Melbourne, vào lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy Ngày 17 tháng 9 năm 2016. Tại Trung Tâm Thánh Mẫu Các Sắc Tộc Tổng giáo phận Melbourne Ta’ Pinu, vùng Bacchus Marsh. Giáo dân Công giáo Việt Nam trong khắp các vùng Melbourne đã cùng tụ họp về đây để hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn và rước kiệu Đức Mẹ Lavang mừng kính Sinh nhật Đức Mẹ.

Xin mời xem hình

Trung tâm Thánh Mẫu Ta’ Pinu nằm trên một ngọn đồi cách xa trung tâm Thành phố Melbourne hơn 50 km về hướng Tây. Nhưng với một ngày thời tiết tương đối đẹp, gió trung bình, cảnh trí xanh ngát, hoa vàng, một loại hoa không hương nhưng nở vàng rực rỡ mặt đất đón mùa Xuân. Với lòng sùng kính Đức Mẹ Lavang là Mẹ Dân tộc Việt Nam, nên có rất đông người về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn và tham dự rước kiệu Đức Mẹ.

Bàn thờ Đức Mẹ Lavang với hoa đèn được đặt trang trọng bên cạnh gian cung thánh. Thánh lễ do Linh mục Peter Hoàng Kim Huy SDB chủ tế cùng với cha khách Phanxico Trần Kim Ngọc OP. Đặc trách Hội Mân Côi Dòng Đa Minh từ Việt Nam qua thăm và sẽ giảng thuyết cho giáo dân trong các Hội Mân Côi tại Melbourne cùng đồng tế. Ca đoàn Hồng Ân dùng lời ca để ca khen nhân ngày sinh nhật Đức Mẹ. Trước khi cử hành mầu nhiệm Thánh, Linh mục chủ tế nhắc lại cho chúng ta thấy, chỉ trong hai Tháng Tám và Chín. Giáo Hội đã cho chúng ta đến bốn lễ kính Đức Mẹ như: Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời, Đức Maria Trinh Nữ Vương, Sinh nhật Đức Mẹ, Đức Mẹ Sầu Bi vv. Điều đó đã nói lên vị trí quan trọng của Đức Mẹ đối với Giáo Hội và chúng ta những người con cái Mẹ. Trong phần chia sẻ, Linh mục Trần Kim Ngọc đã nói về tiểu sử của Đức Mẹ mà chúng ta mừng kính sinh nhật trọng thể hôm nay, nhờ sinh nhật của Mẹ Maria Giáo Hội có thêm hai ngày sinh nhật quan trọng nữa. đó là sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả và Sinh nhật Chúa Giesu. Và sự liên kết giữa chúng ta được trở thành con Mẹ, qua lời trối của Đức Giesu con Mẹ với Thánh Gioan: Đây là con Mẹ, và hướng về Đức Mẹ, Chúa nói: Người ấy là Mẹ Con.

Mặc dù, ngày này trong Cộng đồng Công giáo Việt Nam của TGP cũng có những sự kiện quan trọng, lễ khánh thành cổng chào và cám ơn nước Úc. Với đủ mọi thành phần nam, phụ, lão, ấu. Nhiều cụ ngồi xe lăn, hay phải chống gậy vẫn sốt sắng, tay lần chuỗi đọc kinh để theo chân đoàn kiệu Mẹ trên con đường dốc đá để đến Đền thờ Mẹ La Vang.

Sau Thánh lễ, qua lời cám ơn của ông Lâm đại diện ban tổ chức gửi đến quý Cha cùng mọi người đến dâng lễ mừng Sinh nhật Đức Mẹ, ông cũng mời gọi mọi người cùng tiếp tục tham dự buổi rước Đức Mẹ xuống dưới Đền La Vang.

Trước khi cung nghinh kiệu Đức Mẹ, ban tổ chức đã trao cho mỗi người một trái bóng bay để cầm theo đoàn rước cho thêm phần vui tươi mừng sinh nhật Mẹ. Sau Thánh Gía nến cao là quốc kỳ của các quốc gia có đền Đức Mẹ trong trung tâm, cờ bay nhẹ trong gío đi trước kiệu Đức Mẹ Lavang rất đẹp. Mọi người sốt sắng hát ca khen Mẹ đi theo kiệu Mẹ xuống đồi để cung nghinh Mẹ về lại đền thờ Mẹ.

Trong mấy lời cùng cộng đoàn, Linh mục Hoàng Kim Huy đã nói về quê hương, và Ngài đã xin mọi người cùng cầu nguyện cho Giáo hội quê nhà có thêm ơn can đảm, cất lên tiếng nói để mọi người được sống trong an bình và hưởng được sự tự do tín ngưỡng đích thực như nơi chúng ta đang sống. Mọi người cất cao tiếng hát: Mẹ ơi đoái thương đến dân tộc Việt Nam, cùng bài Mẹ La Vang Mẹ Việt Nam. Tiếng hát, câu kinh được mọi người gửi vào những trái bóng bay đầy mầu sắc thả bay lên trời cao đầy ý nghĩa.

Mọi người được ban tổ chức mời dùng bữa ăn nhẹ và nước uống. Đứng bên đền Đức Mẹ mọi người cùng nhau trao đổi và tâm sự. Trời trong xanh, mây lững lờ làm lòng người cảm thấy vui hơn vì được cùng nhau bên Mẹ mùa Xuân. Được biết hằng năm, Cộng đồng Việt Nam có hai dịp tổ chức các Thánh lễ tạ ơn tại đây, một vào dịp Lễ Phục Sinh và một vào Lễ mừng sinh nhật Đức Mẹ như hôm nay. Mọi người lên gần bàn thờ Mẹ để chụp những tấm hình kỷ niệm
Xin Mẹ chứng cho lòng con thảo
Cậy trông nép bên áo Mẹ Hiền
Đoàn con xin dâng lời khấn nguyện
Cho dân muôn nước được bình yên.

Chia tay nhau ra về trong niềm vui hội ngộ. Năm nay, ban tổ chức đã phát hành một cuốn đặc san mỏng với nhiều hình ảnh mang dấu kỷ niệm những bước chân khởi đầu xây dựng ngôi đền Đức Mẹ La Vang trên Trung tâm Thánh Mẫu của mọi dân tộc Ta’ Pinu.