Chúa Nhật II Phục Sinh A

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Ga 20,19-31

Trong tạp chí Guidepots, bác sĩ Scott Harrison, một chuyên viên phẫu thuật bàn tay có viết rằng: lần nào giải phẫu ông cũng đều kêu lên vào một lúc nào đó: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!”. Ông có thói quen lạ lùng nầy từ hồi ông còn là bác sĩ quân y ở chiến trường Việt Nam. Một đêm nọ, ông được kêu đi gắp một viên đạn bị kẹt trong tay một người lính. Đã vậy, ông còn phải giải phẫu dưới ánh sáng của ngọn đèn pin. Cuộc giải phẫu ấy khiến ông cảm xúc sâu xa đến nỗi sau khi cuộc chiến kết thúc, ông đã quyết định đi chuyên ngành giải phẫu bàn tay. Nhờ đi sâu vào lãnh vực chuyên môn nầy, ông đã thẩm định được cách sâu sắc cơn đau khủng khiếp do một vật gây ra, chẳng hạn như một viên đạn, khi vật ấy xuyên thủng lớp xương, lớp gân và những sợi dây thần kinh nơi bàn tay con người. Nhà phẫu thuật ấy kể rằng ông thường giật thót người mỗi lần nghĩ đến cơn đau kinh khiếp Chúa Giêsu phải chịu khi đôi tay Ngài bị đóng đinh vào thập giá.

Khi chia sẻ bài Tin Mừng hôm nay, ông nói rằng theo ông, tiếng kêu “lạy Chúa là Thiên Chúa của con” của Thánh Tôma không chỉ là một lời tuyên xưng đức tin, mà còn là tiếng kêu đầy rung động khi vị tông đồ nhìn thấy dấu vết của đôi bàn tay bị xé toạc ra của Chúa Giêsu. Chỉ đến lúc đó, Tôma mới hoàn toàn nhận thức được cơn đau đớn Chúa Giêsu đã phải chịu trên thập giá. Theo nhận định của nhà phẫu thuật, khám phá nầy hầu như vượt quá mức chịu đựng của Tôma. Và ông đã kết thúc bản văn đầy cảm động đó với lời chứng sau đây: “Mỗi lần giải phẫu mà nhìn phía dưới làn da của bàn tay con người, tôi luôn nhớ tới Chúa Kitô đã hy sinh đôi tay toàn hảo của Ngài cho tôi, và cũng như Tôma, tôi thốt lên: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con”.

Trong nhà Tiệc ly các tông đồ đóng kín vì sợ hãi (x. Ga 20,19): Thầy vừa bị chịu án tử trên thập giá, tinh thần còn đang hoang mang thì các phụ nữ trong nhóm khi đi viếng mộ về đã loan tin “giật gân”: họ thấy “mộ trống” (Ga 20,1-2) và thấy Thầy sống lại (x. Ga 20,18)… Sự sợ hãi càng tăng bội phần khi nghe dân Do thái đang lưu truyền nhau “xác ông Giêsu bị các môn đệ ông ấy lấy cắp rồi phao tin Thầy của họ đã sống lại”, tin này do các người lính canh mồ Chúa bị các thầy tư tế mua chuộc tung ra (x. Mt 28,11-15), vì thế các ông luôn sống trong hoang mang, sợ hãi và một số đã bỏ về quê như hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24,13-23).

Đấng Phục sinh đã hiện diện giữa các môn đệ, các ông còn hoảng hốt hơn vì tưởng là ma (x. Lc 24,36), Ngài đã đưa các vết thương cho các ông xem, chính vết thương đã làm nỗi niềm sợ hãi trở nên vui mừng và hy vọng (x. Ga 20,21 ; Lc 24,39-40). Hơn nữa tất cả mọi vết thương của các tông đồ và của nhân gian, dù là thể lý hay tâm linh đều được Con Thiên Chúa mang lấy hầu họ được chữa lành như Thánh Phêrô đã chia sẻ : “Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành” (1P 2,24b)

Niềm sợ hãi và mỗi vết thương của nhân gian, mọi nỗi đau của cuộc sống nhân sinh kể từ nay có Đấng Phục sinh cưu mang, qua Ngài, Thiên Chúa cùng ôm trọn vết thương của chúng ta trong chính thân thể Con Ngài- đã mang, Ngài đã chết và cả khi sống lại.

Giữa nổi sợ hãi, gặp Chúa Phục Sinh, Ngài ban bình an cho các ông: “bình an cho các con” (Ga 20,20) như Chúa Giêsu đã hứa hẹn với chúng ta: "Ta ban bình an cho các con. Ta ban thứ bình an mà thế giới không thể ban tặng cho các con" (Ga 14,27). Bình an phục sinh chiến thắng sợ hãi, sự chết

Ngài thổi Thần Khí vào các ông (x. Ga 20,22). Thổi thần khí vào các ông như xưa kia Thiên Chúa đã thổi Thần khí tạo sự sống cho Vũ Trụ và cụ thể cho con người có hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,3; 2,6). Đấng Phục sinh ban Thần Khí vào công trình sáng tạo người mới được tạo thành từ Phục sinh của Ngài trong sự sống mới như Thánh Phaolô đã nói: “Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11). Sự bình an và Thần khí tạo sức sống mới, sức sống chữa lành niềm tin cho các môn đệ

Không có trong nhà Tiệc Ly lúc Chúa Phục sinh hiện ra. Tôma vẫn sợ hãi vì trước những biến cố vừa xảy ra: Thầy bị án, bị giết chết.. niềm tin của Tôma vào Thầy bị sụp đổ, vì Ngài đã chết và mọi sự liên quan đến Thầy đã chấm dứt. Chúa Kitô Phục sinh lại có mặt giữa lòng tin bị thử thách của Tôma, Ngài mời ông chạm đến các thương tích của Ngài và đừng cứng lòng tin. Tâm hồn chai đá được phục sinh, khiến sợ hãi được thay thế bằng bình an, bao nhiêu vết thương được chữa lành. Trong ánh sáng Phục sinh cùng Thần Khí ông thốt lên với niềm tin: “Lạy Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi” (Ga 20,28).

Các môn đệ và nhất là Tông Đồ Tôma là hình ảnh của chúng ta trong những thử thách, yếu tin: trước những đau khổ và sự dữ, lòng sợ hãi luôn ngự trị, lòng tin bị lung lay và trở nên chai cứng. Đức Kitô Phục sinh, Đấng đã mặc lấy những đau khổ và thương tích của con người, và đã tỏ ra tình yêu và lòng thương xót qua các thương tích, chính các thương tích đụng chạm và chữa lành mọi yếu đuối thương tích của chúng ta.

Khi ngắm nhìn bàn tay bị đâm thâu như Tôma, xin cho chúng ta cảm nghiệm tình yêu và lòng thương xót Chua dành cho chúng ta như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cảm nghiệm: “Tông đồ Tôma đã công nhận Chúa Giêsu là “Đức Chúa và là Thiên Chúa” khi ngài đặt tay mình vào trong vết thương cạnh sườn Người. Thật không lạ gì, nhiều vị thánh đã gặp trong tim của Chúa Giêsu sự diễn đạt sâu xa nhất của mầu nhiện tình yêu này”.

Giáo Hội tôn kính Lòng thương xót Chúa đặc biệt vào Chúa Nhật II Phục Sinh. Lòng Chúa thương xót được nhắc đến nhiều bản văn trong Tin Mừng, đặc biệt Tin Mừng Gioan 20,19-31: Tình yêu và lòng thương xót của Đấng Phục sinh tuôn trào trên các tông đồ và qua các Ngài tiếp tục trên nhân loại…

Vào năm Thánh 2000 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chính thức tuyên bố Chúa Nhật Tuần Bát Nhật Phục Sinh là Chúa Nhật Kính Lòng Thương xót Chúa. Chính Chúa Giêsu đã tỏ ra cho thánh nữ Faustina, qua chị cho cả nhân loại về kho tàng tình yêu của Ngài luôn được ban phát và nhất là Ngày Chúa Nhật trong tuần Bát nhật Phục sinh: “ Ngày đó các cửa đập Lòng Thương Xót sẽ trào tuôn ân sủng vì được mở ra. Không một linh hồn nào phải sợ sệt khi đến gần Ta, dù tội lỗi của họ đỏ như máu. Lòng Thương Xót của Ta bao la đến nổi không một trí khôn loài người hay Thiên Thần nào có thể ước lượng hay dò thấu cho đến muôn đời. Mọi vật hiện hữu đều phát xuất từ vực thẳm Lòng Thương Xót tha thiết nhất của Ta. Hết thảy các linh hồn trong quan hệ với Ta sẽ được chiêm ngưỡng Tình Yêu và Lòng Thương Xót Ta suốt cuộc đời. Lễ tôn kính Lòng thương Xót bắt nguồn từ sâu thẳm lòng thiết ái của Ta”.

Chúa Giêsu khẳng định với chị thánh Faustina: “Lòng Thương Xót của Ta lớn hơn tội lỗi của con và của cả nhân loại”.

Thật thế, Đấng Phục sinh phán:

“Trong ngày lễ “tình thương xót”, lòng thẳm sâu của Tình Ta nhân từ xót thương mở ra. Ta tuôn đổ cả một đại dương ơn phúc cho những tâm hồn nào đến múc nguồn thương xót của Ta…”

Hãy đến mà xem… (Ga 1,39), Đấng bị đâu thâu (x. Ga 19,37), và thưa với Ngài: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!” (Ga 20,29), Đấng đã Phục sinh sẽ nói với chúng ta:

“Bình an cho các con” (Ga 20,20)

Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn