Tòa Thánh sẽ công nhận ít nhất là bốn giám mục do nhà cầm quyền Trung Quốc tự tấn phong

Sắp có một bước tiến đột phá trong cuộc tranh chấp kéo dài giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục.

Theo nguồn tin từ Reuters, Vatican chuẩn bị công nhận ít nhất là bốn vị giám mục người Trung Quốc trước đây đã được chính phủ nước này bổ nhiệm mà không có sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng, những vị này hiện tại vẫn bị Giáo Hội xem là giám mục bất hợp thức. Điều này là kết quả của cuộc đàm phán giữa một số giám mục và đại diện của Vatican vừa diễn ra hồi giữa Tháng Tám.

Hơn sáu thập kỷ qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiếm quyền Vatican trong việc bổ nhiệm các giám mục mới để phục vụ 10 triệu người Công Giáo tại nước này. Trung Quốc đã tự tấn phong các giám mục mà không cần có sự chấp thuận của Giáo Hội, trong khi các giám mục "hầm trú" được Giáo Hội tấn phong thì lại chịu nguy cơ bị bắt giữ và bỏ tù.

Nguồn tin cho biết, bốn vị giám mục sẽ được công nhận là:

- Mã Anh Lâm (Ma Yinglin), giám mục Giáo phận Côn Minh, tỉnh Vân Nam;

- Quách Kim tài (Guo Jincai), giám mục Giáo phận Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc (gần Bắc Kinh);

- Nhạc Phúc Sanh (Yue Fusheng), giám mục Giáo phận Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang (miền bắc Trung Quốc);

- Đồ Thế Hoa (Tu Shihua), giám mục Giáo phận Bạc Kì, tỉnh Hồ Nam.

Theo thỏa thuận sơ bộ, các tân ứng viên giám mục tại Trung Quốc sẽ được hàng giáo phẩm địa phương lựa chọn và Đức Giáo Hoàng sẽ có quyết định bổ nhiệm chính thức. Đức Giáo Hoàng cũng có quyền bác bỏ ứng viên dựa trên lí do phẩm hạnh.

Hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Có khoảng 30 giám mục được Tòa Thánh công nhận đang phục vụ cho cộng đoàn Giáo Hội "hầm trú" và họ luôn phải chịu nguy cơ bị nhà nước đàn áp. Vatican hy vọng rằng các giám mục đó sẽ được chính phủ Trung Quốc công nhận.

Trong số 100 giáo phận tại Trung Quốc đại lục thì có khoảng 30 giáo phận không có bất kì giám mục nào, và một số giáo phận tương đương tuy rằng có giám mục nhưng các vị đã trên 75 tuổi.

Mặc dù thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục là một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và chính quyền Trung Quốc, nhưng cần được hiểu rằng chủ đề của việc lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai bên vẫn chưa được mang ra thảo luận.

Chân Phương