KHI THẦN CHẾT LÊN TIẾNG

Lễ các Đẳng Linh Hồn

01/11/2016

Cử hành lễ các Đẳng Linh Hồn đã qua đời là dịp rất thuận tiện để chúng ta suy tư về cái chết.

Trong Kinh Thánh chúng ta đọc thấy những lời quả quyết rất rõ ràng trong sách Khôn Ngoan: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong… Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian (Kn 1,13.24).

Từ trích đoạn này, chúng ta hiểu tại sao khi thần chết đến, mọi sự phải kết thúc, mọi sự bị hủy diệt. Theo đó, sự chết xem ra không phải là một điều “tự nhiên” đối với chúng ta. Bởi vì nó không đến từ Thiên Chúa, nó không nằm trong trật tự tạo thành. Cái chết là kết quả “sự ganh tị của quỷ dữ.” Bởi đó, chúng ta phải chiến đấu chống lại cái chết với tất cả sức mạnh của mình. Khát vọng triền miên của con người “tham sống vợ chết”. Đó là bằng chứng hùng hồn nhất về chân lý con người không được tạo dựng để diệt vong, nhưng để được sống. Chết không phải là hạn từ cuối cùng của cuộc sống. Bài đọc I của thánh lễ này khẳng định lại với chúng ta điều đó: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa, và chẳng cực hình nào đụng tới được nữa” (Kn 3,1).

Tham sống sợ chết là bản năng sinh tồn được khắc sâu trong xương tủy mỗi con người. Có một số nhà nghiên cứu cho rằng mọi hoạt động của con người đều chịu ảnh hưởng và tác động bởi bản năng tính dục. Từ đó, họ giải tích mọi sự theo cái nhìn này, cả trong nghệ thuật và tôn giáo. Nhưng nổi lo sợ chết còn mạnh hơn cả bản năng tính dục. Chết là điều xảy ra sau cùng, nhưng nó lại tác động trên mọi việc ta làm trước đó. Tất cả mọi người đều kêu lên rằng: “Tôi không muốn chết.”

Như thế, tại sao chúng ta lại được mời gọi hãy suy nghĩ về cái chết khi biết rằng ai cũng phải chết? Câu trả lời rất đơn giản: Bởi vì chúng ta thường trốn tránh nó, không muốn nghĩ về nó, vì mỗi lần như thế làm chúng ta sợ. Chúng ta cũng thường cho rằng chắc mình chưa chết đâu, cái chết chỉ đến với người khác, chứ không đến với mình.

Nhưng việc suy nghĩ về sự chết không cho phép chúng ta gạt nó sang một bên cách dễ dàng. Vì thế, chúng ta tìm mọi cách để ngăn cản nó hoặc là chấp nhận nó. Con người không ngừng tìm kiếm những biện pháp, những phương thuốc để được trường sinh. Một trong số những bài thuốc này được gọi là sinh sản con cái: một người tiếp tục kéo dài sự sống mình bằng cách sinh ra một đứa con. Người khác thì tìm kiếm sự nổi tiếng, để được lưu danh hậu thế. Trong thời đạy chúng ta, nhiều người hôm nay lại chạy theo thuyết luân hồi.

Chúng ta phải nói rằng thuyết luân hồi là không thể phù hợp với đức tin Kitô giáo. Nó cho rằng người chết tiếp tục đầu thai và sống một kiếp mới trong một con vật nào đó để tu luyện chờ được giải thoát. Theo niềm tin Kitô giáo, được Kinh Thánh mạc khải, “phận con người chỉ chết một lần rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9,27). Thuyết luân hồi cũng dạy rằng hình thức đầu thai luân là kết quả của một sự sai lầm. Xét cho cùng, luân hồi không thêm gì cho sự sống, nhưng thêm đau khổ; nó không phải là nguồn mang lại sự an ủi, nhưng mang lại sợ hãi. Thuyết luân hồi như một cảnh báo cho mọi người: “Hãy cẩn trọng không làm điều dữ bởi vì bạn sẽ phải đầu thai để đền tội!” Điều này giống như nói người nào đó trong tù đang gần hoàn tất thời gian giam cầm của mình rằng hình phạt của anh đã được nới rộng, anh phải vượt qua tất cả.

Kitô giáo có cái gì đó rất khác để trình bày liên quan đến vấn đề sự chết. Người Kitô hữu tuyên xưng rằng “một Người đã chết vì mọi người,” nhờ đó cái chết đã bị tiêu diệt; nó không có là một vách tường mà từ đó mọi sự phải lao xuống, nhưng đúng hơn là một chiếc cầu để đi sang bến bờ bên kia – là sự trường tồn, là hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa. Tuy nhiên, suy niệm về cái chết là điều rất có ích cho các tín hữu. Bởi vì đặc biệt nó giúp chúng ta sống tốt hơn.

Bạn có bị lo lắng bởi những vấn đề, những khó khăn và những xung đột không khi nghĩ về cái chết? Hãy nghĩ rằng những điều này sẽ xuất hiện lúc chết, nhưng với cái nhìn của đức tin, bạn sẽ thấy chúng có một ý nghĩa khác như thế nào. Chúng ta không phải là cam chịu và thụ động chờ chết. Ngược lại, chúng ta sẽ làm nhiều điều hơn và làm tốt hơn bởi vì chúng ta bình tâm hơn và thanh thoát hơn trước cái chết. Như Thánh Vịnh nói: “Hãy đếm ngày mình sống ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 89,12). Hãy nhớ đến các Linh Hồn là những người thân của chúng ta và cầu nguyện cho họ để họ sớm hưởng hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương