Lá thư Canada: LỜI YÊU THƯƠNG

Hoa Kỳ vừa có tổng thống mới. Ngài Donald Trump hoàng đế thứ 45 của nước Cờ Hoa sắp lên ngôi. Việc Ông Trump thắng cử đã làm kinh ngạc nhiều người, trong đó có báo chí Canada, vì theo giới truyền thông thì phần thắng lợi theo dự đoán sẽ nghiêng về phía bà Hillary Clinton. Một nét son làm cả thế giới kính phục Hoa Kỳ là sự tự do và dân chủ đã được thể hiện rất rõ ràng : Trong thời gian tranh cử hai bên đã tố cáo và hạ nhục nhau rất dữ dội, nhưng khi kết quả bầu cử vừa được công bố, thái độ và ngôn ngữ 2 bên đã thay đổi hoàn toàn, bên thua đã công nhận kết quả và chúc mừng bên thắng. Chỉ trong một ngày mà có 3 bài diễn văn tôi cho là tuyệt vời, đáng ghi vào lịch sử : bài thứ nhất ông Trump ăn mừng thắng lợi, bài thứ hai bà Clinton công nhận thất bại và chúc mừng ông Trump, và bài thứ ba lời bá cáo quốc dân của tổng thống đương nhiệm Obama. Cả ba bài đều đầy những ‎‎ý tưởng sâu sắc, lòng ái quốc được đề cao.

Ông ODP trong làng tôi, sau khi nghe 3 bài diễn văn này, đã cười ha ha rồi bảo : Trước bầu cử, nhiều cụ bên Hoa Kỳ đã dọa rằng nếu ông Trump mà lên làm tổng thống thì họ sẽ di cư sang Canada. Xin các cụ hãy cho ông Trump 100 ngày để ông làm việc, sau đó nếu các cụ thất vọng thì việc di cư cũng chưa muộn nha.

Xin tạm ngưng chuyện Tổng thống Trump để nói chuyện thế giới đang đầy biến động. Bên Âu Châu các dân tỵ nạn gốc Ả Rập tiếp tục gây rối loạn, nước Ý bị rung chuyển về những trận động dất, bên Trung Đông thì Iraq và ISIS đánh nhau quyết liệt, bên Á Châu thì Ông Duterte của Phi Luật Tân khuấy động việc bài Mỹ và Ông Tập Cận Bình khuấy động Biển Đông, ông Việt Cộng ăn tiền Formosa nên tiếp tục đàn áp đồng bào... À, tôi dùng chữ sai, VC tiếp tục đàn áp nhân dân. VC không bao giờ dùng chữ ‘đồng bào’. Những tin này tràn ngập cái máy vi tính bé nhỏ của tôi. Các tin ấy tuy gay cấn và nóng bỏng nhưng không làm tôi chú tâm‎ nhiều bằng tin Ca nhạc sĩ Bob Dylan được giải Nobel văn chương thế giới 2016. Tin này độc đáo qúa chứ.

Dylan năm nay đã 75 tuổi. Cả đời ông là đàn hát. Ông không viết chuyện văn chương hay làm thơ, ông chỉ làm nhạc, nhưng lời ca của ông đầy chất thơ. Hàn Lâm Viện Thụy Điển khi trao giải văn chương này đã ca ngợi ‘ Ông đã tạo nên những biểu hiệu đầy chất thơ trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của nước Mỹ’. Một ca sĩ một nhạc sĩ mà lại được giải về văn chương, lạ quá chứ. Mở máy nghe ông ca hát, tôi mê những lời ca của ông quá. Nó chất ngất thơ, thơ của các thiên tài thi sĩ chứ không phải thơ của các ‘thợ thơ’. Lời ca làm ta ngây ngất. Rất giống Trịnh Công Sơn của Việt Nam.

Tôi vừa viết đến đây, vừa nhắc tới họ Trịnh, thì được tin GS John C. Schafer cũng vừa phổ biến một tác phẩm so sánh Boh Dylan với Trịnh Công Sơn. Theo ông thì đây là hai thiên tài về nhạc và lời ca. Các cụ biết GS Schafer chứ? Ông từng dạy Anh văn tại Đại học Huế nhiều năm từ thập niên 1960 tới đầu năm 1970, và năm 2001 tại Đại Học Hà Nội. Ngoài việc dạy học, ông còn chuyên tâm nghiên cứu văn hóa VN, văn chương VN, và đặc biệt nghiên cứu về Trịnh Công Sơn . Theo ông, Trịnh Công Sơn có những nét rất độc đáo, nó vượt khỏi biên giới ngôn ngữ và chính trị. Dylan là tín đồ Thiên Chúa Giáo nên nhiều lời ca của ông ‘ướt sũng Kinh Thánh’, còn Trịnh Công Sơn là một Phật Tử thì nhiều lời ca man mác ‎ý‎ từ bi và vô thường.

Nghe xong lời tác giả uy tín Schafer, tôi tìm đọc lại những bài ca nổi tiếng của Trịnh Công Sơn, như Xin Mặt Trời Ngủ Yên, Để Gió Cuốn Đi, Gọi Tên Bốn Mùa, Hạ Trắng, Gia Tài Của Mẹ, Một Cõi Đi Về… Quả thật Schafer có mắt nhận xét bậc thày.

Tôi đem việc này nói với ông bạn già ODP của tôi. Ông gật đầu ngay và tâm sự : Xưa nay tôi chỉ mê Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Nhạc của 2 vị này hay đã vậy, mà lời ca nhiều chỗ là thơ hay chất ngất, phiêu diêu, sương khói, ấn tượng. Có người cho 2 nhạc sĩ này thiên Cộng, những ai lên án xin thử tìm xem cả 2 thiên tài này có bài nào ca ngợi CSVN và hạ nhục VNCH không nha.

Cả hai chúng tôi đang say mê bàn về Bob Dylan và Trịnh Công Sơn thì điện thoại kêu. À, Cụ Chánh tiên chỉ mời họp làng. Cụ bảo cái vườn rau nhà cụ và vườn rau nhà cụ B.95 đang đi vào cuối thu, các loại rau thơm đang gọi tên chúng ta.

Xin đội ơn Cụ Chánh tiên chỉ. Có lẽ Ông ODP và tôi đang trở thành triết nhân các cụ ạ. Cụ Chánh nhắc thì tôi mới nhớ đến mùa thu. Sáng nay đọc báo thấy tờ nào cũng nói về việc ngoạn cảnh mùa thu và ca ngợi rừng lá phong. Các cụ phương xa chắc biết cây phong mọc ở Canada nổi tiếng rồi, phải không ạ. Nó nổi tiếng vì trong nhựa cây phong có đường ngọt. Syrup sản xuất ở Canada ngon có tiếng trên thế giới. Chính vì nhựa cây phong có chất đường nên lá cây phong cuối thu không chỉ vàng úa rồi rụng, lá phong Canada là một siêu tác phẩm nghệ thuật. Vào thu, ngày ngắn lại và đêm dài ra. Nắng thu ngoài việc chiếu sáng còn tăng thêm sắc độ. Nhìn nắng vàng chan hòa khắp nơi, sao mà nó đẹp thế. Chính những tia nắng vàng rực rỡ này đã làm cho lá phong biến đổi. Cuống lá bắt đầu nhuốm vàng chút xíu, nay một chút mai một chút. Mãi rồi màu vàng mới lan ra cả lá. Rồi màu vàng biến ra màu hồng, màu đỏ tươi, mãi rồi mới biến ra màu đỏ sậm, rồi mới màu nâu, rồi mới theo gió bay đi. Cái đẹp của cây phong là các tàng lá không biến đổi màu cùng một lúc, mà mỗi lá đổi màu theo thời gian khác nhau, tùy vào độ nắng chiếu vào. Chính vì vậy mà đồi phong cuối thu trở thành một rừng màu sắc. Lá phong đẹp như vậy nên Canada đã chọn lá phong làm biểu tượng trên quốc kỳ. Cờ Canada có lá phong đỏ ở giữa là thế.

Gần nhà tôi là công viên High Park. Công viên này lớn nhất Toronto. Nó nổi tiếng về hoa anh đào vào mùa xuân. Công viên có 3 loại hoa anh đào khác nhau do Nhật Bản tặng, mỗi lần tặng là một giống hoa. Ngoài hoa anh dào, công viên còn những đồi cây phong. Đồi phong vào cuối thu trở thành đồi muôn sắc, lá xanh lá vàng lá hồng lá đỏ chen lẫn nhau. Công viên High Park này rộng lớn nên hàng ngày dân chúng kéo nhau đến đây đi bộ đông lắm. Mùa xuân mùa thu công viên này còn là nơi cuốn hút vừa khách du lịch, vừa dân chụp ảnh. Ôi đông ơi là đông. Cụ nào thích làm thơ làm nhạc, xin cũng mời đến đây. Rừng phong sẽ là một nguồn cảm hứng vô biên cho qu‎ý cụ.

Vì khắp nơi cảnh sắc mùa thu quyến rũ như vậy nên sáng nay tôi thấy báo Metro dành hẳn một trang lớn giới thiệu 8 địa danh có rừng phong đẹp trên toàn quốc. Mời các cụ du lịch Canada mùa này nha. Xin đến mau, chứ để tháng sau thì không còn cảnh đồi phong mà sẽ là đồi tuyết đó.

Xin được kể tiếp về buổi họp ở làng An Lạc của chúng tôi. Cụ Chánh và Cụ B.95 đã hái hết các loại rau thơm mà hai cụ trồng trong vườn để đãi làng một bữa thịt bò nhúng dấm ngon quên chết. Ôi những lá rau dấp cá, tía tô, kinh giới, lá ngò , lá húng cuộn với thịt bò và những sợi bún trắng, chấm vào mắm nêm, rồi đưa vào miệng, sao mà nó ngon thế. Chị Ba Biên Hòa cứ ăn xong một cuốn lại lặp lại lời của Cụ Chánh “ Món ngon nhất trên thiên đàng chắc cũng chỉ ngon đến cỡ này là cùng !”

Rồi đến món tráng miệng, món chè bí đỏ nấu với đậu xanh cũng ngon quá sức, món ngon nhất trên niết bàn cũng chỉ ngon cỡ này là cùng.

Món ăn ngon, người ăn ngon, chỗ ăn ngon, lúc ăn ngon, chúng tôi đã đạt đúng 4 tiêu chuẩn ăn ngon của cụ Tản Đà ngày xưa.

Nhân ăn món chè bí đỏ, tiếng Bắc kỳ của tôi là chè bí ngô, bữa nay tôi mới biết thêm một sự khôn ngoan các cụ ạ. Sự khôn ngoan như thế này: Trái bí đỏ càng to thì càng nhạt, trái càng bé thì càng ngọt càng ngon. Kỳ lể Halloween vừa qua, đa số dân da trắng đều bầy trước nhà những trái bí đỏ to lớn. Họ khoét mắt khoét miệng cho trái bí này, rồi đốt đèn nến bên trong. Đèn này là biểu tượng cho ngày lễ, không có nó là hỏng.

Sau phần tráng miệng chè bí đỏ là phần uống trà và chuyện thời sự. Cụ Chánh kể ngay việc Khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh ở California vừa nhập đạo Công Giáo. Cụ bảo GS Vinh thông thái ngay từ bé, mà nay, 85 tuổi, mới nhập đạo thì chứng tỏ ông đã tìm hiểu và suy nghĩ kỹ lắm. Năm 2012 GS Vũ Quốc Thúc ở Paris nhập đạo, năm nay GS Nguyễn Xuân Vinh nhập đạo. Trong Kinh Thánh Chúa nói Chúa là con đường. Xin tạ ơn Chúa đã soi đường chỉ lối.

Sau phần tin trên thì Ông ODP nói đến lễ giỗ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Lễ giỗ năm thứ 53 này được tổ chức trọng thể ở nhiều nơi. Cũng trong dịp này, Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, đã viết một bài rất hay ‘ Năm năm vàng son 1955-1960’ đề cao thời gian hòa bình và phát triển tuyệt vời của Tổng Thống Diệm. Bài này được phổ biến trên BBC và nhiều cơ quan truyền thông hải ngoại. Ai cũng khen. Các cụ biết tác giả Nguyễn Tiến Hưng chứ . Ông là tác giả nhiều cuốn sách giá trị, gần đây là cuốn Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Khi Đồng Minh Tháo Chạy. Ông là cựu Tổng Trưởng Kế Hoạch và Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975.

Nghe đến đây thì bà cụ B.95 quay vào anh John xin nghe chuyện cười. Anh liền hỏi cụ muốn nghe về đề tài nào, cụ nói ngay là đề tài nào cũng được, vì cái gì anh nói cũng hay hết. Các cụ phương xa có thấy bà cụ Bắc kỳ này mê anh John đến cỡ nào chưa. Anh bèn kể chuyện cười khi học tiếng Việt ngày xưa của Anh.

- Rằng trong các thể loại về thơ VN, tôi rất thích loại thơ kết bằng một chữ, gọi là loại thơ ‘tuyệt hậu’. Nó rất đặc biệt vì không có thơ nước nào mà lại kết hay như vậy. Chẳng hạn đoạn đối đáp sau đây giữa 2 vợ chồng vào đêm khuya. Vợ đòi tò tí mà ông chồng thoái thác :

Vợ : Dài lưng tốn vải để mà chi

Chửa tối mà sao đã ngủ khì

Anh ơi thức dậy, chiều em tí

Đi !

Chồng đáp :

Suốt ngày bận rộn việc trong ngoài

Oải cả xương sườn, oải cả vai

Việc ấy đêm nay xin gác lại,

Mai !

Rồi anh John bình luận : 2 tiếng Đi và Mai đứng một mình nghe thật là độc đáo. Tiếng Đi nghe như một lời thúc bách và năn nỉ. Tiếng Mai nghe như một lời từ chối và khất lần.

Anh H.O. liền góp ‎ý : Việc ấy trên giường thường do anh chồng khởi sự. Ở đây là một chuyện lạ, bà vợ phải đòi. Thế có nghĩa là ông chồng dám đã tò tí ở nơi khác, hết xí quách rồi nên bây giờ không còn sức để chiều vợ.

Chả biết cô vợ có nghĩ đến chuyện này không. Chắc chưa nghĩ tới. Chứ nếu nghĩ tới thì cô vợ sẽ nổi cơn ghen ngay tức thì. Cô vợ mà nổi cơn ghen thì anh chồng chỉ có chết.

Nhân nói tới chữ ghen, tôi biết một số chuyện hay lắm , không phải chuyện đĩa bay bát bay , không phải chuyện túm tóc xé quần đâu, đó là giai đoạn sau cùng, chứ đoạn ban đầu mới chỉ là việc phán xét. Tôi còn nhớ một bài rất hay, rất bài bản.Vì lâu ngày tôi quên tên tác giả. Tác giả kể chuyện bà vợ bắt đầu ghen vì bắt gặp quần áo đàn bà lạ trong kho quần áo của chồng. Bà đợi ông chồng đi làm về rồi cất tiếng :

… Anh đi làm về đấy à ? Tôi thấy mấy thứ này anh để quên trong tủ nên đem ra cho anh thấy. Lần sau nhớ đừng có đem về nhà. Anh cũng nên nể tôi một chút chứ. Bây giờ lại lo cả chuyện giặt giũ quần áo nữa cơ à ? Tôi biết những thứ này không phải là của tôi vì tôi có dám đụng tới những hàng hiệu như thế này đâu. Người ta sướng quá nhỉ, giặt quần áo cũng không phải đụng tới ngón tay, có người đem ra tiệm cơ. Mà cô này là ai vậy? Mặt mũi thế nào, nhưng chắc không đến nỗi to béo như con lợn mà anh vẫn thường chê ỏng chê eo. Sao, cô ta tên là gì, nghề ngỗng thế nào hay chỉ ăn với diện. Anh định làm gì bây giờ? Tôi muốn nói chuyện với cô ta. Tôi không ngờ tôi hết lòng hết dạ với anh suốt mấy chục năm nay, tưởng anh là người tử tế, biết suy nghĩ mà hiểu tôi chứ. Con cái đẻ ra mình tôi nuôi dậy nên người. Mẹ anh cũng một tay tôi lo lắng, đỡ đần. Ai ngờ anh đi theo cô đĩ, còn phải cúc cung phục vụ cô, giặt quần giặt áo cho cô. Anh mang những thứ này về làm ô uế căn nhà của mẹ con tôi. Tôi không thể để các con gọi anh là bố chúng nó nữa. Anh có thể đi theo cô ta ngay lúc này. Luật sư của tôi sẽ liên lạc với anh ngày mai. Anh đi đi !

Ông chồng này cũng ghê lắm, ông nhận ông có bồ nhí. Ông đáp cũng rất bài bản, với điệp khúc ‘Em chấp nó làm gì’ như sau :

- Đây em ở nhà rộng thênh thang, nơi nó ở có mấy chục thước vuông, em chấp nó làm gì !

- Em ở với anh cả đời, nó chỉ ở với anh vài tiếng, em chấp nó làm gì !

- Tiền lương của anh, anh đưa em cả mớ, nó chỉ được vài tờ. Em chấp nó làm gì !

- Quần áo em hàng trăm bộ, nó chẳng có mảnh vải nào che thân. Em chấp nó làm gì !

- Về tuổi tác nó là con nít, nó phải kêu em là cụ, Em chấp nó làm gì !

Nghe đến đây thì ai cũng vỗ tay vì hai lời đối đáp hay quá, không thấy đĩa bay, chén bay, mà chỉ thấy văn vẻ. Ông ODP xin góp chuyện :

Tôi cũng thấy cảnh đối đáp văn vẻ kiểu này ở bên tây, do chính tác giả Bernard Shaw kể. Rằng một bữa đẹp trời kia ông ngồi nhậu rồi tâm sự với mấy người bạn :

- Đàn bà thường hay chậm chạp và kémthông minh. Rất may cái nhược điểm đó được cái nhanh nhẹn và khôn ngoan của cánh nam giới chúng mình bù đắp.

Không ngờ đúng lúc đó bà vợ ông đi qua nghe được, bà đã đứng lại và nói lớn :

- Phải, chính vì đàn ông thông minh nên ông mới lấy được tôi, còn đàn bà ngu đần như tôi nên tôi mới vớ phải ông !

Các cụ nhớ Bernard Shaw là ai chứ ? Ông là một nhà văn lớn Ái Nhĩ Lan (1856-1950), được giải Nobel về văn chương năm 1925. Sau cái lần bị bà vợ dằn mặt trên đây, nếu có khách lạ tới thăm, ông không dám xưng mình là chủ nhà, mà xưng mình là người lao công làm vườn cho bà chủ.

Anh John nghe chuyện này xong cũng xin góp lời ‎. Rằng Cụ Socrate tổ phụ của nền triết học thế giới đã nói một câu để đời : Các bạn thanh niên ơi, dù trong hoàn cảnh nào thì các bạn cũng nên lấy vợ. Nếu lấy được vợ hiền thì các bạn là người hạnh phúc, nếu lấy phải vợ dữ thì các bạn sẽ là một triết gia !

Một nhân vật cộng sản lớn của nước Tàu cũng đã nói một câu cũng để đời. Đó là Ông L‎ý Bằng, thủ tướng Tàu Cộng thời Đặng Tiễu Bình. Phóng viên tờ báo danh tiếng Kinh Tế Viễn Đông đã hỏi ông rằng cái bí quyết gì đã giữ ông có được gia đình bền vững, Cụ L‎‎ý đã trả lời cùng một ‎ý‎ với cụ Socrate trên đây :

- Tôi chỉ có một bí quyết : Người chồng phải luôn luôn vâng lệnh vợ ! Câu nói nguyên văn trên báo Kinh Tế Viễn Đông là : A husband especially must obey his wife’s order .

Anh John để cho dân làng cười nói một hồi, rồi xin trở về chuyện vợ chồng đối đáp nhau, anh nói một câu dầy kinh nghiệm : khi giận dữ ghen tương thì hai người hét to tiếng, chứ khi yêu nhau thì hai người nói thỏ thẻ dịu dàng nhỏ tiếng, và khi yêu nhau đậm sâu thì không cần nói ra tiếng nữa.

Phe các bà nghe đến đây đều gật gù khen là chí l‎ý. Anh John nhớ mình đang kể chuyện khi xưa học tiếng Việt, anh xin nói tiếp về đề tài này, về cách vợ chồng xưng hô với nhau :

Thời bây giờ vợ chồng quen gọi nhau là ANH và EM.Tôi nghĩ gọi

như vậy là không đúng. Anh và Em là tiếng chỉ ruột thịt huyết thống, con cái cùng một cha mẹ gọi nhau, hoặc là tiếng gọi các con cái của chú bác họ hàng. Còn vợ chồng là 2 người thuộc hai huyết tộc khác nhau, có họ hàng gì với nhau đâu mà sao lại gọi nhau là Anh và Em ?

Theo tôi nghĩ, tiếng vợ chồng gọi nhau đúng nhất là CHÀNG và THIẾP, tiếng mà tổ tiên VN ngày xưa vẫn dùng, ví dụ :

… Ngàn dâu xanh ngát một màu

Lòng CHÀNG ‎ý THIẾP ai sầu hơn ai

( Chinh Phụ Ngâm / Đoàn Thị Điểm)

… CHÀNG ơi cho THIẾP theo cùng

Đói no THIẾP chịu, lạnh lùng THIẾP cam

( Ca dao)

… CHÀNG với THIẾP canh khuya trằn trọc…

Đốt đèn lên….

( Đánh cờ / Hồ Xuân Hương)

2. Còn khi vợ chồng gọi nhau thì dùng tiếng MÌNH, Mình ơi, Mình à. Tiếng MÌNH này hay hết sức vì tuy chỉ hai nhưng chung một thân xác, một thân mình, mỗi người là một nửa của nhau. Đúng y như lời kinh trong lễ cưới ở nhà thờ : ‘ Hai người trở nên một thân thể…’ Tiếng Anh tiếng Pháp bắt chước tiếng Việt nên bây giờ họ nói về vợ hay chồng là ‘ My Better Half’, ‘ Ma douce moitié’.

3. Còn khi nói về vợ chồng mình với người khác, ở ngôi thứ 3, người VN nói ‘ NHÀ TÔI’ . Tôi thích 2 tiếng Nhà Tôi này quá vì nó chuyên chở ‎‎ý nghĩa yêu thương của một tổ ấm. Nếu phải dịch ra tiếng Anh tiếng Pháp thì tôi xin dịch Nhà Tôi là ‘My Sweet Home’, ‘Mon Cher Foyer’.

Bà cụ già B.95 gật gù ca ngợi ‎ý‎ kiến của anh John. Cụ nói : Ngày xưa vợ chồng tôi vẫn ‘Mình ơi Mình à’, chứ không bao giờ ‘Anh ơi Em à’ như bây giờ.

Các cụ có đồng ‎ý với Cụ B.95 và anh John‎ không cơ ?

TRÀ LŨ

LTS : Mua quà ? Bộ sách ‘ Chuyện Cười Trà Lũ Toàn Tập’ là một món quà trang nhã và ‎‎ý nghĩa nhất. Gồm 4 cuốn, hơn 1800 chuyện cười đông tây kim cổ. Một tiếng cười bằng 10 thang thuốc bổ. Giá 85 mỹ kim gồm tiền sách và bưu phí. Xin liên lạc trực tiếp với tác giả : petertralu@gmail.com