Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Anh chị em trong nhóm xướng ngôn viên và kỹ thuật viên VietCatholic Sydney, Australia
1. Một ngàn người đăng ký mỗi giờ dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Việc ghi danh dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới hiện đang tiến hành ồ ạt hơn bao giờ hết với hơn 1,000 người trẻ đăng ký mỗi giờ, theo con số ngày 30 tháng Sáu.

Tháng Sáu là dấu mốc kết thúc việc đăng ký hành hương thường lệ; và việc đăng ký vào phút chót sẽ diễn ra từ ngày 1 tới ngày 22 tháng Bẩy cho các cá nhân và các nhóm nhỏ dưới 150 người.

Cho tới nay, các nước có người ghi danh tham dự Đại Hội nhiều nhất là Ba Lan với gần 170,000 người, Ý hơn 77,000 người, Pháp 34,353 người, Tây Ban Nha hơn 30,000 người và Hoa Kỳ hơn 27,000 người.

Thành thử, ngôn ngữ phổ thông nhất sẽ là tiếng Ba Lan, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha.

Lần đầu tiên trong lịch sử, sẽ có những người hành hương tới Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới từ Kosovo, Bangladesh, Palestine, Miến Điện và Nam Sudan.

Nước đầu tiên đăng ký khi Đức Giáo Hoàng Phaolô khai mạc việc đăng ký vào mùa hè năm 2015 là Tây Ban Nha và nước tham gia cuối cùng là Quần Đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ. Họ đại diện 2 trong số 187 vùng địa dư khác nhau sẽ có mặt tại Krakow.

Hơn 10,000 linh mục sẽ tháp tùng các nhóm hoặc đi riêng, cùng với 800 giám mục và 47 Hồng Y từ 107 quốc gia.

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm nay chắc chắn sẽ là một trải nghiệm quốc tế thực sự. Những người tham dự không những sẽ được dịp thấy Đức Giáo Hoàng và Krakow, mà còn sẽ thu lượm được nhiều tầm nhìn lý thú từ người của các quốc gia khắp thế giới.

2. Một số đông giám mục Úc sẽ tới Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

19 vị giám mục Úc sẽ hành trang lên đường tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vào cuối tháng này, chứng tỏ rằng tuổi tác không hề là một rào cản không cho người ta tham dự biến cố lớn nhất của tuổi trẻ Thế Giới.

Lễ hội tràn đầy đức tin này sẽ diễn ra tại Krakow, Ba Lan, từ ngày 25 tới ngày 31 tháng Bẩy, với hơn 2,500 người hành hương Úc tham dự, trong đó có các thầy cô, các vị tuyên úy, các lãnh tụ giới trẻ và cả những người không chắc chắn về đức tin của họ.

Nửa số các vị trong Hội Đồng Giám Mục Úc sẽ tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới nhằm cử hành viễn kiến của Thánh Gioan Phaolô II về giới trẻ, được sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đổi mới một lần nữa.

Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Úc, Đức Tổng Giám Mục Denis Hart, nói:

“Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là cơ hội độc đáo để giới trẻ đào sâu đức tin và sự hợp nhất của họ với Đức Giáo Hoàng và với nhau. Nó thường là một trải nghiệm thay đổi cuộc đời.

“Trong 5 Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới mà tôi tham dự, tôi thấy đức tin của tôi được khích lệ nhờ niềm vui và đức tin thâm hậu hóa của giới trẻ tươi đẹp”

Trong một video được thực hiện ngay tại Krakow, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney cho biết:

Mục đích chính của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là nói với giới trẻ về sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô và cung cấp cơ hội để họ gặp gỡ gương mặt của Chúa Kitô, trong bối cảnh hân hoan được gặp gỡ Đức Giáo Hoàng.

Vì hàng triệu người hành hương khắp thế giới tụ về Krakow, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là một chứng từ về Giáo Hội đang sống và là một dấu chỉ đức tin và đức cậy cho tương lai. Trong Năm Thánh Đặc Biệt về Lòng Thương Xót này, chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là “Phúc thay người có lòng thương xót; vì họ sẽ được xót thương” (Mátthêu 5:7).

Vào thứ Ba, ngày 26 tháng Bẩy, một cuộc tụ tập người Úc được dự trù sẽ diễn ra tại Krakow, Ba Lan với hơn 2 ngàn rưỡi người hành hương Úc cùng tham gia với các vị giám mục, Đại Sứ Úc tại Ba Lan, các đại diện của Bộ Ngoại Giao và Ngoại Thương, nhân viên điều hành Cosmos Tour và nhân viên của Hội Đồng Giám Mục Úc. Sau cuộc tụ tập này sẽ là Thánh Lễ Khai Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

3. Hoàng Cung Wawel

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 2 giờ chiều ngày 27 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khởi hành từ sân bay Fiumicino Rome và sẽ đến sân bay John Paul II ở Balice-Krakow hai giờ sau đó.

Sau nghi lễ đón tiếp, Đức Thánh Cha sẽ di chuyển về lâu đài Wawel, nơi đó Ngài sẽ đọc bài diễn văn dành cho các nhà lãnh đạo dân sự và ngoại giao đoàn, tiếp theo là cuộc thăm viếng thân hữu với Ngài tổng thống Cộng hòa Ba Lan. Ngày đầu tiên của Đức Giáo Hoàng tại Ba Lan sẽ kết thúc bằng cuộc gặp gỡ với các giám mục tại nhà thờ chính tòa Krakow.

Trong chương trình hôm nay, VietCatholic Sydney, Australia xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một vài nét về lâu đài Wawel, là dấu ấn vàng son, lộng lẫy của các vương triều phồn hoa đô hội bậc nhất Ba Lan.

Lịch sử của lâu đài Wawel, lịch sử của Ba Lan và các triều đại hoàng gia Ba Lan quyện vào nhau sâu sắc vì từ thế kỷ thứ 9 thành phố Krakow, người Ba Lan gọi là Cracovia, là trung tâm quyền lực chính trị quốc gia. Tình trạng này chỉ thay đổi từ khi thủ đô được chuyển về Warsaw vào năm 1793.

Cố đô Krakow, là một trong những khu trung tâm đầu tiên về khoa học, văn hóa nghệ thuật của Ba Lan. Kinh thành cổ này được người dân coi là thủ đô tinh thần bởi lịch sử của thành phố hơn 1000 năm. Krakow cũng là một khu trung tâm lớn về du lịch nội địa và quốc tế, cuốn hút 7 triệu khách mỗi năm.

Hoàng cung Wawel được xây trên đồi Wawel cách mặt nước biển 228m nhìn xuống con sông Wissła, người dân địa phương gọi là Vistula.

Hoàng cung Wawel là trung tâm du lịch của thành phố Krakow, vì đây là nơi có nhiều di tích lịch sử và những bộ sưu tập nghệ thuật vô giá.

Ngay bên cạnh hoàng cung là nhà thờ chính tòa Krakow, nơi các vua chúa Ba Lan đăng quan và an nghỉ.

Du khách đến thăm hoàng cung Wawel có thể thấy ngay những nét kiến trúc kiểu Gothic được vua Ba Lan Casimir III đại đế xây cất vào thế kỷ 14. Đây là tháp Sigismund với 5 quả chuông, quả chuông lớn nhất trong 5 quả chuông này được đúc vào năm 1520. 5 quả chuông này mỗi khi muốn đánh lên cần phải có 12 người khoẻ mạnh kéo những dân chuông. Còn đây là nhà nguyện Sigismund nơi an nghỉ của các vua Sigismund.

Một kiến trúc khác là Silver Bell Tower có từ đầu thế kỷ 12 với 3 quả chuông. Qủa lớn nhất được hình thành năm 1423; qủa chuông lớn thứ hai được đúc vào năm 1271 và quả cuối cùng được đúc năm 1669.

Nếu may mắn đến đúng thời điểm, quý vị và anh chị em có thể chứng kiến những cuộc diễn binh của các lực lượng cảnh sát và quân đội Ba Lan được tổ chức khá thường xuyên để thu hút khách du lịch.

Giờ đây, mời quý vị và anh chị em tiến vào bên trong hoàng cung.

Để đi bộ thăm hết khu di tích này có lẽ phải mất khoảng 3 giờ đồng hồ. Hoàng cung như chúng ta thấy đây có kiến trúc kiểu Gothic được vua Ba Lan là Đại Đế Casimir III xây cất vào thế kỷ 14. Sau đó, nó được trùng tu bởi các vua Jogaila và Jadwiga.

Trong nhiều phòng hoàng gia ngày nay còn trưng bày rất nhiều thứ có giá trị như: vương miện, vũ khí và những hiện vật nghệ thuật của Đông phương.

Theo truyền thuyết, xưa kia trong các hang động trên đồi Wawel có một con rồng rất hung dữ, không ai chống lại nổi. Sau này, xuất hiện một chàng trai có tên Krakus, lập mưu cho rồng ăn thức ăn có thuốc độc và chết. Chàng hào kiệt này đã trở thành người anh hùng dân tộc, được dân chúng trọng vọng và ở lại đây lập nghiệp bá vương. Thành phố đã được đặt tên là Krakow, theo tên của anh.

Hoàng cung Wawel được UNESCO công nhận là một di sản thế giới từ năm 1978.