HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO TRONG MỘT ĐỊA PHƯƠNG
Mỗi sáng, trong giờ cầu nguyện, tôi tự hỏi: Hôm nay tôi sẽ hoạt động tôn giáo tại địa phương này thế nào? Mỗi tối, trong giờ hồi tâm, tôi lại xét mình: Hôm nay, tôi đã hoạt động tôn giáo tại địa phương này ra sao?
Nhìn về phía trước để dự kiến. Nhìn về phía sau để kiểm điểm. Dù dự kiến, dù kiểm điểm, tôi luôn nhắc nhở mình: Tôi được sai đi hoạt động tôn giáo tại địa phương này.
Sự nhắc nhở thường xuyên như thế là một cách để bồi dưỡng ý nghĩa cuộc sống của mình, và để thêm nghị lực cho việc chu toàn bổn phận được trao phó.
Được sai đến một địa phương.
Điều quan trọng nhất trong việc nhắc nhớ này là ý thức mình được sai đi. Ai sai? Thưa là Bề trên trong Hội Thánh. Bề trên sai đi nhân danh Chúa. Có nghĩa là chính Chúa sai đi.
Vâng lời trong việc chấp nhận sai đi là một thông hiệp tự do vào một ý muốn tự do của Chúa.
Ý muốn của Chúa, khi sai tôi đi, là dùng tôi cùng với nhiều người khác chia sẻ Tin Mừng tại địa phương thân yêu này.
Địa phương này là nơi tôi kính trọng và yêu thương. Sự kính trọng và yêu thương của tôi tràn vào mọi mảnh đất, mọi gia đình, mọi người, không phân biệt giàu nghèo, tín ngưỡng và văn hoá.
Tôi xác tín rằng: Trước khi tôi tới đây, và trước khi đạo công giáo tới đây, địa phương này đã có vô số điều chân thiện mỹ. Chứng tỏ Chúa đã hiện diện ở đây từ rất lâu rồi.
Trong tâm tình kính trọng và yêu thương, tôi vâng lời Chúa góp phần vào một lịch sử đã có sẵn nhiều giá trị cao đẹp. Vâng lời bằng cách thiết lập sự hiện diện của Hội Thánh Đức Kitô tại địa phương này và dần dần toả sáng sự hiện diện đó.
Sự hiện diện của Hội Thánh địa phương phải toả sáng Tin Mừng. Tin Mừng sẽ được toả sáng ở Hội Thánh địa phương, khi Hội Thánh này sống thực sự như một bí tích. Tức là Hội Thánh địa phương trở nên dấu chỉ và dụng cụ về sự kết hợp mật thiết với Chúa. Đồng thời cũng là dấu chỉ và dụng cụ về sự yêu thương đoàn kết với mọi người, đặc biệt là trong địa phương của mình. Phải sống thế nào, để khi nhìn vào Hội Thánh này, người ta có thể thấy được bóng dáng Chúa Giêsu, Đấng kết hợp mật thiết với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Phải sống thế nào, để khi tiếp cận với Hội Thánh này, người ta có thể cảm được tình thương của Chúa Giêsu, Đấng yêu thương mọi người, cứu độ mọi người, muốn giao hoà mọi người với nhau và với Thiên Chúa.
Những nhận thức trên đây được coi là nền tảng.
Mọi hoạt động tôn giáo của tôi tại địa phương này đều được gợi hứng từ những nhận thức nền tảng đó
Phúc âm hóa chính mình.
Hoạt động tôn giáo của tôi đầu tiên là thường xuyên phúc âm hoá chính bản thân tôi. Tôi không những đi theo Đức Kitô, mà còn phải sống trong Đức Kitô, hơn nữa phải có những tâm tình của Đức Kitô. Tất cả những đòi hỏi đó sẽ được đáp ứng phần nào bằng các việc học hỏi, rèn luyện, tu thân. Học hỏi về Đức Kitô. Rèn luyện mình, rập theo gương mẫu Đức Kitô. Tu thân theo lời khuyên của Đức Kitô.
Khi tập trung vào Đức Kitô, tôi thấy Đức Kitô rất hiền lành, khiêm nhường, yêu thương, phục vụ. Thực hiện các nhân đức ấy thế nào, đó là cả một chuỗi dài những vâng phục thánh ý Chúa Cha, dưới sự tác động của Chúa Thánh Linh.
Thánh ý Chúa Cha rất khác ý loài người. Vì thế phải có một sự tỉnh thức lắng nghe, khiêm nhường đón nhận, tin tưởng cộng tác với Chúa và phó thác tuyệt đối nơi Chúa khôn ngoan và nhân lành.
Phúc âm hoá bản thân mình chính là Kitô hoá chính con người của mình. Thông thường, mỗi người được gọi phác hoạ lại nơi mình một vài nét của Đức Kitô, tuỳ theo nhu cầu của mỗi thời và mỗi nơi. Theo thiển ý của tôi, thời nay tại địa phương này, nét đạo đức đang cần là chiều sâu. Chiều sâu trong sự thờ phượng và yêu mến Chúa. Chiều sâu trong sự phục vụ và yêu thương con người. Thời nay, người ta đã quá nhàm chán với các thứ hình thức bề ngoài về thờ phượng và phục vụ, nhàm chán với các thứ giả tạo về đạo đức, nhàm chán với các thứ nông cạn về lý tưởng. Chính vì thế mà chiều sâu trong các quan hệ với Chúa và với con người là điều thầm mong ước trong thâm tâm mọi người.
Tôi có cảm tưởng là các tôn giáo bạn tại địa phương này đang cố gắng đi vào chiều sâu. Và tôi chắc chắn bản thân mình còn nhiều điều phải sửa về phương hướng đó.
Phúc âm hoá chiều sâu chính bản thân mình, đó là việc đầu tiên và cũng là việc thường xuyên phải thực hiện trong chương trình hoạt động tôn giáo. Việc đó chẳng bao giờ được coi là hoàn tất, bởi vì càng bước thêm, càng thấy mình còn thua kém. Thiết tưởng thấy được như vậy chính là một khám phá đáng mừng. Nó sẽ giúp mình hăng hái bước thêm.
Phúc âm hóa cộng đoàn.
Phúc âm hoá chính mình là một đòi hỏi, để phúc âm hoá cộng đoàn. Cộng đoàn của tôi rất cần phúc âm hoá. Có nơi phải tái phúc âm hoá. Có nơi đòi tân phúc âm hoá. Điều tôi rất mong ước là cộng đoàn được phủ đều khắp nơi một bầu khí có ánh sáng Đức Kitô, có hương thơm Đức Kitô, có sự sống Đức Kitô, có tình yêu thương của Đức Kitô. Để được như vậy, tất nhiên cần tập trung vào Đức Kitô.
Tạo nên bầu khí đó sẽ là cả một công trình, đòi nhiều phối hợp và khôn ngoan trước cuộc sống địa phương, văn hoá địa phương, tâm lý địa phương.
Tôi có kinh nghiệm này: Những hoạt động tôn giáo lấy Đức Kitô làm trung tâm điểm bao giờ cũng gây được ảnh hưởng tốt nơi con người, cộng đoàn và xã hội. Lấy Đức Kitô làm trung tâm điểm là qui mọi sự về Đức Kitô. Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, mà chúng ta sống, chúng ta nói, chúng ta làm.
Lời Đức Kitô, Mình Máu Đức Kitô, thánh giá Đức Kitô, gương đời sống Đức Kitô, các bí tích của Đức Kitô, tất cả những nhân tố ấy sẽ là lương thực nuôi sống linh hồn ta, sẽ là sức mạnh cứu độ ta. Chính Đức Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh trên thánh giá và đã sống lại nay đang ở bên chúng ta một cách sống động. Người sẽ là con đường ta đi, là sự thực ta loan báo, là sự sống ta gắn bó mãi mãi trong suốt cuộc đời.
Trong việc phúc âm hoá cộng đoàn, tôi thấy việc giúp cho cộng đoàn đi dần tới trình độ trưởng thành về mọi phương diện, nhất là về đàng thiêng liêng là rất quan trọng. Đây là vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, chính vì trưởng thành là vấn đề phức tạp, nên trong hoạt động tôn giáo, tôi thiết nghĩ nên cố gắng đào tạo cho mọi người trong cộng đoàn ít ra có được thói quen:
1- Luôn sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa là Cha giàu tình thương xót, với tâm tình tạ ơn, tin cậy, và khát khao đi về với Chúa.
2- Luôn phấn đấu dùng mọi ơn Chúa ban để phát triển mình và cộng đoàn mình theo tinh thần Phúc Âm.
3- Luôn xin Chúa biến con người của mình thành của lễ yêu thương, có lợi cho Hội Thánh và cho địa phương. Chính từ đây, mà hoạt động tôn giáo sẽ đi vào xã hội một cách thích hợp, theo sự hướng dẫn của Thánh Linh.
Trong từng chặng đường, trong từng hoàn cảnh, chúng ta vâng ý Chúa dấn thân ra khơi phục vụ con người và xã hội, thường xuyên bằng những việc nhỏ nhưng có chất lượng cứu rỗi. Nội dung việc làm phải tốt. Cách làm phải khéo. Nhất là trong một tình hình phức tạp.
Trên đây là một thoáng nhìn về khung hoạt động tôn giáo của tôi tại địa phương này. Ít ra cũng là một con đường, một phương hướng. Nhưng đây cũng là một thách đố, một thử thách. Càng thêm tuổi, tôi càng thấy đây chính là một sự tái sinh không ngừng trong Thánh Linh. Sự tái sinh này là cả một hành trình dài, đòi nhiều khiêm tốn, nhiều cầu nguyện và nhiều hy sinh, đồng thời cũng đem lại nhiều vui mừng và hy vọng.
Trong hành trình dài lâu và phức tạp này, tôi đã có nhiều thiếu sót. Nhận thức đó gợi ý cho tôi cầu nguyện với Chúa như người ngoại đạo xưa: "Lạy Chúa, xin Chúa chỉ phán một lời, thì đầy tớ Chúa sẽ được cứu chữa" (Lc 7,7). Chúa nhận lời. Và tôi được bình an.