ĐTC Phanxicô luôn luôn cổ võ sự đối thoại và việc xây cầu để liên lạc với nhau. Thứ Sáu vừa qua Ngài đã thực hiện điều giảng dạy đó qua việc tiếp đón một người từng đả kích Ngài cách thậm tệ trong nhiều năm, thậm chí đã có lần tấn công ngôi nhà thờ chính toà của Ngài và trong lúc cưỡng chiếm ấy đã dùng nơi phía sau cuả bàn thờ để làm chỗ phóng uế công cộng.

Người đó không ai khác hơn là bà Hebe de Bonafini, một người 'mẹ' Argentina, một người hoạt động nhân quyền. Bà Bonafini đã tới gặp ĐTC tại nhà Santa Marta, cuộc gặp kéo dài hơn một giờ, là một trong những cuộc gặp riêng tư dài nhất.

Bonafini là người đã sáng lập ra hội "các bà mẹ của Công Trường Tháng Năm" (“Mothers of Plaza de Mayo,”) là một nhóm đòi công lý cho những người "bị mất tích" dưới chế độ quân phiệt Argentina trong những năm 1970. Trong cuộc họp báo sau buổi gặp gỡ ấy, bà Bonafini cho biết bà đã xin lỗi ĐGH vì nhóm của bà đã "nhầm" về những sự việc chung quanh Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, vị Giáo hoàng tương lai.

"Đức Hồng Y Bergoglio đã vĩ đại hơn lên sau khi trở thành Giáo Hoàng Phanxicô," bà Bonafini nói với các phóng viên. "Người ta phải xin tha thứ sau khi mắc lầm lỗi, và 'hội các bà mẹ" đã làm việc ấy."

"Hãy để việc đó qua đi, tất cả chúng ta đều phạm sai lầm," Đức Giáo Hoàng đã nói với bà.

Được biết bà Bonafini đã có hai người con trai và một đứa con dâu bị mất tích trong những năm 1970.

Dưới sự cai trị độc tài quân phiệt của Argentina, người ta ước tính có khoảng từ 15.000 đến 30.000 người bị quân đội bắt cóc, tra tấn và giết chết. Cho tới ngày hôm nay những người đó vẫn còn được gọi là 'biệt tích' vì không ai có thể tìm thấy dấu vết.

Theo tài liệu còn ghi chép lại thì bà Bonafini đã thường xuyên gọi ĐGH là 'phát xít', tố cáo Ngài cộng tác với chế độ quân phiệt, và thường xuyên đặt câu hỏi: "Chuá đang ở đâu khi người ta ném những đứa con cuả chúng tôi xuống biển?"

Năm 2005, bà gây một tai tiếng lớn khi gọi ĐGH John Paul II là "đầy tội ác, đáng xa hoả ngục".

Năm 2008, bà cầm đầu một phong trào chiếm đóng nhà thờ chính toà Buenos Aires và "ứng biến" đặt chỗ phóng uế ở phía sau bàn thờ.

Tuy nhiên, kể từ khi ĐTC Phanxicô đắc cử giáo hoàng, thì bà bắt đầu thay đổi giọng điệu đôi chút, cho tới bây giờ thì thừa nhận rằng trong suốt 12 năm qua, khi Ngài còn là tổng giám mục Buenos Aires, bà đã "phán xét" Ngài một cách "quá vội vàng".

Cuộc gặp gỡ này là kết quả cuả nhiều lời mời của Đức Giáo Hoàng, mà lần nào cũng bị bà Bonafini thẳng thừng từ chối. Năm ngoái, bà đưa ra một số "điều kiện", trong đó có việc "Giáo Hội phải công khai thú nhận đã cộng tác quá nhiều vào việc đàn áp ở Argentina" và chính ĐGH phải cử hành một thánh lễ cho các linh mục và nữ tu 'của thế giới thứ ba' (tercermundistas,) là tên gọi cuả những tu sĩ 'thân mác xít' đã biến mất ở Châu Mỹ Latinh.

Hội các bà mẹ Plaza de Mayo là hội vẫn còn gây nhiều tranh cãi ở Argentina, thường đứng về phe chính trị cánh tả và thân thiện với những nhân vật theo chủ nghĩa Mác Xít như Fidel Castro của Cuba và Hugo Chavez cuả Venezuela.

Do đó ĐHG Phanxicô đã phải giải thích nhiều cho những người bạn cuả Ngài ở bên quê nhà về việc Ngài mời bà Bonafini đến thăm.

"Việc tôi đón tiếp bà Bonafini có vẻ như sẽ gây ra một tai tiếng lớn. Tôi biết bà ấy là ai, nhưng nhiệm vụ của tôi là một mục tử thì phải hiểu theo một cách đơn giản hơn", ĐTC Phanxicô viết email cho một người bạn như thế, theo lời tường thuật cuả hãng thông tấn Argentina là Telam.

"Người phụ nữ này, từ quảng trường (Mayo), đã sỉ nhục tôi nhiều lần với những cỗ pháo hạng nặng," Đức Giáo Hoàng nói (Nhà thờ chính toà cuả Buenos Aires nằm ngay bên quảng trường Mayo.)

"Nhưng với một phụ nữ có những đứa con bị bắt cóc, và không ai biết chúng bị tra tấn như thế nào, bao lâu, và chết ra sao, khi nào và bị chôn vùi ở đâu...thì tôi không thể đóng cửa với bà ta được, " Ngài viết.

"Những gì tôi nhìn thấy là nỗi đau của một người mẹ," Ngài viết tiếp. "Nếu bà ấy có lợi dụng tôi hay không, thì đó không phải là vấn đề của tôi. Sẽ là một vấn đề cho tôi nếu tôi không đối sử với bà bằng sự dịu dàng của một người mục tử. "

Một linh mục Argentina là cha Fabián Báez cũng cho hay ĐTC đã điện đàm với Ngài vài tuần trước và cũng có một quan điểm tương tự.

"Trước mặt một bà mẹ có con bị tàn sát, thì tôi sẽ quỳ xuống và không đòi hỏi bất cứ điều gì với bà ta cả," Linh mục Báez cho biết Đức Giáo Hoàng đã nói như vậy.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu, bà Bonafini nói rằng bà đã xin Đức Thánh Cha hãy về thăm đất nước, và Ngài trả lời, "đáng lẽ tôi phải đi năm nay, nhưng lại bị kẹt rồi."