Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Giáo phận Maiduguri, Phi Châu: ''Chúng tôi lo sợ các cuộc tấn công mới trong thời gian Giáng sinh sắp tới''

Theo hãng Thông tấn Fides phát đi từ Abuja, Cha Gideon Obasogie đã cho biết như trên. Cha là Giám đốc Truyền thông Xã hội của Giáo phận Maiduguri, thủ phủ của tiểu bang Nigeria Borno, nơi mà ngày Chúa Nhật 11/12 đã xảy ra một cuộc nổ bom làm cho một người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong một cuộc tấn công tự sát được thực hiện bởi hai cô gái.

Cha Gideon cho hay: “Có nhiều lo ngại cho rằng cuộc tấn công mới đây có thể đánh dấu sự khởi đầu cho một loạt các cuộc tấn công của người Boko Haram trong thời gian Giáng sinh sắp tới”.

“Các cuộc tấn công tương tự như thế là một sự trả thù của người Boko Haram chống lại cuộc tái chiếm do quân đội Nigeria thực hiện trong khu vực bắc Nigeria nơi nhóm Hồi giáo quá khích đã chiếm đóng. Đó cũng là cách để khuyến khích các thành viên của họ và dân chúng biết rằng họ vẫn hiện diện tại các thành phố lớn của chúng ta”.

“Người dân Maiduguri rất cẩn trọng và luôn xa lánh các phố xá, siêu thị lớn cũng như các nơi có nhiều người đông đúc tụ họp vì đó là mục tiêu dễ dàng cho các cuộc tấn công của những người Boko Haram.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc tới các vị tử đạo của Lào quốc trong lúc đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật

Theo Đài Vatican, trưa Chúa Nhật 11/12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về việc phong chân phước cho một số các vị tử đạo đã diễn ra ngày hôm trước tại Thủ đô Vientiane, Lào quốc.

Cha Mario Borzaga, OMI, một nhà truyền giáo người Ý 27 tuổi và vị giáo lý viên của Ngài là Paul Thoj Xyooj đã bị nhóm phiến quân Cộng sản sát hại vào năm 1960. Lễ phong chân phước cũng bao gồm 14 vị khác bị giết “vì hận thù của đức tin.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại sự hy sinh của các Ngài sau đọc kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngài nói:

“Gương Trung thành anh dũng của các Ngài với Chúa Kitô có thể là một sự khích lệ và mẫu gương cho các công cuộc truyền giáo, đặc biệt cho các giáo lý viên, những người nắm giữ một vai trò tông đồ có giá trị và không thể thay thế, mà Giáo Hội rất mang ơn.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta xác tín rằng các giáo lý viên làm rất nhiều việc, những việc tuyệt vời! Là một giáo lý viên bạn mang thông điệp của Chúa và làm cho thông điệp ấy phát triển trong nội tâm của người đón nhận. Vậy chúng ta hãy vỗ một tràng pháo tay lớn cho tất cả các giáo lý viên.”

3. Đức Thánh Cha kêu gọi tổng thống Assad tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Syria

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad tìm kiếm một giải pháp nhằm “chấm dứt bạo lực và giải quyết một cách hòa bình cuộc chiến tại Syria”.

Thông điệp cá nhân của Đức Thánh Cha đã được Đức Hồng Y Mario Zenari, sứ thần Tòa Thánh tại Syria, trao tận tay cho tổng thống Assad. Đức Hồng Y Mario Zenari vừa trở về Damas sau khi sang Rôma để được vinh thăng Hồng Y.

Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng đã dành một sự ưu ái đặc biệt cho Đức Hồng Y Zenari, qua đó “Đức Thánh Cha muốn bày tỏ một dấu chỉ đặc biệt tình cảm của mình dành cho người dân Syria thân yêu, vì những đau khổ tột cùng trong những năm gần đây.”

Trong thông điệp gởi tổng thống Assad, Đức Thánh Cha nhắc lại lời lên án thường xuyên của ngài về chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan “đến từ bất cứ ngõ ngách nào”. Tuy nhiên, ngài cũng lên tiếng thúc giục tổng thống Assad tuân theo luật pháp quốc tế liên quan đến việc bảo vệ thường dân, và tạo cơ hội cho các viện trợ nhân đạo đến được với các nạn nhân chiến cuộc.

4. Hàng ngàn di vật Kitô Giáo có niên đại hàng ngàn năm bị quân khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy tại Mosul

Kể từ khi nắm quyền kiểm soát thành phố Mosul vào ngày 10 tháng 6 năm 2014 đến nay, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã phá hủy hàng ngàn bức tượng, những trụ gạch, bản thảo và các di vật khác có niên đại hàng nghìn năm. Các nhà khảo cổ và dân chúng địa phương đã cho biết như trên.

Khi lực lượng Iraq càng ngày càng tiến gần hơn đến việc tái chiếm hoàn tón thành phố Mosul, các nhà khảo cổ và các cư dân lưu vong không khỏi ngậm ngùi khi chứng kiến những tàn phá kinh hoàng một quá khứ lừng lẫy, đã một thời tiêu biểu cho bản sắc của thành phố.

“Mosul mà không có các di tích đặc thù của nó thì chỉ đơn thuần là một thành phố lớn, không có gì đặc biệt, không có linh hồn trong các khu phố của mình,” Mohammed Younis, một thanh niên 21 tuổi, là người lớn lên trong khu phố al-Muhandisin nói.

Mosul như ta thấy hiện nay được xây dựng trên di tích thành Nineveh cổ, có niên đại cả 4,000 năm, trước đây từng là vinh quang của vua Sennacherib người Assyrô. Ở thời hoàng kim, Nineveh là thành phố lớn nhất trên thế giới. Nó thậm chí còn tỏa sáng hơn cả Athens của Hy Lạp.

Younis sống trên bờ phía đông của sông Tigris, chỉ cách một vài căn phố là đến khu di tích đổ nát của thành Nineveh, nơi được đề cập đến nhiều trong Kinh Thánh.

Quân khủng bố Hồi Giáo IS cũng đã phá hủy các bức tượng và các cấu trúc nổi tiếng thế giới tại thành phố cổ Palmyra, bên Syria, nơi vừa được tái chiếm vào cuối tuần qua.

5. Trong lễ kính Đức Mẹ Guadalupe, Đức Giáo Hoàng nói chúng ta không mồ côi

Khi cử hành Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào sáng thứ Hai 12 tháng 12, lễ Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng nước Mễ Tây Cơ, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tín hữu rằng “chúng ta không và sẽ không bao giờ là một đứa trẻ mồ côi; vì chúng ta có một người mẹ!”

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói rằng Giáo Hội phải luôn luôn nhìn lên Mẹ Maria như một mẫu gương và “học hỏi từ đức tin của Mẹ để biết làm thế nào để đi vào lịch sử như là muối và ánh sáng trong cuộc sống của chúng ta và trong xã hội chúng ta.”

Đức Thánh Cha cũng đối chiếu sự chăm sóc yêu thương của Đức Mẹ với thái độ đang thịnh hành trong cuộc sống hiện đại: “một xã hội thích tự hào về những tiến bộ khoa học và công nghệ nhưng lại làm ngơ và vô cảm trước vô vàn những khuôn mặt ngơ ngác trên đường đời, và bị gạt ra ngoài lề xã hội bởi sự kiêu hãnh mù quáng của một thiểu số.”

6. Đức Hồng Y Trần Nhật Quân nhận xét rằng Bắc Kinh chưa sẵn sàng chấp nhận thẩm quyền của Giáo Hoàng

Sự tham gia của một giám mục bị rút phép thông trong lễ tấn phong tân giám mục trong tuần qua cho thấy Bắc Kinh chưa sẵn sàng chấp nhận thẩm quyền của Giáo Hoàng. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám mục về hưu của Hương Cảng, nhận xét như trên với thông tấn xã Reuters.

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân đã nhắc đến buổi lễ hôm 30 tháng 11 để tấn phong Giám Mục cho Đức Cha Giuse Đường Viễn Các (Tang Yuange) làm Giám Mục Thành Đô. Lễ tấn phong đã diễn ra với sự chấp thuận của cả Vatican và Tòa Thánh. Nhưng trái với những mong muốn của các tín hữu tại Thành Đô, ngụy giám mục Lôi Thế Ngân (Lei Shiyin) ở Lạc Sơn, người đã bị dứt phép thông công sau khi được Hội Công Giáo Yêu Nước bổ nhiệm mà không có sự ủy nhiệm của Vatican, đã tham gia vào buổi lễ.

Việc các quan chức chính phủ ủng hộ và nằng nặc phải có sự hiện diện của các giám mục bị vạ tuyệt thông cho thấy rằng chế độ Bắc Kinh chưa sẵn sàng chấp nhận thẩm quyền của Tòa Thánh trong việc bổ nhiệm giám mục.

Đức Hồng Y nói. “Sau một cuộc đối thoại dài như vậy, họ vẫn chưa cho thấy sự nhượng bộ nào đối với thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng.”

Đức Hồng Y Quaân đã liên tục lập luận rằng Vatican không thể nhường quyền kiểm soát việc bổ nhiệm các tân giám mục cho Bắc Kinh.

7. 80 Thị Trưởng Âu Châu họp tại Vatican bàn vấn đề người tỵ nạn

Khoảng 80 Thị Trưởng của các thành phố tại Âu Châu đã nhóm họp trong hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy mồng 9 và 10 tháng 12 năm 2016 tại Tòa Thánh Vatican để bàn về cuộc khủng hoảng người tỵ nạn với chủ đề “ Âu Châu: Người Tỵ Nạn Là Anh Chị Em Của Chúng Ta”.

Cuối cuộc họp, các Thị Trưởng đã ra một tuyên cáo và quyết định thiết lập một”Mạng lưới các Thị trưởng tại Âu Châu” để đối phó với vấn đề người tỵ nạn.

Theo bản tuyên cáo thì mạng lưới các Thị Trưởng phải tập trung vào vấn đề giữa con người với nhau, có tầm nhìn tiến bộ về đa văn hóa, có sự tham dự tích cực của xã hội dân sự, bao gồm cả những truyền thống tôn giáo, trong đó phải bảo vệ và thăng tiến nhân phẩm, tự do, công lý. Trong các cuộc tranh luận, phải để hội nhập và hoà bình vượt thắng những thiên kiến của chúng ta.

8. Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của nông thôn

Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của nông thôn và kêu gọi thực thi tinh thần liên đới để giải quyết các vấn đề của giới nhà nông.

Ngài đưa ra lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 10 tháng 12, dành cho 60 tham dự viên khóa họp của Hiệp hội Công Giáo quốc tế của giới nông thôn, gọi tắt là ICRA.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nhắc đến những vấn đề của giới nông thôn là thiếu các cơ cấu công quyền, sự thủ đắc bất công đất đai và tước đoạt sự sản xuất của những sở hữu chủ hợp pháp, những phương pháp đầu cơ bất chính và sự thiếu chính sách chuyên biệt trên bình diện quốc gia và quốc tế. Đức Thánh Cha cũng tố giác rằng khi nhìn thế giới nông thôn ngày nay, người ta thấy chiều kích thị trường chiếm quyền tối thượng và hướng dẫn mọi hành động và quyết định! Vì thế người ta hy sinh nhịp sống canh nông với những lúc làm việc và nghỉ ngơi, ngày nghỉ hàng tuần và sự chăm sóc gia đình. Đời sống canh nông bị coi như chỉ có một giá trị thấp.

Trong bối cảnh trên đây, Đức Thánh Cha kêu gọi nhìn nhận ý nghĩa con người, chiều kích gia đình và xã hội, cảm thức liên đới, như những giá trị thiết yếu, kể cả trong những tình trạng chậm tiến và nghèo đói. Cần phải gia tăng tinh thần nhân đạo, nhất là đề ra những chọn lựa can đảm và luôn cập nhật khả năng chuyên môn, để cộng tác với các tổ chức quốc gia và quốc tế trong việc đề nghị các kỹ năng và giải quyết các vấn đề, luôn luôn theo tiêu chuẩn nhân đạo.