Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1. Đức Thánh Cha tiếp kiến chung khách hành hương vào ngày thứ Tư hôm nay

2. Đức Thánh Cha khuyên các linh mục và chủng sinh: dù học chuyên môn nào thì cũng cần phải tiến triển trên con đường thánh hiến.

3. Thư Đức Thánh Cha gửi các Giám Mục Venezuela vì đã chia sẻ cảnh khổ đau của dân chúng.

4. Hội đồng Giám mục Châu Âu phê bình Liên Hiệp Âu Châu hờ hững trong việc bảo vệ tự do tôn giáo.

5. Ông Emmanuel Macron Tân Tổng Thống Pháp Nhiệm Kỳ 2017-2022.

6. Giáo Hội Công Giáo Pháp ủng hộ tân Tổng Thống Macron.

7. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ quyết định cải tổ truyền thông: tập trung vào kỹ thuật số, từ bỏ báo in.

8. Kitô hữu Thống đốc đầu tiên tại Indonesia bị tuyên án 2 năm tù về tội báng bổ Hồi Giáo.

9. Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn ủng hộ việc giảm bớt sử dụng năng lượng hạt nhân.

10. Linh mục và giáo dân Giáo hạt Thuận Nghĩa, thuộc Giáo phận Vinh, phản đối chính quyền đấu tố các linh muc.

11. Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ lên tiếng về việc CSVN đàn áp tôn giáo.

12. Giới thiệu Thánh Ca Tháng Hoa Đức Mẹ: Bài Ca Tình Yêu.

Sau đây là phần tin chi tiết:

Trong buổi Tiếp Kiến Chung ngày thứ Tư hôm nay ngày 10 tháng 5, năm 2017 với hơn 30 ngàn du khách hành hương, ĐTC mời gọi các tín hữu noi gương Mẹ Maria giữ vững hy vọng trong những nghịch cảnh và đen tối của cuộc đời.

Vào lúc gần 9.30 sáng, khi ĐTC đi xe mui trần tiến vào quảng trường thánh Phêrô và dành 20 phút tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Đặc biệt có một nhóm người Việt Nam cầm cờ vàng ba sọc đỏ nồng nhiệt vẫy chào ĐTC khi xe ngài đi qua gần khu vực của họ.

Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe đọc bài Tin mừng theo thánh Gioan đoạn 19, ghi lại lời Chúa Giêsu nói với Mẹ Maria dưới chân Thánh Giá: Thưa bà, này là con bà! và với thánh Gioan: Này là Mẹ con!. Từ lúc đó môn đệ mang Mẹ về nhà mình.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói về đề tài Mẹ Hy Vọng. Đây là bài thứ 21 trong loạt bài giáo lý về Đức Hy vọng Kitô giáo. Ngài nói: Trong hành trình giáo lý của chúng ta về đức hy vọng Kitô giáo, hôm nay chúng ta nhìn lên Mẹ Maria, Mẹ hy vọng. Mẹ Maria đã trải qua hơn một đêm đen trong hành trình của Mẹ.

Ngay từ khi mới xuất hiện trong lịch sử các Tin Mừng, hình ảnh của Mẹ nổi bật như thể Mẹ là một nhân vật trong một bi kịch. Không phải Mẹ chỉ thưa ”xin vâng” đối với lời mời của thiên thần; nhưng Mẹ còn là một phụ nữ, đang ở tuổi thanh xuân, can đảm đáp lại, dù không biết gì về vận mệnh đang chờ đợi Mẹ...

Lời thưa ”xin vâng” ấy là bước đầu trong một danh sách dài những vâng phục tháp tùng hành trình của Mẹ. Vì thế Mẹ Maria xuất hiện trong các sách Tin Mừng như một phụ nữ thầm lặng, thường không hiểu tất cả những gì xảy ra quanh mình, nhưng Mẹ suy niệm mỗi lời và mỗi biến cố trong tâm hồn Mẹ… Mẹ là một phụ nữ lắng nghe, đón nhận cuộc sống như được ủy thác cho chúng ta, với những ngày hạnh phúc, nhưng cũng với cả những thảm kịch mà không bao giờ chúng ta muốn gặp. Cho đến đêm tột đỉnh của Mẹ Maria, khi Con của Mẹ bị đóng đinh vào thập giá…

ĐTC nói tiếp: Mẹ Maria “đứng đó”. Này đây một thiếu nữ thành Nazareth, nay tóc đã hoa râm với năm tháng… Mẹ Maria đứng đó, trung thành hiện diện, mỗi lần cần cầm nến sáng trong một nơi u tối và mây mù…

Chúng ta lại thấy Mẹ trong ngày đầu tiên của Giáo Hội, Mẹ là Mẹ hy vọng, giữa cộng đoàn các môn đệ rất mong manh: một người đã chối Chúa, nhiều người khác bỏ chạy, tất cả đều sợ hãi. Trong Giáo Hội đầu tiên được bao phủ trong ánh sáng Phục Sinh, nhưng cả trong những rung động đầu tiên của những bước mà Giáo Hội phải thực hiện trong thế giới.

Vì thế, tất cả chúng ta đều yêu mến Mẹ như người Mẹ. Vì Mẹ dạy chúng ta nhân đức chờ đợi, cả khi tất cả dường như không có ý nghĩa: Mẹ luôn tín thác nơi mầu nhiệm Thiên Chúa, cả khi Chúa dường như lu mờ vì sự ác trong trần thế. Trong những lúc khó khăn, Mẹ Maria, người Mẹ mà Chúa Giêsu ban tặng cho tất cả chúng ta, có thể luôn luôn nâng đỡ những bước đường của chúng ta!

Sau bài huấn dụ, các Linh mục thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các sinh ngữ khác nhau cùng với những lời chào thăm và nhắn nhủ của ĐTC bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức,

Tiếng Tây Ban Nha, đặc biệt ngỏ lời với các tín hữu nói tiếng Bồ đào nha, ĐTC nói: “Thứ sáu và thứ bẩy này, nếu Chúa muốn, tôi sẽ đến hành hương tại Fatima để phó thác cho Đức Mẹ vận mệnh trần thế và vĩnh cửu của nhân loại và khẩn cầu phúc lành của Trời Cao trên những nẻo đường của nhân loại…” ĐTC cũng nhắc nhở các bạn trẻ, Ngài nói: thứ bẩy 13-5 tới đây là kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ Fatima hiện ra với 3 mục đồng. Các bạn trẻ thân mến, hãy học cách vun trồng lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa, qua việc đọc kinh Mân Côi hằng ngày.”

Đức Thánh Cha khuyên các linh mục và chủng sinh: dù học chuyên môn nào thì cũng cần phải tiến triển trên con đường thánh hiến.

VATICAN. Sáng 8-5-2017, ĐTC đã tiếp kiến ban giám đốc và các Linh mục sinh viên thuộc Giáo Hoàng Học Viện Bồ Đào nha ở Roma gồm 50 người. //ĐTC nhắn nhủ các linh mục sinh viên hãy tăng trưởng không biết mệt mỏi /trong việc huấn luyện về phương diện Kitô, linh mục, mục vụ và văn hóa. Ngài nói:

“Bất kỳ anh em theo đuổi ngành chuyên môn nào, quan tâm đầu tiên của anh em vẫn phải luôn làm sao để tiến triển trên con đường thánh hiến linh mục, qua kinh nghiệm yêu mến Chúa, một Thiên Chúa gần gũi và trung tín… “

ĐTC cũng đề cao tương quan với Mẹ Maria, tương quan này giúp chúng ta có tương quan tốt đẹp với Giáo Hội: ”cả hai đều là Mẹ chúng ta. Cần vun trồng tình con thảo với Đức Mẹ, vì nếu thiếu điều này, thì có một sự mồ côi nào đó trong tâm hồn. Một linh mục quên Đức Mẹ, nhất là trong những lúc khó khăn, thì sẽ như thể là người mồ côi, dù trong thực tế họ không phải như vậy!”

Thư Đức Thánh Cha gửi các Giám Mục Venezuela vì đã chia sẻ cảnh khổ đau của dân chúng

VATICAN. Trong thư đề ngày 5-5-2017 gửi các GM Venezuela, ĐTC xác tín rằng những vấn đề trầm trọng của đất nước này có thể được giải quyết, nếu có ý chí muốn bắc cầu hòa giải. ĐTC cho biết ngài lo lắng theo dõi tình trạng của nhân dân Venezuela đang đứng trước những vấn đề trầm trọng; đồng thời ngài cũng bày tỏ đau buồn sâu xa vì những cuộc đụng độ và bạo lực trong những ngày qua làm cho nhiều người chết và bị thương. ĐTC cũng cám ơn các Gíam mục cùng với các Linh mục, tu sĩ và giáo dân đã chia sẻ tình cảnh đau khổ của dân chúng đang thiếu lương thực và thuốc men, một số còn phải chịu những cuộc tấn công và những hành vi bạo hành.

Hơn 3 năm nay, Venezuela lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và chính trị. Làn sóng phản đối mới đây xảy ra khi ngành tư pháp tại Venezuela toan tính tước quyền của Quốc hội và vụ tổng thống Maduro truyên bố triệu tập một tổ chức để soạn thảo hiến pháp mới. Từ đầu tháng 4 đến nay đã có hơn 35 người chết vì những xáo trộn tại quốc gia này.

Trưa Chúa Nhật ngày 7-5-2017, có một số người Venezuela hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với ĐTC. Họ mang những biểu ngữ và cờ Venezuela, cũng như những thánh giá màu đen âm thầm lưu ý về chế độ của tổng thống Nicolas Maduro và những người đã chết trong những ngày qua vì biểu tình phản đối chế độ của ông.

Hội đồng Giám mục Châu Âu phê bình Liên Hiệp Âu Châu hờ hững trong việc bảo vệ tự do tôn giáo

Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Châu Âu đã lên tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo chính phủ trong Liên Hiệp Âu Châu vì đã không có hành động cụ thể nhằm bảo vệ tự do tôn giáo. Đức Ông Duarte Nuno da Cunha, người Bồ Đào Nha, là Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Châu Âu từ năm 2008 đến nay nhận xét rằng:

“Khi các quan chức nói về tự do tôn giáo, họ thường nói một cách trừu tượng và có vẻ như sợ hãi hoặc xấu hổ khi nhắc đến các cộng đồng đang thực sự đau khổ, đặc biệt là ở Trung Đông”.

Ngài phàn nàn rằng các nhà lãnh đạo chính phủ đã không gây áp lực chính trị và ngoại giao đối với các quốc gia đàn áp tự do tôn giáo. Ngài nói thêm: “Liên Hiệp Âu Châu nên ngừng thói đạo đức giả bằng cách nói một đàng lại làm một nẻo đằng sau hậu trường.”

Ông Emmanuel Macron Tân Tổng Thống Pháp Nhiệm Kỳ 2017-2022

Tổng thống tân cử, Emmanuel Jean-Michel Macron, sinh ngày năm 1977, tại Amiens năm nay 39 tuổi. Cha ông là bác sĩ và là giáo sư thần kinh học và Mẹ là bác sĩ và cố vấn An ninh xã hội. Năm 2007, ông Emmanuel Macron kết hôn với bà Brigitte Trogneux là giáo sư Pháp văn, bà lớn hơn ông 24 tuổi.

Tân Tổng thống Pháp tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh năm 2004, ông trở thành Thanh tra tài chính trước khi trở thành chuyên viên Ngân hàng Rothschild & Cie. Ông gia nhập Ðảng xã hội năm 2006, và trở thành ông là cố vấn kinh tế cho TT François Hollande trong kỳ bầu cử Tổng thống năm 2012. Sau khi Hollande đắc cử, ông trở thành phó Tổng thư ký Elysée. Năm 2014, rời chức vụ này, ông định lập doanh nghiệp, nhưng vì chính trị, ông quay trở lại với chức Tổng trưởng Kinh tế.

Ông tự cho rằng mình “không tả, không hữu, không trung, mà là giữa”, đến từ tả phái xã hội, nhưng mượn kinh tế từ hữu phái… Trong khoảng thời gian xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Paris, tiếp đến là Nice, Tổng trưởng Macron đã đề nghị Tổng thống Hollande và Thủ tướng Manuel Valls thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, những yêu cầu này đã không được thực hiện trong khi dự thảo luật về chính sách kinh tế của ông cũng không được phê chuẩn. Chính từ đây, ông Macron đã chuyển sang một ngã rẽ khác là khởi xướng phong trào "Tiến bước" vào tháng 4/2016. Chỉ vài tháng sau, ông tuyên bố từ chức Bộ trưởng, đồng thời ra tranh cử Tổng thống Pháp. Ngày 14.05.2017, tân Tổng thống đắc cử sẽ nhận chìa khóa điện Elysée, Tổng thống phủ, từ tay Tổng thống mãn nhiệm.

Giáo Hội Công Giáo Pháp ủng hộ tân Tổng Thống Macron.

Theo Nhật báo Công Giáo La Croix, trong cuộc bầu tổng thống vừa qua có tới 62% người Công Giáo bỏ phiếu cho ông Macron. Tỷ lệ tham gia của người Công Giáo lên tới 78%.

Trong bài giảng, các vị linh mục đều nhắc nhở tín hữu làm tròn bổn phận công dân. Qua cuộc đầu phiếu vừa qua, các cử tri Công Giáo đã bác bỏ chính sách bài ngoại và bế quan tỏa cảng của bà Marine Le Pen.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ quyết định cải tổ truyền thông: tập trung vào kỹ thuật số, từ bỏ báo in.

Hội Đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã thông báo một kế hoạch tái tổ chức các nỗ lực truyền thông của mình, với trọng tâm mới là các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, theo cùng một khuôn mẫu với việc cải cách truyền thông của Vatican.

Cách tiếp cận mới sẽ nhấn mạnh đến truyền thông kỹ thuật số, các phương tiện truyền thông xã hội và các chương trình truyền hình; trong khi loại bỏ dần việc truyền thông qua các ấn phẩm. Việc tái tổ chức sẽ liên quan đến việc tạo ra mười chức vụ mới trong cơ cấu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, trong khi 12 chức vụ hiện nay liên quan đến việc xuất bản các ấn phẩm sẽ bị loại bỏ.

Ông James Rogers, giám đốc truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nói:

“Đây là một vấn đề hội nhập văn hóa. Nếu bạn muốn loan báo Tin Mừng, bạn cần tiếp cận với mọi người nơi họ đang hiện diện.” Ông Rogers cũng nhận xét rằng: cơ quan truyền thông của Hội Đồng Giám Mục được xây dựng vào lúc báo in là lực lượng chủ yếu trong giới truyền thông. Tình hình đang thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây theo hướng tập trung vào một nền thông tin kỹ thuật số, nơi mà các thông tin có thể được tìm kiếm và chia sẻ tức thì. Những thay đổi này không ảnh hưởng đến Catholic News Service, là thông tấn xã được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ hỗ trợ, nhưng các biên tập viên hoạt động trong một khuôn khổ độc lập.

Kitô hữu Thống đốc đầu tiên tại Indonesia bị tuyên án 2 năm tù về tội báng bổ Hồi Giáo

Trong một bản án được nhiều người coi là một cái tát vào mặt công lý và làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết quốc gia, ông Basuki Tjahaja Purnama, thường được gọi là Ahok, là thống đốc theo Kitô Giáo đầu tiên của thủ đô Jakarta, Indonesia, đã bị kết án tội báng bổ Hồi giáo và bị tuyên án 2 năm tù. Ông Ahok bị bắt ngay giữa phiên tòa và bị đưa ngay vào nhà giam.

Trong nỗ lực tái tranh cử hồi đầu năm nay, ông Ahok, một người theo đạo Tin Lành, lập luận rằng nhiều đối thủ của ông đã lạm dụng kinh Qu'ran khi cho rằng những người Hồi giáo phải quyết liệt từ chối sự lãnh đạo của những người không theo Hồi giáo.

Lời bình luận của ông về kinh Qu'ran làm cho các giáo sĩ Hồi giáo cực đoan tức giận, và thúc giục các cuộc biểu tình lớn của công chúng chống lại Thống đốc. Tháng Tư vừa qua, ông đã thất bại trong cuộc tái tranh cử chức thống đốc Jakarta.

Vụ án hình sự chống lại ông Ahok, do các thành phần thánh chiến Hồi giáo gây ra, đã làm chia rẽ Indonesia: một quốc gia tự hào về sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Phán quyết của tòa án làm sâu sắc thêm sự chia rẽ này. Các thẩm phán thực sự đã vượt ra ngoài khuyến nghị của công tố viên, là người đã gợi ý rằng Ahok cùng lắm là bị tù treo.

Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn ủng hộ việc giảm bớt sử dụng năng lượng hạt nhân

Trong thông cáo báo chí đưa ra vào đầu tuần này, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nam Hàn nói các ngài ủng hộ một kiến nghị kêu gọi quốc gia này từ bỏ việc sử dụng năng lượng hạt nhân.

Năng lượng hạt nhân hiện cung cấp 22% sản lượng điện ở quốc gia Đông Á này.

Đức Tổng Giám Mục René Dupont của Andong cho hay: “Có một sự nhất trí chung về vấn đề hạt nhân ở Hàn Quốc. Tất cả các đảng chính trị và tất cả các Giáo Hội đều đồng ý là chúng ta nên giảm với sản xuất điện hạt nhân.”

Các tổ chức Công Giáo bảo vệ môi trường đã đưa ra một kiến nghị liên quan đến việc chống sản xuất điện hạt nhân hôm 10 tháng Tư nhân Chúa Nhật Lễ Lá. Những người đưa ra kiến nghị này đang cố gắng thu thập một triệu chữ ký tại Hàn Quốc.

Linh mục và giáo dân Giáo hạt Thuận Nghĩa, thuộc Giáo phận Vinh, phản đối chính quyền đấu tố các linh muc.

Vào ngày 8 tháng 5 năm 2017, toàn thể 19 linh mục và tất cả giáo dân của Giáo hạt Thuận Nghĩa đã gởi bản Tuyên Bố phản đối chính quyền tỉnh Nghệ An và chính quyền huyện Quỳnh Lưu đã thực hiện nhiều hành động mang tính chất đấu tố 2 linh mục Đặng Hữu Nam, Quản xứ Phú Yên và linh mục Nguyễn Đình Thục, Quản xứ Song Ngọc, với mức độ ngày càng gia tăng và nghiêm trọng.

Cụ thể là thời gian gần đây, Ủy ban nhân dân và cơ quan truyền thông của tỉnh Nghệ An đã phát đi các thông báo vu cáo linh mục Nam và linh mục Thục đã nhận tiền của những tổ chức phản động để kích động và tổ chức giáo dân đi khởi kiện Công ty Formosa. Các phương tiện truyền thông nhà nước cũng đã thực hiện các phóng sự công kích, vu cáo và bôi nhọ 2 vị linh mục này.

Ngoài ra, Ban chấp hành hội cựu chiến binh tỉnh Nghệ An cũng gửi Công văn cáo buộc linh mục Nam “xuyên tạc, bóp méo lịch sử”, “phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng, của dân tộc và nhân dân”, v.v…; thậm chí họ còn cáo buộc Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh và Cha Nguyễn Văn Đính, Quản hạt Thuận Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh, đã tiếp tay và chỉ đạo linh mục Đặng Hữu Nam. Liên tiếp trong các ngày qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đặc biệt tại huyện Quỳnh Lưu, đã có rất nhiều cuộc biểu tình và hội nghị phản đối, kết tội linh mục Đặng Hữu Nam do chính quyền gián tiếp tổ chức hay khuyến khích.

Theo bản Tuyên bố, nguyên nhân chính của các hành động trên là do linh mục Đặng Hữu Nam và linh mục Nguyễn Đình Thục đã tận tình hỗ trợ người dân thu thập bằng chứng, soạn thảo đơn khởi kiện và tổ chức đưa nạn nhân đi nộp đơn khởi kiện Công ty Formosa, một doanh nghiệp đã và đang gây ra thảm họa môi trường biển một cách nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Nghệ An.

Linh mục quản hạt Thuận Nghĩa Antôn Nguyễn Văn Đính đứng tên bản Tuyên Bố này, cùng với chữ ký của tất cả 18 linh mục thuộc Giáo hạt Thuận Nghĩa và Giáo hạt Vàng Mai.

Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ lên tiếng về việc CSVN đàn áp tôn giáo.

Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ gồm đại diện của các tôn giáo: Cao Đài, Chính Thống Giáo, Công Giáo, Phật Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo và Tin Lành. Trong phiên họp của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ vào ngày 08 tháng 5 năm 2017 tại Thánh Đường Little Saigon, Westminster, California, Hội đồng nhận định rằng: Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã và đang tiếp tục thi hành những biện pháp đàn áp tôn giáo một cách tinh vi và thâm độc.

Hội đồng nêu ra một số điểm chính như sau:

1. Tịch thu các cơ sở thờ phượng và các cơ sở xã hội của các Tôn giáo từ năm 1975 đến nay vẫn chưa hoàn trả cho các tôn giáo.

2. Bắt giam, thủ tiêu các hàng lãnh đạo, giáo phẩm, tu sĩ, tín đồ có uy tín, có ảnh hưởng.

3. Hạn chế tối đa các sinh hoạt tôn giáo như thờ tự, lễ nghi, phổ biến tài liệu, sách báo tôn giáo.

4. Hạn chế việc di chuyển, sinh hoạt của các giáo sĩ, tu sĩ.

5. Lũng đoạn hàng ngũ các Giáo Hội bằng cách thành lập các Giáo Hội quốc doanh, Giáo Hội độc lập, hoặc cho người xâm nhập vào các tổ chức Giáo Hội để thu thập tin tức, phá hoại.

6. Cấm đoán, hạn chế việc tuyển bổ, đào tạo tu sĩ. Âm mưu phân hóa giữa các Giáo Hội với nhau.

7. Giải tán, giới hạn việc hội họp sinh hoạt của các hội đoàn tôn giáo.

8. Ngăn cấm, hạn chế việc liên lạc với các giáo quyền ở ngoài nước.

9. Nhục mạ, phỉ báng các tôn giáo bằng các phương tiện truyền thông, sách báo, chiến dịch rỉ tai v.v. để giảm thiểu uy tín của các tôn giáo.

Trước việc đàn áp tôn giáo trắng trợn đó và những hành vi tra tấn dã man của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, chúng tôi kêu gọi TỔNG THỐNG VÀ QUỐC HỘI HOA KỲ, TỔ CHỨC LIÊN HIỆP QUỐC, và QUỐC HỘI LIÊN HIỆP ÂU CHÂU VÀ CÁC QUỐC GIA TỰ DO KHÁC TRÊN THẾ GIỚI, GIÚP:

1. Can thiệp trực tiếp với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, buộc họ phải ngưng tất cả các chính sách và việc đàn áp, kỳ thị tôn giáo.

2. Mở các cuộc điều tra tại chỗ về những vụ vi phạm tự do tôn giáo trầm trọng đang diễn ra tại Việt Nam.

3. Yêu cầu Quốc Hội và Chính Phủ Hoa Kỳ: Cứu xét việc tái xếp loại Việt Nam vào những “Quốc Gia Đặc Biệt Cần Quan Tâm” vì những vi phạm tự do tôn giáo trầm trọng gần đây.

4. Áp dụng những biện pháp chế tài mạnh mẽ và hữu hiệu về kinh tế và viện trợ trước những sự vi phạm về quyền tự do tôn giáo của người dân.

Thành Viên Hội đồng Liên tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ đồng ký tên.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trước khi kết thúc chương trình Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới hôm nay, chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quý vị và anh chị em một bài thánh ca tôn vinh Mẹ Maria của Nhạc sĩ Đỗ Vy Hạ mang tựa đề Bài Ca Tình Yêu. Bài thánh ca này sẽ được trình bày qua tiếng hát của ca sĩ Cẩm Yến. Kính mời quý vị và anh chị em cùng thưởng thức. Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô.