lời rất phổ thông, ‘thứ văn hóa vứt bỏ’ mà hiện nay đang nô dịch tâm trí của rất nhiều người”.

‘Nền văn hóa vứt bỏ’ là thuật ngữ hàng đầu trong nền đạo đức học nhất quán của Đức Phanxicô về sự sống. Ngài diễn tả nó như là “não trạng trong đó mọi sự đều có một cái giá, mọi sự đều có thể mua, mọi sự đều có thể thương lượng được. Lối suy nghĩ này chỉ dành chỗ cho một số ít người ưu tuyển, trong khi vứt đi tất cả những ai không có năng xuất”.

Nó giảm thiểu mọi sự, kể cả con người, chỉ còn là sự vật mà giá trị hệ ở việc mua, bán, dùng, và vứt đi khi giá thị trường của chúng đã hết.
Giá trị cố hữu, bất khả giảm thiểu của những hữu thể nhân bản ‘không hữu hiệu’ và ‘trở thành gánh nặng’ đơn giản bị làm ngơ bởi nền văn hóa vứt bỏ, một nền văn hóa coi những giá trị như thế là đồ bất tiện. Khi giảm thiểu con người nhân bản chỉ còn là sản phẩm trên thị trường, một sản phẩm có thể được dùng rồi vứt bỏ, nền văn hóa của ta đã phạm một sai lầm tuyệt đối. Con người là một cứu cánh ngay trong họ, với một giá trị cố hữu và bất giảm thiểu, và không bao giờ bị vứt bỏ như rác rưởi.

Tính bạo động minh nhiên, chết người của nền văn hóa vứt bỏ bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô chống đối bao gồm các thực hành bạo lực theo nghĩa cổ điển như chiến tranh, diệt chủng, khủng bố và án tử hình. Nhưng ngài còn nghĩ các thực hành như phá thai (vứt bỏ đứa trẻ như vật bất tiện) và an tử (đối xử với người có tuổi như một gánh nặng cần phải vứt bỏ) cũng là thành phần của cùng một thứ văn hóa bạo lực giết người này.

Đức Phanxicô cũng tập chú đặc biệt vào điều bạo lực gây ra cho người phạm tội. Trong diễn văn của ngài trước Quốc Hội Hoa Kỳ, ngài nói rằng khi liên tiếp tái sử dụng bạo lực, ta liều mình trở thành các tù nhân, bị chính các thói quen của ta vây hãm. Đức Phanxicô cũng cảnh cáo chúng ta rằng cách tốt nhất trở thành những tên sát nhân và độc tài là bắt chước các thực hành đầy bạo lực của những người này.

Nhưng nền đạo đức học nhất quán về sự sống không chỉ quan tâm tới bạo lực minh nhiên dưới hình thức giết chóc, mà còn quan tâm tới bạo lực cơ cấu hiện diện trong cung cách chúng ta sắp xếp các xã hội của chúng ta. Đối với Đức Phanxicô và các vị tiền nhiệm của ngài, tôn trọng sự sống không thể đơn giản chỉ là việc chống cự lại bạo lực gây hấn của nền văn hóa vứt bỏ, mà còn cả các cơ cấu xã hội của nó nữa.

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng giới răn như “chớ giết người” rõ ràng có thể áp dụng vào điều ngài gọi là “kinh tế loại trừ” trong nền văn hóa của ta. Như ngài đã viết trong Niềm Vui Tin Mừng “một nền kinh tế như thế đang giết người”.

Hơn nữa, thứ loại trừ khiến Đức Phanxicô quan tâm sâu xa thường thường là kết quả của các thực hành vô ý thức dẫn tới việc một số loại người trở thành “những người bị loại bỏ” hay “phế thải”.

Đức Phanxicô đặc biệt chỉ trích “các lý thuyết phát triển kinh tế nhỏ giọt từ trên xuống”. Các lý thuyết này coi con người nhân linh như những thứ đồ vật có thể làm ngơ và vứt đi nếu là cản trở thuần đối với sự phát triển này. Người vô gia cư chết cóng; đứa trẻ không được chăm sóc y tế thỏa đáng chết vì chứng bệnh có thể chữa được một cách dễ dàng; những dân tộc ở đảo bị đe doạ bởi khí hậu thay đổi, những người như thế chỉ là những ý nghĩ muộn màng đến sau sự việc (afterthoughts) trong điều ngài gọi là “hoàn cầu hóa lòng dửng dưng”.

Phẩm giá của những con người dễ bị thương tổn trên hoàn toàn là thứ bất tiện đối với những người trong chúng ta vốn được lợi nhờ nền văn hóa tiêu thụ hoàn cầu, thành ra, chúng ta làm ngơ người nghèo và người bị hất hủi cho tới lúc ta hết còn cảm giác gì đối với tiếng kêu than của họ. Tính tối thượng của con người nhân bản bị thay thế bởi lòng mê tiền, điều mà ở Santa Cruz, Bolivia, ngài gọi là “phân thối của ma qủy”; luận lý học của phát triển kinh tế đạt tới chỗ thống trị tuyệt đối, bất kể ai bị vứt bỏ trong diễn trình này.

Trên đây chỉ là một vài nét chấm phá của nền đạo đức học nhất quán về sự sống. Khó có thể nắm bắt mọi khía cạnh của nền đạo đức học này trong một bài báo.

Nền đạo đức học nhất quán về sự sống và nền văn hóa bạo lực tính dục của những người như ứng cử viên Trump

Bạo lực tính dục vốn được triết lộ trong cuốn video của Ông Trump lúc đang tranh cử. Trong đóng góp cuối cùng này, Giáo Sư Charles Camosy khảo sát vấn đề bạo lực và thỏa mãn tính dục như là triệu chứng của nền văn hóa vứt bỏ bị Đức Phanxicô lên án.

Giáo Sư Camosy cho rằng dù chủ đề này đúng lúc vì các tin tức liên quan đến các thói quen tính dục của Ông Donald Trump, nhưng nhiều người cho là lạ khi nền đạo đức học nhất quán về sự sống lại chú tâm đến nền văn hóa tính dục của ta. Nhưng quả thực nền văn hóa này là một phần của nền văn hóa vứt bỏ bị Đức Phanxicô cực lực lên án.

Ta nên nhớ Đức Phanxicô đặc biệt quan tâm tới thứ bạo lực “đối xử với người khác như các đồ vật” như ngài đã viết trong Laudato Si’, vì thứ bạo lực này từ chối việc nhìn nhận các hữu thể nhân bản như có giá trị nội tại khiến không thể bị giản lược thành đồ vật.

Điều mà đôi khi ta gọi là nền văn hóa “hook-up” (chấp nhận và khuyến khích các cuộc làm tình bừa bãi chỉ để hưởng lạc, bất cần gắn bó xúc cảm hay cam kết lâu dài), một thứ văn hóa rất thịnh hành trong âm nhạc, phim ảnh và các phương tiện truyền thông hiện đại, đã đặt tiền đề của nó trên loại bạo lực này. Chỉ cần nhìn thoáng qua trang mạng “Texts from Last Night” (một hiện tượng văn hóa có tới hơn 4 triệu người theo dõi trên Twitter), ta sẽ thấy rõ nền văn hóa này.

Đây là “bản văn” đầu tiên trong một ngày kia của họ: “Chick in class has 69 tattooed on the back of her neck. Target acquired” (Con gà mái trong lớp có dấu 69 xâm sau gáy. Mục tiêu đạt được).

Người ta khó lòng tìm được một điển hình tốt hơn về thái độ vốn lên đặc điểm cho nền văn hóa “hook-up”. Bản văn này không những nói tới người phụ nữ bằng một ngôn từ hạ cấp, mà còn sử dụng một hình ảnh cổ điển vẫn bị coi là bạo lực để nói lên thèm thuồng của người gửi muốn được “hook up” với nàng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô vốn than phiền rằng nền văn hóa tính dục của ta đã trở nên thành phần của nền văn hóa vứt bỏ nói chung. Trong Niềm Vui Yêu Thương, ngài nhận định rằng chúng ta đã tách mình ra khỏi giá trị của mọi sự đến nỗi mọi sự đều trở nên có thể vứt bỏ được, kể cả những con người trong các mối liên hệ thân mật nhất. Và ngài có lý khi than phiền như thế, đặc biệt khi xét đến các hậu quả nặng nề nhất trong bạo lực của nền văn hóa “hook up”.

Vị trí nổi bật của rượu trong cuộc “hook up”, cùng với việc phi nhân hóa người đối tác, thường dẫn tới bạo lực tính dục. Đôi khi bạo lực này mang hình thức áp chế tính dục đối với người kháng cự. Tuy nhiên, thông thường hơn, nó bao gồm những âm mưu có tính toán của kẻ phạm tội nhằm chuốc cho “mục tiêu” uống đủ say để họ dễ bề “đạt được”.

Vì thế, phần lớn những cuộc làm tình trong nền văn hóa “hook up” thực ra là hiếp dâm. Việc mãi dâm cũng thế, bị Đức Phanxicô coi là hình thức nô lệ hiện đại, một “thứ dịch trên thân thể nhân loại hiện thời”.

Việc sử dụng thân xác một người khác để chiếm hữu hay thỏa mãn tính dục một khi đã thành điều có thể chấp nhận được về phương diện xã hội, và nhất là khi nó được cổ vũ và trân qúy nhân danh tự do và giải phóng tính dục, thì khó có thể nói được một cách chính xác tại sao điển hình A xấu, nhưng điển hình B lại chấp nhận được, và điển hình C còn có thể tốt là đàng khác.

Với những đường ranh mờ nhạt trên, cộng với việc tôn trọng tính dục như là điều thuộc lãnh vực tự lập tư riêng, thì việc ta tách mình ra khỏi các nạn nhân của bạo lực tính dục và “đứng ngoài giường người ta” sẽ trở thành điều dễ dàng hơn.

Nền đạo đức học nhất quán về sự sống đòi phải có một nền văn hóa tính dục ngược lại, không bác bỏ những cuộc gặp gỡ chân chính, nhưng chống lại những cuộc gặp gỡ bị thống trị bởi việc vì não trạng duy tiêu thụ, người ta quá chú trọng tới tự lập, tư riêng, chiếm hữu và sử dụng thân xác người khác.

Ai cũng biết, bất chấp não trạng tiêu cực trên, Ông Trump vẫn đã thắng cuộc để chễm chệ ngồi vào ghế Tổng Thống Hoa Kỳ. Hy vọng cuôc gặp gỡ với người chủ đạo nền đạo đức học nhất quán về sự sống sẽ góp phần làm xoay chiều từ từ một trong những đứa con của nền văn hóa vứt bỏ, coi người khác chỉ là đồ vật để sử dụng và khi không còn sử dụng được nữa thì vứt bỏ không thương tiếc.