Ngày 14 tháng Mười Hai vừa qua, tại hội nghị của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu (OSCE) ở Vienna, bàn về việc chống bất khoan dung và kỳ thị đối với người Kitô Hữu, Đức Ông Antoine Camilleri, thứ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, đã đọc bài tham luận sau đây:

Tòa Thánh coi việc nhấn mạnh tới tầm quan trọng liên tục và kéo dài của tự do tôn giáo hay tín ngưỡng là một nghĩa vụ. Từ việc cam kết đầu tiên của Tòa Thánh đối với các cuộc thương thảo Helsinki, qua nhiều thập niên hội nghị và gặp gỡ tại Ủy Ban An Ninh và Hợp Tác Âu Châu (CSCE) tới việc làm sâu rộng của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu hiện nay, việc bảo vệ và cổ vũ tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đã là và vẫn là ưu tiên chủ chốt và cốt yếu trong các cố gắng không ngừng của Tòa Thánh nhằm duy trì phẩm giá cố hữu của mọi người nam nữ. Tòa Thánh làm như thế không phải vì mình đang theo đuổi quyền lợi riêng trong tư cách thẩm quyền cai quản tối cao của Giáo Hội Công Giáo hay vì không quan tâm tới các quyền hay tự do khác, mà vì tự do tôn giáo hay tín ngưỡng là thước đo việc tôn trọng mọi nhân quyền và tự do căn bản khác, vì nó là tổng hợp và là yếu tố chủ chốt của chúng.

Thật vậy, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố một cách đáng ghi nhớ rằng tự do tôn giáo tạo thành "chính trái tim của các nhân quyền" (1). Tự do tôn giáo, do đó, là điều chủ yếu đối với việc bảo vệ các nhân quyền của mọi người, bất chấp họ là tín đồ hay là người không tin, vì trong lãnh vực lương tâm, là điều vốn tạo nên phẩm giá con người, các nhân quyền tương liên với nhau và bất khả phân chia, như tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, tự do lương tâm và tự do ngôn luận. Thực thế, việc chống lại bất khoan dung và kỳ thị đối với các Kitô hữu có thể là một khí cụ hữu hiệu trong việc bảo vệ các nhân quyền của tín đồ các tôn giáo khác, và, đúng ra, là bảo vệ cả các nhân quyền của những người không tuyên xưng bất cứ một tôn giáo nào.

Do đó, Tòa Thánh lấy làm vinh dự lớn lao khi được mời đọc bài diễn văn chủ chốt trước Hội nghị này về việc chống bất khoan dung và kỳ thị đối với các Kitô hữu. Trước khi làm thế, tôi muốn bắt đầu bằng việc cảm ơn Đại sứ Eberhard Pohl, Chủ tịch Hội đồng Thường trực, và Tiến sĩ Michael Link, Giám đốc Văn phòng các Định chế Dân chủ và Nhân quyền (ODIHR), vì những lời giới thiệu sâu sắc của các vị. Tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn của Tòa Thánh đối với các nhân viên của Văn phòng các Định chế Dân chủ và Nhân quyền vì đã tổ chức biến cố này.

Về chủ đề hội nghị của chúng ta, tôi muốn nhấn mạnh - dù ngắn ngủi- tới ba vấn đề: 1) bất khoan dung tôn giáo và tự do tôn giáo hay tín ngưỡng; 2) Các hình thức khác nhau, trong đó có các hình thức gần đây hơn, của bất khoan dung và kỳ thị đối với các Kitô hữu; và 3) tiềm năng tốt hệ ở việc bắt tay với tôn giáo hay tín ngưỡng.

Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng và bất khoan dung / kỳ thị

Kỳ thị và bất khoan dung đối với các Kitô hữu, cả nam lẫn nữ, không phải vì lý do chủng tộc, giới tính hay ngôn ngữ của họ, nhưng vì đức tin của họ, là một sự vi phạm và một thách thức trực tiếp đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, một trong những nhân quyền được đề cập một cách rõ ràng trong Văn Kiện Cuối Cùng của Hội Nghị Helsinki, và được duy trì trong các cam kết kế tiếp của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu, coi như ưu tiên của tổ chức này và 57 quốc gia thành viên.

Mặc dù, mới thoạt nhìn, xem ra có vẻ ngạc nhiên khi Ủy Ban An Ninh và Hợp Tác Âu Châu và Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu – trong tư cách một sắp xếp an ninh khu vực - lại dấn thân vào các vấn đề tự do tôn giáo hay tín ngưỡng và các nỗ lực nhằm chống kỳ thị và bất khoan dung đối với các Kitô hữu, nhưng nếu suy nghĩ sâu sắc hơn về các vấn đề liên quan ta sẽ thấy rõ các lý do khiến có sự chú ý này. Bất khoan dung và kỳ thị chống lại các Kitô hữu, giống như bất cứ sự bất khoan dung và kỳ thị nào dựa trên cơ sở tôn giáo, không chỉ là một dấu hiệu vi phạm nhân quyền mà chúng còn chứng tỏ là một mảnh đất màu mỡ cho các vi phạm nhân quyền khác nhằm làm suy yếu và đe dọa sự gắn bó xã hội; điều này có thể dẫn đến bạo lực và xung đột, thậm chí giữa các quốc gia với nhau. Nếu Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu thực sự cố gắng đem lại an ninh và hợp tác – cho từ Vladivostok đến Vancouver – thì nó phải luôn cảnh giác đối với việc bất khoan dung và kỳ thị nhắm vào các người nam nữ chỉ vì đức tin của họ vào Chúa Giêsu Kitô.

Bất khoan dung và kỳ thị chống các Kitô hữu dưới nhiều hình thức

Mặc dù mục tiêu rõ ràng của Hội Nghị này là về khu vực Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu, và chắc chắn, có nhiều điển hình và phạm vi quan tâm trong khu vực của chúng ta, nhưng tôi sẽ thật thiếu sót nếu không ít nhất nhắc tới cuộc bách hại dã man các Kitô hữu đang diễn ra tại các nơi khác trên thế giới, cũng thật đáng buồn là ở ngay bậc cửa của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu. Các bạo tàn chống lại các Kitô hữu ở Syria và Iraq khủng khiếp đến nỗi lời nói không thể nào diễn tả thỏa đáng được, và ta không thể quên được số phận của họ. Thật vậy, trong ít ngày vừa qua, bóng tử thần của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố bạo lực đã một lần nữa trùm phủ lên cộng đồng Coptic ở Ai Cập.

Căn cứ vào thực tế của khu vực Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu, chúng ta phải công nhận rằng kỳ thị và bất khoan dung, trong đó có tội căm thù, đang tác động lên nhiều Kitô hữu và cộng đồng Kitô Giáo, bất chấp quan niệm thường gặp cho rằng trong phần thế giới này, việc kỳ thị hay bất khoan dung như thế không hề xảy ra. Hình như, việc thuộc về một tôn giáo đa số khiến người ta không coi các Kitô hữu là nạn nhân của bất khoan dung. Tuy nhiên, quan niệm này không dựa vào thực tế.

Các cuộc tấn công liên tiếp chống lại các nhà thờ Kitô giáo và các tòa nhà tôn giáo, hết lần này tới lần khác, được các dữ kiện của Văn phòng các Định chế Dân chủ và Nhân quyền xác nhận, đã dễ dàng đánh đổ quan niệm cho rằng các Kitô hữu không phải chịu sự bất khoan dung. Việc cố ý tiêu hủy các nhà thờ, nhà nguyện và hội trường, việc chủ ý phá hoại các địa điểm và biểu tượng tôn giáo, kể cả thánh giá, tượng ảnh và các đồ tạo tác Kitô giáo khác, cũng như các hành vi trộm cắp và lạm dụng phạm thánh những đồ vật được các Kitô hữu coi là thánh, đều là những điển hình của các hành vi không những bất kính, mà còn bất khoan dung, và trong hầu hết các trường hợp, còn là hành vi tội ác nữa, vi phạm do thành kiến.

Các hình thức mới của sự bất khoan dung và kỳ thị các Kitô hữu

Tòa Thánh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc bất khoan dung và kỳ thị chống các Kitô hữu không phải chỉ là các cuộc tấn công bạo lực hay phá hoại bừa bãi các đồ tạo tác tôn giáo và diễn ra dưới nhiều hình thức mới. Các hình thức bất khoan dung và kỳ thị mới này cần được thừa nhận. Trong một bài diễn văn chính của ngài về Kitô giáo trong xã hội, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nhận diện một số xu hướng rất đáng lo ngại như sau:

“Tôn giáo ... không phải là một vấn đề để các nhà lập pháp giải quyết, mà là một đóng góp chủ yếu cho cuộc đàm thoại quốc gia. Dưới ánh sáng này, tôi không thể không nói lên quan ngại của tôi đối với việc càng ngày người ta càng đặt tôn giáo, nhất là Kitô Giáo, ra bên lề, điều đang diễn ra ở một số nơi, thậm chí cả ở những quốc gia vốn nhấn mạnh tới sự khoan dung. Có những người sẵn sàng cổ vũ việc bắt tôn giáo phải im tiếng, hoặc ít nhất phải lui vào phạm vi hoàn toàn tư riêng. Có những người cho rằng không nên khuyến khích việc cử hành công cộng các lễ hội như Giáng sinh, vì lầm tin rằng việc này phần nào có thể xúc phạm đến những người của các tôn giáo khác hoặc không tôn giáo nào. Và có những người lý luận - một cách oái oăm với ý định loại bỏ kỳ thị - rằng đôi khi, nên đòi hỏi các Kitô hữu đang đảm nhiệm các vai trò công phải hành động trái với lương tâm của họ. Đó là các dấu hiệu đáng lo ngại của việc không biết đánh giá cao không những quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo của các tín hữu, mà còn cả vai trò hợp pháp của tôn giáo trong các nơi công cộng. Do đó, tôi muốn mời gọi tất cả các bạn, trong lĩnh vực gây ảnh hưởng riêng của các bạn, tìm mọi cách để cổ vũ và khuyến khích cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí ở mọi bình diện của đời sống quốc gia" (2).

Những điển hình trên của điều ta có thể đúng đắn gọi là "tình cảm chống Kitô giáo" đều là hình thức mới của sự bất khoan dung và kỳ thị chống lại các Kitô hữu. Như Đức Bênêđictô XVI đã chỉ rõ, nó dựa vào việc đặt quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng trên cơ sở một khái niệm chung chung nào đó về sự khoan dung và bất kỳ thị.

Tuy nhiên, ta không nên sử dụng hay giải thích lòng khoan dung và sự bất kỳ thị một cách khiến quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng hay các quyền tự do căn bản khác bị hạn chế. Luật lệ chống kỳ thị nào phủ nhận tự do tôn giáo hay tín ngưỡng - và thường làm ngơ quyền của các Kitô hữu được hành động theo niềm tin và quan tâm của họ - đều hoàn toàn đi ngược lại các cam kết lâu đời của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu. Ở đây, tôi xin đưa ra một phân biệt quan trọng: Tòa Thánh mạnh mẽ tôn trọng nguyên tắc này: mọi quyền đều kéo theo các nghĩa vụ và bổn phận. Do đó, một người tự xưng là Kitô hữu không thể cho rằng tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cho phép họ dùng bạo lực chống lại người không tin. Tuy nhiên, cũng cùng một cách, nhà giảng thuyết Kitô Giáo nào biết giảng dạy một cách tôn kính và trung thành các giáo điều tôn giáo hay đạo đức của Giáo Hội mình đều được bảo vệ bởi quyền tự do tôn giáo cả khi ý kiến đa số không hài lòng với lời giảng thuyết của vị này. Chúng ta phải làm cho người ta nhận thức được nạn kỳ thị chống lại các Kitô hữu, ngay ở những nơi mà công luận quốc tế thông thường không cho rằng điều này có thực. Hành động và lên tiếng công khai như một Kitô hữu dấn thân trong cuộc sống chuyên nghiệp của mình chưa bao giờ bị đe dọa nhiều hơn như hiện nay. Do đó, các Kitô hữu, cũng như những người khác, nên được phép phát biểu công khai danh tính tôn giáo của họ, không bị bất cứ áp lực nào khiến phải che giấu hoặc ngụy trang nó.

Sự bất nhất trí như trên hoặc, chính xác hơn, sự chống đối bất cứ vai trò công cộng nào của tôn giáo nằm đằng sau điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là "cuộc khủng bố lịch sự các Kitô hữu" ở nhiều nước. Dưới chiêu bài "chính xác về chính trị", đức tin và luân lý Kitô giáo bị coi là thù địch và xúc phạm, và do đó, là một điều gì đó cần được loại bỏ khỏi cuộc bàn luận công cộng. Nhưng tại sao lại phải thế? Tại sao lại phải sợ tôn giáo, nhất là Kitô giáo, khi nó tìm cách làm cho tiếng nói của mình được người khác nghe về những vấn đề có liên quan không những đối với các tín hữu, mà còn đối với cả lợi ích chung của xã hội nữa? Nỗi sợ Kitô giáo đóng vai trò hợp pháp của nó tại các nơi công cộng cho thấy một quan niệm hay phương thức "duy giản lược" (reductionist) đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, giới hạn nó một cách đơn thuần chỉ còn là quyền tự do thờ phượng. Chống lại xu hướng này, Đức Thánh Cha đã khẳng định rằng:

"Tự do tôn giáo chắc chắn là quyền thờ phượng Thiên Chúa, từng cá nhân và từng cộng đồng, theo tiếng lương tâm của chúng ta. Nhưng, do bản chất của nó, tự do tôn giáo vượt quá các nơi thờ phượng và phạm vi tư riêng của các cá nhân và và các gia đình. Vì chính tôn giáo, chiều kích tôn giáo, không phải là một nền tiểu văn hóa (subculture); nó là thành phần tạo nên nền văn hóa của mọi dân tộc và mọi quốc gia" (3).

Những hạn chế về tự do tôn giáo cần phải bị thách thức, vì tội ác căm thù luôn triển nở trong một môi trường nơi mà tự do tôn giáo không được tôn trọng đầy đủ và là nơi tôn giáo bị kỳ thị.

Tôn giáo hay tín ngưỡng như một nhân tố tích cực

Bất chấp nhiều thách thức chúng ta đang phải đương đầu trong cuộc chiến chống sự bất khoan dung đối với các Kitô hữu, chúng ta không nên quên rằng tôn giáo hay tín ngưỡng - và do đó Kitô giáo - có khả năng vô giới hạn làm điều tốt, không những cho các cá nhân hoặc cộng đồng (ta chỉ cần xem xét các công việc từ thiện khổng lồ được thực hiện bởi các Kitô hữu), mà còn cho xã hội như một toàn thể nữa.
Trong khi thừa nhận vai trò tích cực mà tôn giáo có thể đảm nhiệm trong lĩnh vực công cộng và trong xã hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Thông điệp Laudato Si của ngài, tái khẳng định rằng "Giáo Hội không không đòi ... thay thế chính trị" (4). Giáo Hội cũng không cho là mình có thể cung cấp các giải pháp kỹ thuật cho các vấn đề của thế giới vì trách nhiệm làm điều này thuộc những nơi khác. Tuy nhiên, tôn giáo có nhiệm vụ đặc biệt phải cung cấp các nguyên tắc hướng dẫn cho cộng đồng các tín hữu và cho xã hội nói chung. Do chính bản chất của nó, tôn giáo mở cửa hướng ra một thực tế lớn hơn và nhờ đó, nó có thể dẫn con người và các định chế hướng tới một viễn kiến phổ quát hơn, đến một chân trời của tình huynh đệ phổ quát có khả năng cao thượng hóa và phong phú hóa đặc tính của sự trợ giúp nhân đạo. Người thực sự được đào luyện bởi viễn kiến tôn giáo không thể thờ ơ đối với những đau khổ của mọi người nam nữ. Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu vốn rõ ràng thừa nhận chiều kích công cộng hết sức quan trọng và chủ yếu này của các cộng đồng tôn giáo. Về phương diện này, tôi xin qúy vị lưu ý nguyên tắc 16 của Văn Kiện Kết Thúc Hội Nghị Vienna năm 1989 và Quyết Định Số 3/13 của Hội đồng Bộ trưởng. Những cam kết này yêu cầu những nước tham gia bao gồm các cộng đồng tôn giáo vào cuộc đối thoại công cộng, thông qua cả các phương tiện truyền thông đại chúng.

Do đó, các nước nên hoan nghênh các tham luận của đại diện các cộng đồng tôn giáo để họ nói lên quan điểm của họ - dựa trên các xác tín luân lý dẫn khởi từ đức tin của họ - về cuộc sống hàng ngày, và đặc biệt, dựa trên các quy định pháp lý và hành chính của đất nước họ. Tòa Thánh xác tín rằng đối với các cá nhân cũng như các cộng đồng, chiều kích tín ngưỡng có thể cổ xúy việc tôn trọng các tự do và nhân quyền căn bản, ủng hộ dân chủ và pháp quyền và góp phần vào việc tìm kiếm sự thật và công lý. Hơn nữa, đối thoại và hợp tác giữa các tôn giáo, và với các tôn giáo, là một phương tiện quan trọng để cổ xúy lòng tự tin, sự tin cậy nhau, sự hòa giải, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau cũng như cổ vũ hòa bình. Các nỗ lực chung của chúng ta nhằm chống lại sự bất khoan dung hoặc kỳ thị người Kitô hữu bắt đầu từ sự nhìn nhận chung của chúng ta đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, và - như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ rõ-: "Điều này bao gồm ‘quyền được tự do chọn lựa tôn giáo mà ta phán đoán là chân thật và quyền biểu lộ các tín ngưỡng của mình nơi công cộng'. Một tính đa nguyên lành mạnh, tức tính đa nguyên biết thực sự tôn trọng các khác biệt và trân qúy chúng như thế, không bao hàm việc tư riêng hóa các tôn giáo, nhằm giản lược chúng vào cõi tối tăm trầm lặng của lương tâm cá nhân hoặc đẩy nó vào những khuôn viên vây kín của nhà thờ, hội đường hay đền thờ Hồi giáo. Điều này thực sự nói lên một hình thức mới của kỳ thị và độc đoán " (5). Cảm ơn tất cả qúy vị đã tốt bụng lắng nghe.
______________________________________________________________________________________________________________
Ghi Chú:
(1) Đức Gioan Phaolô II, Sứ Điệp cho việc Cử Hành Ngày Hòa Bình Thế Giới, 1 Tháng 1 năm 1999, số 5.
(2) Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Gặp Đại Diện Xã Hội Anh, trong đó có Ngoại Giao Đoàn, Chính Khách, Các Nhà Khoa Bảng và Các Nhà Lãnh Đạo Kinh Doanh tại Đại Sảnh Westminster, ngày 17 tháng Chín năm 2010.
(3) Đức Phanxicô, Gặp Mặt vì Tự Do Tôn Giáo Philadelphia, 26 tháng Chín năm 2015.
(4) Đức Phanxicô, Thông Điệp Laudato Si’, số 188.
(5) Đức Phanxicô, Evangelii gaudium, số 255.