Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Tòa thánh có quan hệ ngoại giao với 182 quốc gia

Sáng mùng 09 tháng Giêng, theo truyền thống, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp các đại sứ và phái đoàn ngoại giao của các nước cạnh Tòa Thánh nhân dịp đầu năm mới.

Trong số 182 quốc gia hiện có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, cộng hòa Hồi giáo Mauritania là quốc gia mới nhất có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, được thiết lập vào ngày 09/12 năm ngoái, ở cấp bậc sứ thần và đại sứ.

Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vatican và cộng hòa Mauritana, số nước chưa có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh đã giảm đi. Trong số các nước chưa có quan hệ ngoại giao có Trung quốc, nhưng Tòa Thánh đã có quan hệ ngoại giao với Đài loan dù là không có vị đại sứ mà chỉ có vị đại biện – xử lý thường vụ. Tiếp đến là Việt nam, từ lâu đã có các cuộc gặp gỡ song phương và các nhóm làm việc chung; hiện nay, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, sứ thần Tòa Thánh tại Singapore là đại diện không thường trú tại Việt nam. Các nước Afganistan, Ả rập Sauđi, Butan, Miến điện, Brunei, quần đảo Cômô, Bắc Triều tiên, Lào, Maldive, Oman, Somalia và Tuvalu cũng không có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh.

Tòa thánh hiện có 180 nhiệm sở ngoại giao ở nước ngoài, trong số này có 73 nhiệm sở không thường trú. Như vậy có 107 cơ sở, một số trong số này không chỉ phụ trách ngoại giao tại nước họ cư trú nhưng phụ trách thêm một hay nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế khác.

Số quan hệ ngoại giao của Tòa thánh gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Vào đầu triều đại của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tòa Thánh chỉ có quan hệ ngoại giao với 84 quốc gia. Vào năm 2005, khi Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức 16 được chọn, số nước có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh là 174. Dưới triều Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức 16, các nước Montenegro (2006), các Tiểu vương quốc Ả rập (2007), Botswana (2008), Nga (2009), Malaysia (2011) và Nam Sudan (2013) đã thiết lập ngoai giao với Tòa Thánh.

Có 88 tòa đại sứ cạnh Tòa Thánh đặt tại Roma, trong đó có các văn phòng của Liên minh các nước Ả rập, tổ chức quốc tế về di dân mà Tòa Thánh là thành viên từ năm 2011, và Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc.

2. Những nạn nhân tử vong vì ma túy hay buôn bán cần sa tại Phi Luật Tân

Manila - Theo Thông tấn xã Fides ngày 4/1/2017, thì tại Phi Luật Tân có hơn 6.000 người chết vì cần sa ma túy và cả 1.000 người thiệt mạng có liên quan tới xì ke ma túy trong tháng qua! Đối với một số người thì đây có thể là một thành mối lợi lớn, nhưng trên thực tế đây là một bản án tử không cần luật lệ tử hình hoặc thủ tục tòa án dài dòng.

Việc loại bỏ các nghi phạm hình sự trong một quá trình ngắn gọn nhưng thật là hiệu quả được những người ủng hộ chính sách này tán trợ. Đó là một bản tóm lược những gì mà Linh mục Shay Cullen, một nhà truyền giáo người Ái nhĩ lan ở Phi luật tân, là người sáng lập và là giám đốc của “Hiệp Hội Preda” một tổ chức xã hội nhằm nâng đỡ giới trẻ bị bỏ rơi, giúp đỡ những phụ nữ bị lạm dụng và những người nghiện ngập ma túy.

Vị truyền giáo này nêu lên những lưu tâm trước những vấn nạn trên phát biểu rằng “Nhiều tổ chức vô vị lợi (NGO) trong những tháng gần đây đã báo động những tình trạng trên và có tới 76% dân chúng Phi luật tân lo ngại”.

Linh mục Cullen cũng cho rằng “Dù Quốc hội có thể phê đưa án tử hình trở lại mặc cho các tranh luận chống lại cho rằng việc thực hành án tử hình này vẫn không ngăn chặn được các tội phạm, giết người vô tội và đặc biệt những người dân nghèo vô tội vì không có khả năng thuê mướn luật sư biện hộ cho họ! Đây thật là một điều bất công không lấy gì có thể chuộc lại được! Đây là một việc đi ngược lại các giá trị thiêng liêng của cuộc sống và phẩm giá của con người”

3. Tỷ lệ người Ba Lan tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật tăng đến 40%

Tỷ lệ người Ba Lan thường xuyên tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật tăng từ 39.1% lên 39.8% vào năm 2015 so với năm trước, trong khi việc Rước Lễ đã tăng từ 16.3% lên 17% - theo một thống kê được công bố gần đây cuả viện Thống Kê Công Giáo ở Ba Lan .

Ba Lan là một trong những quốc gia có cơ cấu giáo hội tốt nhất trên thế giới Công Giáo. Số tu sĩ tại các giáo xứ đã tương đối ổn định từ năm 1972 và chiếm khoảng 7%. Trong năm 2015, trong tổng số 35.5 triệu người dân thì có 32.7 triệu là người Công Giáo (tức là 92% ). Trong năm 2015, có khoảng 20.800 linh mục làm việc mục vụ tại các giáo xứ, trong khi số lượng nữ tu là gần 7000.

Hình thức sống đạo ở Ba Lan nghiêng về các hoạt động tông đồ giáo dân. Trong năm 2014, có hơn 60,000 tổ chức giáo dân đang hoạt động ở Ba Lan, số hội viên lên đến 2.5 triệu người. Ngoài các hoạt động của các tổ chức thuộc giáo xứ, cũng có gần 1,800 tổ chức xã hội Công Giáo khác trong các lãnh vực giáo dục và bác ái.

Một yếu tố quan trọng của Công Giáo Ba Lan là lòng kính mến Đức Mẹ Maria, đặc trưng bởi nhiều hình thức, tập quán và phong tục đa dạng và phong phú.

4. 1.4 triệu người tham dự cuộc rước hàng năm tại Manila

Ước tính có 1.4 triệu người đã tham dự vào cuộc rước hàng năm tại Manila, dưới sự bảo vệ an ninh nghiêm nhặt vì lo sợ một cuộc tấn công khủng bố.

Đám rước hàng năm này, luôn luôn là một sự kiện náo nhiệt và gây nhiều cảm xúc, đã diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Năm ngoái, khoảng 5,000 cảnh sát và quân đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc rước kiệu, cùng với những con chó đánh hơi bom và máy bay do thám vần vũ trên bầu trời. Năm nay, lực lượng an ninh được tăng cường đến 10,000 người. Nhiều tay súng bắn tỉa cũng được bố trí trên các cao ốc dọc theo con đường rước kiệu.

Các biện pháp an ninh này phản ánh mối lo ngại về nguy cơ khủng bố ngày càng cao của Hồi giáo tại Phi Luật Tân, nơi mà các nhóm ly khai Hồi giáo đang đấu tranh cho quyền tự trị tại tỉnh Mindanao. Cảnh sát đã cảnh báo về khả năng trả đũa sau khi Mohammade Jaafar Maggid, lãnh đạo của nhóm thánh chiến Hồi Giáo, đã bị giết chết bởi cảnh sát vào tuần trước.

Tượng Black Nazarene, đã được các giáo sĩ Tây Ban Nha đưa đến Phi Luật Tân vào thế kỷ 17, được cho là có quyền năng kỳ diệu. Mỗi năm trong các cuộc rước kiệu diễn ra vào ngày 9 tháng Giêng và vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, hàng chục ngàn người cố chen lấn để chạm được vào tượng Đức Mẹ. Nhiều trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ đã được ghi nhận.

5. Đức Hồng Y Oswald Gracias chỉ trích quyết định của tòa án tại Ấn tha bổng hai tên hiếp dâm một nữ tu Công Giáo

Đức Hồng Y Oswald Gracias của Mumbai đã ra một tuyên bố công khai chỉ trích quyết định của tòa án bang Chhartisgarh tha cho hai tên dính líu vào vụ cưỡng hiếp một nữ tu Công Giáo.

Tòa án cho rằng không có đủ bằng chứng để kết tội hai thanh niên bị cáo buộc cưỡng hiếp một nữ tu Salêdiêng 48 tuổi vào tháng Sáu năm 2015; bất chấp các hình ảnh ghi lại từ các camera.

Theo Đức Hồng Y, đó là một “sự bất công nghiêm trọng, không chỉ đối với những thành viên sống đời thánh hiến của chúng tôi, nhưng cũng là một sự chà đạp công lý đối với tất cả những người phụ nữ đã bị làm nhục với một chấn thương tương tự,”

Đức Hồng Y nói Giáo Hội sẽ kháng cáo bản án, và hy vọng công chúng chú ý đến “vấn đề bạo lực đối với phụ nữ.”

Trong một diễn biến bi đát, danh tiếng của Ấn Độ đã bị nhơ nhuốc sau khi hàng ngàn phụ nữ đón giao thừa tại Bangalore tố cáo là họ đã bị sàm sở và sách nhiễu tình dục vào đêm 31 tháng 12 năm 2016.

6. Khả năng xảy ra tấn công khủng bố tại Ý là rất cao

Một viên chức cao cấp của Bộ Nội Vụ Ý cảnh báo là khả năng xảy ra một cuộc tấn công khủng bố ở Ý là “rất cao”.

Franco Gabrielli, người đứng đầu Protezione Civile - là văn phòng đáp ứng tình trạng khẩn trương của đất nước, nói với tờ Il Giornale rằng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu chúng ta đánh giá thấp khả năng của một vụ đánh bom khủng bố.

“Tôi nói điều này rất thẳng thắn: chúng ta cũng sẽ phải trả giá như các nước khác. Chúng tôi chỉ có thể hy vọng giá này thấp chừng nào hay chừng nấy.”

Gabrielli cho biết các nhóm cực đoan Hồi giáo đang ráo riết “xác định các mục tiêu có thể tấn công” bao gồm Rôma, Vatican, và Đức Giáo Hoàng. Ông nhận xét rằng một trong những ấn phẩm thường kỳ của bọn khủng bố IS có tựa đề bằng tiếng Ả Rập là Rumiyah, nghĩa là Rôma.

7. Phản ứng của một Giám Mục sau khi chứng kiến một trường hợp trừ quỷ

Đức Tổng Giám Mục Erio Castellucci tin rằng những ai nghĩ rằng ma quỷ là không tác oai tác quái trong đời sống chúng ta đã “sai lầm”.

Ngài nói với tờ nhật báo Ý Il Resto del Carlino:

“Sau khi chứng kiến một cuộc trừ quỷ, chúng ta hiểu ngay rằng ma quỷ là một thực thể cụ thể, một thực tại”,

Đức Cha Erio Castellucci là Tổng Giám Mục tổng giáo phận Modena-Nonantola đã chứng kiến nhiều người bị quỷ nhập trong suốt đời ngài, nhưng chưa bao giờ chứng kiến một cuộc trừ quỷ.

Đức Cha cho biết một trong hai linh mục đặc trách về trừ quỷ trong tổng giáo phận của ngài đã xin ngài hỗ trợ trong một trường hợp khó khăn.

Đức Cha kể rằng: “Vị linh mục nói với tôi: ‘xin hãy đến vì người này đã bị nhập lâu rồi, anh ta đến với con một tuần một lần và sự hiện diện của Đức Cha, trong tư cách là một giám mục, sẽ có một tầm ảnh hưởng’”

Vào ngày 03/07/2015, Đức Cha Castellucci đến một giáo xứ ở Modena nơi cuộc trừ quỷ đang diễn ra. Nhà trừ quỷ và người bị nhập, một người đàn ông tuổi trung niên, đã ở đó. Khi ngài bước vào thì người bị nhập đã bắt đầu hét lên, “Cút ra, cút ra khỏi đây, nếu không mày sẽ chết một cách khốn nạn đấy”.

Sau đó người đàn ông đã rơi vào trong tình trạng thần trí hôn mê.

“Rồi sau đó dường như anh ta đã thức dậy và bất thần lình dùng các ngón tay chộp vào lưng bàn tay tôi. Anh ta có một cái nhìn độc ác và đã thốt ra những lời thoá mạ và nguyền rủa mà tôi không muốn lặp lại ở đây”.

Người bị quỷ nhập “cho tôi biết là tôi sẽ qua đời trong một tai nạn giao thông và trong khi anh ta nói điều đó thì anh ta nhìn rất là thoả mãn”.

Đức Tổng Giám Mục Castellucci suy tư về lời nguyền rủa này và nói rằng “Sự sống của tôi ở trong tay Chúa Giêsu và chắc chắn là không phải ở trong tay ma quỷ. Tôi không lo lắng tí nào. Lời Chúa dạy rằng những lời nguyền rủa chẳng ứng nghiệm đâu mà lo”.

8. Quân Iraq mở mặt trận phía Bắc Mosul, đã tìm ra dấu vết trùm khủng bố Abu Bakr al Baghdadi

Trong một diễn biến đáng lạc quan, quân đội Iraq đã mở thêm mặt trận phía Bắc Mosul và hôm thứ Hai 9 tháng Giêng đã chiếm được quận Hadba.

Hadba là một khu dân cư nên cuộc giao tranh đã diễn ra rất ác liệt giữa quân chính phủ và bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Chiến thắng Hadba khiến tinh thần binh sĩ Iraq lên rất cao đặc biệt là vì trong trận chiến này không một binh sĩ Iraq nào bị thiệt mạng.

Tướng Nejm Jabouri nói binh lính của ông có lý do để tự hào: “Kể từ khi chúng tôi bắt đầu cuộc hành quân vào khu vực này, chúng tôi chưa phải gánh chịu thiệt hại nào dù bọn khủng bố Hồi Giáo IS nổi điên và tấn công chúng tôi bằng nhiều xe bom tự sát.”

Các sĩ quan tại mặt trận cho biết từ hôm thứ Sáu mùng 6 tháng Giêng bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã thực hiện 5 vụ đánh bom xe liều chết tại khu vực này. Nhưng các vụ tấn công này đều bị bẻ gãy.

Tại mặt trận phía Đông Mosul, quân Iraq hiện đã chiếm được Al Baladyat và bao vây bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Al Sukar. Lực lượng đặc biệt Iraq đang tìm cách chiếm trường Đại Học Mosul nơi bọn khủng bố Hồi Giáo IS dùng làm cơ xưởng chế tạo vũ khí và bom mìn.

Chiến dịch giải phóng Mosul bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái đã bị chựng lại trong tháng 12 vừa qua. Tuy nhiên, những chiến thắng liên tiếp đang khích lệ tinh thần binh sĩ.

Sau nhiều tháng mất dấu vết của tên trùm khủng bố Abu Bakr al Baghdadi, Peter Cook, phát ngôn nhân của Ngũ Giác Đài cho biết Hoa Kỳ đã tìm lại được dấu vết của y. Giữa tháng 12 vừa qua, Hoa Kỳ đã tăng tiền thưởng từ 10 triệu Mỹ Kim lên 25 triệu Mỹ Kim cho những ai cung cấp tin tức dẫn đến việc bắt sống hay giết chết tên cầm đầu bọn khủng bố Hồi Giáo IS này.

Chiếm được Al Baladyat, quân Iraq áp sát sông Tigris nơi được coi là ranh giới tạm thời giữa hai bên: quân chính phủ ở phía Đông con sông và quân khủng bố ở phía Tây.

Nguồn tin của Giáo Hội địa phương nhận định rằng nếu quân Iraq vượt sông Tigris đánh vào phía Tây thì thương vong của dân chúng sẽ rất cao và có nguy cơ Mosul bị tàn phá thành bình địa như Aleppo. Trong trường hợp như thế, lòng oán giận của người Hồi Giáo Sunni sống tập trung bên bờ Tây sông Tigris, sẽ là một trở ngại cho việc sống chung hòa bình với các Kitô hữu và người Hồi Giáo Shiite /si-ai/.

Trong bài “Crack team of SAS heroes ordered to hunt down and kill monstrous ISIS leader Abu Bakr al-Baghdadi”, tờ The Sun cho biết một thành phần tinh nhuệ trong lực lượng đặc biệt Iraq, gồm các tay bắn tỉa thiện xạ, được giao nhiệm vụ giết chết Abu Bakr al Baghdadi để kết thúc sớm chiến tranh.