Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Buổi đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha.

2- ĐGH có thể cứu xét việc cho đàn ông đã lập gia đình được chịu chức Linh Mục.

3- Giám Mục Đức kêu gọi suy nghĩ lại luật linh mục độc thân.

4- Giáo Hội Tin Lành Đức Quốc thiếu ơn gọi mục sư.

5- Đức Hồng Y Raymond Burke là một luật sư tuyệt vời.

6- Colombia vui mừng vì ĐGH sẽ đến thăm vào tháng 9 năm 2017.

7- 3000 thanh niên Indonesia dự cuộc họp liên tôn cổ vũ hòa bình chống chủ nghiã cực đoan.

8- Giáo Hội Philippines ''để tang” vì Hạ viện thông qua dự luật tử hình.

9- Tin đau buồn Ethiopia: nhiều nữ tu thiệt mạng trong một tai nạn thảm khốc.

10- Dư luận tại Italia xôn xao bàn cãi về một vụ trợ tử.

11- Thánh Ca Mùa Chay: Người Tình Chuộc Tội.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Kinh Truyền tin với Đức Thánh Cha

Ai chết cùng với Chúa Kitô thì sẽ cùng sống lại với Chúa Kitô. Ai cùng Ngài chiến đấu, thì sẽ cùng Ngài chiến thắng. Đó là sứ điệp hy vọng mà thập giá của Chúa Giêsu chứa đựng, nhắn nhủ chúng ta vững mạnh can đảm trong cuộc sống… Đức Thánh Cha đã nói trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 12/3/2017 với 40 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu chiêm ngắm giá trị của thập giá trong đời sống của mình.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng kể lại biến cố Chúa Giêsu hiển dung trên núi trước mặt 3 môn đệ, và rút ra những kết luận thực hành về chỗ đứng của thập giá trong đời sống tâm linh của các tín hữu. ĐTC nói:

“Tin Mừng Chúa Nhật thứ hai mùa chay trình thuật sự hiển dung của Chúa Giêsu (Xc Mt 17,1-9). Ngài đưa ba tông đồ: Phêrô, Giacôbê và Gioan ra một nơi riêng và cùng với họ lên một núi cao, và tại đó đã xảy ra hiện tượng lạ thường này: khuôn mặt Chúa Giêsu ‘sáng chói như mặt trời và áo Ngài trắng như ánh sáng’ (v.2). Qua đó Chúa chiếu tỏa nơi chính bản thân Ngài vinh quang Thiên Chúa mà ta có thể đón nhận với niềm tin trong lời giảng và những cử chỉ lạ lùng của Ngài. Sự sáng ngời trong biến cố lạ thường này nói lên mục tiêu của biến cố: đó là soi sáng tâm trí các môn đệ để họ có thể hiểu rõ ràng Thầy mình là ai. Đó là một tia sáng bất chợt mở ra mầu nhiệm Chúa Giêsu và soi sáng toàn thể con người và cuộc sống của Ngài… Chúa Giêsu đã quyết liệt tiến về Jerusalem, nơi Ngài sẽ bị kết án tử, chịu đóng đanh, Ngài muốn chuẩn bị các môn đệ trước cớ vấp phạm quá mạnh mẽ để nâng đỡ đức tin của họ, và đồng thời loan báo sự sống lại của Ngài, bằng cách tỏ ra mình là Đấng Messia, Con Thiên Chúa.”

ĐTC nói thêm rằng: “Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor, Ngài muốn chứng tỏ cho các môn đệ vinh quang của Ngài không phải để tránh cho họ khỏi phải đi qua thập giá, nhưng để chỉ cho thấy thập giá dẫn tới đâu. Ai chết cùng với Chúa Kitô thì sẽ cùng sống lại với Chúa Kitô. Ai cùng Ngài chiến đấu, thì sẽ cùng Ngài chiến thắng. Đó là sứ điệp hy vọng mà thập giá của Chúa Giêsu chứa đựng, nhắn nhủ chúng ta vững mạnh can đảm trong cuộc sống…” Trong mùa chay này, chúng ta hãy sốt sắng chiêm ngắm ảnh Thánh Giá; đó là biểu tượng đức tin Kitô, biểu tượng Chúa Giêsu, Đấng đã chịu chết và sống lại vì chúng ta. Chúng ta hãy làm sao để Thập Giá đánh dấu những giai đoạn trong hành trình mùa chay để ngày càng hiểu rõ hơn sự nặng nề của tội lỗi và giá trị hy tế qua đó Chúa Cứu Chuộc đã cứu chuộc chúng ta.

Sau khi ban phép lành, ĐTC đã thân ái chào thăm mọi người hiện diện, các tín hữu Roma và tại bao nhiêu nơi khác trên thế giới.

- ĐGH có thể cứu xét việc cho đàn ông đã lập gia đình được chịu chức Linh Mục

Hãng truyền thông CNN của Hoa Kỳ đưa tin: Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể cứu xét việc cho các người đàn ông đạo hạnh đã có gia đình được chịu chức Linh Mục. Trả lời phỏng vấn tờ Die Zeit phát hành tại Đức, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng vấn đề thiếu linh mục Công Giáo là vấn đề to lớn (enormous problem) đối với Giáo Hội và Ngài có thể sẽ thay đổi điều luật liên quan đến chức Linh Mục.

ĐGH nói thêm: "Chúng ta cần phải xem xét 'viri probati', tức là những người đàn ông đã kết hôn có đức tin và đức hạnh xuất sắc thì có thể truyền chức Linh Mục cho họ. Nếu vậy, chúng ta cũng cần xác định xem vị đó sẽ đảm trách những nhiệm vụ gì, ví dụ, ở một cộng đồng xa xôi hẻo lánh.

Viri probati là thuật ngữ Latin chỉ người đàn ông đã kết hôn có đức tin và đức hạnh tốt, xuất sắc. Giải pháp chọn lựa này sẽ cho phép những người đàn ông đã lập gia đình được tấn phong chức linh mục. Tuy nhiên Đức Giáo Hoàng, xác định rõ những người đã là linh mục sẽ không được kết hôn.

Giáo Hội Công Giáo đã cho phép một số người đàn ông kết hôn được chịu chức linh mục. Ví dụ, những mục sư theo đạo Tin Lành hay các giáo sĩ Anh Giáo, đã kết hôn, chuyển đổi sang Công Giáo vẫn có thể tiếp tục trở thành linh mục Công Giáo La Mã, nếu họ được sự cho phép của vợ. Các Giáo Hội Công Giáo thuộc nghi lễ Đông Phương có hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo La Mã cũng có thể duy trì truyền thống có các linh mục được kết hôn.

Giáo Hội Công Giáo La mã tin rằng các linh mục không nên kết hôn dựa trên những đoạn văn trong Kinh thánh, và bởi vì niềm tin linh mục là Chúa Kitô thứ hai, tức Alter Christus hay Persona Christi nên cũng phải sống độc thân như Chúa Kitô. Lời dạy này đã được khẳng định bởi Đức Thánh Gioan Phaolô II và ĐGH Bênêđíctô XVI. ĐGH Phanxicô trong cuốn sách Trên Trời và Dưới Đất (On Heaven and Earth) cũng đã nói, “tôi ủng hộ việc duy trì linh mục độc thân. Qua mười thế kỷ kinh nghiệm cho thấy độc thân linh mục có nhiều điều tốt hơn là khuyết điểm. .. "

- Giám Mục Đức kêu gọi suy nghĩ lại luật linh mục độc thân.

Nhiều người Công Giáo ở Đức đang yêu cầu Giáo Hội thay đổi luật độc thân giáo sĩ với hy vọng giải quyết được tình trạng thiếu ơn gọi LM tại nước này.

Trong tuần này, từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 3, 2017, HĐGM Đức với 65 vị đã nhóm Đại hội Mùa Xuân và đặc biệt bàn về vấn đề ơn gọi LM và sứ vụ linh mục tại nước này, trước tình trạng thiếu rất nhiều LM. Đức Cha Dieter Geerlings, GM phụ tá giáo phận Munster, kêu gọi suy nghĩ về vấn đề cho các LM có gia đình và nói rằng: “Chúng ta cần suy nghĩ xem đâu là điều Chúa Kitô đang muốn và đòi hỏi chúng ta ngày nay?” Các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương hiệp nhất với Tòa Thánh có các LM có gia đình. Phải chăng điều này không mở rộng viễn tượng của chúng ta?”

Đức Cha Geerlings cầu mong có một tiến trình ở cấp cao nhất trong Giáo Hội Công Giáo, tìm hiểu những lý do tại sao chức LM bị suy yếu như ngày nay.” Đây là vấn đề khác nhau tùy theo miền, nhưng cũng là một vấn đề trong Giáo Hội hoàn vũ”. Đức Cha nhìn nhận sự độc thân là điều rất tốt, một lối sống phù hợp với Tin Mừng vì Nước Trời, một ơn gọi lớn cho toàn thể Giáo Hội, và cũng có những lý do thần học cho thấy tại sao người chủ sự thánh lễ, cần sống độc thân. Tuy nhiên cũng có vấn đề: phải chăng những lý do đó có cần phải được coi như một quy luật tuyệt đối?”

- Giáo Hội Tin Lành Đức thiếu ơn gọi mục sư.

Giáo Hội Tin Lành tại Đức đang kiếm hàng ngàn mục sư mới để thay thế các mục sư sắp về hưu. Hôm 6-3-2017, văn phòng trung ương Tin Lành Đức cho biết trong vòng từ 10 đến 15 năm tới đây sẽ có từ 30 đến 40% mục sư tại các giáo xứ ở Đức về hưu. Hiện nay có khoảng 18.000 mục sư nam nữ đang hoạt động tại nước này.

Bà Birgit Sendler-Kuschel, giám đốc phân bộ giáo dục thuộc hội đồng trung ương của Giáo Hội Tin Lành Đức nói với giới báo chí rằng, con số các sinh viên theo học để trở thành mục sư hiện nay không đủ để lấp đầy chỗ trống do các mục sư về hưu tạo ra. Trong vòng 10 năm tới đây, cần có thêm hàng ngàn mục sư nam nữ. Mặc dù có nhiều người quyết định theo học thần học, nhưng con số này cần phải gia tăng hơn nữa.

Trong số 15.700 sinh viên thần học Tin Lành hiện nay, có gần 6.300 người có thể thi tuyển để làm mục sư coi sóc các giáo xứ.

Bà Sendler-Kuschel cho biết chính vì viễn tượng trên đây, Giáo Hội Tin Lành Đức đã bắt đầu chiến dịch cổ võ ơn gọi mục sư. “Ai muốn trở thành mục sư ngày nay, có nhiều hy vọng được đón nhận”. Từ nay cho đến năm 2027, không phải hễ mục sư nào về hưu đều sẽ có người thay thế. Vì thế, các vị lãnh đạo Tin Lành tại đang xúc tiến việc điều chỉnh các dịch vụ tại các giáo xứ để thích ứng với sự thay đổi dân số.

- Đức Hồng Y Raymond Burke là một luật sư tuyệt vời

Trong cuộc phỏng vấn mới đây của tạp chí Đức Die Zeit trước khi ngài tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay, ĐTC Phanxicô đã trả lời nhiều câu hỏi về nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có câu hỏi liên quan đến ĐHY Raymond Burke và hội Hiệp sĩ Malta.

Trước nhất, ĐTC xác nhận ĐHY Burke vẫn là người bảo hộ (patron) của Hội Hiệp Sĩ Malta, dù ngài thấy cần phải bổ nhiệm một vị giáo phẩm khác để giám sát việc canh tân thiêng liêng cho Hội này. ĐTC nói rằng, ĐHY Burke gặp một số vấn đề của Hội Hiệp Sĩ Malta mà ĐHY không giải quyết được. Tuy nhiên, ĐTC bác bỏ lời đồn cho rằng ĐHY Burke bị phái tới Guam như một hình phạt. ĐTC cho hay việc ấy vốn có liên quan tới công việc chuyên môn của ĐHY. ĐTC nói tiếp: “vì việc này, tôi rất biết ơn ngài; ngài là một luật sư tuyệt vời”.

Nhưng, cũng nhân dịp này, ngài có nói với tờ Die Zeit rằng ngài thấy có vấn đề với “những người Công Giáo cực đoan”. Ngài cho rằng việc quá tự tin của những người Công Giáo loại này khiến ngài nghĩ tới Thánh Phêrô khi vị thánh này tự hào mình sẽ không bao giờ chối Chúa Giêsu. Ngài nhắc lại đoạn Tin Mừng trong đó Thánh Phêrô chối Chúa ba lần, sau đó, mới quả quyết rằng ngài sẽ không bao giờ làm thế nữa. ĐTC nói: “khi Chúa Giêsu cảm nhận sự chắc chắn ấy của Thánh Phêrô, nó làm tôi nghĩ tới rất nhiều người Công Giáo cực đoan”. Ngài nhận định: Thánh Phêrô “chối Chúa Giêsu, trải qua một cuộc khủng hoảng ghê gớm, thế rồi Thánh Phêrô được cử làm giáo hoàng!”

- Colombia vui mừng vì ĐGH sẽ đến thăm vào tháng 9 năm 2017.

Thông cáo báo chí của Tòa Thánh trong ngày 10 tháng 3 cho biết, ĐGH Phanxicô đã nhận lời mời của Tổng thống Colombia để đến thăm quốc gia này từ ngày 6- 11 tháng 9 năm 2017. Chuyến đi lần này của ĐGH là chuyến tông du thứ ba của Ngài về Nam Mỹ kể từ khi trở thành Giáo Hoàng và chuyến đi lần này củng có thêm ý nghiã là ĐTC cổ vũ cho một nền hoà bình ở Colombia.

Vào tháng 12 năm 2016, ĐGH đã gặp Tổng thống Colombia Manuel Santos Calderón và cựu chủ tịch Thượng Viện, nghị sĩ Álvaro Uribe Vélez, tại Vatican. Ngài đã khuyến khích họ tiếp tục đàm phán hoà bình với Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng FARC, và mới đây chính quyền Colombia đã đạt được thỏa ước hoà bình với lực lương này. ĐGH đã ca ngợi thỏa hiệp đạt được mang lại hòa bình và hòa giải cho toàn thể người Colombia, tôn trọng các quyền con người và các giá trị Kitô giáo, vốn là trọng tâm của văn hoá Châu Mỹ La tinh."

Theo trang web của HĐGM Colombia, ĐC Suescun nói " ĐTC là một nhà truyền giáo cho sự hòa giải.” Sự hiện diện của Ngài giúp chúng ta khám phá ra rằng có thể đoàn kết một quốc gia lại, hãy nhìn lại chính mình bằng đôi mắt hy vọng và lòng thương xót. HĐGM Colombia cũng cho biết, sau khi nhận được tin ĐTC sẽ thăm Colombia, Tổng thống Colombia Manuel Manuel Santos bày tỏ niềm vui và nói rằng "chúng ta sẽ được đón vị Giáo Hoàng với cánh tay và trái tim mở rộng. Ngài là một sứ giả hoà bình, hòa giải." Tổng Thống bày tỏ hy vọng cuộc viếng thăm của ĐGH sẽ giúp nhân dân Colombia kết hợp xây dựng một đất nước công bằng, hòa bình và đoàn kết".

- 3000 thanh niên Nam Dương dự cuộc họp liên tôn cổ vũ hòa bình chống chủ nghiã cực đoan

Semarang, Indonesia- Hơn 3.000 thanh thiếu niên từ các cộng đồng tôn giáo khác nhau tại Nam Dương đã tập trung tại Semarang, thủ đô của tỉnh Trung Java, Nam Dương để tham dự cuộc họp liên tôn, phát triển thái độ hòa bình, chống lại mọi hình thức cực đoan và bất khoan dung trong xã hội.

Cuộc họp nói trên do Ủy ban Đại kết Liên Tôn của Tổng giáo phận Semarang và của năm trường đại học đứng ra tổ chức vào ngày 5 tháng 3 năm 2017. Trong số 5 trường đại học tham gia có 3 là của Hồi Giáo, một của Công Giáo và một là đại học công. Các tham dự viên là các thanh niên Nam Dương thuộc 71 cộng đồng khác nhau. Vị điều hợp buổi họp là LM Lukas Awi Tristanto, thư ký của Ủy ban về các vấn đề toàn cầu và liên tôn của Tổng Giáo phận Semarang. Giới chức chính quyền tham dự có thị trưởng thành phố Semarang là Hendrar Prihadi. Ông tuyên bố: Những người không chấp nhận đa dạng, hãy đi khỏi Indonesia!"

Nói chuyện với cơ quan tin tức Fides LM Lukas Awi Trisanto nói rằng sự kiện liên tôn có mục đích chính là "xây dựng tình huynh đệ thật sự và bác bỏ sự tinh thần bất khoan dung". Cha nói thêm "Công Giáo Là thành phần của một cộng đồng tôn giáo ở Indonesia có nghĩa là Công Giáo tuyên xưng đức tin của mình cùng với những người tuyên xưng đức tin của các tôn giáo khác nhau". Các thanh niên tham dự cam kết kiến tạo yêu thương, tạo tinh thần hòa hợp trong xã hội đa dạng, nhằm xây dựng nền văn minh tình thương cho một xã hội thịnh vượng, tôn trọng phẩm giá và không phân biệt tôn giáo".

Một số nhà lãnh đạo tôn giáo thuộc Hồi giáo, Công Giáo, Tin lành, Phật Giáo, Khổng giáo và Ấn giáo đã tham dự cuộc họp.

- Giáo Hội Philippine ''để tang” vì Hạ viện thông qua dự luật tử hình.

Giáo Hội Công Giáo Phi Luật Tân "đang để tang" sau khi Hạ viện thông qua việc áp dụng lại án tử hình tại quốc gia này. Luật này đã được đề xướng bởi liên minh chính phủ hỗ trợ TT Rodrigo Duterte và được sự hỗ trợ mạnh mẽ của lên minh chính phủ này.

TGM Socrates Villegas, Chủ tịch HĐGM Philippines nói rằng, ngài thất vọng vì Hạ viện "đã cho phép nhà nước giết người" và nói rằng các Giám mục "không chấp nhận thất bại hoặc sẽ giữ im lặng". Thông điệp chính thức của các Giám mục … kêu gọi tín hữu hãy vận động toàn quốc để biểu lộ một "tinh thần phản đối" chống án tử hình. Các GM kêu gọi các luật sư, thẩm phán và các nhà lập pháp Công Giáo " hãy để sự ngọt ngào của Tin Mừng chiếu sáng công việc cũng như sự thực thi luật pháp của họ ", "đem lại sự sống trong việc phục vụ xã hội".

Hình phạt tử hình ở Phi Luật Tân có hiệu lực trong thời kỳ độc tài của Ferdinand Marcos. Hình phạt này bị tạm đình chỉ vào năm 1987 dưới thời Tổng thống Corazon Aquino nhưng sau đó lại được đưa ra áp dụng lại vào thời chính phủ của Ramos để xử các "tội ác man rợ và tàn bạo". Vào năm 2006, chính phủ của Gloria Macapagal Arroyo đã ký lệnh bãi bỏ án tử hình trước chuyến viếng thăm ĐGH Benedict XVI. Nay thì Hạ viện đã thông qua dự luật áp dụng lại án tử hình. Dự luật này sẽ gởi đến Thượng viện gồm có 24 người, trong đó số Thượng Nghị Sĩ cùng đảng của TT Duterte chiếm đa số.

- Tin đau buồn Ethiopia: nhiều nữ tu thiệt mạng trong một tai nạn thảm khốc

Giáo Hội Ethiopia đang than khóc cái chết của bốn nữ tu Dòng Nữ Tử Thánh Anna, các nữ tu này vừa tử nạn trong một tai nạn xe hơi. Một nữ tu khác vẫn còn ở trong tình trạng hôn mê và hai người nữa cũng đã bị thương nặng.

Tám nữ tu cả thảy, tuổi từ 25 đến 50, đang lái xe đến thành phố Hawassa để đi dự đám tang của một người thân nhân. Khi họ tới gần thị trấn Meki, thì một chiếc xe tải đã lấn đường để vượt qua họ, gây ra tai nạn.

"Đây là một tổn thất lớn lao cho Giáo Hội Ethiopia", theo cha Angelo Antolini, hạt trưởng cuả hạt Robe. Tang lễ sẽ được cử hành vào lúc 12 giờ trưa ngày 9 tháng 3 tại nhà thờ chính tòa Addis Ababa do Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ethiopia chủ tế, và sẽ có sự tham dự của Sứ thần Tòa Thánh và tất cả các Giám Mục Ethiopia.

- Dư luận tại Ý xôn xao bàn cãi về một vụ trợ tử

Trong tuần qua, dư luận tại Ý lại xôn xao bàn cãi về vụ trợ tử của một bệnh nhân tên là Fabiano Antoniani, 39 tuổi. Anh có nghệ danh là Fabo, vốn là một thanh niên năng động chuyên phụ trách linh động âm nhạc hay nhiều phương tiện giải trí khác. Năm 2014, Fabo gặp tai nạn xe hơi trầm trọng khiến toàn thân bất toại và mù lòa, phải chịu nhiều đau khổ triền miên. Từ vài tuần nay, Fabo khẩn khoản kêu gọi quốc hội nước này thảo luận và biểu quyết về luật cho trợ tử vì không thể chịu đựng nổi những đau đớn về mặt thân xác và tinh thần nữa.

Những ngày cuối tuần trước, Fabo đã được một thành viên phong trào cổ động cho phép trợ tử, ông Marco Cappato, giúp đi sang bệnh viện Dignitas ở cách Zurick, bên Thụy Sĩ chừng 100 kilomet. Tại đây Fabo đã được trợ giúp để tự tử sáng 27 tháng 2 vừa qua. Bệnh viện này từ năm 1998 chuyên giúp người yếu bệnh tự quyết định chấm dứt mạng sống của mình.

Sau khi Fabo qua đời, lúc 11.40 sáng 27 tháng 2, ông Cappato cho biết sẽ tự động đầu thú để chịu xét xử. Ông cũng tiết lộ là một người Ý khác 65 tuổi cũng được giúp trợ tử ngay ngày hôm sau đó. Ông Cappato đã bị tòa án Ý truy tố về tội khích lệ người khác tự sát. Luật pháp hiện hành tại Ý cấm không được giúp trợ tử và người giúp có thể bị kết án hàng chục năm tù.

Theo những thống kê gần đây, tại Âu châu chỉ có 4 nước có luật cho phép trợ tử là Thụy Sĩ, Hòa Lan, Bỉ và Luxembourg. Còn trên toàn thế giới, có thêm ba quốc gia khác là Trung quốc, Colombia và Nhật Bản.

Và để kết thúc kết thúc chương trình Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến quý khán thính giả một bản thánh ca mang tâm tình mùa Chay, viết về hành trình Thập Giá mà Chúa đã đi qua để chuộc tội cho nhân loại. Nhạc phẩm mang tựa đề Tình Người Chuộc Tội của nhạc sĩ Trần Đăng Tuấn, hòa âm và phối khí bởi nhạc sĩ Nguyễn Trọng Nam, được trình bày qua tiếng hát của ca sĩ Kim Thúy.