IV. Sứ Điệp của Chúa Giêsu về lòng thương xót của Thiên Chúa (tiếp theo)

5. Lòng thương xót của Thiên Chúa - Đức Công Bằng của Người- Đời Sống Ta

Những gì Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa Cha và những gì Người mô tả một cách sinh động và cụ thể trong các dụ ngôn của Người, những gì Người tuyên bố rõ ràng trong các lời tiên tri về sự đau khổ của Người và trong lời “truyền phép” ở Bữa Tiệc Ly, đều đã được Thánh Phaolô suy niệm trong toàn bộ các nét sâu sắc khôn thấu của chúng. Khi làm thế, Thập giá đã được đặt vào ngay tâm điểm việc công bố của ngài. Thánh Phaolô không muốn biết bất cứ điều gì khác hơn là Chúa Kitô và Đấng chịu đóng đinh (1Cr 2:2). Thần học của Thánh Phaolô là nền thần học về thập giá. Nhưng trong việc công bố của ngài, thập giá không tách biệt khỏi sứ điệp phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh nhân tiếp nhận cả hai yếu tố này từ truyền thống tiền Phaolô (1Cr 15:3-5). Trong chính truyền thống này, ngài khám phá ra lời tuyên xưng rằng Chúa Giêsu, phù hợp với Thánh Kinh, nghĩa là phù hợp với ý muốn cứu rỗi đã do Thiên Chúa xếp đặt từ trước, đã chết vì tội lỗi ta (ὑπὲσ τῶν ἁμαρτιῶν ἡμῶν) (1Cr 15:3; xem 11, 24).

Không có việc phục sinh, thập giá Chúa Kitô chỉ là dấu ấn việc Người thất bại. Nhưng vì có việc phục sinh, nó trở thành dấu ấn chiến thắng (1Cr 15:54tt) và là nền tảng đức tin, mà nếu không có nền tảng này, mọi điều khác sẽ bắt đầu lung lay và trở thành vô nghĩa (1Cr 15:14-17). Do đó, Giáo Hội của mấy thế kỷ đầu tiên đã trình bầy thập giá không như giá treo mà Chúa Kitô đau khổ bị cột vào, nhưng như một dấu hiện nạm ngọc của chiến thắng (37). Đó là một dấu hiệu chiến thắng để nói với ta rằng tình yêu đã chiến thắng hận thù, sự sống đã chiến thắng sự chết, và, cuối cùng, lòng thương xót đã chiến thắng việc phán xét (Gc 2:13) (38).

Dưới ánh sáng sứ điệp Phục Sinh, Thánh Phaolô suy niệm sâu xa hơn về biến cố thập giá và ý niệm đền tội thay, một ý niệm mà ngài khám phá ra từ hình thức tuyên xưng trong truyền thống các cộng đoàn của ngài. Trong các thư của ngài, công thức sau đây được lặp đi lặp lại nhiều lần: Chúa Giêsu chết vì chúng ta (Rm 8:3; 2Cr 5:21; Gl 3:13). Qua cách này, Thánh Phaolô muốn nói rằng Chúa Giêsu đã tự mang lấy sự đòi hỏi và lời nguyền rủa của tội lỗi và lề luật, theo đó, kẻ có tội đáng phải chết. Thực vậy, Thánh Phaolô đã nói ra ý tưởng này một cách hết sức triệt để khi nói rằng Chúa Giêsu đã bị biến thành tội lỗi vì chúng ta (2Cr 5:21). Đấng vô tội đã tự ý thanh toán món nợ công lý thay cho ta và vì lợi ích của ta (Rm 8:3; Gl 3:13).

Cách hiểu này về sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô là điều nền tảng đối với cách Thánh Phaolô hiểu sự chính trực (δικαιοσύνη θεοῦ) của Thiên Chúa (39). Theo luận lý học của con người, sự chính trực phải có nghĩa là án tử hình cho ta vì ta là những kẻ tội lỗi. Nhưng giờ đây, sự chính trực có nghĩa là đã trả xong món nợ để được sống. Do đó, đòi hỏi của lề luật không bị hủy bỏ; đúng hơn, Chúa Giêsu đã thanh toán món nợ công lý cho ta và thay cho ta. Người đã cất khỏi ta nghĩa vụ phải tự công chính hóa chính mình; chính Người đã trở nên sự chính trực của ta (1Cr 1:30). Do đó, công lý Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Kitô không phải là thứ công lý kết án và trừng phạt, nhưng là thứ công lý làm ta thành chính trực. Nó công chính hóa ta trước mặt Thiên Chúa chỉ vì ơn thánh nhưng không, ta không hề có công phúc chi; đúng ra, bất chấp sự thiếu công phúc của ta. Nó được ban cho ta, không phải vì các việc làm của ta, mà vì đức tin của ta (Rm 1:17; 3:21tt, 28; 9:32; Gl 2:16; 3:11). Nó là thứ công lý công chính hóa người ta và làm họ trở thành chính trực.

Qua cách này, lòng thương xót của Thiên Chúa, một lòng thương xót đã được mạc khải dứt khoát trên thập giá, cho phép ta, những kẻ đáng bị kết án và chết, được sống lại và sống như mới, tuy ta không tự kiếm được điều này. Nó ban cho ta một niềm hy vọng khi không còn một niềm hy vọng nào (Rm 4:18). Nó tạo một không gian cho sự sống và cho tự do của con người. Nó không loại bỏ tự do của con người cũng như không triệt hạ nó. Trái lại, sự chính trực mới này phục hồi tự do của ta như mới để nó có thể sinh hoa trái trong các việc làm công chính và trong cam kết của ta nhân danh công lý trên thế giới (2Cr 9:10; Cl 1:10). Như thế, sứ điệp của sự chính trực mới, được ban cho ta qua đức tin, thiết lập ra tự do Kitô Giáo (Gl 5:1, 13) (40).

Cái nhìn thông sáng cho rằng công lý của Thiên Chúa không phải là thứ công lý trừng phạt, mà đúng hơn là thứ công lý công chính hóa kẻ tội lỗi, được kể như một khám phá lớn lao của Martin Luther, thời Cải Cách, một khám phá cũng đã giải thoát cá nhân ông khỏi lo âu xao xuyến về tội lỗi và khỏi một lương tâm bối rối. Khám phá của Luther từ nền tảng, vốn là một tái khám phá. Nó có gốc rễ xưa hơn trong truyền thống của Giáo Hội sơ khai. Ta thấy các gốc rễ này nơi Thánh Augustinô (41), người mà Luther hết sức qúy mến, và nơi Thánh Bernard thành Clairvaux, người từng được hưởng sự phục hưng ngay trước thời Luther và là người Luther biết rất rõ (42). Đáng tiếc, các cuộc tranh luận về công chính hóa ở thế kỷ 16 đã trở thành tiêu điểm của cuộc luận chiến và, trong các thế kỷ sau đó, đã dẫn tới một lịch sử hiểu lầm và bút chiến lâu dài chia rẽ Kitô Giáo Tây Phương và tạo ra thật nhiều đau buồn nơi người dân Âu Châu. Chỉ qua thế kỷ 20, một thỏa hiệp giữa người Luthêrô và người Công Giáo mới đạt được (43). Ngày nay, cám ơn Thiên Chúa, người Luthêrô và người Công Giáo có thể cùng nhau chứng thực với một thế giới lo âu xao xuyến chỉ biết quan tâm tới mình một cách tuyệt vọng rằng: Đừng sợ! Sự chính trực của Thiên Chúa là lòng thương xót của Người và lòng thương xót của Người chính là sự chính trực của Người. Nó giải phóng bạn khỏi mọi xao xuyến hiện sinh và giải phóng bạn cho đời sống mới, cho hy vọng mới và một đời sống sống nhờ tình yêu và cho tình yêu.

Thánh Phaolô giải thích một cách chi tiết cả việc tự do mới của Kitô hữu có nghĩa gì lẫn nó không có nghĩa gì. Không nên lẫn lộn tự do với tự tiện (arbitrariness) là thứ cho rằng: mọi điều đều hợp luật đối với tôi (1Cr 6:12; 10:23). Tự do giải thoát ta khỏi gánh nặng của lề luật, qua việc chu toàn điều ta nghĩ ta có thể tự công chính hóa mình, nhưng là điều ta không bao giờ có thể thỏa mãn và không ngừng đòi hỏi ta cách quá đáng. Nó cũng giải thoát ta khỏi gánh nặng của tội lỗi, mà ta kéo lê khắp nơi với ta và ta không thể tự mình thoát ra được. Nó giải thoát ta khỏi các cố gắng đầy xao xuyến và không bao giờ thành công muốn tự công chính hóa nhờ thành công, tiền bạc, quyền lực, danh tiếng, khoái lạc, hay quyến rũ tính dục. Nó giải thoát ta khỏi ách nô dịch của những thiện ích thế gian luôn áp chế ta. Nó giải thoát ta khỏi sợ hãi trước sự vô nghĩa của hiện sinh và khỏi sợ hãi trước cái chết. Tuy nhiên, “tự do thoát khỏi” cũng là “tự do cho”, nghĩa là tự do cho Thiên Chúa và cho người khác. Nó hữu hiệu trong tình yêu (Gl 5:6). Tình yêu tự do đến độ nó tự do khỏi chính cái tôi của nó và có thể thay đổi từ nền tảng. Tình yêu là chu toàn trọn bộ lề luật (Rm 13:10).

Thánh Phaolô đã lên quan niệm cho cái hiểu của ngài về sự chính trực với hình ảnh một sự trao đổi. “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5:21). “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8:9). Không phải chúng ta làm hòa chúng ta với Thiên Chúa; Thiên Chúa làm hòa Người với chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô. Nhưng Người làm thế để chúng ta, do đó, trở nên tạo dựng mới trong Chúa Kitô (2Cr 5:17-19).

Ý niệm trao đổi thánh thiêng trên (Sacrum commercium) thường được các giáo phụ tiếp nối và tìm được tiếng vang nơi các ngài. Các ngài nói đi nói lại rằng: Đấng công chính chết cho kẻ bất chính để làm cho kẻ bất chính nên công chính. Người chết để chúng ta được sống. Các giáo phụ đi xa hơn và nói rằng: Thiên Chúa trở nên người phàm để chúng ta được thần hóa (44). Trong Kinh Tiền Tụng thứ ba của Lễ Giáng Sinh, ta đọc thấy: “Nhờ Người, mà hôm nay đã bừng sáng lên cuộc trao đổi làm cho chúng con được đổi mới. Vì khi Ngôi Lời của Chúa mặc lấy thân phận mỏng giòn của chúng con, thì loài người phải chết không những được hưởng vinh dự vĩnh cửu mà nhờ việc tham dự kỳ diệu ấy, Chúa còn cho chúng con được sống muôn đời” (*).Ý niệm trao đổi được Luther nhấn mạnh một cách đặc biệt; tại nhiều chỗ, ông nói tới sự thay đổi và sự trao đổi đầy hạnh phúc (45).

Thần học thập giá trong hình thức trọn vẹn của nó được tìm thấy nơi bài hát xưa về Chúa Kitô trong thư gửi tín hữu Philiphê (2:6-11) (46). Ở đấy, ta thấy ý niệm Thiên Chúa đổ mình ra (kenosis). Thánh Phaolô nói đến việc việc tự đổ mình ra (κένωσις) của Đấng vốn trong hình thức Thiên Chúa (μορϕῇ θεοῦ) nay mang lấy hình thức nô lệ (μορϕῇ δούλον). Theo nhiều nhà chú giải, Thánh Phaolô đã tự ý thêm điều sau, một điều ngài tiếp nhận từ cộng đồng của ngài, vào bài hát này: “đổ mình ra cho tới chết trên thập giá”. Chúa Giêsu tự ý biến mình thành nô lệ trong tay những kẻ quyền thế của thế gian và vâng lời cho tới lúc chết trên thập giá. Nhưng Thiên Chúa đã không để Người trong cõi chết, mà đã nâng Người lên và cử nhiệm Người làm Chúa Tể mới của thế giới (kyrios). Việc Người phục dịch như nô lệ, do đó, đã trở nên lề luật mới cho thế giới. Sự thay đổi quyền tối cao đã hoàn tất; một trật tự thế giới mới đã xuất hiện. Ca khúc trong thư gửi tín hữu Côlôssê đã tiếp nối ý niệm này: “Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại… Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời (Cl 1:18-20).

Trong việc đổ mình ra của Đấng vốn trong hình thức Thiên Chúa, một ý tưởng, mà chúng ta đã gặp trong Cựu Ước, đã được đem tới kết luận của nó: Thiên Chúa lùi bước, có thể nói thế, để dành chỗ cho lòng thương xót của Người và do đó, cho sự sống nữa. Tân Ước làm cho ý tưởng này triệt để hơn: Thiên Chúa thực sự bước vào thế đối lập với chính Người, Người mặc lấy sự chết vào chính Người và tự bắt mình lệ thuộc quyền lực sự chết. Chính Thiên Chúa đã chết (47). Nhưng sự chết không nắm giữ được Người, Đấng vốn là bất tử. Có thể nói, chính sự chết đã cháy túi trên thập giá. Do đó, cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá chính là cái chết của sự chết và là cái chiến thắng của sự sống. Bởi thế, Thánh Phaolô đã có thể giễu cợt: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1Cr 15:54tt).

Như thế, trên thập giá, lòng thương xót của Thiên Chúa, và với nó, sự sống, sau cùng, đã chiến thắng. Chính Thiên Chúa, qua Chúa Kitô, đã giao hòa thế giới với chính Người (2Cr 5:18). Thiên Chúa là Thiên Chúa của lòng thương xót (2Cr 1:3), Đấng giầu lòng cảm thương (Ep 2:4). Nhờ lòng thương xót của Người, chúng ta đã được cứu thoát khỏi sự chết (Ep 4:24) và tái sinh vào niềm hy vọng mới (1Pr 1:3; Tt 3:5). Vì thế, Thánh Phaolô đã có thể nói: không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Người, gian truân không, khốn khổ không, đói rách không, hiểm nguy không, bắt bớ không, và gươm giáo cũng không (Rm 8:35tt). Trong mọi hoàn cảnh, bất kể vô vọng bao nhiêu, khi sống cũng như lúc chết, chúng ta đều được Thiên Chúa chấp nhận, ôm ấp và yêu thương.

Thư thứ nhất của Thánh Gioan nói lên sứ điệp trên một lần nữa: Thiên Chúa lớn hơn trái tim ta (1Ga 3:20). Người lớn hơn các tính toán nhỏ mọn của ta, lớn hơn ngay cả niềm xao xuyến của ta. Thiên Chúa đã kêu gọi ta và đặt để ta vào tình hiệp thông của Người và vào tình hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô (1:3). Do đó, thư thứ nhất của Thánh Gioan đã có thể tóm tắt: “Thiên Chúa là tình yêu” (4:8, 16). Lòng thương xót, vốn tuôn ra từ tình yêu Thiên Chúa, do đó, là toàn bộ Tin Mừng.

Ngày nay, nhiều người không chịu đựng được việc ngắm nhìn thập giá và Đấng bị đóng đinh. Họ coi việc trưng bầy thập giá nơi công cộng là điều không còn thích đáng nữa và họ muốn tháo bỏ nó. Nhưng các thái độ như thế của chủ nghĩa duy tục cao độ trong một xã hội đa nguyên phải bị chất vấn: đau khổ không còn chỗ đứng nào trong thế giới phong lưu hay sao? Chúng ta có đang đẩy nó đi và giập tắt nó không? Thế giới của chúng ta sẽ thiếu điều chi, nhất là nhiều người đang đau khổ sẽ thiếu chi nếu dấu hiệu yêu thương và thương xót mọi người này không còn được phép hiển hiện nơi công cộng nữa? Chúng ta có nên không được nhắc nhở nữa rằng “Chúng ta được chữa lành nhờ các thương tích của Người” (Is 53:5; 1Pr 2:24) không? Tin vào Người Con bị đóng đinh là tin rằng tình yêu hiện diện trong thế giới và nó mạnh hơn thù ghét và bạo lực, mạnh hơn mọi sự xấu mà hiện con người đang vướng phải. “Tin vào tình yêu này là tin vào lòng thương xót” (48).

Tin vào tình yêu và biến nó thành hiện thân và toàn bộ cái hiểu của ta về hiện sinh có những hậu quả xa rộng và thực sự cách mạng đối với hình ảnh Thiên Chúa của ta, đối với cái hiểu của ta về chính ta và cho triết lý hành động của ta, cho triết lý hành động của Giáo Hội và cho tác phong của ta trong thế giới. Tình yêu, vốn được chứng minh trong lòng thương xót, có thể và phải trở nên nền tảng của một nền văn hóa mới cho đời ta, cho Giáo Hội, và cho xã hội. Đây sẽ là chủ đề tiếp theo của ta, sau phần trình bầy này về các nền tảng Thánh Kinh.

Kỳ sau: V. Các Suy Nghĩ Có Hệ Thống
___________________________________________________________________________
(*)Đây là bản dịch lấy từ Trang Mạng của Các Nhà Truyền Giáo Việt Nam ở Đài Loan. Bản dịch tiếng Đức của Đức Hồng Y Kasper viết đại ý thế này: Vì Chúa đã thực hiện một cuộc trao đổi kỳ diệu: Lời thần thánh của Chúa đã trở thành một con người tử sinh, còn chúng con những kẻ tử sinh nhận được sự sống thần thánh của Chúa trong Chúa Kitô”.

(37) Về thần học phục sinh, xem Kasper, Jesus the Christ, 124-59.
(38) Xem Franz Mussner, Der Jakobusbrief: Auslegung (Freiburg i. Br.: Herder, 1964) 136f.
(39) Liên quan tới cái hiểu của Thánh Phaolô về công lý của Thiên Chúa, xem G. Schrenk, “δικαιοσύη”, Theologisches Wonterbuch zum neuen Testament, 2:204-14; Peter Stuhlmacher, Gerechtigkeit Gottes bei Paulus (Gottingen: Vandenhoeck & Ruprecht, 1965); Karl Kertelge, Rechtfertigung bei Paulus (Munster: Aschendorff, 1971); Kertelge, “Gerechtigkeit Gottes I”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, 4:504-6; Ulrich Wilckens, Der Brief an die Romer, Bd. 1 (Neukirchen: Neukirchener Verlag, 1978), 202-33; Walter Klaiber, Gerecht vor Gott (Gottingen: Vandenhoeck & Ruprecht, 2000).
(40) Kasper, Jesus the Christ, 156-58.
(41) Thánh Augustinô, On the Spirit and the Letter, 9:15.
(42) Franz Posset, The Real Luther: A Friar at Erfurt and Wittenberg (Saint Louis: Concordia Publishing House, 2011).
(43) Xem Tuyên Bố Chung về Tín Lý Công Chính Hóa do Giáo Hội Công Giáo và Liên Minh Luthêrô Thế Giới công bố.
(44) xem Thánh Irênê thành Lyons, Against Heresies, III, 19, 1;V,1,1. Có tính cách quyết định đối với Kitô học là cuốn Against the Arians, III, 34 của Thánh Atanasiô. Cũng nên xem cuốn On the Incarnation, 54, của thánh nhân. Xem Balthasar, Theo-Drama: Theological Dramatic Theory, cuốn 3: The Dramatic Personae: The Person in Christ, 237-45; cuốn 4: The Action, 244-49; M. Herz, “Commercium” Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 2, do Josef Hofer và Karl Rahner (Freiburg: Herder, 1957-68), 3:20-22; E. M. Faber, “Commercium”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, 2:1274f.
(45) Thí dụ, Martin Luther, “The Freedom of a Christian” trong Luther’s Works, do Jaroslav Pelikan và Helmut T. Lehmann hiệu đính, 55 cuốn (Philadelphia: muhlenberg Press, 1955-86), 31:351-52. Về lối giải thích của Luther đối với điểm này, cuốn sách của Walter von Loewenich đã trờ nên quan trọng: Luthers Theologia crucis (Munich: Kaiser, 1954). Chủ trương của Luther đã bị Theobald Beer giải thích sai. Lời giải thích sai này thường được chấp nhận một cách không phê phán bởi nhiều tác giả Công Giáo, kể cả Hans Urs von Balthasar, và đã trở thành một chủ trương đi ngược lại từ căn bản với lối hiểu Công Giáo. Xem cuốn Der frohliche Wechsel und Streit: Grundzuge der Theologie Martin Luthers (Einsiedeln: Johannes Verlag, 1980) của Beer. Muốn có lời phê bình lập trường của Beer, xem E, Iserloh, Catholica (M) 36 (1982): 101-14; Jared Wicks, Thepologische Revue 78 (1982): 1-12.
(46) Liên quan tới việc giải thích lá thư này, xem Ernst Kasemann, “Kritische Analyse von Phil 2, 5-11” trong cuốn sách của ông Exegetische Versuche und Besinnungen, Bd. 1 (Gottingen: Vandenhoeck & Ruprecht, 1960), 51-95; Joachim Gnilka, Der Philiierbrief (Freiburg i.Br.:Herder, 1968), 111-47; Ulrich Wilckens, Theologie des Neuen Testaments, Bd. I/3, 247-49; II/1, 250-53.
(47) Về lời tuyên bố này của Hegel, xem Eberhard Jungel, God as the Mystery of the World: On the Foundation of the Theology of the Crucified One in the Dispute between Theism and Atheism, bản dịch của Darrell L. Guder (Grand Rapids: William B. Eerdmans, 1983), 63-100.
(48) Đức Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia (1980), 7.