Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Lòng tin nảy sinh từ sự sống lại của Chúa Kitô.

2- Tuần Thánh tại Giêrusalem đã trôi qua với nhiều khó khăn.

3- ĐTC nói Giáo Hội có bổn phận noi theo bước chân của Thánh Phanxicô.

4- Nghiên cứu cho thấy bức hại tôn giáo trên đà lan rộng, Việt Nam là một trường hợp nhẩy vọt.

5- Tử tù Asia Bibi ở Pakistan xin Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho cô.

6- Ứng viên Công Giáo sáng giá nhất cuả Nam Hàn chủ trương đối thoại với Cộng Sản Bắc Hàn.

7- Caritas Phát Diệm mang niềm vui Chúa Phục Sinh đến những người ốm đau bệnh tật vùng sâu vùng xa.

8- Thánh Ca Phục sinh: Chúa Sống Lại Rồi.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Lòng tin nảy sinh từ sự sống lại của Chúa Kitô.

Chúa Kitô phục sinh là niềm hy vọng của chúng ta. Lộ trình niềm tin của Kitô giáo nảy sinh từ biến cố Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta, được mai táng và ngày thứ ba đã sống lại, hiện ra với Phêrô và Đoàn Tông Đồ. Đức tin kitô nảy sinh sáng ngày lễ Phục Sinh. Là Kitô hữu có nghĩa là khởi hành từ tình yêu thương của Thiên Chúa Đấng đã chiến thắng cái chết. ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 50 ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư 19 tháng 4 năm 2017. Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa 5 câu đầu chương 15, thư thứ nhất thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, trong đó Ngài viết rằng: Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai”. ĐTC khẳng định như sau:

Kitô giáo này sinh từ đó. Nó không phải là một ý thức hệ, nó không phải là một hệ thống triết lý, nhưng là một con đường lòng tin khởi hành từ một biến cố được các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu làm chứng… Ngài đã chết, đã bị mai táng, đã sống lại, đã hiện ra. Nghĩa là Chúa Giêsu sống. Đây là hạt nhân của sứ điệp kitô… Chấp nhận rằng Chúa Kitô đã chết và chết trên thập giá, không phải là một hành động của lòng tin, nó là một sự kiện lịch sử. Trái lại tin rằng Ngài đã sống lại là hành động của lòng tin.

ĐTC nói thêm: Là Kitô hữu có nghĩa là không khởi hành từ cái chết, nhưng từ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, là Đấng đã chiến thắng kẻ thù dữ dằn nhất của chúng ta. Thiên Chúa vĩ đại hơn hư vô, và chỉ cần một ngọn nến để chiến thắng đêm tối nhất của các đêm đen. Thánh Phaolô kêu lên, bằng cách làm vang vọng lời các ngôn sứ: “Hỡi tử thần, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi tử thần nọc độc của ngươi ở đâu?” Trong các ngày này của lễ Phục Sinh chúng ta hãy đem tiếng kêu này trong tim. Và nếu người ta có nói tại sao chúng ta trao ban nụ cười và sự chia sẻ kiên nhẫn, thì khi đó chúng ta sẽ có thể trả lời rằng Chúa Giêsu vẫn còn đây, Ngài tiếp tục sống giữa chúng ta, rằng Ngài ở đây, tại quảng trường này với chúng ta: Ngài sống và đã phục sinh.

Sau khi kết thúc bài huấn dụ, ĐTC đã chúc mừng lễ Phục Sinh và chào nhiều đoàn hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới, như Pháp, Anh quốc, Thụy Điển, Thuỵ Sĩ, Ba Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Brasil, Hồng Kông, Indonesia, Canada, và Hoa Kỳ.

Chào các bạn trẻ, đặc biệt các bạn trẻ tuyên xưng đức tin thuộc giáo phận Milano và Cremona, ĐTC chúc họ sống tràn đầy sứ điệp phục sinh và làm chứng cho hoà bình của Chúa ở khắp mọi nơi. Ngài chúc các người đau yếu biết liên lỉ nhìn lên Chúa Kitô Phục Sinh. Ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn biết ý thức được sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

- Tuần Thánh tại Giêrusalem đã trôi qua với nhiều khó khăn.

Tại Giêrusalem, nơi nhiều Kitô hữu trên thế giới ao ước có được một lần trong đời cử hành Tuần Thánh tại chính nơi Chúa Giêsu đã trải qua cuộc thương khó của Ngài, Tuần Thánh đã trôi qua với nhiều khó khăn. Các lực lương an ninh Do Thái và các thanh niên Palestines đã giao tranh với nhau dữ dội trong suốt Tuần Thánh và cho cả đến ngày hôm nay.

Cho đến nay, 37 người Do Thái và 2 du khách người Mỹ đã bị giết trong các cuộc tấn công trên đường phố kể từ tháng 10 năm 2015, khi người Palestines tổ chức những ngày cuồng nộ theo sau những tranh chấp trên Núi Đền. Ngược lại, ít nhất 242 người Palestines đã bị giết trong các cuộc tấn công này và trong các vụ tấn công trả thù của quân Do Thái. Hôm Thứ Sáu Tuần Thánh, một phụ nữ người Anh đã bị đâm trí mạng trên một chiếc xe điện khi cô đang trên đường đến tham dự buổi đi Đàng Thánh Giá diễn ra lúc 11h sáng tại nhà thờ Mộ Chúa.

Dù vậy, tại nhà thờ Mộ Chúa vẫn có rất đông các tín hữu, chủ yếu là vì năm nay tất cả các hệ phái Kitô trên thế giới đều mừng lễ Phục sinh vào cùng một ngày. Trong buổi đi Đàng Thánh Giá sáng Thứ Sáu Tuần Thánh do các tu sĩ dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa tổ chức, bên cạnh các tín hữu Công Giáo còn có các tín hữu Chính Thống Giáo, các tín hữu thuộc Giáo Hội Armenia Tông Truyền, đặc biệt là có rất đông các tín hữu Chính Thống Giáo Coptic Ai Cập.

- ĐTC nói Giáo Hội có bổn phận noi theo bước chân của Thánh Phanxicô.

Trong lá thư gởi cho Đức GM Domenico Sorrentino, giám mục giáo phận Assisi -Nocera, về việc khánh thành tân Nguyện Đường của sự Từ Bỏ tại Assisi, ĐTC nói, Nguyện đường của sự Từ Bỏ nhắc nhở cho Giáo Hội “bổn phận phải sống theo bước chân của Thánh Phanxicô, vì ngài đã từ bỏ tất cả những gì là trần tục và khoác lấy những giá trị của Phúc Âm.”

ĐTC nhấn mạnh rằng sự từ bỏ bao gồm “tất cả hệ thống các giá trị, để đặt tình yêu lên vị trí tối cao”: “cần từ bỏ nhiều hơn là các sự vật, bỏ những gì là sở hữu của mình, bỏ chính con người của mình, bỏ tính ích kỷ khiến cho chúng ta chỉ lo thu vén những gì là lợi ích cho ta, những tài sản của ta, và ngăn không cho chúng ta khám phá vẻ đẹp của người khác và cảm nhận được niềm vui khi cởi mở được trái tim của họ.”

ĐTC Phanxicô cũng lên án “thực tế ô nhục của một thế giới vẫn còn bị đánh dấu bới hố sâu ngăn cách giữa con số của vô vàn người nghèo khó, thường xuyên thiếu thốn những gí tối thiểu cần thiết, và thành phần nhỏ nhoi của những kẻ sở hữu và chiếm đọat đại đa số những tài sản, và tự cho rằng họ đang quyết định định mệnh của nhân lọai.”

Được biết tân Nguyện Đường của sự Từ Bỏ được xây cất bên trong nhà thờ Đức Bà Cả, là nhà thờ chánh tòa cổ xưa của Assisi. Nguyện đường được dự trù khánh thành vào ngày 20 tháng 5, 2017.

- Nghiên cứu cho thấy bức hại tôn giáo trên đà lan rộng, Việt Nam là một trường hợp nhẩy vọt.

Theo báo cáo mới nhất của trung tâm Pew Research Center về "Hạn chế Tôn giáo Toàn cầu" thì sự bức hại tôn giáo toàn cầu đã tăng vọt từ năm 2014 qua năm 2015. Bản báo cáo ghi nhận, vào năm 2015, thì ở 40 phần trăm các quốc gia, mức độ thù hận được ghi nhận là "cao" hay " rất cao". Sự đo lường được dựa trên các luật lệ hạn chế mới của chính phủ nhắm vào các nhóm tôn giáo và những quấy rối và bạo lực gây ra bởi những nhóm hoạt động xã hội và chính trị. Những nước Nga, Ai Cập, Ấn Độ, Pakistan và Nigeria là những quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có sự thù địch cao đối với các nhóm tôn giáo.

Ở những nước trên, sự thù địch được biểu hiệu qua những quấy rối của chính phủ và đồng thời qua những hành động xã hội chống lại các nhóm tôn giáo nhất định. Trung tâm Pew cho biết các nước Trung Đông và Bắc Phi có mức cao nhất về cả hai lãnh vực "hạn chế của chính phủ " và "các hành động thù địch xã hội." Một số chính phủ đã hạn chế tự do tôn giáo từ rất lâu, như Trung Quốc, Ả-rập Xê-út, Iran, Ai Cập và Uzbekistan. Nhưng một số quốc gia khác gần đây đã cho thấy sự thù địch có nhẩy vọt, như Iraq, Eritrea, Việt Nam, và Singapore.

- Tử tù Asia Bibi ở Pakistan xin Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho cô.

Asia Bibi là một Kitô hữu người Pakistan. Cách đây 8 năm, cô đã bị kết án tử hình vì bị vu cáo nói phạm thượng đến tiên tri Mohamed của người Hồi giáo. Phục sinh năm nay, Asia mừng lễ tại nhà tù Multan.Hôm thứ 5 tuần trước, Asia đã mừng lễ Phục sinh cùng với chồng cô và vị luật sư của gia đình, với bữa cơm tối thanh đạm, trao đổi lời chúc mừng và Asia đã viết lời cầu nguyện trên một mảnh giấy nhỏ. Asia khấn cầu sự phục sinh và xin Chúa Cha dẹp bỏ những chướng ngại, xoa dịu muôn vàn đau khổ. Asia cũng cầu nguyện cho các kẻ thù và tha thứ cho những người mang lại điều không may cho cô. Cuối cùng Asia xin Đức Giáo Hoàng đừng quên cầu nguyện cho cô.

Paul Bhatti, cựu thủ tướng liên bang của Pakistan về Hòa hợp Quốc gia và là anh của một thừa tác viên Công Giáo đã bị một người Hồi giáo cực đoan giết năm 2011, chia sẻ: “ĐGH luôn làm điều này, không chỉ cho Asia Bibi nhưng cho tất cả Kitô hữu, cho cả tín hữu Hồi giáo, những người là nạn nhân của bất công. Bởi vì ĐGH Phanxicô đã nhiều lần nói rằng đức tin của chúng ta tôn vinh phẩm giá của con người. Khi một người đau khổ, chúng ta không xét xem người đó là Kitô hữu hay Hồi giáo... ĐGH đặc biệt nâng đỡ các Kitô hữu bị bách hại vì đức tin.”

Asia Bibi đã bị giam tù hơn 2860 ngày và có những ngày bị biệt giam, trong khi chờ đợi phán quyết cuối cùng của tòa án tối cao Pakistan, trong khi nguồn tài chính trợ giúp cho trường hợp của cô đang cạn dần.

- Ứng viên Công Giáo sáng giá nhất cuả Nam Hàn chủ trương đối thoại với Cộng Sản Bắc Hàn.

Ông Moon Jae-in, (Văn Tại Dần) một ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống tháng 5 tới, nói rằng Nam Triều tiên không nên chỉ làm khán giả nhưng phải là nhân vật chính trong cuộc đối thoại với phía Bắc và rằng ông sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với nhà độc tài Kim Jong-Un (Kim Chính Ân). Ông Moon (Văn) là một người Công Giáo và cũng là ứng viên sáng giá nhất hiện nay, đã phát biểu như trên với tờ báo Korea Herald, trong khi bàn luận về nhiều vấn đề sôi động như việc Hoa Kỳ điều động hàng không mẫu hạm Carl Vinson và 6,000 binh sĩ đến biển Nhật bản để biểu dương sức mạnh trước các mối đe dọa từ Bắc Triều tiên.

Ông Moon Jae-in (Văn Tại Dần) nói rằng nếu thắng cử, ông sẽ duyệt lại quyết định triển khai hệ thống chống tên lửa Thaad của Hoa Kỳ, mà cả Trung Quốc lẫn giáo hội Công Giáo Hàn Quốc đều phản đối. Chi phí cho mỗi đơn vị Thaad là khoảng 800 ngàn đô la.

- Caritas Phát Diệm mang niềm vui Chúa Phục Sinh đến những người ốm đau bệnh tật vùng sâu vùng xa.

Ngày Chúa Nhật Phục Sinh - Caritas và giới Y bác sĩ giáo phận Phát Diệm đi khám chữa bệnh cho người nghèo hai giáo xứ Uy Tế thuộc huyện Gia Viễn – tỉnh Ninh Bình, và giáo xứ Khoan Dụ thuộc huyện Lạc Thủy – tỉnh Hòa Bình, đặc thù giáo xứ này là vùng núi cao, một giáo xứ xa nhất của giáo phận Phát Diệm, rất rộng lớn thuộc trọn gần hết huyện Lạc Thủy – tỉnh Hòa Bình gồm 11 xã, giáp ranh với địa bàn của giáo phận Hà Nội, nơi đây có các dân tộc Mường, Dao và Kinh.

Đoàn tới giáo xứ Khoan Dụ lúc 8 giờ sáng, được Cha Anrê Đào Văn Du, phó xứ Khoan Dụ, Thầy giúp xứ cùng Ban Chấp hành giáo xứ đón tiếp. Sau đó, đoàn bắt tay vào làm theo sự chỉ định sẵn, một số bác sĩ khám tổng quát, ai cần phải tư vấn thêm đã có các Bác sĩ chuyên khoa, các dược sĩ cứ theo đơn để phát thuốc, nhịp nhàng, mỗi người một phận vụ.

Đến 13g30 đoàn có mặt ở giáo xứ Uy tế thuộc xã Gia Hưng - huyện Gia Viễn. Cha Gioan Baotixita. Đỗ Văn Đoan cùng BCH giáo xứ đón tiếp đoàn tận tình chu đáo, khoảng gần 200 bệnh nhân đã ngồi đợi sẵn theo trật tự, dù các bệnh nhân ở đây phần lớn là người ngoài Công Giáo.

Kết thúc ngày nghỉ lễ Đại lễ Chúa Phục Sinh, với 2 điểm phát thuốc cho bà con lương giáo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 2 giáo xứ dù rất mệt, nhưng trên khuôn mặt mỗi bác sĩ trong đoàn hôm nay đều nở những nụ cười vui tươi và hạnh phúc, vì đã đem niềm vui ơn Phục Sinh đến cho mọi người. Đặc biệt những người ngoại giáo hôm nay đã cảm nhận được tình Chúa tình người qua công việc bác ái cụ thể.

- Thánh Ca Phục Sinh

Thưa quý vị và anh chị em, cùng hòa với niềm vui Chúa Phục Sinh vẫn còn âm vang trong trái tim của mỗi một chúng ta và tất cả Ki tô hữu trên toàn thế giới nói chung, chương trình Thời Sự Giáo Hội Thế Giới kính mời quý vị và anh chị em cùng thưởng thức một bản thánh ca Phục Sinh của Linh mục nhạc sĩ Thành Tâm. Bản thánh ca này mang tựa đề Chúa Sống Lại Rồi, được trình bày qua tiếng hát của ca sĩ Như Mai.