Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sau đó, một người ăn mặc như một linh mục cầm thánh giá và một quả chuông để thu phục đám quỷ.
Tại Phi Luật Tân, cũng như thường lệ, vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, từng đoàn người rủ nhau đánh tội công khai trên đường phố. Các hối nhân trùm đầu mình chỉ khoét hai lỗ nhỏ để thấy đường đi, rồi dùng roi tre đánh túi bụi vào chính mình để đánh tội và thể hiện tâm tình sám hối.
Hình thức kinh hoàng nhất là việc đóng đinh vào thập giá.
Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là buổi đi Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh 14 tháng Tư tại Seville, Tây Ban Nha. Không chỉ ở Seville, ở nhiều thành phố khác tại Tây Ban Nha cũng thế.
Hàng trăm ngàn người tham gia vào buổi đi Đàng Thánh Giá trong đó có những người trùm đầu mình và vác thánh giá trên suốt một đoạn đường hàng chục cây số quanh các phố xá của thành Seville.
Trong khi đó, tại Giêrusalem, nơi nhiều Kitô hữu trên thế giới ao ước có được một lần trong đời cử hành Tuần Thánh tại chính nơi Chúa Giêsu đã trải qua cuộc thương khó của Ngài, Tuần Thánh đã trôi qua với nhiều khó khăn.
Các lực lượng an ninh Do Thái và các thanh niên Palestines đã giao tranh với nhau dữ dội trong suốt Tuần Thánh và cho cả đến ngày hôm nay.
Các thanh niên Palestines đã tuần hành để đòi phía Do Thái phải trả lại thi hài của những người Palestines tham gia vào các vụ tấn công bạo lực gần đây và đã bị quân Do Thái giết chết.
Cho đến nay, 37 người Do Thái và 2 du khách người Mỹ đã bị giết trong các cuộc tấn công trên đường phố kể từ tháng 10 năm 2015, khi người Palestines tổ chức những ngày cuồng nộ theo sau những tranh chấp trên Núi Đền. Ngược lại, ít nhất 242 người Palestines đã bị giết trong các cuộc tấn công này và trong các vụ tấn công trả thù của quân Do Thái.
Hôm Thứ Sáu Tuần Thánh, một phụ nữ người Anh đã bị đâm trí mạng trên một chiếc xe điện khi cô đang trên đường đến tham dự buổi đi Đàng Thánh Giá diễn ra lúc 11h sáng tại nhà thờ Mộ Chúa. Giao thông đã bị tắt nghẽn trong nhiều giờ khiến nhiều du khách hành hương không thể đi dự buổi đi Đàng Thánh Giá.
Dù vậy, tại nhà thờ Mộ Chúa vẫn có rất đông các tín hữu chủ yếu là vì năm nay tất cả các hệ phái Kitô trên thế giới đều mừng lễ Phục sinh vào cùng một ngày. Trong buổi đi Đàng Thánh Giá sáng Thứ Sáu Tuần Thánh do các tu sĩ dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa tổ chức, bên cạnh các tín hữu Công Giáo còn có các tín hữu Chính Thống Giáo, các tín hữu thuộc Giáo Hội Armenia Tông Truyền, đặc biệt là có rất đông các tín hữu Chính Thống Giáo Coptic Ai Cập.
Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy đông đảo các tín hữu đang đứng chờ một người đàn ông mặc một bộ đồ vest leo lên một cái thang và mở khóa cửa vào đền thờ Mộ Chúa.
Tại Giêrusalem có nhiều nhà thờ và một số các nơi thánh dùng chung cho cả Công Giáo lẫn Chính Thống Giáo Hy Lạp và Giáo Hội Armênia Tông Truyền. Việc sử dụng các nơi này được quy định bởi thỏa ước Nguyên Trạng đã có từ thế kỷ thứ 19. Trong số những nơi thánh quy định bởi thỏa ước Nguyên Trạng có đền thờ Mộ Chúa và Đền thờ Giáng Sinh được xây tại hang đá Bêlem nơi Chúa Giêsu đã giáng sinh làm người.
Chìa khóa vào đền thờ Mộ Chúa hiện do một gia đình người Hồi Giáo cầm. Ông mặc đồ vest đó là người Hồi Giáo, chịu trách nhiệm mở cửa và đóng cửa trước và sau các nghi lễ của Công Giáo, Chính Thống Giáo Hy Lạp và Giáo Hội Armênia Tông Truyền.
Phát ngôn viên cảnh sát Do Thái là ông Micky Rosenfield cho biết hàng trăm cảnh sát viên đã được bố trí tại nhà thờ Mộ Chúa để bảo vệ an ninh bên ngoài và bên trong nhà thờ Mộ Chúa để không có chuyện đáng tiếc nào xảy ra.
Trong một quyết định được Đức Thượng Phụ Shenuda III đưa ra vào năm 1980, nhằm lên án việc Israel chiếm đóng các phần đất của Palestines, các tín hữu Chính Thống Giáo Coptic bị cấm không được hành hương Giêrusalem. Lệnh cấm này được Đức Thượng Phụ Tawadros Đệ Nhị hủy bỏ vào năm 2015 và cùng năm đó chính Đức Thượng Phụ Tawadros Đệ Nhị đã hành hương sang Giêrusalem.
Theo tài liệu của Bộ Du Lịch Do Thái, năm 2014, chỉ có 4,344 người Ai Cập, có lẽ chủ yếu là người Công Giáo, đi hành hương Giêrusalem vào dịp Tuần Thánh. Con số này năm ngoái 2016 đã tăng lên đến hơn 7,000 người.
Nhân đây cũng xin được nói một điểm tế nhị là theo truyền thống các ký giả Công Giáo thường dùng từ “Đức Thượng Phụ” để chỉ nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Ai Cập – danh xưng thực sự của vị này là Giáo Hoàng. Trong Chúa Nhật Lễ Lá vừa qua, chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng dùng từ “Giáo Hoàng”, ngài nói “Papa Tawadros”, khi bày tỏ lời chia buồn cùng nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo Coptic sau vụ tấn công khủng bố tại Ai Cập.
Trong khi đó, Lễ Vượt Qua của người Do Thái diễn ra trùng vào dịp Tuần Thánh, đã tiến hành trôi chảy. Hàng trăm cảnh sát và quân đội đã được bố trí tại khu vực bức tường than khóc để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố của người Palestines cũng như các hoạt động của một nhóm nữ quyền Do Thái gọi là Neshot HaKotel.
Neshot HaKotel, tiếng Anh gọi là Women of the Wall, nghĩa là nhóm Phụ nữ giành quyền bình đẳng tại Bức tường Than Khóc, là nhóm nữ quyền Do Thái muốn giành được quyền cầu nguyện tại Bức tường Than Khóc, hay còn gọi là Kotel, theo cách của họ bao gồm ca hát, nhảy múa, rước và đọc lớn những đoạn văn từ Torah và mặc các phẩm phục tôn giáo vẫn thường dành riêng cho nam giới.
Các giáo sĩ Do Thái tại Bức tường Than Khóc quy định rằng nam nữ không được cầu nguyện chung mà phải đứng tại các khu vực dành riêng tách biệt với nhau. Các giáo sĩ Do Thái cũng cấm không cho phụ nữ được mặc các phẩm phục tôn giáo và không được chạm đến sách Torah.
Phong trào Neshot HaKotel thường tổ chức các buổi cầu nguyện mỗi tháng một lần với các ý chỉ đặc biệt cho phụ nữ. Việc họ ca hát, nhảy múa, đọc lớn những đoạn văn từ Torah và mặc các phẩm phục tôn giáo vẫn khiến cho nhiều người Do Thái bảo thủ và cực đoan bất bình và bạo lực đã xảy ra khiến nhiều người bị thương.
Dịp Lễ Vượt Qua năm nay đã không có chuyện đáng tiếc nào ngoại trừ một vụ biểu tình dữ dội của các nhóm Do Thái cực đoan chống lại sắc lệnh mới về việc thi hành quân dịch.