Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong những ngày qua, VietCatholic đã đưa tin về chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Armenia. Chương trình Giáo Hội Năm Châu kỳ này xin dành để trình bày với quý vị và anh chị em hai diễn biến quan trọng còn lại là lễ nghi phụng vụ tại quảng trường San Tiridate Etchmiadzin; và tuyên ngôn chung giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Karekin Đệ Nhị của Giáo Hội Armenia Tông Truyền.

Lúc 7 giờ 30 sáng Chúa Nhật 26 tháng 6, Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ riêng trong nhà nguyện Dinh tông toà Etchmiadzin. Cùng đồng tế thánh lễ có Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần Toà Thánh và Đức Ông thư ký toà Sứ Thần. Lúc 9 giờ 15 ngài gặp gỡ thân tình với 14 Giám Mục Công Giáo Armeni. Cùng hiện diện cũng có 12 linh mục làm việc mục vụ tại Armenia và các vị trong đoàn tuỳ tùng của Đức Thánh Cha. Tiếp đến Đức Thánh Cha đi xe tới quảng trường Thánh Tiridate cách đó 200 mét để tham dự lễ nghi phụng vụ do Đức Guaréguin II Thượng Phụ Tối cao và Catholicos của mọi tín hữu Armeni chủ sự.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ đang đi dưới tàn che có 4 phó tế cầm bốn góc. Một vị Tổng Giám Mục của Giáo Hội Armenia Tông Truyền dẫn đầu đoàn rước cùng với hai phó tế. Thỉnh thoảng, hai vị phó tế quay lại xông hương cho Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ, giữa tiếng vỗ tay và chào mừng của tín hữu.

Đoàn rước đang đi dần về bàn thờ ở hướng đông gần Chủng viện thần học Guevorguian. Bàn thờ này đã được xây hồi năm 2001 nhân dịp kỷ niệm 1.700 năm Kitô giáo được tuyên bố là quốc giáo của Armenia. Bàn thờ được dùng trong các lễ lớn như lễ Chúc lành Mùa Chay, và lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Cũng tại đây thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cử hành thánh lễ trong chuyến viếng thăm mục vụ Armenia năm 2001. Bên cạnh bàn thờ là Cổng thánh Gregorio Đấng soi sáng là lối vào chính của Toà Thượng Phụ Etchmiadzine. Trên cột phía Tây của cổng có hình hai thánh tông đồ Tadeo và Bartolomeo đã rao giảng Tin Mừng tại Armenia. Trên cột phía Đông có hình vua Tiridate và thánh Gregorio Đấng soi sáng.

Các liên lạc đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Tông Truyền Armeni rất thân tình và đã bắt đầu hồi thập niên 1970. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã gặp gỡ Đức Thượng Phụ Vazguen I năm 1970. Sau đó đã có các cuộc viếng thăm chính thức của Đức Thượng Phụ Guaréguin I tại Vaticăng. Năm 1999 cuộc triển lãm Roma-Armenia đã được tổ chức trong nhà nguyện Sistina nhân kỷ niệm 1.700 năm dân nước Armenia được rửa tội. Trong 17 năm tại chức Đức Guaréguin II cũng đã gặp gỡ thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Biển Đức XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô. Chuyến viếng thăm cuối cùng là ngày 12 tháng 4 năm 2015, nhân dịp Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ tưởng niệm 100 năm cuộc diệt chủng Armeni trong đền thờ thánh Phêrô.

Thánh lễ đã bắt đầu lúc 10 giờ sáng giờ địa phương và được hát hầu như từ đầu tới cuối, đối đáp giữa vị chủ tế, các phó tế và ca đoàn. Tham dự thánh lễ có các TGM, Giám Mục của Giáo Hội Armeni Tông Truyền, các TGM, Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo Armeni, cũng như tổng thống và giới chức chính quyền dân sự và đông đảo tín hữu.

Thánh lễ bao gồm nhiều phần khác nhau, từ nghi thức rửa tay thánh hóa, xưng thú tội lỗi xin Mẹ Thiên Chúa và các Thánh bầu cử, kêu lên Chúa với thánh vịnh 99, đến thánh vịnh 42 và lời cầu xin thánh Gregorio thành Narek giúp cử hành bí tích xứng đáng, thánh ca “Được chọn”, phần đem bánh rượu ra, xông hương cho cộng đoàn biểu tượng cho Chúa Kitô nhập thể làm người bước đi giữa loài người và lên trời. Hương thơm biểu tượng cho mùi thơm dịu dàng của Tin Mừng toả lan giữa loài người. Nhiều thánh ca đã được hát trước khi tới phần công bố Phúc Âm. Tiếp đến là kinh Tin Kính, rồi nhiều nghi thức khác trước khi trao hôn bình an, kinh Thánh Thánh Thánh, phần tưởng nhớ các thánh vv….

Trước nghi thức hiệp lễ Đức Thượng Phụ đã ngỏ lời với mọi người. Ngài nói:

Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần,

Kính thưa Đức Thánh Cha, người anh em thân yêu trong Chúa Kitô,

Kính thưa Tổng Thống Cộng Hòa Armenia

Anh em thiêng liêng và các tín hữu thân mến,

Trong vòng mấy ngày qua, chúng ta đã được cảm nghiệm dư tràn niềm vui thiêng liêng và lời cầu nguyện chung trong khi vinh danh Thiên Chúa tại Etchmiadzin Thánh Thiện này. Hôm nay, chúng ta tụ họp nhau để cử hành Phụng Vụ Thánh, được sự tham dự cầu nguyện của Đức Giám Mục Rôma, người anh em thân yêu của chúng ta, là Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Quả có tính biểu tượng khi bài đọc Sách Thánh hôm nay, trong lúc cử hành Phụng Vụ Thánh, là câu truyện hóa bánh ra nhiều. Thánh Sử nói với chúng ta rằng khi Chúa Giêsu lui vào nơi thanh vắng vì biết rằng một đám đông lớn đang theo sau Người, nhưng khi thấy đám đông tụ họp lại, Người cảm thương họ và chữa lành cho các bệnh nhân của họ. Đến chiều tối, các tông đồ xin Chúa cho giải tán đám đông để họ có thể đi tìm thực phẩm. Nhưng Chúa Kitô ra lệnh cho các ông phải cho họ ăn. Tuy nhiên, chỉ có một ít thực phẩm, và Chúa đã chúc lành số thực phẩm này và bánh cứ thế hóa nhiều thêm mãi, đủ để các tông đồ nuôi ăn trọn đám đông này.

Cốt lõi của phép lạ này, một phép lạ đã trở thành một trong các sứ mệnh quan trọng của Giáo Hội Chúa Kitô, là việc thỏa mãn các tinh thần trống rỗng bằng các giáo huấn Chúa ban và nâng đỡ người túng thiếu vì lòng cảm thương. Chúa thúc giục các người theo chân Người phải lấy việc làm mà làm mới lại đức tin của mình, phải tham dự việc cầu nguyện và thờ phượng với lòng cảm thương, và làm việc bố thí; qua các việc này, qua việc làm dịu nghèo khó và khổ não, chúng ta trở nên những người cùng làm việc với Thiên Chúa, như lời Thánh Tông Đồ từng nói (1Cr 3:9). Nhờ viễn kiến này, nhiều vị giáo phụ có tài tiên tri, các thượng phụ đầy ơn thánh, các vị chăn chiên can đảm và tốt lành, vô số chứng nhân đức tin và tín hữu nhiệt thành, trong nhiều thế kỷ qua, đã viết lên nhiều trang sách cho lịch sử Giáo Hội Chúa Kitô bằng những lời giảng giải sốt sắng về Lời Thiên Chúa và các công trình bố thí và nuôi dưỡng lớn lao; ngõ hầu dân Chúa được củng cố bằng đức tin, và qua các việc làm của đức tin, họ duy trì sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của nhân loại.

Hôm nay, đức tin vào Thiên Chúa đang bị thử thách và linh hồn con người đang thành chai đá trong những lúc khó khăn gian khổ và cả trong những lúc giầu có dư thừa, khi họ tách mình ra khỏi các quan tâm đối với những người mong có bánh ăn hàng ngày và đang chịu đau đớn và đau khổ. Đức tin đang ở thế bị thử thách bởi chủ nghĩa cực đoan và đủ loại ý thức hệ khác; bài ngoại, nghiện ngập, đam mê và tư lợi. Các diễn trình của chủ nghĩa duy tục đang tăng độ, các giá trị và quan điểm tinh thần và đạo đức bị bóp méo, và cơ cấu gia đình, do Thiên Chúa thiết lập, đang bị lung lay. Gốc rễ của sự ác trong cuộc sống hiện nay là mưu toan xây dựng một thế giới không có Thiên Chúa, là giải thích lề luật và giới răn của Thiên Chúa như là tạo ra các nan đề kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường và nhiều nan đề khác, vốn mỗi ngày mỗi sâu xa hơn và đe dọa lối sống tự nhiên.

Tuy nhiên, thế giới vẫn không ngừng là tâm điểm của tình yêu và sự chăm sóc của Thiên Chúa. Chúa vẫn tiếp tục nói rằng: “Ta là bánh ban sự sống: ai đến với Ta sẽ không bao giờ đói; và ai tin vào Ta sẽ không bao giờ khát” (Ga 6:35). Ai đã nếm được giáo huấn hân hoan của Chúa đều sẽ cúi xuống để nâng người ngã lên, để gia tăng đức cậy và đức tin trong tâm hồn người ta, và để lặp lại phép lạ hóa bánh ra nhiều nhờ việc nâng đỡ và an ủi người túng thiếu, người bệnh, và người sầu khổ. Lòng tốt sẽ chiến thắng trên thế giới và các thách đố hiện nay sẽ được vượt qua nhờ các giới răn của Thiên Chúa và nhờ việc sử dụng các giá trị tinh thần và đạo đức. Mọi việc làm tốt đều nói lên sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với nhân loại và thế giới, theo như lời Chúa phán, “này đây Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa các con” (Lc 17:21), và như một lời khẳng định câu này, các Giáo Hội thế giới đang hết lòng phục vụ.

Anh chị em thân mến, trong những ngày này, cùng với người anh em tinh thần, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, qua các cuộc thăm viếng và cầu nguyện chung, chúng ta đã tái xác nhận rằng Giáo Hội Thánh Thiện của Chúa Kitô là một Giáo Hội để loan truyền Tin Mừng của Chúa Kitô trong thế giới, bằng cách chăm sóc sáng thế, đương đầu với các nan đề chung, và trong sứ mệnh quan yếu cứu rỗi con người vốn là triều thiên và vinh quang của công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Sứ mệnh không thể tách rời của Giáo Hội Chúa Kitô là củng cố tình liên đới giữa các quốc gia và dân tộc, tăng cường tình huynh đệ và sự hợp tác, và chứng cớ của việc này là sự tham dự Phụng Vụ Thánh hôm nay của các nhóm thiểu số sắc tộc ở Armenia: Người Assyria, người Belarus, người Hy Lạp, người Georgia, người Do Thái, người Yazidi, người Kurd, người Đức, người Ba Lan, người Nga và người Ukraine; những người này, trong việc sống chung huynh đệ với nhân dân chúng ta, đã đóng góp vào việc phát triển xứ sở chúng ta và sự tiến bộ của đời sống xã hội.

Trong ngày hồng phúc này, chúng ta đánh giá cao việc được một dịp nữa để cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân cuộc viếng thăm huynh đệ của ngài. Chúng tôi và nhân dân chúng tôi sẽ luôn luôn cầu nguyện cho ngài, thưa người anh em thân yêu, và cho các cố gắng của ngài nhằm kiến tạo hòa bình và thịnh vượng cho nhân loại và việc thăng tiến của Giáo Hội Chúa Kitô. Xin Thiên Chúa ban cho ngài sức mạnh, chúc lành và giữ vững các Giáo Hội của chúng ta trong tình yêu và sự hợp tác và xin Người ban cho chúng ta nhiều cơ hội mới để làm chứng cho tình huynh đệ. Trong lời cầu nguyện hàng ngày của ngài, xin ngài nhớ đến nhân dân Armenia, quốc gia Armenia và Giáo Hội Armenia và Tòa Mẹ Etchmiadzin Thánh Thiện.

Với tinh thần cầu nguyện, chúng ta hãy cầu xin sự che chở và nâng đỡ của Tay Hữu Chí Thánh của Thiên Chúa Toàn Năng bảo vệ các người đau khổ vì chiến tranh và bạo lực cũng như những ai đang đói lả, nghèo khổ và các loại hoạn nạn khác. Chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa đổ hồng ân dư tràn từ trời xuống trên cuộc sống ta và trên thế giới. Amen.

Tiếp đến là bài phát biểu của Đức Thánh Cha. Ngài nói:

Thưa Anh Chị Em,

Vào cuối chuyến viếng thăm hết lòng ao ước này, một chuyến viếng thăm đã là không thể nào quên được đối với tôi, tôi hiệp ý dâng lên Chúa lòng biết ơn của tôi trong những bài thánh ca ngợi khen và tán tụng tuyệt vời được dâng lên từ bàn thờ này. Thưa Đức Thượng Phụ, trong những ngày này ngài đã mở rộng cửa đón tiếp tôi, và chúng ta đã cảm nghiệm được “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau,” (Tv 133: 1). Chúng ta đã gặp nhau, đã ôm lấy nhau như anh em, chúng ta đã cầu nguyện với nhau và chia sẻ những hồng ân, những hy vọng và những mối quan tâm cho Giáo Hội của Chúa Kitô. Chúng ta đã cùng cảm thấy như nhau nhịp đập con tim của Giáo Hội, và chúng ta tin tưởng và cảm nghiệm rằng Giáo Hội là một. “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Ep 4 : 4-6). Với niềm vui lớn lao, chính chúng ta đã có thể thực hiện những lời của Thánh Tông Đồ Phaolô! Cuộc gặp gỡ của chúng ta được sự bảo trợ của các thánh Tông Đồ là các vị chúng ta đã biết đến. Thánh Bartholômêô và Thánh Tađêô là những người đầu tiên công bố Tin Mừng trong vùng đất này, và Thánh Phêrô và Phaolô là những vị đã hiến mạng sống mình cho Chúa ở Rôma và bây giờ đang ngự trị cùng Chúa Kitô ở trên trời, các vị chắc chắn vui mừng chứng kiến tình cảm của chúng ta và lòng khao khát tỏ tường của chúng ta cho sự hiệp thông trọn vẹn. Vì tất cả những điều này, tôi cảm ơn Chúa, vì hiền huynh và cùng với hiền huynh: Park astutsò! (Vinh danh Thiên Chúa!).

Trong Phụng Vụ Thánh này, bài ca vịnh trọng thể Thánh, Thánh, Thánh được dâng lên trời cao, tán dương sự thánh thiện của Thiên Chúa. Cầu xin phước lành của Đấng Tối Cao tuôn đổ dư dật đầy mặt đất nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, các vị Đại Thánh và các Tiến sĩ Hội Thánh, các vị tử đạo, đặc biệt là đông đảo các vị mà hiền huynh đã tuyên thánh vào năm ngoái ở nơi này. Cầu xin “Đấng Tự Hữu Duy Nhất đã xuống trần” ban phước lành cho cuộc hành trình của chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần biến đổi tất cả các tín hữu nên một lòng một trí; xin Ngài đến để thiết lập lại sự hiệp nhất trong chúng ta. Về điều này, một lần nữa tôi khẩn cầu Chúa Thánh Thần, xin mượn những từ ngữ huy hoàng trong Phụng Vụ của hiền huynh: Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng “khẩn cầu với những tiếng thở dài không ngừng lên Chúa Cha đầy lòng thương xót, Đấng giữ gìn các thánh và thanh tẩy những kẻ tội lỗi,” xin ban cho chúng con ngọn lửa tình yêu và hiệp nhất, và “xin cho nguyên do gây ra tai tiếng của chúng con được tan biến trong tình yêu thương này” (Thánh Gregory Narek, Sách Ai Ca, 33, 5) trên tất cả là tai tiếng chia rẽ trong các môn đệ của Chúa Kitô.

Cầu xin cho Giáo Hội Armenia được tiến bước trong hòa bình và xin cho sự hiệp thông giữa chúng ta được trọn vẹn. Xin cho một mong muốn mãnh liệt cho sự hiệp nhất được tăng lên trong lòng chúng ta, một sự hiệp nhất không phải là “tùng phục nhau, hoặc đồng hóa nhau, trái lại là sự chấp nhận tất cả những ân sủng Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta. Điều này sẽ cho toàn bộ thế giới thấy mầu nhiệm lớn lao của ơn cứu rỗi đã được hoàn tất nơi Chúa Kitô qua Chúa Thánh Thần “(Lời chào mừng trong Phụng Vụ Thánh tại nhà thờ Thánh George, ở Istanbul, ngày 30 Tháng 11 2014).

Chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của các thánh, chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của những người khiêm nhường và nghèo hèn, của đông đảo các nạn nhân của hận thù, là những người đã thí mạng sống vì đức tin. Chúng ta phải chú trọng đến thế hệ trẻ, những người đang tìm kiếm một tương lai không có những chia rẽ trong quá khứ. Từ thánh điện này, xin cho ánh sáng rạng rỡ được tỏa sáng một lần nữa, và cho ánh sáng của đức tin, đã từng soi sáng mảnh đất này từ thời Thánh Gregôriô, là Người Cha của anh chị em trong Tin Mừng, có thể hiệp cùng ánh sáng của tình yêu để đem lại ơn tha thứ và hòa giải.

Như các tông đồ vào buổi sáng lễ Phục sinh, với tất cả những do dự và hoang mang của các ngài, đã chạy đến ngôi mộ Chúa Phục sinh khi được thu hút bởi bình minh của niềm hy vọng mới (x Jn 20: 3-4); cầu xin cho trong ngày Chúa Nhật thánh này, chúng ta cũng vội vã theo tiếng gọi của Chúa để hiệp thông đầy đủ với nhau và chạy nhanh về hướng đó.

Bây giờ, thưa hiền huynh, trong danh Thiên Chúa, xin ban phép lành cho tôi, và cho Giáo Hội Công Giáo, và ban phép lành cho con đường hướng tới hiệp nhất trọn vẹn này của chúng ta.

Đức Thượng Phụ và Đức Thánh Cha đã ôm hôn nhau.

Lễ nghi phụng vụ tiếp tục với nhiều bài thánh ca khác và phần hiệp lễ. Sau khi ban phép lành cuỗi lễ cho mọi người Đức Thượng Phụ xin Đức Thánh Cha ban phép lành cho cộng đoàn.

Tiếp đến Đức Thượng Phụ và Đức Thánh Cha đã rời bàn thờ xuống chào tổng thống và các giới chức chính quyền, trước khi cùng các Giám Mục đi rước tiến về Dinh Tông Toà cách đó 200 mét. Như lúc đầu lễ, Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ đi dưới tàn che có 4 phó tế cầm bốn góc. Hai phó tế đi trước thỉnh thoảng quay lại xông hương cho hai vị, giữa tiếng vỗ tay và chào mừng của tín hữu. Một em bé đã chạy tới tặng Đức Thánh Cha lá quốc kỳ Armenia bé tí của em.

Tuyên bố chung của Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Karekin Đệ Nhị

Chúa Nhật, 26 tháng 6, trước khi từ giã Armenia, sau 3 ngày viếng thăm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cùng Thượng Phụ Tối Cao Karekin II ký một bản tuyên bố chung kêu gọi một giải pháp hoà bình cho vùng Nagorno-Karabakh. Bản tuyên bố cũng nhắc tới “việc tận diệt một triệu rưỡi Kitô Hữu Armenia, trong điều thường được nhắc đến như cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20”.

Trong bản tuyên bố trên, hai nhà lãnh đạo cầu nguyện cho việc thay đổi cõi lòng nơi tất cả những người sử dụng bạo lực, cũng như nài nỉ các nhà lãnh đạo các quốc gia lắng nghe tiếng kêu của những người “đang rất cần cơm bánh, chứ không phải súng đạn”.

Sau đây là nguyên văn Bản Tuyên Bố Chung:

Hôm nay tại Etchmiadzin Thánh Thiện, trung tâm tinh thần của mọi người Armenia, chúng tôi, Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng Phụ Tối Cao của Mọi Người Armenia Karekin II nâng tâm trí chúng tôi lên cảm tạ Đấng Toàn Năng vì sự gần gũi liên tục và mỗi ngày mỗi lớn mạnh hơn giữa Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo trong việc hai Giáo Hội cùng làm chứng cho sứ điệp cứu rỗi của Tin Mừng trong một thế giới bị xâu xé bởi xung đột và khao khát được an ủi và hy vọng.Chúng tôi ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Cha, Con và Thánh Thần, vì đã làm cho chúng tôi có thể đến với nhau trong lãnh thổ thánh kinh Ararat này, một lãnh thổ tọa lạc tại đây như một nhắc nhớ rằng Thiên Chúa sẽ mãi mãi là sự che chở và cứu rỗi của chúng ta. Tinh thần chúng tôi rất hài lòng khi nhớ lại: năm 2001, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 1,700 việc tuyên bố Kitô Giáo là tôn giáo của Armenia, Thánh Gioan Phaolô II đã viếng thăm Armenia và là chứng nhân của một trang sử mới trong các mối liên hệ ấm áp và huynh đệ giữa Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo. Chúng tôi rất biết ơn khi được ơn phúc hiện diện với nhau ở buổi phụng vụ long trọng tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Rôma ngày 12 tháng Tư năm 2015, nơi chúng tôi đoan hứa hết sức chống lại bất cứ hình thức kỳ thị và bạo lực nào, và tưởng niệm các nạn nhân của điều được Bản Tuyên Bố Chung của Đức Gioan Phaolô II và của Đức Karekin II nói đến như là “cuộc tận diệt một triệu rưỡi Kitô hữu Armenia, trong điều thường được nhắc đến như là cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20” (27 tháng Chín, 2001).

Chúng tôi ngợi khen Thiên Chúa vì hôm nay, đức tin Kitô Giao lại một lần nữa trở thành một thực tại sinh động ở Armenia, và Giáo Hội Armenia đang thi hành sứ mệnh của mình với một tinh thần hợp tác huynh đệ giữa các Giáo Hội, nâng đỡ các tín hữu trong việc xây dựng một thế giới liên đới, công lý và hoà bình.

Tuy vậy, đáng buồn thay, chúng tôi chứng kiến một thảm kịch lớn lao đang diễn ra trước mắt chúng tôi, với không biết bao nhiêu người vô tội đang bị sát hại, bị phân tán hay buộc phải biệt xứ một cách đau lòng và không chắc chắn, bởi các cuộc tranh chấp liên lỉ vì lý do sắc tộc, kinh tế, chính trị và tôn giáo ở Trung Đông và ở các vùng khác trên thế giới. Thành thử, các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc đã trở thành mục tiêu cho cuộc bách hại và đối xử tàn bạo, đến nỗi việc chịu đau khổ vì niềm tin tôn giáo của người ta đã trở thành một thực tại hàng ngày. Các vị tử đạo thuộc mọi Giáo Hội và sự đau khổ của các ngài là một “đại kết bằng máu” vượt qua các chia rẽ lịch sử giữa các Kitô hữu, kêu gọi tất cả chúng ta phải cổ vũ việc hợp nhất hữu hình các môn đệ của Chúa Kitô. Nhờ sự cầu bầu của các Thánh Tông Đồ, Phêrô và Phaolô, Tađêô và Bartôlômêô, chúng tôi cùng cầu xin cho một sự thay đổi cõi lòng nơi tất cả những ai đang phạm tội ác và những ai đang ở vị thế ngăn chặn bạo lực. Chúng tôi nài nỉ các nhà lãnh đạo các quốc gia lắng nghe tiếng kêu của hàng triệu con người đang khao khát hòa bình và công lý trên thế giới; họ đòi phải tôn trọng các quyền lợi do Thiên Chúa ban cho họ, họ đang rất cần cơm bánh, chứ không phải súng đạn. Đáng buồn thay, chúng tôi đang chứng kiến việc người ta trình bầy tôn giáo và các giá trị tôn giáo một cách cực đoan, một lối trình bầy được sử dụng để biện minh cho việc phổ biến hận thù, kỳ thị và bạo lực. Việc biện minh các tội ác dựa trên các ý niệm tôn giáo là điều không thể chấp nhận được, vì “Thiên Chúa không phải là tác giả của hỗn loạn, mà là của hòa bình” (1Cr 14:33). Hơn nữa, việc tôn trọng đối với sự dị biệt tôn giáo là điều kiện cần thiết cho việc chung sống hòa bình của các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo khác nhau. Chính vì là các Kitô Hữu, nên chúng ta được kêu gọi tìm kiếm và thực thi các con đường tiến tới hòa giải và hòa bình. Về phương diện này, chúng tôi cũng xin bầy tỏ lòng hy vọng của chúng tôi về một giải pháp hòa bình cho các vấn đề liên quan tới Nagorno-Karabakh.

Ý thức điều Chúa Giêsu từng dạy các môn đệ khi Người nói: “Ta đói, các con đã cho Ta ăn; Ta khát, các con đã cho Ta uống; Ta là khách lạ, các con đã chào đón Ta; Ta trần truồng, các con đã mặc áo cho Ta; Ta đau ốm, các con đã thăm viếng Ta; Ta ở trong tù, các con đã tới thăm Ta” (Mt 25:35-36), chúng tôi xin các tín hữu trong các Giáo Hội của chúng tôi mở lòng và mở tay ra đón nhận các nạn nhân của chiến tranh và khủng bố, các tị nạn và gia đình họ. Người ta đang tranh cãi về cảm thức nhân loại, liên đới, cảm thương và đại lượng, những điều chỉ có thể phát biểu một cách thích đáng trong một cuộc giao kết các tài nguyên thực tiễn ngay tức khắc. Chúng tôi nhìn nhận mọi điều đã được thực hiện, nhưng chúng tôi nhấn mạnh rằng về phần các nhà lãnh đạo chính trị và cộng đồng quốc tế, nhiều điều hơn vẫn còn cần được làm để bảo đảm quyền lợi của mọi người được sống trong hòa bình và an toàn, để duy trì việc thượng tôn pháp luật, để che chở các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc, để chống việc buôn người va buôn lậu.

Việc tục hóa các thành phần lớn lao trong xã hội, việc nó tách ra khỏi thể linh thiêng và thể thần linh, đang nhất thiết dẫn tới một viễn kiến phạm thánh và duy vật về con người và gia đình nhân bản. Về phương diện này, chúng tôi quan tâm tới cuộc khủng hoảng gia đình tại nhiều quốc gia. Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo chia sẻ cùng một viễn kiến về gia đình, dựa trên hôn nhân, một hành vi tự ý cho đi và yêu thương trung thành giữa người đàn ông và người đàn bà.

Chúng tôi vui mừng xác nhận rằng bất chấp các chia rẽ liên tục giữa các Kitô hữu, chúng tôi đã tiến tới chỗ hiểu rõ ràng hơn rằng điều kết hợp chúng tôi nhiều hơn điều chia rẽ chúng tôi. Đây là căn bản vững chắc để sự hợp nhất của Giáo Hội Chúa Kitô trở thành tỏ hiện, phù hợp với lời lẽ của Chúa: “để chúng nên một” (Ga 17:21). Trong các thập niên vừa qua, mối liên hệ giữa Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo đã mỹ mãn bước vào một giai đoạn mới, được củng cố bằng những lời cầu nguyện hỗ tương và các cố gắng chung trong việc vượt qua các thách đố hiện thời. Hôm nay, chúng tôi xác tín tầm quan trọng chủ yếu của việc đẩy xa mối liên hệ này thêm nữa, dấn thân vào một sự hợp tác sâu xa và dứt khoát hơn không những trong lãnh vực thần học, mà còn cả trong lãnh vực cầu nguyện và hợp tác tích cực trên bình diện các cộng đồng địa phương, nhằm mục tiêu tham dự sự hiệp thông trọn vẹn và cụ thể nói lên sự hợp nhất. Chúng tôi thúc giục các tín hữu của chúng tôi làm việc cách hoà hợp để cổ vũ các giá trị Kitô Giáo trong xã hội, các giá trị vốn đang đóng góp hữu hiệu vào việc xây dựng nền văn minh công lý, hoà bình và liên đới nhân bản. Con đường hòa giải và tình huynh đệ đang mở ra trước mặt chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần, Đấng hằng hướng dẫn chúng ta bước vào mọi chân lý (xem Ga 16:13), nâng đỡ mọi cố gắng chân chính nhằm xây dựng các cây cầu yêu thương và hiệp thông giữa chúng ta.

Từ Etchmiadzin Thánh Thiện, chúng tôi kêu gọi mọi tín hữu của chúng tôi tham gia với chúng tôi trong lời cầu nguyện, theo lời lẽ của Thánh Nerses Đầy Ơn Thánh: “Lạy Chúa vinh hiển, xin Chúa chấp nhận lời khẩn cầu của các tôi tớ Chúa, và nhân từ làm cho các lời khẩn nguyện của chúng con nên trọn, nhờ lời cầu bầu của Mẹ Thánh Thiên Chúa, Thánh Gioan Baotixita, Thánh Tử Đạo Tiên Khởi Stêphanô, Thánh Grêgôriô Soi Sáng, Các Thánh Tông Đồ, Các Tiên Tri, Các Nhà Thần Học, các Vị Tử Đạo, các Thượng Phụ, Các Vị Ẩn Tu, Các Vị Đồng Trinh và mọi vị Thánh của Chúa ở trên trời và ở dưới đất. Và, lạy Thiên Chúa Ba Ngôi không thể phân rẽ, chúng con vinh danh và thờ lạy Chúa muôn muôn đời. Amen”

Etchmiadzin Thánh Thiện, 26 tháng Sáu, 2016

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Đức Thượng Phụ Karekin II