Xem hình ảnh

15 năm.

Nói theo ngôn ngữ Việt Nam thì là "Lên 16", "Đến Độ Trăng Rằm".

Đó là một cái mốc quan trọng đối với nhiều dân tộc.

Ngày xưa, 2500 trước, người Aztec ăn mừng 15 năm vì lúc đó 'Con Trai' bắt đầu trở thành chiến binh, 'Con Gái' bắt đầu có khả năng làm mẹ cuả những chiến binh tương lai.

Ngày nay những dân tộc hậu duệ cuả dân Aztec, là Châu Mỹ Latin, vẫn duy trì tục lệ mừng sinh nhật 15 năm, một cách trọng thể không thua gì một đám cưới, và gọi là Quinceañera (Quince: 15, año: năm). Riêng ở Brazil, nơi đang có Thế Vận Hội Olympic, việc cử hành thì trang trọng như một lễ hội, gọi là Festa De Debutantes (lễ hội vào đời.)

Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang ở Ottawa cũng coi ngày kỷ niệm Thập Ngũ Chu Niên là một cái mốc quan trọng và chuẩn bị chu đáo như là một lễ sinh nhật Quinceañera, như là một lễ hội Festa De Debutantes.

Đó là một cái mốc đánh dấu sự trưởng thành, và đồng thời là một quyết tâm 'nhập cuộc đi vào đời'.

Một lễ hội như thế đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị và công sức. Những hình ảnh ghi nhận được như những việc dựng lều lập giàn, đón tiếp quan khách phương xa, chỉ là những gì thuộc vẻ 'bề ngoài.' Còn những việc 'bề trong' không 'chụp' được như tổ chức, liên hệ, thúc đẩy, dàn xếp thì là vô kể, và kéo dài trước cả tháng trời. (Theo lời tả lại cuả những quan viên trong Giáo Xứ.)

Sự thành công cuả ngày lễ, đo lường bằng số lượng quan khách tham dự và sự trôi chảy cuả chương trình, chứng tỏ đây là một giáo xứ đã thoát thai ra khỏi cái 'ổ kén' âm u, và bắt đầu tung 'đôi cánh bướm' rực rỡ để khoe màu dưới ánh sáng mặt trời.

Một giây phút cảm động làm cho nhiều người nhỏ lệ, đó là giây phút tặng hoa.

Giống như ở Argentina, nơi quê hương cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một cô gái 'thành nhân' sẽ tặng 15 chiếc hoa hồng, đại diện cho 15 năm cuả cuộc đời, cho những người mà cô thương yêu và có ảnh hưởng nhất đến cuộc đời cuả cô; thì vị đại diện cuả Giáo Xứ cũng đã tặng hoa và tri ân các vị 'chủ chăn' cuả quá khứ và hiện tại.

Sự hiện diện cuả linh mục Vũ Quang Cảnh, O.P., vị tuyên úy đầu tiên, đứng cạnh linh mục Bùi Quang Tuấn, DCCT, vị chánh xứ hiện tại, là một hình ảnh khó quên cho những người 'con chiên' đã từng sống qua nhiều gian đoạn thăng trầm cuả lịch sử giáo xứ.

Đọc qua lịch sử cuả họ, với tư cách là một người khách, tôi bỗng nhiên có một cảm nghĩ riêng tư rằng đây là một sự gì giống như là 'tiền định.' Một sự 'Châu về Hiệp Phố'.

Tôi tự nghĩ phải chăng đây là một sự an bài cuả đấng tối cao và tối minh chăng?

Ngay từ những ngày tị nạn đầu tiên cuả năm 75 tại Ottawa, thì cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé này đã 'có duyên' với Dòng Chuá Cứu Thế. Lúc đó linh mục Phanxicô Xavier Trần Tử Nhãn đã được mời và chăm lo việc mục vụ cho họ qua nhiều năm trời.

Nhưng Cha Nhãn đã chỉ giúp họ như là một 'vú nuôi' mà thôi, giống như là một bà mẹ san sẻ phần sữa cuả con mình cho một đưá bé mồ côi.

Đứa bé mồ côi là những người Việt Nam vừa bị 'Mất Nước', còn đứa con ruột là những tu sĩ cuả DCCT cũng đang lang thang lánh nạn ở vùng Bắc Mỹ và Âu Châu. Và vì thế mà Ngài đã hân hoan trao Cộng Đoàn cho dòng Đa Minh khi có thể...

Tuy rằng cái duyên giữa DCCT và Cộng đoàn là cái duyên đầu, nhưng chưa hề 'được trọn.'

Ngày nay, Dòng Chuá Cứu Thế lại được 'gọi' trở về, để mà 'làm trọn' cái 'tình duyên' dang dở đó.

Cho nên lời cầu chúc cho Giáo Xứ Lavang Ottawa trong dịp kỷ niệm 15 năm này, tôi nghĩ không có lời chúc nào tốt đẹp hơn là những lời chúc cho một đám cưới. Tuy là 'Sáo Ngữ' nhưng hoàn toàn 'Thích Hợp' giữa một Cha Xứ mới và Giáo Xứ, là hình ảnh cuả Chuá Kitô và Giáo Hội, hình ảnh cuả một đấng phu quân và hiền thê cuả mình. Đó là 'Thuận vợ thuận chồng', đó là 'Xuôi chèo mát mái', đó là 'Sinh hoa kết trái' và 'Trăm năm hạnh phúc'.