Đêm Vọng Phục Sinh Tại Giáo Xứ Sơn Lộc

Thánh Phaolô đã từng tuyên bố: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh chị em thật hão huyền, nhưng Người đã thật sự sống lại”. Chính vì thế, mà đêm nay đã có quá nhiều người tham dự Thánh lễ Vọng Phục sinh để thể hiện niềm tin của mình. Tin vào Đức Giêsu Kitô phục sinh.

Xem hình

Đã hơn 20 giờ, giờ của những giấc ngủ, vậy mà trong khuôn viên nhà thờ Sơn Lộc giờ này như trẩy hội. Từng đoàn nam thanh nữ tú, các cháu thiếu nhi, các cụ già, mọi người với vẻ mặt hân hoan tiến vào nhà thờ để tham dự Thánh lễ Vọng Phục sinh.

Thánh lễ đêm nay do cha xứ Simon Nguyễn Văn Thu chủ tế, cùng hiệp dâng có cha Giuse Đỗ Văn Thụy và cha Antôn Nguyễn Ngọc Tỉnh - Hội Thừa Sai Việt Nam. Tham dự có quý tu sĩ thuộc Dòng Phaxicô và Hội dòng Mẹ Nhân Ái cùng khoảng 1.200 giáo dân.

Đúng 8 giờ 30, đèn trong nhà thờ tắt hết, một phút yên lặng để giữ bầu khí tịch mạc cô liêu, bởi Chúa đang an nghỉ trong mồ. Cộng đoàn hướng về cuối nhà thờ nơi cha xứ Simon chủ sự nghi lễ làm phép lửa và nến Phục sinh.

Cả cộng đoàn mỗi người một cây nến cháy sáng lấy từ lửa mới trong tay. Ánh sáng là nguồn soi sáng, nguồn sống và là sự hoan lạc của mọi người. Giữa bầu trời âm u đen tối, bừng lên một ánh lửa, một tia sáng tỏa lan khắp cảnh vật đánh tan những lo sợ chết chóc, tội lỗi, mang lại sự sống và niềm vui cho mọi người. Bởi thế, đêm nay tất cả nhân loại được giải thoát đang đứng trước Thiên Chúa mình, tay giơ cao ngọn đuốc đức tin, lòng cậy và lòng mến; để dâng lên Ngài niềm tạ ơn vì được tái tạo trong Đức Kitô.

Tiếp theo là phần Phụng vụ Lời Chúa.

Trong bài giảng, cha Giuse đã chia sẻ: Mọi người đều chứng kiến Đức Giêsu chịu đóng đinh và chịu chết trên thập giá, nhưng không ai được chứng kiến giây phút Người sống lại từ cõi chết. Bởi lẽ, đó là phạm vi và quyền năng của một mình Thiên Chúa, giống như khi Ngài sáng tạo trời và đất hay khi Thánh Thần làm cho cung lòng trinh nguyên của Đức Maria cưu mang Ngôi Lời Thiên Chúa. Do đó, biến cố Phục sinh là đối tượng của lòng tin, chứ không phải là đối tượng khả giác của các giác quan. Không ai được chứng kiến, nhưng Người để lại cho chúng ta các dấu chỉ của biến cố Phục sinh.

Trước hết, đó là ngôi mộ trống.

Tiếp theo, đó là dấu chỉ “những băng vải”.

Còn một dấu chỉ nữa để nhận ra mầu nhiệm Vượt Qua, đó là Kinh Thánh. Như thánh Phaolô tuyên bố long trọng:“Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng và ngày thứ ba đã trỗi dậy, theo lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3-4).

Sau bài giảng, cộng đoàn đứng lên, cầm nến sáng trên tay để chuẩn bị tuyên thệ lại lời hứa khi chịu bí tích Rửa tội. Với nghi thức tuyên thệ này, Giáo Hội nhắc nhớ mỗi người tín hữu là những người đã cùng chết và cùng sống lại với Đức Kitô. Hãy hiên ngang dấn thân theo Chúa và trung thành phụng sự Người: hãy chết đi cho tội lỗi, cho ích kỉ, cho những gì làm xa Chúa, để luôn sống xứng đáng thân phận làm con Chúa và Giáo Hội.

Thánh lễ tiếp theo với phần Phụng vụ Thánh thể.

Lạy Chúa, xin cho cộng đoàn chúng con được vững mạnh trong đức tin, nhiệt thành trong đức mến, thực hiện một đời sống đạo tốt lành, thánh thiện, xin cho những ai đã qua đời được hưởng hạnh phúc trên Nước Chúa.

Tôma Đỗ Lộc Sơn – Truyền thông giáo phận