Trong cuộc phỏng vấn mới đây của tạp chí Đức Die Zeit trước khi ngài tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay, Đức Phanxicô đã trả lời nhiều câu hỏi khác nhau. Dưới đây là một số điều đáng lưu ý trong cuộc phỏng vấn này.

Đức Hồng Y Burke là một luật sư tuyệt vời

Trước nhất là về Đức Hồng Y Raymond Burke. Đức Giáo Hoàng xác nhận Đức Hồng Y Burke vẫn là người bảo hộ (patron) của Hội Hiệp Sĩ Malta, dù ngài thấy cần phải bổ nhiệm một vị giáo phẩm khác để giám sát việc canh tân thiêng liêng cho Hội này. Đức Giáo Hoàng nói rằng Đức Hồng Y Burke gặp một số vấn đề của Hội Hiệp Sĩ Malta mà Đức Hồng Y không giải quyết được.

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng bác bỏ lời đồn cho rằng Đức Hồng Y Burke bị phái tới Guam như một hình phạt. Đức Giáo Hoàng cho hay việc ấy vốn có liên quan tới công việc chuyên môn của Đức Hồng Y. Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “vì việc này, tôi rất biết ơn ngài; ngài là một luật sư tuyệt vời”.

Nhưng, cũng nhân dịp này, ngài có nói với tờ Die Zeit rằng ngài thấy có vấn đề với “những người Công Giáo cực đoan”. Ngài cho rằng việc quá tự tin của những người Công Giáo loại này khiến ngài nghĩ tới Thánh Phêrô khi vị thánh này tự hào mình sẽ không bao giờ chối Chúa Giêsu.

Được hỏi về các cuộc khủng hoảng đức tin, Đức Phanxicô nói rằng các cuộc khủng hoảng là điều cốt yếu để lớn mạnh, cả ở ngoài đời lẫn trong đức tin. Ngài nhắc lại đoạn Tin Mừng trong đó Thánh Phêrô chối Chúa ba lần, sau đó, mới quả quyết rằng ngài sẽ không bao giờ làm thế nữa. Đức Giáo Hoàng bảo: “khi Chúa Giêsu cảm nhận sự chắc chắn ấy của Thánh Phêrô, nó làm tôi nghĩ tới rất nhiều người Công Giáo cực đoan”. Ngài nhận định: Thánh Phêrô “chối Chúa Giêsu, trải qua một cuộc khủng hoảng ghê gớm, thế rồi được cử làm giáo hoàng!”

Nữ phó tế và tông du

Được nhà báo Giovanni di Lorenzo hỏi về ủy ban nghiên cứu vai trò phó tế nữ trong lịch sử, Đức Phanxicô kể lại rằng năm ngoái, trong cuộc gặp gỡ các bề trên dòng nữ tại Tòa Thánh, “tôi được hỏi tại sao chúng ta không thiết lập một ủy ban nghiên cứu để tìm hiểu xem các người đàn bà đó làm gì và có phải họ được thụ phong hay không. Tôi trả lời, đúng, tại sao không?”.

Nhưng ngài nói thêm: “đây là chuyện thăm dò chủ đề, chứ không phải mở một cánh cửa… Thời gian sẽ cho biết ủy ban tìm ra những gì. Họ giả thiết sẽ họp lại lần thứ ba vào tháng Ba này, và tôi sẽ tìm hiểu xem sự việc tiến triển tới đâu”.

Còn đối với câu hỏi về các chuyến tông du trong năm 2017, Đức Phanxicô cho biết: đang sắp xếp chuyến đi Ai Cập. Còn chuyến dự định đi Nam Sudan và hai nước Congo (Cộng Hòa Congo, và Cộng Hòa Dân Chủ Congo) đã bị loại bỏ.

Chuyến đi khác mà ngài rất muốn thực hiện là tới Nga mà không được “vì tôi phải tới cả Ukraine nữa”.

Tuy nhiên, ngài xác nhận chuyến tông du đã dự trù cho năm 2017 là Colombia, đáng lẽ đã có thể thực hiện ngay từ đầu triều giáo hoàng của ngài, và nay càng khả hữu hơn sau khi chính phủ nước này ký thỏa ước hòa bình với nhóm du kích lớn nhất trong nước là FARC, chấm dứt cuộc nội chiến lâu đời nhất trong lịch sử gần đây.

Ngài cũng xác nhận chuyến tông du Ấn Độ và Bangladesh, đã được sắp xếp từ lâu, nhưng chưa định ngày giờ nhất định. Nhưng chuyến đi Fatima thì chắc chắn diễn ra giữa tháng Năm.

Luôn bình an dù là một người có tội

Về các cuộc tấn công đích danh đối với ngài gần đây, Đức Phanxicô cho hay: “Từ lúc tôi được bầu làm giáo hoàng đến nay, tôi chưa bao giờ mất cảm thức bình an. Tôi hiểu một số người có thể không thích lối hành động của tôi, tôi còn biện minh cho nó nữa: có rất nhiều lối suy nghĩ; thậm chí còn được phép nữa, hợp nhân bản và ngay cả phong phú nữa”.

Về các bích chương phản đối ngài thiếu lòng thương xót và ấn bản giả của tờ L’Osservatore Romano mới đây, Đức Phanxicô cho biết: ngài thấy điều sau không phong phú chút nào, nhưng điều trước thì có. Ngài nói: “Tiếng địa phương Romanesco trong các bích chương ấy quả tuyệt diệu!”, chắc chắn do một người có học thức cao viết.

“Có phải một người từ Vatican không?” nhà báo hỏi thế, ngài vừa cười vừa trả lời: “Không, nhưng là một người có học thức cao!”

Nhân dịp này, ngài thổ lộ: ngày nào ngài cũng đọc kinh Ông Thánh Thomas More, xin được ơn biết hài hước. Ngài bảo: “Chúa chưa lấy mất sự bình an của tôi, và Người ban cho tôi đủ tính hài hước”.

Và cũng như trước đây, ngài thú nhận mình là người có tội và có những khoảnh khắc ngài nổi điên với Chúa Giêsu hoặc nói rằng ngài không hiểu tại sao một điều gì đó lại xẩy ra, kể cả những điều chính ngài làm, do “chính tội lỗi tôi: tôi là kẻ có tội, và tôi nổi điên… Bây giờ thì tôi quen rồi”.

Đức Phanxicô cũng cho hay: ngài không cảm thấy ngài là “một người đặc biệt” và các chờ mong người ta đặt lên ngài, có hơi cường điệu hóa, quả không công bằng đối với ngài.

Ngài bảo: “tôi không phải là người tồi, không, nhưng tôi là một người làm điều mình có thể làm, nhưng thông thường. Tôi cảm thấy mình như thế. Và khi ai đó nói với tôi: ‘Không, thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha là…’ điều này chẳng ích lợi gì cho tôi”.

Được hỏi ngài có sợ làm ngã lòng các vị ở trong Giáo Triều với những lời lẽ như trên hay không, các vị này cần có một người cha hoàn hảo, Đức Phanxicô trả lời: không, không có chuyện người cha hoàn hảo, vì chỉ có một người cha hoàn hảo mà thôi, đó là Thiên Chúa.

Ngài bảo: “mọi người cha đều là người có tội, xin cám ơn Chúa, vì điều này sẽ khích lệ chúng ta ra đi và ban phát sự sống trong thời đại côi cút này, trong đó, người ta đang cần tình phụ tử”.

Ngài nói thêm: “tôi là người có tội và tôi dễ sai lầm, và ta không nên quên rằng lý tưởng hóa một con người cũng luôn là một thứ gây hấn hung hăng siêu phàm”.

"Viri probati" làm linh mục

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Đức Phanxicô tỏ ra cởi mở đối với việc phong chức linh mục cho một số người đàn ông đã có gia đình. Tuy nhiên, ngài ủng hộ việc duy trì luật độc thân khi nhấn mạnh rằng “độc thân nhiệm ý” không phải là một giải pháp đối với cuộc khủng hỏang ơn gọi trong Giáo Hội Công Giáo.

Thực vậy, theo Đức Phanxicô, việc thiếu linh mục trên thế giới hiện nay là một vấn nạn rất lớn cần được giải quyết, nhưng “độc thân nhiệm ý” không phải là một giải pháp.

Tuy nhiên, theo ngài, vấn đề viri probati, tức những người đàn ông đã lập gia đình nhưng vững mạnh trong đức tin và nhân đức có thể được chọn để thụ phong linh mục, là một “khả thể” mà “ta phải xem xét”.

Đức Giáo Hoàng nói: “ta cũng phải xác định xem họ có thể đảm nhiệm những trách vụ gì, thí dụ, tại các cộng đồng xa xôi”.

Nghi lễ La Tinh vốn đã cho một số giáo sĩ không phải là Công Giáo đã có gia đình, sau đó trở lại Công Giáo, được thụ phong linh mục, như các cựu giáo sĩ Anh Giáo chẳng hạn. Các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương cho phép phong chức các người đàn ông đã có vợ làm linh mục, nhưng cũng như các Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo La Tinh, họ không cho phép các đám cưới giáo sĩ, nghĩa là không cho phép các linh mục cưới vợ một khi đã thụ phong.

Năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bác bỏ việc hủy bỏ luật độc thân của các linh mục; ngài nói rằng: nên “duy trì như hiện tại”. Nhưng ngài có gợi ý tới khả thể phong chức cho những người đàn ông tỏ ra xứng đáng, tùy sự quyết định của các giám mục địa phương, căn cứ vào tình thế đặc thù. Ngài có nhắc đến một giáo phận tại Mễ Tây Cơ, nơi mỗi cộng đoàn có một phó tế nhưng không có linh mục.

Người ta cũng biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng muốn Thượng Hội Đồng Giám Mục kế tiếp thảo luận về luật độc thân của linh mục, nhưng sáng kiến này đã bị Hội Đồng Thường Trực của Thượng Hội Đồng Giám Mục bỏ phiếu chống. Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng, Đức Hồng Lorenzo Baldisseri, sau đó còn nói thêm rằng vấn đề này cũng sẽ không được bàn đến trong Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2018 về “Người Trẻ, Đức Tin và Việc Biện Phân Ơn Gọi”.

Trong lời tóm tắt cuộc phỏng vấn, tờ Die Zeit tường trình rằng Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến sự quan trọng của cầu nguyện, như phương thế vượt qua cuộc khủng hoảng ơn gọi. Ngài nói: “Điều còn thiếu là cầu nguyện”.

Theo tờ báo, nhiều tiếng nói tại Đức gần đây đã nghi vấn luật độc thân của linh mục, trong đó, có Đức Cha Dieter Geerlings, giám mục phụ tá của Münster, và Thomas Sternberg, đứng đầu Ủy Ban Trung Ương Các Người Công Giáo Đức, một cơ chế gồm nhiều tổ chức giáo dân Công Giáo ở Đức. Sternberg nói rằng luật độc thân bắt buộc đã “mất hết tính khả tín của nó”.

Trong những năm qua, một số các vị cố vấn và bạn bè của Đức Giáo Hoàng cũng xa gần cổ vũ các thay đổi đối với luật độc thân của linh mục. Trong đó, có các vị Hồng Y Pietro Parolin, nay là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Claudio Hummes, một người bạn của Đức Phanxicô và trước đây đứng đầu Thánh Bộ Giáo Sĩ.

Các thay đổi như cho phép một hình thức linh mục có vợ nào đó, việc rước lễ liên phái và có thể cả phó tế phụ nữ là ba cuộc cải tổ mà một số quan sát viên của Giáo Hội cho là có thể xẩy ra trong mấy tháng sắp đến. Cũng như đối với việc cho phép những người ly dị tái hôn lãnh nhận các bí tích, những người này lo sợ rằng các luật trừ đối với mỗi việc cải tổ này, cuối cùng, sẽ kết thúc ở chỗ kết liễu các kỷ luật như luật độc thân của linh mục và một cách tổng quát sẽ phá hủy tín lý của Giáo Hội về chức linh mục và Phép Thánh Thể.

Nhưng, trong cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô lý luận rằng Giáo Hội không nên sợ hãi khi phải đối diện với thay đổi. Ngài nói: “sự thật có nghĩa đừng sợ hãi. Sợ hãi đóng cửa, tự do mở cửa. Và nếu tự do nhỏ nhoi, thì ít nhất nó cũng mở được chiếc cửa sổ nhỏ”.

Tấn công chủ nghĩa dân túy

Theo Catholic World News, Đức Phanxicô cho rằng thiếu linh mục, “Giáo Hội yếu đi, vì một Giáo Hội không có Thánh Thể thì không có sức mạnh: Giáo Hội làm ra Phép Thánh Thể, nhưng Phép Thánh Thể cũng làm ra Giáo Hội”.

Hãng này cũng tường thuật rằng Đức Phanxicô tấn công chủ nghĩa duy quốc gia và chủ nghĩa dân túy (populism). Ngài bảo: “chủ nghĩa dân túy là chủ nghĩa ghê tởm và sẽ kết liễu tồi tệ, như thế kỷ vừa qua đã chứng minh”. Ngài cho rằng chủ nghĩa này “luôn cần một vị thiên sai”, và nêu kinh nghiệm Đức và việc xuất hiện của Hitler làm điển hình.

Đài Phát Thanh Vatican tường thuật thêm rằng, Đức Phanxicô nói với người phỏng vấn: “tôi cũng có những khoảnh khắc trống rỗng”. Ngài nói đến “những khoảnh khắc đen tối thiêng liêng” trong đời ngài, những lúc ngài thưa với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con không hiểu điều này”. Theo ngài, “không ai lớn lên mà lại không gặp khủng hoảng: trong đời người, cùng một việc đó xẩy ra. Cả tăng trưởng sinh học cũng là một cuộc khủng hoảng, không phải sao? Cuộc khủng hoảng của một em nhỏ trở thành người lớn. Và đức tin cũng thế”.

Về đức tin, ngài bảo đó là một hồng ơn, ta không thể tự mình phục hồi được đức tin của mình mà phải cầu xin Thiên Chúa: “Tôi xin và Người đáp ứng. Chẳng chóng thì chầy, đúng không? Nhưng có lúc ông phải đợi thôi, trong cơn khủng hoảng”.

Đài Vatican cũng cho biết Đức Thánh Cha còn nói tới lòng sùng kính của ngài đối với Đức Mẹ, Đức Mẹ Tháo Nút cũng như điều ngài gọi là “Thế Chiến Thứ Ba” đang diễn ra từng mảng, như tại Châu Phi, Ukraine, Á Châu, Iraq…

Đức Phanxicô kết thúc cuộc phỏng vấn với một lời xin lỗi: “tôi xin lỗi nếu tôi không thỏa mãn mong ước của ông… Xin cầu cho tôi!”