Chúa Nhật 27 Thường Niên
NHỮNG SỢI DÂY VÀ NHỮNG CHIẾC CẦU
Mark link S.J.

Chủ đề:
Dụ ngôn chủ vừơn nho là một bản tóm lược lịch sử Chúa cứu độ chúng ta.”

Chiếc cầu treo Melrose bắc trên sông Niagara ở Nữu Ước nối liền Gia Nã Ðại và Hiệp Chủng Quốc. Người ta nói rằng chiếc cầu này đã được thiết kế như sau:

Trước tiên người ta thả một cái diều cho nó bay ngang qua sông. Cái diều đó được cột vào một sợi dây, tiếp theo, sợi dây này được cột lại vào một sợi thừng và đến lượt sợi thừng này lại được cột vào một sợi cáp bằng thép. Như thế, dây cáp bằng thép này được dùng để giúp cho phần còn lại của chiếc cầu đứng vững.

Câu chuyện cầu Melrose thừơng được dùng để minh hoạ cho thấy các sự việc lớn lao thường được khởi đầu bằng những việc rất khiêm tốn.

Thuật kể chuyện rất phổ biến ngay từ khi con người biết liên kết từ với nhau để tạo thành câu. Thời xưa rất ít người biết đọc hoặc viết. Khi muốn dạy một điều gì quan trọng, người ta thường dựng lên một câu chuyện về điều muốn dạy, nhờ thế không những dễ học mà còn dễ nhớ nữa.

Có lẽ Chúa Giêsu đã kể chuyện nhiều hơn phần lớn các Tôn Sư khác. Câu chuyện Ngài kể được gọi là dụ ngôn. Có người đã khéo léo mô tả dụ ngôn như là một câu chuyện bàn về thế trần hàm chứa một ý nghĩa thiên quốc. Nhằm mục đích thực tiễn hoàn toàn, các dụ ngôn của Chúa Giêsu thừơng là một trong hai dạng sau: dụ ngôn "Cửa sổ" và dụ ngôn "kiếng soi mặt".

Dụ ngôn "cửa sổ" là một chuyện đơn sơ nói về Chúa hay về Nứơc Chúa. đây là một "cửa sổ bằng lời nói" qua đó chúng ta có thể hiểu rõ hơn về Thiên Chúa hoặc Nước Chúa. Dụ ngôn dạng này thường bắt đầu với những từ sau: "Nước Trời giống như..."

Một ví dụ về dụ ngôn dạng "Cửa sổ" là câu chuyện con chiên lạc của Chúa Giêsu. Câu chuyện này so sánh mối quan tâm của người mục tử đối với một con chiên lạc và sự quan tâm của Cha Ngài đối với kẻ tội lỗi. Người mục tử ra đi tìm kiếm con chiên lạc đường. Khi tìm thấy nó, ông đã không cột chiên con vào một cái dây rồi trừng phạt nó mà lại âu yếm đặt nó trên vai mang về nhà. Chủ ý Chúa Giêsu là tỏ cho thấy Cha Ngài trên trời cư xử với kẻ tội lỗi cũng y hệt như thế. Như thế các dụ ngôn dạng "cửa sổ" là những câu chuyện giúp chúng ta hiểu rõ Thiên Chúa và Nước Ngài.

Còn ngược lại các dụ ngôn dạng "kiếng soi" là những câu chuyện có tác dụng như "chiếc gương soi bằng lời" Nghĩa là, chúng giúp chúng ta hiểu rõ chính mình. Chúa Giêsu đã xây dựng các dụ ngôn này khéo léo đến nỗi các nhân vật trong dụ ngôn đại diện cho cả đám cử toạ đang nghe Ngài. Nói cách khác, đám người đang nghe Chúa Giêsu có thể nhận ra chính mình là một trong những nhân vật được nêu ra trong dụ ngôn.

Dụ ngôn chủ vườn nho hôm nay là một ví dụ rất hay thuộc dạng này, Chúa Giêsu ám chỉ trực tiếp và đặc biệt đến các trưởng tế và biệt phái. Hãy nhìn vào các nhân vật đóng vai trong dụ ngôn sẽ thấy ngay Chúa Giêsu có ý định để cho các nhân vật này đại diện đám người nào trong cuộc sống thực tế ngoài đời.

Dĩ nhiên, Chủ vườn nho không ai khác hơn là ngoài Thiên Chúa. vườn nho, theo như bài đọc thứ nhất hôm nay cho thấy, là dân tộc Israel. Tá điền vườn nho là các vị lãnh đạo Israel. Nhóm đầy tớ đầu tiên được chủ vườn sai đến là các tiên tri thuở xưa được Chúa phái đến với Israel. Nhóm nô lệ thứ hai là các tiên tri kế tiếp cũng do Chúa phái đến với Israel. Con trai chủ vườn, tức kẻ bị giết, là Chúa Giêsu. Ðám nông gia tá vườn mới mà chủ vườn giao vườn nho lại là các Tông Ðồ của Chúa Giêsu. Họ là các nhà lãnh đạo mới của dân Chúa.

Phần cuối dụ ngôn, không được trưng ra trong bài đọc hôm nay kể lại rằng: "Các tư tế và biệt phái đều hiểu rằng Chúa Giêsu đang nói về họ". Nói cách khác, họ nhìn vào dụ ngôn "kiếng soi" này và trông thấy chính mình. nhưng thay vì hoán cải, họ vẫn cứ tiếp tục bước đi trong đường nẻo sai lạc của mình.

Ðiều này dẫn chúng ta đến một vấn nạn quan trọng, phải chăng Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này chỉ nhằm tác động đến các trưởng tế và biệt phái mà thôi không? Hoàn toàn không phải thế. Ngài còn nhắm cả đến chúng ta nữa. Như thế dụ ngôn này nói lên với chúng ta điều gì? Tôi xin đưa ra bốn điểm sau:

- Trước hết, dụ ngôn tóm lược toàn bộ Thánh Kinh nói về ơn cứu độ, nêu rõ những qui chiếu rõ rệt về Giao ước và Giao ước mới. Lần giao ước vườn đầu tiên ám chỉ đến Cựu ước. Lần giao vườn thứ hai ám chỉ đến Tân ước.
- Thứ đến, dụ ngôn này xác nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. nhân vật cuối cùng được sai đến với các tá điền không phải là một đầy tớ nào khác mà chính là con trai của chủ vườn.
- Thứ ba, dụ ngôn xác nhận các Tông Ðồ của Chúa Giêsu là những nhà lãnh đạo mới của dân Chúa.
- Cuối cùng, dụ ngôn nói với chúng ta về lòng nhẫn nại mà Chúa dành cho chúng ta cũng như trách nhiệm của chúng ta đối với Chúa.

Chủ vườn nho đã cố gắng tới ba lần để giúp các tá vườn thay đổi đường lối. Khi ông ta thấy rằng có kiên nhẫn hơn nữa cũng vô ích, ông ta mới ra tay xét xử đám này và bắt họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ.

Thiên Chúa cũng cư xử với chúng ta y như thế. Cha trên trời của chúng ta vô cùng kiên nhẫn. Nhưng rồi sẽ đến lúc sự kiên nhẫn của Chúa sẽ nhường bước cho sự xét xử. Và chúng ta cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Như thế, dụ ngôn hôm nay không chỉ nói với các trưởng tế và biệt phái thời Chúa Giêsu mà còn nói với chúng ta nữa. Dụ ngôn tóm lược câu chuyện Thánh Kinh về ơn cứu độ, cho chúng ta biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, các Tông đồ Chúa là những vị lãnh đạo mới của dân Chúa, và cuối cùng dụ ngôn ấy còn dạy chúng ta về lòng kiên nhẫn lớn lao của Chúa dành cho chúng ta, đồng thời trách nhiệm riêng chúng ta phải chịu trước mặt Ngài.

Chúng ta hãy kết thúc bằng một tư tưởng có tính cách cầu nguyện mà Richard Wilson viết ra cách đây nhiều năm. Tư tưởng này được viết thành những vần thơ trữ tình như sau:

Ðức Giêsu là người ưa kể chuyện
Ngài hình dung trong tâm trí những bức tranh
Ngài chỉ cho thiên hạ cũng như chỉ cho bạn và tôi
Cách thức sự việc xảy ra như thế nào.
Ngài đã dùng bầu trời
Ngài đã dùng biển cả
Ngài đã dùng chim muông
Ngài đã dùng cây cối
Ngài đã dùng bất cứ những gì Ngài có thể trông thấy,
Ngài là Người kể chuyện à ?
Phải, Chúa Giêsu là người ưa kể chuyện
Ngài hình dung trong tâm trí những bức tranh
Ðó là phương cách Ngài dùng
Chỉ cho thiên hạ, cho bạn cho tôi
Biết sự việc sẽ xảy ra thế nào.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Mark link S.J.



***

CHỦ ÐỀ : Vườn nho của Chúa
Sợi chỉ đỏ :

- Bài đọc I : Vườn nho là dân Israel. Thiên Chúa chăm sóc vườn nho này rất chu đáo, mong cho nó sinh nhiều trái. Nhưng nó chỉ sinh trái dại. Vì thế Thiên Chúa từ bỏ nó.
- Tin Mừng : Vườn nho là Nước Trời. Ban đầu Thiên Chúa trao Nước Trời cho dân do thái. Vì họ đã không nộp hoa lợi, nên Thiên Chúa trao Nước Trời cho một dân mới là Giáo Hội.

Minh họa

- Mille images 85 D
- "Ðứa con thừa tự đây rồi. Nào ta giết quách nó đi và đoạt lấy gia tài nó" (Mt 21,38)

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến
Ngày xưa Thiên Chúa đã đặt nguyên tổ chúng ta trong vườn địa đàng, để các ngài "canh tác và giữ vườn". Ngày nay Thiên Chúa cũng đặt chúng ta trong vườn nho Giáo Hội để chúng ta canh tác và nộp hoa lợi.
Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa chỉ cho chúng ta biết phải làm gì trong Giáo Hội của Ngài.

II. Gợi ý sám hối

- Mặc dù là thành phần của Giáo Hội, nhưng rất ít khi chúng ta góp phần xây dựng Giáo Hội.
- Chúng ta lãnh nhận ơn Chúa rất nhiều, nhưng rất ít khi chúng ta làm gì để đáp lại những ơn ấy.
- Do tội lỗi đã phạm, chúng ta đã góp phần giết chết Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa.

III. Lời Chúa

1. Bài đọc I (Is 5,1-7)

Trong dụ ngôn này, "vườn nho" tượng trưng cho dân Israel.
- Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc dân này rất ân cần chu đáo. Ngài chỉ mong nó sinh ra những trái nho ngon ngọt.
- Nhưng trước bao nhiêu tình thương và chăm sóc của Thiên Chúa, dân Israel vẫn bạc tình bạc nghĩa, như một vườn nho chỉ sinh trái dại.
- Do đó, cuối cùng Thiên Chúa quyết định bỏ mặc họ cho quân thù dày xéo.
Tất cả những điều được nói bằng lời lẽ dụ ngôn trên đều được thực hiện trong lịch sử Israel.

2. Ðáp ca (Tv 79)

Tv này là một lời nguyện sám hối. Tác giả coi mình là một người dân Israel, biết tội mình là một vườn nho không sinh trái tốt, đáng bị quân thù dày xéo. Nhưng tác giả kêu xin lòng thương xót Chúa, xin Ngài bảo vệ vườn nho yêu quý của Ngài.
Lời cầu xin ấy đã được nhậm lời : Thiên Chúa sẽ sai Con Ngài là Ðức Giêsu đến để phục hồi vườn nho ấy.

3. Tin Mừng (Mt 21,33-34)

Vườn nho mà Ðức Giêsu tái lập là Nước Trời. Những thợ làm vườn nho ban đầu là dân do thái, cách riêng là các lãnh tụ tôn giáo do thái.
Lẽ ra dân do thái phải biết ơn Chúa khi gọi họ vào Nước Trời, và đáp lại họ phải có một cuộc sống tốt, như một phần hoa lợi nộp cho Thiên Chúa là chủ vườn nho. Nhưng chẳng những họ không làm thế, mà còn giết các sự giả của Thiên Chúa, cuối cùng giết luôn Ðức Giêsu Con duy nhất của Thiên Chúa.
Vì thế, Thiên Chúa quyết định trao Nước Trời cho một dân mới là Giáo Hội.

4. Bài đọc II (Pl 4,6-9) (Chủ đề phụ)

Thánh Phaolô dạy tín hữu Philipphê bí quyết để được bình an :
- Ðừng lo lắng gì hết. Nếu có gì lo lắng thì khi cầu nguyện hãy trình bày hết cho Chúa.
- Cứ theo lương tâm mà sống những gì mà mình nghĩ là tốt (chân thật, trong sạch, công chính, thánh thiện, tiếng tốt v.v.)
- Thêm vào đó là thực hành những gì họ đã nghe Phaolô dạy và thấy Phaolô làm gương.

IV. Gợi ý giảng

1. Những ngôn sứ của Người Con thừa Tự

Chúa ơi
Lịch sử phải chăng chỉ là một sự tái diễn khôn ngoan
Là tấn thảm kịch được diễn tả lại mãi mãi muôn đời ?
Ðây vườn nho của Chúa,
Mảnh đất này Chúa đã trao cho con.
Ðây vườn nho của Chúa,
Lòng, trí con và tự do này
Tất cả đều do Người ban tặng.
Con lại chiếm cho mình mà không biết thẹn ;
Và để chiếm trọn gia tài,
Con lại quyết không nhìn Người Con thừa tự,
Dồn Người vào ngục tối sử xanh.
Thế là Chúa đã chết rồi !
Hoan hô con người !
Một mình sở hữu mọi của cải trần gian !
Vạn tuế con người,
Chỉ mình làm chủ kiếp người và lịch sử !
Chúa liền sai bao sứ giả đến
Ðể thu phần hoa lợi của tình yêu,
Ðem chia sẻ, an bình và công lý.
Thế mà tất cả lại bị đánh đập tơi bời,
Hoặc bị tống giam vào nơi ngục thất,
Hoặc bị tù đày hay là bị giết.
Giêrêmia bị ném đá, Isaia bị xé xác tan tành,
Roméro Giám mục bị bắn gục trước bàn thờ,
Cha Popieluko bị đánh nhừ tử và trấn sâu dưới nước,
Thân thể Cha Jarland đạn ghim lỗ chỗ như tổ ong bầu.
Ôi lạy Ðức Kitô !
Sao Người luôn bị ghét bỏ khinh khi,
Bị miệt thị và đóng đinh vào thập giá !
Xin ban cho con tâm hồn hiểu biết
Gương mù này của thập giá tình yêu.
Hiểu biết hơn sự ngoan cố của con người
Không cộng tác làm vườn nho của Chúa ;
Xin cho con luôn nghiệm ra rằng :
Mọi viên đá nào bị loại bỏ
Ðều trở nên viên đá góc tường,
Cho thế nhân hưởng nguồn ơn cứu độ.
Ôi lạy Ðức Kitô phục sinh !
Ngài là Con Thừa Tự của Trời, Ðất mới
Xin mở mắt con để con thấy rõ
Qua gian lao của những bậc tôi trung,
Qua cái chết của những ngài ngôn sứ,
Chúa đang thực hiện công trình của Chúa,
Công trình kỳ diệu còn khuất mắt chúng con.
(M. Hubaut, trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 313-315)

2. "Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh ?"

Trong thư gởi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã đặt một câu hỏi rất cơ bản khiến mọi người chúng ta phải suy nghĩ : "Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh ?" (1 Cr 4,7)
- Sự sống : do Chúa trực tiếp ban
- Sức khoẻ : cũng thế
- trí khôn, một số khả năng : cũng thế
- tiền bạc, tài sản : do Chúa ban qua trung gian cha mẹ, thân nhân.

Tóm lại, tất cả đều do Chúa ban. Ta đúng là một vườn nho được Chúa chăm sóc chu đáo ân cần.

Chúa chờ gì nơi ta ?

- Chúa muốn ta nhận biết tất cả là bởi Ngài . Thế mà rất thường xuyên chúng ta coi những thứ đó là của riêng của chúng ta. Như thế, chúng ta cũng giống như những tá điền kia muốn chiếm đoạt vườn nho của chủ.
- Chúa cho chúng ta hưởng dùng tất cả những thứ đó, miễn là ta góp lại một phần nhỏ cho Chúa như là phần hoa lợi . Nhưng chúng ta chỉ biết xử dụng tất cả những thứ đó cho riêng mình. Không có phần nào cho tha nhân, không có phần nào cho Giáo Hội, không có phần nào cho xã hội.

3. "Xin cho con biết nhận mà cũng biết cho"

"Xin cho con biết nhận mà cũng biết cho", một câu hát rất hay. Nó vừa là một lời cầu nguyện mà cũng vừa là một lời nhắc nhở.
"Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh ?" (1 Cr 4,7). Phải, tất cả những gì ta đang có đều là do ta lãnh nhận từ tay Chúa, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhưng không chỉ nhận, ta còn phải biết cho, bởi vì, trên căn bản, ta nhận không phải chỉ cho riêng mình mà còn cho người khác nữa.
Thảm cảnh ngày nay là có nhiều người túng thiếu bên cạnh những người dư thừa, nhiều người kém cỏi bên cạnh những người giỏi giang.
Phải chi những người thừa thải và những người giỏi giang đó ý thức rằng những gì họ nhận lãnh cũng là nhận lãnh cho những người khác, và từ đó họ biết chia sẻ cho những người khác, thì thảm cảnh kia đâu còn.
Nhận lãnh cho nhiều người mà chỉ xử dụng cho riêng mình, đó là gian lận, là trộm cắp, là biển thủ, là tội !

4. Cảm thụ của người bị vô ơn

Bài đọc I hôm nay có một câu than rất chua xót của Chúa : "Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho của Ta mà Ta đã không làm !"

Câu chuyện có thực sau đây giúp ta phần nào hiểu được cảm thụ của Chúa :

Hai vợ chồng kia có 4 đứa con và hết mực yêu thương chăm sóc chúng. Dù không giàu có, nhưng vì muốn con cái mình có được tất cả những gì tốt nhất, họ đã làm tất cả những gì họ làm được : ngoài giờ làm việc chính thức ở sở làm, họ còn đi làm thêm vào ngày Chúa nhật và các buổi tối ; vay tiền để mua một ngôi nhà rộng rãi để mỗi đứa có một phòng riêng tiện cho việc học ; không ngại gởi con vào những trường tốt nhất mặc dù học phí rất cao ; không bao giờ dám bỏ tiền đi du lịch, thậm chí không dám đi ăn cơm tiệm và đến các rạp hát để giải trí.…
Thế rồi các đứa con dần dần lớn lên, đỗ đạt, lập gia đình, có việc làm tốt. Nhưng cũng dần dần từng đứa từng đứa ra riêng. Ðứa nào cũng chỉ lo cho cuộc sống riêng của gia đình chúng, không hề nhớ đến mẹ cha. Bây giờ hai vợ chồng già sống hiu quạnh trong căn nhà cũ. Họ đã than thở với một người đến thăm :
- Chẳng có việc gì có thể làm cho chúng nó mà chúng tôi đã không làm. Thế mà bây giờ chẳng có việc gì chúng nó phải làm cho chúng tôi mà chúng nó chịu làm !

5. Chuyện minh họa

Ngày xưa có một cô gái bị nhốt trong một cái chai, rất khổ sở. Một hôm có một vị thần tình cờ đi ngang qua, nghe tiếng than của cô : "Thật là khổ sở và nhục nhã phải sống trong cái chai này. Ước gì mình được sống trong một túp lều". Vị thần động lòng, hóa phép cho cô ra khỏi cái chai và được sống trong một túp lều. Rồi vị thần ra đi. Cô gái mừng quá quên cám ơn vị thần.
Năm sau, vị thần trở lại để xem cô sống ra sao. Cô than : "Thật là khổ sở và nhục nhã phải sống trong cái túp lều này. Ước gì mình được sống trong một biệt thự rộng rãi". Vị thần động lòng, hóa phép cho cô sống trong một biệt thự. Rồi vị thần ra đi. Cô gái mừng quá quên cám ơn vị thần.
Năm sau nữa, vị thần trở lại để xem cô sống ra sao. Cô than : "Thật là khổ sở và nhục nhã phải sống trong cái biệt thự này. Ước gì mình được làm một công nương có kẻ hầu người hạ". Vị thần động lòng, hóa phép biến cô thành một công nương. Rồi vị thần ra đi. Cô gái mừng quá quên cám ơn vị thần.
Năm sau nữa, vị thần trở lại để xem cô sống ra sao. Cô than : "Thật là khổ sở và nhục nhã vì chỉ là một công nương. Ước gì mình được trở thành hoàng hậu được thần dân cả nước tôn thờ". Vị thần bảo cô cứ yên tâm đi ngủ, sáng hôm sau sẽ được như ý. Sáng hôm sau, khi thức dậy, cô gái thấy mình bị nhốt ở trong cái chai như trước !
Chúng ta cũng giống như cô gái này. Nhưng rất may là Thiên Chúa không giống như Vị Thần trong câu chuyện.

V. Lời nguyện cho mọi người

CT : Anh chị em thân mến

Thiên Chúa đã lấy vườn nho yêu quý của Ngài từ tay dân do thái bất trung để trao lại cho Giáo Hội, với hy vọng Giáo Hội sẽ làm cho nó sinh nhiều hoa trái. Trong tâm tình biết ơn Chúa, chúng ta hãy dâng lên Ngài những lời nguyện tha thiết.

1- Hội Thánh là người quản lý Nước Trời / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Ðức Giáo Hoàng, các Ðức Giám mục và các Linh mục / siêng năng trong nhiệm vụ cao cả của mình, để Nước Trời ngày càng mở rộng khắp nơi.

2- Trái đất này cũng là một vườn nho tươi tốt Chúa trao cho loài người khai thác / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các nhà lãnh đạo các nước / biết khôn ngoan quản lý đất nước mình / hầu cho mọi người dân được an cư lạc nghiệp.

3- Sở dĩ ngày nay còn nhiều người đói nghèo túng thiếu / là vì con người không biết chia sẻ cho nhau / như một hình thức nộp hoa lợi cho Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những người dư ăn dư mặc / biết quảng đại chia sớt cho những người túng thiếu.

4- Giáo xứ là một vườn nho nhỏ / trong đó mọi thành phần là những thợ vườn nho / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / tích cực làm cho vườn nho Chúa sinh nhiều trái tốt / và biết nộp hoa lợi cho Chúa bằng những việc lành.

CT : Lạy Chúa Giêsu

Chúa đã khiển trách dân do thái đã lãnh nhận vườn nho của Chúa nhưng không chịu nộp phần hoa lợi. Hội Thánh chúng con ngày nay cũng đang quản lý vườn nho Chúa và cũng chưa nộp hoa lợi cho đúng mức. Xin Chúa đừng trừng phạt Hội Thánh, nhưng xin giúp mọi thành phần Hội Thánh ý thức thiếu sót của mình để từ nay tích cực hơn trong bổn phận của mình. Chúa là Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

VI. Trong Thánh Lễ

- Kinh Tiền Tụng : nên dùng Kinh Tiền tụng Chúa nhật thường niên VIII, trình bày Hội Thánh là Vườn nho của Chúa.
- Trước kinh Lạy Cha : Kết hợp tâm tình với Ðức Giêsu, Người Con Thừa Tự duy nhất của Chúa Cha, chúng ta hãy dâng lên Chúa Cha lời kinh chính Chúa Giêsu đã dạy.

VII. Giải tán

Công việc hằng ngày của chúng ta chính là làm vườn nho cho Chúa. Chúng ta hãy nhớ nộp hoa lợi cho Ngài bằng những đóng góp cho Giáo Hội và xã hội, cũng như bằng những chia xẻ cho những anh chị em còn túng thiếu.