CHƯƠNG BA : DIỄN TẢ XÚC ĐỘNG VÀ TÌNH CẢM - KHẲNG QUYẾT BẢN SẮC CỦA MÌNH "TÔI LÀ AI?"

1- TRÒ CHƠI GIẢ BỘ

Khi trẻ em lấy vỏ sò, vỏ hến làm chén đĩa, và dùng mọi thứ lá xanh đỏ tím vàng… trong vườn nhà, để làm nhiều món ăn cao lương mỹ vị, các em đang diễn lại những ngày kỵ giỗ trong gia đình hay là những buổi lễ hội trong làng xã, mà các em đã có dịp tham dự và chứng kiến. Khi nhiều trẻ em tụ họp lại để vui đùa, trò chơi giả bộ là phương tiện để các em học tập phân chia công tác, tổ chức đời sống xã hội, phác họa lại tất cả những biến cố quan trọng đã thực sự xảy ra trong thế giới người lớn. Khi chơi như vậy, một đàng các em hiểu biết rõ ràng rằng : bao nhiêu món ăn soạn ra không phải là món ăn thực sự. Cho nên, không một trẻ em nào bỏ vào miệng để nhai và nuốt. Các em chỉ phác họa cử chỉ đưa lương thực lên miệng, và mời nhau ăn mà thôi. Đàng khác, mỗi em đều tham dự cuộc chơi một cách rất nghiêm chỉnh và đứng đắn.

Nhờ trò chơi giả bộ, các em hình dung, tưởng tượng, nhớ lại, tổ chức, sắp xếp, tiên liệu… Nói được mọi thành tố của tư duy trừu tượng đều có cơ hội phát huy và triển nở.

Điều kiện tiên quyết tạo nên khuôn khổ để trẻ em có khả năng tổ chức trò chơi giả bộ là sự xuất hiện của những ý tưởng trừu tượng trong nội tâm. Những ý tưởng nầy được rút tỉa từ thực tại, do các giác quan ghi nhận và kết tạo lại thành thực thể tâm linh. Thực tại bên ngoài như lá cỏ, sò hến… chỉ đóng vai trò đại diện, thay thế một thực tại cụ thể không có mặt ở đây và bây giờ. Chẳng hạn khi trẻ em đang chơi đám giỗ với nhau, đám giỗ là một biến cố thuộc quá khứ. Hay đó còn là một ước mơ cho tương lai sắp tới sau này.

Những trẻ em nào không có vấn đề chậm phát triển, sẽ có khả năng tổ chức trò chơi giả bộ, một cách rất tự nhiên, tự phát, sau khi đã nắm vững những cơ bản về khả năng trao đổi, tiếp xúc qua lại hai chiều, chung quanh 3 tuổi rưởi. Trái lại, đối với trẻ em thuộc diện khuyết tật tâm thần, từ bại não cho tới hội chứng tự bế, hay là rối loạn sắc thể số 21… nguời lớn như cha mẹ, giáo viên cần phải can thiệp, dạy dỗ, đóng vai trò bắc cầu, làm trung gian, họa may các em mới từ từ phát huy và thành đạt khả năng GIẢ VỜ, LÀM BỘ, giống như một trẻ em phát triển bình thường, ở vào lứa tuổi từ 3 đến 5 năm.

Điều khó khăn nhất trong trò chơi giả bộ là vai trò hay là phần vụ hình tượng của các sự vật được sử dụng. Trẻ em thường xuyên đưa thoi giữa hai bình diện : thực tế và tưởng tượng, bên ngoài và nội tâm. Lá cây trở thành các món ăn như tôm, chả, cá, thịt. Đá trở thành bánh kẹo đủ mọi loại. Vỏ óc và sò trở thành bát, đĩa. Đây không phải là vấn đề lẩn lộn giác quan, còn được gọi là lầm tưởng. Ví dụ, giữa ánh trăng mờ nhạt của đêm khuya, nhìn khúc giây thừng, tôi ngờ đó là con rắn. Trái lại, trò chơi giả bộ đòi hỏi nơi những trẻ em tham dự, ít nhất ba khả năng đã thuần thành :

- Thứ nhấtkhả năng nhận thức của giác quan. Khi nhìn ngọn lá, trẻ em biết đó là ngọn lá. Khi giả bộ đưa lên miệng ăn, các em biết rõ ràng lá không phải là của ăn thực sự. Trẻ em ở trong thực tế, không hoang tưởng. Khi có những rối loạn về giác quan, như tôi đã trình bày trong chương trước đây, trẻ em sẽ không có những phân biệt bén nhạy như vậy. Các em có thể ghi nhận sai những tin tức khách quan cụ thể. Đàng khác, trong vấn đề hiểu biết và thuyên giải, các em có thể lầm tưởng cái nầy với cái kia.

- Thứ haikhả năng tiếp thu và lưu giữ những kinh nghiệm phong phú đã xảy ra trong quá khứ. Ý niệm về thời gian với ba chiều kích - quá khứ, hiện tại và tương lai - đã bắt đầu có mặt trong nội tâm của các em. Chẳng hạn khi chơi kỵ giỗ, các em hình dung lại những cơ hội mà các em đã tham dự hay là chứng kiến trước đây, và bây giờ những kỷ niệm ấy còn sống động và tạo ảnh hưởng trong tâm tư của các em.

- Thứ ba nối kết những hành động hiện tại với bao nhiêu hình ảnh có liên hệ mật thiết với nhu cầu, ước mong, ý thích và dự phóng của các em. Chẳng hạn, khi chơi kỵ giỗ, các em gợi lại ít nhất hai ý thích là được ăn của ngon, vật lạ và được gặp lại rất nhiều bà con.

Chính vì ba lý do quan trọng vừa được trình bày, trò chơi giả bộ còn mang tên là trò chơi hình tượng, bởi vì nó chất chứa, tàng trử nhiều tầng lớp ý nghĩa có liên hệ mật thiết với đời sống tình cảm của những người tham dự. Giống như trong một giấc mơ, nhờ trò chơi giả bộ, trẻ em đang diễn tả những ước vọng thâm sâu của mình và thể thức các em hình dung, dự tưởng, nhằm giải quyết những trăn trở, khắc khoải do cuộc sống tạo ra. Thêm vào đó, xuyên qua việc tiếp xúc, trao đổi và cách xử trí với nhau, tính tình của mỗi em xuất đầu lộ diện, với những đường nét độc đáo và riêng biệt. Trẻ nầy thích điều khiển, làm chủ nhà. Trẻ kia thích những điều quen thuộc như quét nhà, nấu ăn, soạn bàn.

2- ĐỂ GIÚP TRẺ EM HỌC TẬP VÀ PHÁT HUY KHẢ NĂNG GIẢ BỘ :

Trong lãnh vực trò chơi hình tượng, cũng như trong địa hạt tiếp xúc và trao đổi, chúng ta luôn luôn khởi đầu với một hành động có sẵn của trẻ em. Tiếp theo đó, chúng ta đưa vào từ từ một yếu tố giả bộ.

Ví dụ một:

Trẻ em đang chơi với con búp-bê của mình. Chúng ta đến với một con búp-bê khác. Sau một hồi lắng nghe, quan sát, chúng ta cho con búp-bê của chúng ta vào đề, với một giọng nói hơi khang khác giọng nói bình thường của chúng ta:

- Xin lỗi, bạn tên gì nhỉ? Mình tên Xuân. Cho phép mình đến chơi với bạn, được không ? Bạn đang làm gì đó?

Trường hợp trẻ em trả lời, chúng ta tùy vào hoàn cảnh để tiếp tục, sáng tạo. Nếu sau hai ba câu hỏi, trẻ em vẫn không trả lời.

- Bà ơi, sao con bà không trả lời cho cháu?

Truờng hợp trẻ em vẫn im lặng.

- Mẹ ơi, con buồn, con muốn chơi với bạn trước mặt. Bạn không trả lời cho con. Mẹ xin giùm cho con đi.

Theo nhịp điệu và cách thức ấy, chúng ta tiếp tục gợi ra ý kiến. Nếu trẻ em vẫn không phản ứng, chúng ta không quá nài nỉ. Hãy chờ đợi một dịp may khác. Sau nhiều lần làm quen, có lẽ trẻ em mới trả lời.

Ví dụ hai:

Trẻ em đang chơi xe. Chúng ta đến với con búp-bê, đưa tay chận lại và nói :

- Bà làm ơn chở cháu đi bệnh viện. Cháu ho quá nặng.

Nếu là em trai đang chơi xe, chúng ta dùng một chiếc xe khác, hay là một khúc gỗ làm xe, đụng vào xe của em.

- Ông này lái xe nhanh qua. Xuýt nữa gây tai nạn.

Ví dụ ba :

Chính lúc trẻ em đói bụng, xin ăn hay uống. Chúng ta bình tĩnh soạn ra một số vật liệu có sẵn, giả vờ làm kẹo bánh và nước cam. Sau khi soạn xong, chúng ta bắt đầu giả bộ ăn.

- Ngon quá, bánh này mẹ mua sáng nay ở chợ Bến Thành. Con ăn thử xem, có ngon không ?

Nếu trẻ em từ chối, chúng ta bảo em:

- Con chơi giả bộ một chút xíu. Sau đó, mẹ cho con ăn bánh thật, mẹ mua sáng nay.

Ví dụ bốn :

Khi có hai ba em, chúng ta mời :

- Mời Ông Bác sĩ uống trà.

- Mời Bà Y tá ăn bánh kẹo sô-cô-la.

- Mời Bác Công nhân ly nước cam sành.

Chúng ta gán cho mỗi trẻ em một chức vụ khác nhau, giống như những người láng giềng, trong cùng một khu phố hay thôn xóm.

Ví dụ năm :

Giữa lúc trẻ em chơi, chúng ta nhập cuộc, như một nhân vật của trò chơi, nói với con búp-bê của trẻ em, thay vì nói thẳng với trẻ em. Hay là chúng ta nói thay con búp-bê của trẻ em : Tôi đói quá. Tôi thèm ăn kẹo. Bạn thèm ăn gì bây giờ? Bạn thích uống sữa hay là trà đường ?

Giữa lúc trẻ em đang chơi xe:

- Bạn đang lái xe đi đâu vậy? Mình muốn đi Sở Thú. Cho mình đây quá giang, được không?

***

KHI TRẺ EM CỨ LẶP LUI LẶP TỚI MỘT TRÒ CHƠI.

Sau một hồi quan sát, chúng ta thử đưa vào một ý hướng mới, nhưng vẫn tôn trọng chủ đề hiện tại của trẻ em.

Chẳng hạn, trẻ em cứ chơi mãi hoài với xe chữa lửa và thấy đám cháy khắp nơi. Chúng ta biến mình làm chủ nhà có con mèo bị kẹt vướng trên một cành cây. Chúng ta điện thoại gọi xe chữa lửa đến đem con mèo xuống.

Vào tiệm ăn, các em cứ gọi lui gọi tới « chè bắp ». Chúng ta làm cô bán hàng : - Thưa Bà, cháu hết chè bắp rồi. Bà có mua bánh ngọt không ? Cháu cũng có sữa cho con của Bà, Bà mua sữa giùm cháu đi.

Trẻ em cứ đặt lui đặt tới con búp-bê vào giường ngủ. Chúng ta tới làm con búp-bê từ chối : - Không, không. Ngủ đủ rồi. Không ngủ nữa. Thôi, đi dạo Sở Thú đi. Đi xem voi, xem cọp…



***

Thoảng hoạt đưa vào trò chơi những VẤN ĐỀ thường ngày, những ý tưởng TRANH CHẤPXUNG ĐỘT.

Trẻ em đang chơi « Bác sĩ khám bệnh » :

Chúng ta mang tới con búp-bê từ chối không muốn vào khám.

- Thưa Bác sĩ, con tôi không nói được, nhờ Bác sĩ khám giùm. Ban đêm, cháu không ngủ. Cháu khóc nhè suốt ngày. Tôi cần làm gì?

Trẻ em đang chơi nấu ăn:

Khi con búp-bê của trẻ em mời ăn kẹo, con búp-bê của bạn từ chối.

- Thu này không ăn kẹo đâu. Thu này muốn ăn kem mà thôi. Đi mua kem cho Thu ăn đi.

Nhờ đưa vào những ý tưởng chống đối nầy, chúng ta có cơ hội phản ảnh cho trẻ em thấy được chính mình em và sau đó chúng ta lắng nghe cách thức em đề nghị giải quyết, trong trò chơi của em.

Đó cũng là một thể thức hành động, nhằm giúp trẻ em trở nên mềm dẽo và linh động hơn, biết học tập thích nghi với bao nhiêu vấn đề và nhất là với bạn bè khó tính trong cuộc sống hằng ngày.

***

KHI TRẺ EM CHƯA NÓI HAY CÒN NÓI RẤT ÍT :

Chúng ta dùng một vài câu, một vài từ rất ngắn và gọn, nhằm phản ảnh công việc em đang làm. Một cách đặc biệt, chúng ta lưu tâm nối kết ba yếu tố lại với nhau như Ngôn Ngữ, Hành Động đang diễn tiến trong trò chơi và TÂM TÌNH XÚC ĐỘNG của trẻ em như vui sướng, hạnh phúc, bằng lòng, buồn nhớ mẹ, ghét và giận…Với phương thức phản ảnh, dần dần chúng ta tập cho trẻ em làm quen với những xúc động, công việc, đồ vật và những kinh nghiệm thường ngày.

***

THƯƠNG LƯỢNG :

Trẻ em càng tiến bộ về mặt ngôn ngữ, chúng ta càng tập cho các em biết thương lượng, bằng cách đặt ra những câu hỏi có liên hệ đến ý định và ước mong của các em.

Trẻ em muốn ra vườn.

- Tại sao em muốn ra vườn?

- Ra vườn để làm gì?

- Tại sao em ra bây giờ, mà không đợi ba về và cùng ra với ba.

Càng biết trả lời, trẻ em càng phát triển ngôn ngữ. Điều quan trọng hơn nữa là trẻ em biết suy nghĩ về hành động của mình. Và với cách làm nầy, trẻ em càng ngày càng phát huy tư duy hình tượng và trừu tượng của mình, nhờ biết HÌNH DUNG những điều sắp làm. Thay vì phản ứng bốc đồng, do hoàn cảnh bên ngoài thôi thúc, trẻ em từ từ thay đổi chiều hướng hành động : bắt đầu từ trong nội tâm. Các em ý thức mình có ý định làm gì, thích cái gì. Khi khởi sự từ bên trong như vậy, trẻ em sẽ dần dần phát huy đời sống tư duy, biết suy nghĩ trước khi hành động, biết đánh giá hành động.

Ví dụ: Trẻ em không muốn đi ngủ.

Phương pháp cỗ điển : cầm tay kéo nó vào giường và tắt đèn.

Thay vào đó, chúng ta dùng phương pháp thương lượng : lắng nghe ước muốn và nhu cầu của em, chính lúc ấy. Sau khi hiểu biết, đồng cảm với em, chúng ta có thể đề nghị một lối đáp ứng khác, nhưng vẫn cương quyết về giờ đi ngủ.

- Sáng mai, sau giờ học bài, con có thể xem Tivi, ba sẽ mở chương trình Zôrô cho con. Nhưng bây giờ, đi ngủ như em con. Ba cũng tắt đèn, đi vào phòng trong với con.

Mùa Hè 2004, Lausanne, Thụy Sĩ

(Còn tiếp)