Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Chương trình Truyền hình của chúng tôi hôm nay gồm có những tin chính sau đây:
1. ĐTC Phanxicô và buổi tiếp kiến chung đầu tiên năm 2017 với hơn 8000 người
2. ĐTC chào các đòan hành hương về thăm Vatican
3. 32 triệu người theo dõi Twitter của ĐGH Phanxicô
4. 28 nhân viên mục vụ của Giáo Hội bị giết trong năm 2016
5. Dân Biểu Quốc hội Hoa Kỳ đa số vẫn là người Kitô giáo
Sau đây mời qúi vị và anh chị em theo dõi phần tin chi tiết của chúng tôi:
Buổi tiếp kiến chung đầu tiên trong năm 2017
ĐTC Phanxicô đã nói về “Sự sống và niềm hy vọng nảy sinh từ tiếng khóc khổ đau của các bà mẹ” với hơn 8000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung đầu tiên trong năm mới tại đại thính đường Phaolo VI sáng thứ tư 4-1-2017 Ngài nói rằng: “Các hài nhi Bếtlehem chết vì Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu Chiên Con vô tội sẽ chết cho tất cả để ban sự sống cho mọi người”.
Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa văn bản kinh thánh mà ngôn sứ Giêremia nói về bà Rakhel thương khóc các con mình và không muốn được an ủi vì chúng không còn nữa. Đ0TC nói đây là một gương mặt phụ nữ nói với chúng ta về niềm hy vọng được sống trong tiếng khóc. Đó là bà Rakhel, vợ của tổ phụ Giacóp và là mẹ của Giuse và Bengiamin, người đã chết khi cho người con thứ hai là Bengiamin chào đời, như kể trong sách Sáng Thế. Ngôn sứ Giêrêmia quy chiếu bà Rakhel và hướng tới dân Israel đang sống kiếp lưu đầy bên Babylon, để an ủi họ với các lời đầy cảm động và thi vị như sau: “Người ta nghe có tiếng khóc ở Rama, một tiếng khóc than cay đắng: bà Rakhel thương khóc các con mình và không muốn được an ủi, vì chúng không còn nữa”. Sự khước từ của bà Rakhel không muốn được an ủi cũng dậy cho chúng ta biết rằng cần phải biết tế nhị trước nỗi khổ đau của người khác. Để nói về niềm hy vọng với ai bị tuyệt vọng, cần phải chia sẻ sự tuyệt vọng của họ; để lau khô nước mắt cho gương mặt của ai khổ đau, cần phải hiệp nhất với tiếng khóc của họ. Chỉ như thế các lời nói của chúng ta mới thực sự có khả năng trao ban một chút hy vọng.
ĐTC chào các đòan hành hương
Sau bài huấn dụ, ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Arập và Ý.
Chào các tín hữu nói tiếng Pháp ngài cầu mong ánh sáng của lễ Giáng Sinh tiếp tục chiếu soi cuộc sống, cả khi nó có khó khăn và không thiếu các lo âu.
Với các tín hữu đến từ Hoa Kỳ, Canada và Australia ngài xin Thiên Chúa giữ gìn họ trong suốt năm mới này trong niềm hy vọng của đức tin và ban cho họ niềm vui là con nhỏ của Chúa.
ĐTC chúc các anh chị em nói tiếng Đức và Tây Ban Nha luôn xác tín Chúa ở gần mọi người trong niềm vui và khổ đau và là hy vọng của con người.
Ngài đặc biệt chào một nhóm linh mục giáo phận Angra bên Bồ Đào Nha và xin Đức Mẹ canh thức trên con đường ơn gọi của các vị và giúp các vị là dấu chỉ sự tin tưởng và hy vọng cho tín hữu.
Chào các tín hữu Ba Lan ngài nói ngày mốt là lễ Chúa tỏ mình. Trên đường của các thành phố và nhiều nơi tại Ba Lan có các đoàn kiệu của Ba Vua chào các tham dự viên với lời chào của thánh Phanxicô “An bình và hạnh phúc”. Ngài xin mọi người nhớ rằng Chúa Giêsu đã nhập thể giáng sinh tại Bếtlêhem và đem ơn cứu độ tới cho chúng ta và muốn ở trong tim từng người.
Trong các đoàn hành hương nói tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào nhóm “Hiệp hội gia đình cầu nguyện và sống bác ái” cử hành 45 năm thành lập; các đại diện Trung tâm tông đồ của chân phước Vincenzzo Romano mừng 25 năm hoạt động đào tạo ơn gọi; các tu sĩ khấn tạm dòng Anh em hèn mọn tỉnh dòng thánh Antôn và phong trào giới trẻ huynh đệ Phan Sinh Betania.
Sau cùng ĐTC chào các bạn trẻ, ngài cầu mong họ biết sống mỗi ngày trong năm mới như ơn của Chúa với lòng biết ơn và sự liêm chính. Ngài xin Chúa và Đức Mẹ gần gũi và an ủi các anh chị em đau yếu bệnh tật, và giúp các đôi tân hôn dấn thân thực hiện sự hiệp thông cuộc sống chân thành theo chương trình của Thiên Chúa.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
32 triệu người theo dõi Twitter của ĐGH Phanxicô
Đầu năm 2017 tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha Phanxicô có 32 triệu theo dõi. Qua tài khoản Twitter, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp ngắn, giống như ngày Tết dương lich năm 2017 Ngài đã viết: "Chúng ta hãy phó thác năm mới cho Đức Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, để hòa bình và lòng thương xót có thể phát triển trên toàn thế giới"; hoặc cuối năm 2016: Ngài viết "Khi chúng ta kết thúc năm cũ, chúng ta hãy nhớ những ngày, tuần và tháng, chúng tôi đã sống để tạ ơn và dâng lên Chúa tất cả mọi thứ"
Đa số những người theo dõi tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha là những người nói tiếng Tây Ban Nha. Sau đây là con số những người theo dõi tài khoản Twitter của ĐGH xếp theo ngôn ngữ:
Tây Ban Nha: 12.500.000 người
Tiếng Anh: 10,2 triệu
Ý: 4.100.000
Bồ Đào Nha: 2.440.000
Ba Lan: 751.000
Latin: 735.000
Pháp: 717.000
Đức: 412.000
Ả Rập: 350.000
Đức Giáo Hoàng Benedictô thứ 16 đã mở tài khoản Twitter một vài tháng trước khi Ngài từ chức. Còn tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha Phanxicô được chính thức khai mạc tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh vào ngày 3 tháng 12, năm 2012. Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tài khoản Pontifex ngay sau khi đắc cử. Ngày 17 tháng 3 năm 2013 ngài gửi ra Twit đầu tiên "Các bạn thân mến, từ trái tim của tôi tôi cảm ơn bạn và yêu cầu bạn tiếp tục cầu nguyện cho tôi”.
28 nhân viên mục vụ của Giáo Hội bị giết trong năm 2016
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc vừa đưa ra báo cáo thường niên về các trường hợp nhân viên mục vụ của Giáo Hội bị giết trong năm qua.
Trong năm 2016, 28 nhân viên chăm sóc mục vụ của Giáo Hội đã bị thiệt mạng trên toàn thế giới. Theo những số liệu do Fides thu thập được, trong năm 2016, 14 linh mục, 9 nữ tu, một chủng sinh, 4 giáo dân đã bị chết thảm. Ở Mỹ Châu có 12 nhân viên chăm sóc mục vụ đã bị giết; trong đó có 9 linh mục và 3 nữ tu. Tại Phi Châu 8 vị đã bị giết gồm 3 linh mục, 2 nữ tu, một chủng sinh, cùng với 2 giáo dân. 7 vị tại Á châu đã bị giết chết gồm 1 linh mục, 4 nữ tu, và 2 giáo dân. Tại Âu châu có một linh mục đã bị khủng bố Hồi Giáo giết chết.
Phần lớn các nhân viên chăm sóc mục vụ đã bị giết trong năm 2016 là do các vụ cướp, và trong một số trường hợp các vị bị giết rất dã man. Đó là dấu chỉ của sự suy đồi đạo đức, sự gia tăng nghèo đói cả về kinh tế lẫn văn hóa, dẫn đến các hình thái bạo lực coi thường tính mạng con người. Trong nhiều trường hợp, các linh mục, nữ tu và giáo dân đã bị giết, nằm trong số những người lớn tiếng lên án bất công, tham nhũng, nghèo đói, nhân danh Tin Mừng.
Dân Biểu Quốc hội Hoa Kỳ đa số vẫn là người Kitô giáo
Quốc Hội Hoa Kỳ nhậm chức vào thứ ba vừa qua vẫn còn gần như đa số áp đảo là Kitô giáo gần giống như năm 1960 trước đây, ngay cả trong khi tỷ lệ người Mỹ trưởng thành người tự gọi mình là Kitô hữu đã giảm, theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu Pew
Một báo cáo từ nhóm trung lập nói rằng 91% các nhà lập pháp trong Quốc hội thứ 115 kỳ này là người đảng Cộng Hòa và nói mình là Kitô hữu, giảm nhẹ so với 95% trong Quốc hội thứ 87 vào năm 1961 và 1962, những năm đầu tiên có dữ liệu để so sánh.
Ngược lại, phần lớn người Mỹ tự gọi mình là Kitô giáo đã giảm xuống 71% trong năm 2014, báo cáo của Pew cho biết. Trong khi Pew không có con số cho năm 1960, một cuộc khảo sát của Gallup từ thời điểm đó cho thấy rằng 93% người Mỹ đã mô tả mình là Kitô hữu.
Khoảng cách lớn nhất giữa Quốc hội và người Mỹ là số những người nói rằng họ không có tôn giáo. Chỉ có một nghị sĩ, đại diện đảng Dân chủ bà Kyrsten Sinema Arizona, cho mình là không liên kết với tôn giáo nào cả. Nhưng theo cuộc khảo sát của Pew cho thấy 23% người Mỹ cho rằng mình không thuộc tôn giáo nào cả.
Trong số 293 dân biểu Cộng Hòa được bầu vào Quốc hội mới, tất cả là Kitô hữu trừ 2 người Do Thái.
242 dân biểu đảng Dân chủ trong Quốc hội, 80% họ là Kitô hữu, còn lại có 28 người Do Thái, 3 người Phật tử, 3 người theo đạo Hindu, 2 người Hồi giáo và 1 một tin vào vũ trụ phổ quát.
Số dân biểu người Tin Lành trong Quốc hội nay đã giảm xuống 56% so với 75% trong năm 1961, trong khi dân biểu người Công Giáo trong Quốc hội đã tăng lên đến 31% từ 19% vào năm 1960.
Dân số Hoa Kỳ trong năm 2014 là 46,5% người Tin Lành và 21% người Công Giáo theo như cuộc khảo sát của Pew cho thấy.