CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN C

Dẫn nhập đầu lễ :

Sứ điệp phụng vụ hôm nay, Chúa nhật 21 quanh năm C, như một lời vẫy gọi chúng ta cùng tiến bước trên “Con đường của Đức Kitô” để hướng về một ngay mai tươi sáng rạng ngời, ngày thành tựu viên mãn của chương trình cứu chuộc, ngày mà ở đó một “Trời mới Đất mới” sẽ hình thành và toàn thể chúng sinh sẽ qui tụ trong một bàn tiệc hạnh phúc vĩnh hằng. Niềm xác tín cánh chung nầy lại là một gọi mời để từng ngày hôm nay chúng ta nỗ lực lựa chọn và bước đi trên “Con đường hẹp” của Đức Kitô.

Giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau thú nhận tội lỗi để xứng đáng cử hành Bàn Tiệc Thánh Thể nầy, vừa là dấu chỉ vừa là chuẩn bị cho Bàn tiệc trường sinh mà chúng ta tin tuởng sẽ được dự phần.

Giảng Lời Chúa :

Dẫn nhập :

Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng hình như khi ông tổng thống Mỹ Nixon sang thăm Trung Quốc, thi ông Chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc đã mở một đại tiệc đãi Nixon. Trong bữa tiệc ấy người ta nói rằng có cả thảy 300 món ăn cao sang mỹ vị. Những người dự bữa tiệc ngoại giao hôm ấy, giờ đây hầu hết đã tan thành tro bụi. Xa hơn nữa, cách đây 2000 năm, trong Tin Mừng cũng thuật lại bữa tiệc của vua Hêrôđê, có cô vũ nữ con của nàng Herôdiađê, một phụ nữ lăng loàng, ra nhảy múa. Kết quả bữa tiệc có thêm một món là “cái đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên dĩa”. Những bữa tiệc đời là như thế! Huy hoàng đó, sang trọng đó, cao sang mỹ vị đó… rồi thoáng chốc cũng chỉ còn trơ lại một kỷ niệm nhạt nhòa, một dư âm có khi não nề cay đắng. Và rồi trong cuộc sống đời thường quanh ta, cũng đã có bao nhiêu tiệc cưới, bao nhiêu tiệc mừng thành công chiến thắng, bao nhiêu tiệc vui đoàn tụ, sum vầy…Nhưng rồi sau tiệc cưới là đổ bể ly dị, sau tiệc vui đoàn tụ là chia rẽ hận thù, sau tiệc mừng chiến thắng là thất bại đảo điên…Những bữa tiệc đời là như thế !

Thế nhưng, ước mơ bao đời của kiếp người vẫn là được ăn tiệc, vẫn là được có một lần tham dự đại tiệc. Phải chăng đó chính là ước mơ một thiên đàng mà con người đã lỡ đánh mất vào thời “Nguyên Tổ” ? Bởi vì, khi cánh cửa địa đàng khép lại, có thiên thần cầm gươm lửa giữ chặt đường đẫn đến vườn diệu quang, mãi mãi con người chẳng còn có được bữa tiệc nào cho nên dáng !

1. Thiên Chúa hứa ban tặng một Bàn tiệc mới :

Cái lỗi lầm tai quái của con người cho dù lớn mấy lớn, to mấy to, cũng không thể dập tắt lòng yêu thương của Thiên Chúa. Đó chính là mặc khải cốt lỏi của Lời Chúa, của Thánh Kinh. Và mục đích của chương trình cứu rỗi nói một cách nôm na đó chính là “cuộc đại tiệc của Thiên Chúa mở ra để khoản đãi toàn nhân loại”, một đại tiệc để qui tụ lại những gì tội lỗi phân tán, một đại tiệc hàn gắn lại những rạn nứt đau thương, một đại tiệc đem lại gần nhau những hận thù xa cách, một đại tiệc của bình đẳng, huynh đệ để phá tan mọi biên giới của phân biệt gia cấp, mau da, chủng tộc…Cuộc tập họp đó, sự qui tụ đó Sứ Ngôn Isaia hôm nay trong bài đọc 1 đã diễn tả một phần nào nội dung và ý nghĩa : “Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của ta..” Cuộc tập họp đó nếu đã khởi đầu cho dù một cách mộc mạc thô sơ nơi ông cụ có niêm tin sắt đá là Abraham để bắt đầu một nhóm nhỏ, một bộ lạc tầm thường dẫn datứ nhau theo tiếng gọi của “Một Đấng Vô hình”; thì lại lớn dần lên, xum xuê với cây cao bóng cả Môsê để không còn là một bộ tộc rày đây mai đó trên những thảo nguyên trơ trọi, mà là một dân ưu tuyển với “bờ xôi ruộng mật”, quây quần, xúm xít bên Hòm Bia Giao ước thánh Sinai. Và rồi, Thánh Vương Đa-vít xuất hiện, như một “Mục tử” chăn dắt Dân riêng lại là điềm tiên báo chắc chắn về một “Chồi Non” sắp xuất hiện để khai mạc một triều đại Nước Chúa huy hoàng…

2. Ngày của Đức Kitô :

Nhưng con đường cựu ước vẫn là con đường của hy vọng đợi chờ, ước giao và hứa hẹn. Phải đợi đến một ngày, một ngày có tiệc cưới Cana với “hàng trăm lít nước lã hóa thành rượu ngon, một ngày trong hoang địa Galilê, cả 5000 người no nê với chỉ vài con cá và mấy tấm bánh nhỏ, một ngày có bao nhiêu người cùi hủi khóc lên hân hoan vui sướng vì được chữa lành, một ngày mà cô gái làng chơi Maria Mađalêna nhỏ những giọt nước mắt sám hối để hoàn lương và tên trưởng ty thuế vụ Giakê mở tiệc ăn mừng quyêt tâm đổi đời để trở thành người công chính…và một ngày mà Bánh Và Rượu đã trở thành Máu Thịt để Giao Uớc tình yêu của Thiên Chúa cô đọng lại cụ thể nơi một Con Người, Con của Bác Thợ Mộc Giuse, Con của Cô Trinh Nữ Maria người Nadarét, Con của Đấng Toàn Năng, Đức Giêsu Kitô, hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

Đường vào “Cây sự sống” đã bị chặn lại sau biến cố phản bội của Tổ Tông loài ngươi; thì “vào Ngày Thứ Nhất trong tuần”, khi hòn đá che mộ lăn ra, cánh cửa của vương quốc sự sống đã mở rộng thênh thang để con người lên đường tiến về nguồn hạnh phúc, Đức Kitô phục sinh. “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự sống”. Với Đức Kitô Tử nạn-Phục sinh, không còn chỉ một dòng tộc Abraham, một dân Ít-ra-en, mà mọi dân mọi nước được đưa lên, được qui tụ về : “Khi Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” (Ga 12,32); “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13, 29).

3. Đường của Đức Kitô, con đường hẹp.

Thế nhưng Thiên Chúa hình như ít thích chuyện dễ dãi. Khi đưa dân Ít-ra-en về hứa địa, Ngài “chơi luôn” 40 năm đi lòng vòng trong hoang mạc; và để chuẩn bị chỉ cho một cuộc “Giáng Sinh” của Con Một Ngài, Thiên Chúa đã dựng lên cả một trường thiên lịch sử đợi chờ và ước hẹn, lại sai các Sứ Ngôn tiên báo hoài đến độ làm cho không ít dân Do Thái nản lòng, bất mãn. Quả thật, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã diễn tả điều đó một cách ví von : “Thiên Chúa luôn viết thẳng trên một đường cong”. Mà quả thật tới “phiên” Đức Kitô cũng thế ! Sẵn sàng chịu đói khát rách nát đau thương trong khi có thể đễ dàng biến hòn đá kia thành bánh mì ngon ơ ngọt xớt ! Sẵn sàng chịu tủi nhục thương đau, đọa đầy nhục mạ, trong khi có thể nắm gọn trong tay mọi vương quốc và quyền lực thế gian; Sẵn sàng vác lấy thập giá lê những bước nhọc mệt đắng cay lên đồi Canvê để chịu đóng đinh tan nát, trong khi có thể mở tay thực hành muôn phép lạ cả thể uy quyền… Và Ngài gọi đó chính là con đường “Phúc thật”, “Con đường hẹp”. Con đường thích hợp với chúng ta và cho chúng ta, vì chúng ta chỉ là tạo vật đớn hèn, chỉ là loài tro bụi. Chúng ta có gì đâu để dứng lên làm trời, làm chúa; chúng ta có gì đâu để hợm hĩnh kiêu căng !

- Con đường hẹp đó chính là sự vâng nghe Lời thiên Chúa hơn nghe lời người phàm của Phêrô để sau này Phêrô chấp nhận bị đóng đinh ngược đầu xuống đất

- Con đường hẹp đó là sự lựa chọn của Phaolô chấp nhận Thập Giá là sự khôn ngoan và phương thế cứu rỗi để sẵn sàng ngữa cổ bị chém đầu

- Con đường hẹp đó chính là hàng vạn cuộc tử đạo oai hùng của bao thế hệ chứng nhân.

- Con đường hẹp đó chính là tình yêu thanh khiết trọn vẹn của những người nam nữ dâng trọn cuộc đời để phục vụ.

- Con đường hẹp đó cũng là những hy sinh âm thầm của những người mẹ người cha sắn sàng đón nhận vất vả nhọc mệt để nuôi dạy con cái trong đường ngay lẽ phải.

-Con đường hẹp đó là những an vui của những bệnh nhân biết chấp nhận bệnh hoạn tật nguyền trong tin yêu phó thác,..

- Con đường hẹp đó vẫn còn nối dài nối dài đến thiên thu bất tận những cố gắng, yêu thương, khoan dung tha thứ, để dẫn loài người đến Bàn Tiệc Nước Trời.

- Con đường hẹp đó chính là giải pháp, chính là phương thế để cộng đoàn Dân Mới hôm nay lên đường tiến về quê hương vĩnh hằng.

Kết : Mỗi người có mỗi con đường hẹp riêng cho riêng mình. Nhưng cho dù chọn “mẫu mã” nào, vóc dáng nào, con đường hẹp của mọi kitô hữu vẫn phải căn cứ trên kích cở “con đường từ Máng cỏ tới Can-vê”, con đường của “Bài Giảng Trên núi”, con đường của “người Samari nhân hậu”, con đường của “chiều Thứ Năm quì xuống rửa chân cho anh em”, con đường của “hai ngàn năm Vui Mừng và Hy vọng” sát cánh, sẻ chia và phục vụ những người nghèo trên mọi nẻo đường trần thế. Con đường đó hôm nay, giờ này đang dẫn lối chúng ta cùng ngồi lại ở đây, trong Thánh lễ nầy, như một cuộc dừng chân cần thiết tuyệt vời để “lấy trớn và đong đầy sức sống, niềm tin” hầu tiếp tục tiến về phía trước…