Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 nói rằng ngài không bao giờ nói với bất cứ ai rằng việc công bố “bí mật thứ ba Fatima” vào năm 2000 là không đầy đủ, và khẳng định các tài liệu đã được công bố trọn vẹn.
Trong thông cáo công bố hôm thứ Bẩy 21 tháng 5, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, bác bỏ tin thất thiệt đang gây xôn xao dư luận trong tuần qua cho rằng bí mật thứ ba Fatima đã không được công bố trọn vẹn.
“Một vài bài báo xuất hiện gần đây đăng những lời tuyên bố được gán cho Giáo Sư Ingo Dollinger, theo đó Đức Hồng Y Ratzinger, sau khi công bố bí mật thứ ba Fatima (hồi tháng 6 năm 2000), đã tâm sự với ông rằng việc công bố ấy không trọn vẹn.
Về vấn đề này, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 tuyên bố rằng ngài ‘không bao giờ nói với Giáo Sư Dollinger về Fatima”, và quả quyết là những lời gán cho Giáo Sư Dollinger về đề tài này là ‘hoàn toàn là bịa đặt, tuyệt đối không đúng sự thật’, và ngài quyết liệt khẳng định rằng: ‘Việc công bố bí mật thứ ba Fatima là trọn vẹn’”.
Ba trẻ em ở Bồ Đào Nha là Lucia, Giacinta và Phanxicô đã nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra sáu lần từ tháng Năm đến tháng 10 năm 1917.
Một trong các trẻ em này là Sơ Lucia de Jesus Rosa Santos cho biết vào ngày 13 tháng 7 năm 1917, Đức Mẹ trao phó cho các trẻ em ba bí mật, mà sau này sơ đã viết xuống và giao cho Đức Giáo Hoàng.
Hai bí mật đầu nói về thế chiến thứ hai, và sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Nga.
Bí mật thứ ba đã không được tiết lộ cho đến khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quyết định công bố vào Năm Thánh 2000. Bí mật này liên quan đến vụ mưu sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, lễ Đức Mẹ Fatima, tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Chuyện gì đã khiến Đức Giáo Hoàng danh dự và Phòng Báo Chí Tòa Thánh phải lên tiếng?
Ngày 15 tháng 5, 2016, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, bà Maike Hickson, một người Đức chuyên về lịch sử và văn chương Pháp, đã tung ra bài báo nhan đề:
“Cardinal Ratzinger: We Have Not Published the Whole Third Secret of Fatima” - Đức Hồng Y Ratzinger nói: Chúng tôi Chưa Công bố Toàn bộ Bí mật Thứ ba Fatima - trên One Peter Five. http://www.onepeterfive.com/cardinal-ratzinger-not-published-whole-third-secret-fatima/Maike Hickson, tuy mới theo đạo, nhưng viết khá nhiều trên các tạp chí Công Giáo trên toàn thế giới. Vì thế, bài báo được đăng tải rộng rãi và gây xôn xao dư luận đến mức Tòa Thánh phải ra thông cáo mặc dù bà ta chẳng có một chứng cứ gì cả, ngoài chuyện … nghe đồn rằng.
Bà Maike Hickson viết như sau:
“Hôm nay, vào ngày lễ Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tôi gọi cho cha Ingo Dollinger, một linh mục người Đức và là cựu giáo sư thần học tại Ba Tây. Ngài hiện nay khá cao tuổi và thể chất đã yếu đi nhiều. Ngài là một người bạn của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 trong nhiều năm. Cha Dollinger bất ngờ xác nhận qua điện thoại các sự kiện sau đây:
Không lâu sau khi Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố bí mật thứ ba Fatima vào tháng 6 năm 2000, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã nói với cha Dollinger trong một cuộc trò chuyện thân tình rằng vẫn còn một phần của bí mật thứ ba chưa được công bố! Đức Hồng Y Ratzinger nói ‘Chúng tôi chưa công bố hết’. Ngài cũng nói với cha Dollinger rằng những phần của bí mật đã được công bố là xác thực, và phần chưa được công bố của bí mật này nói về ‘một công đồng xấu và một Thánh Lễ xấu’ sẽ xảy đến trong tương lai gần.”
“Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường". (2 Tim 4:3-4).
Lời Thánh Kinh này – và cách riêng là sự ám chỉ đến chuyện ngứa tai muốn nghe bất cứ điều gì mới lạ - đang được thể hiện trong một cách thế mới lạ và đầy ấn tượng trong thời đại chúng ta. Một người đàn bà quá rảnh, tung tin đồn thất thiệt, vô bằng vô cớ cũng có thể gây ra một trận bão tố truyền thông trong một tuần qua.
2. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Ái Nhĩ Lan vào năm 2018
Tờ Irish Catholic hôm 19 tháng 5, trích dẫn một tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Dublin, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Ái Nhĩ Lan vào năm 2018.
Đức Tổng Giám Mục đã mời Đức Thánh Cha đến dự Đại Hội Thế giới về gia đình, sẽ được tổ chức tại Dublin vào năm 2018. Trong tuyên bố Đức Cha Martin cho biết Đức Thánh Cha nói ngài sẽ đến “nếu tôi không đến, người kế nhiệm tôi sẽ đến”.
Chuyến đi của Đức Giáo Hoàng đến Ái Nhĩ Lan cũng có thể đem lại cơ hội cho một chuyến thăm miền Bắc Ái Nhĩ Lan. Thánh Gioan Phaolô II đã có ý định đến thăm Bắc Ái Nhĩ Lan vào năm 1979 nhưng phải giới hạn chuyến thăm của ngài tới cộng hòa Ái Nhĩ Lan do tình hình chính trị căng thẳng ở phía bắc lúc bấy giờ.
Ái Nhĩ Lan có 4.9 triệu dân trong đó 85% theo Công Giáo. Giáo Hội tại quốc gia này đang trải qua nhiều thách đố cam go chủ yếu vì những tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ và khuynh hướng duy đời cực đoan do thủ tướng Enda Kenny lèo lái từ tháng Ba năm 2011 đến này.
Diễn biến bi đát nhất là trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 22 tháng Năm, 2015 1,201,607 phiếu trong tổng số 1,949,725 phiếu bầu, tức là 62.07% đã đồng ý sửa đổi hiến pháp công nhận “hôn nhân đồng tính”.
Ái Nhĩ Lan không phải là nước đầu tiên định nghĩa lại hôn nhân để công nhận “hôn nhân đồng tính”. Ở một số nước khác, nhà cầm quyền công nhận “hôn nhân đồng tính” thông qua các cơ chế lập pháp. Nhưng tại Ái Nhĩ Lan, việc sửa đổi hiến pháp cần phải thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Do đó, Ái Nhĩ Lan là nước đầu tiên công nhận “hôn nhân đồng tính” thông qua phổ thông đầu phiếu.
Trước diễn biến bi đát này, Đức Hồng Y Raymond Burke, nguyên chánh tòa ân giải tối cao, nhận định rằng:
“Đây là một thách thức chống lại Thiên Chúa”.
Trong bài nói chuyện tại Đại Học Oxford thuộc Hiệp Hội Newman về di sản trí tuệ của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, Đức Hồng Y Raymond Burke bày tỏ sự đau buồn tột độ của ngài:
“Thật không thể tin nổi. Những người ngoại đạo có thể dung nạp những hành vi tình dục đồng giới, nhưng họ không bao giờ dám nói đây là một cuộc hôn nhân.”
Trong khi đó, nói chuyện trong hội nghị về kinh tế tại Vatican hôm thứ Hai 25 tháng 5, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã mô tả cuộc trưng cầu dân ý tại Ái Nhĩ Lan “không chỉ là một thất bại đối với nguyên tắc Kitô giáo, nhưng là một thất bại đối với nhân loại”
“Tôi đã rất buồn vì kết quả này”, ngài nói.
Trong cuộc trưng cầu dân ý tại Ái Nhĩ Lan đã nổi lên một số linh mục trong đó khét tiếng nhất là các linh mục Pádraig Standún, Iggy O’Donovan và Martin Dolan, những người tự nhận mình là “gay” và hô hào giáo dân bỏ phiếu công nhận “hôn nhân đồng tính”.
Hành vi đáng kinh ngạc của các linh mục này lại được kèm theo một diễn biến đáng kinh ngạc khác là không ai trong số các ngài này cho tới nay bị một hình thức kỷ luật nào của đấng bản quyền địa phương.
3. Chuyến thăm Venezuela của Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh bị huỷ bỏ vì tình trạng căn thẳng
Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, đã hoãn chuyến công du tới Venezuela trước tình trạng bất ổn ở gắn đất nước Nam Mỹ.
“Vì các lý do đó không phụ thuộc vào Tòa Thánh”, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh sẽ không ghé thăm Venezuela như dự kiến vào cuối tháng này, Giáo Hội tại Venezuela đã công bố như trên sáng 19 tháng 5. Chuyến thăm của Đức Tổng Giám Mục Gallagher được mọi người chờ đợi như là một cơ hội tốt để đối thoại với Tổng thống Nicolas Maduro, người đã thường xuyên đụng độ với hàng giáo sĩ Venezuela.
Lạm phát tràn lan, kết hợp với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng gây ra tình trạng thiếu lương thực và mất điện ở Venezuela. Sự thất bại của chính phủ Maduro để giải quyết cuộc khủng hoảng lần lượt đã gây ra nhiều cuộc biểu tình và cả những hình thái bạo lực khác.
4. Các Giám Mục Công Giáo Syria kêu gọi bãi bỏ lệnh cấm vận
Các Giám mục Công Giáo Syria đã đưa một bản kiến nghị trực tuyến qua mạng Change.org yêu cầu chấm dứt các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu đối với Syria vì lý do là các biện pháp này có những tác động tiêu cực sâu nặng đến cuộc sống hàng ngày của người dân.
Sáu giám mục Công Giáo, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Jean Clément Jeanbart, là Tổng Giám mục Công Giáo nghi lễ Đông phương của Aleppo, và cha Pierbattista Pizzaballa, trưởng đoàn hiệp sĩ Thánh Mộ, cùng với một số các cộng đồng tôn giáo, đã đưa bản kiến nghị lên Internet để những đau khổ bi thảm của người dân vì lệnh cấm vận có thể được biết đến và trở thành “chủ đề cho một cuộc tranh luận nghiêm túc.”
Các biện pháp trừng phạt chống lại chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã được đưa ra vào năm 2011, áp đặt một lệnh cấm vận dầu trên cả nước, ngăn chặn tất cả các giao dịch tài chính, và cấm buôn bán nhiều mặt hàng và sản phẩm.
Kiến nghị cho biết: “Các biện pháp này vẫn còn kéo dài đến ngày hôm nay, mặc dù vào năm 2012, lệnh cấm vận dầu mỏ trong các khu vực kiểm soát của các phe đối lập vũ trang và thánh chiến đã được gỡ bỏ, để cung cấp nguồn lực kinh tế cho cái gọi là 'lực lượng cách mạng của phe đối lập’”
Theo các Giám Mục Syria, trong năm năm qua các lệnh trừng phạt đối với Syria đã hủy diệt một quốc gia đang tan nát bởi cuộc nội chiến và làm gia tăng các nhóm Hồi giáo cực đoan như bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
Các Giám Mục cho rằng các biện pháp trừng phạt đã đưa xã hội Syria đến chỗ nghèo đói, dịch bệnh và thậm chí khuyến khích các phe nhóm theo trào lưu Hồi Giáo cực đoan là những kẻ “hiện đang gây ra các cuộc tấn công khủng bố tại châu Âu.”
“Tình hình ở Syria là tuyệt vọng”, các Giám Mục viết và trích dẫn “sự thiếu hụt thực phẩm, thất nghiệp tràn lan, thiếu chăm sóc y tế, phân phối nước uống và điện.”
Thêm vào với tình hình tồi tệ tại địa phương, các biện pháp trừng phạt khiến cho những người Syria đã bỏ chạy khỏi đất nước trước khi chiến tranh không thể gửi tiền cho người thân của họ hoặc các thành viên gia đình bị bỏ lại phía sau. Điều này cũng ảnh hưởng đến các tổ chức phi chính phủ tham gia vào các chương trình bác ái vì họ không thể gửi tiền cho các nhân viên.
5. Đức Hồng Y Robert Sarah cảnh cáo tình trạng suy đồi của xã hội Hoa Kỳ
Đức Hồng Y Robert Sarah đã đưa ra một cảnh báo mạnh mẽ chống lại sự suy đồi đạo đức trong một diễn từ hôm 17 tháng Năm tại National Catholic Prayer Breakfast ở Washington, DC.
Đức Hồng Y Sarah, là Bộ Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích Tòa Thánh, nói:
“Trong đất nước này, ý niệm về Thiên Chúa đang bị xói mòn, bị làm lu mờ, và tan loãng”. Ngài nhận xét cay đắng rằng tại quốc gia giàu có này, ngày nay nhiều hành vi vô đạo đức không chỉ được dung nạp mà “thậm chí còn được khuyến khích như một điều tốt về mặt xã hội”
“Chúng ta cần bảo vệ mình, trẻ em và các thế hệ tương lai khỏi thứ hệ tư tưởng ma quỷ nói rằng trẻ em không cần đến cha mẹ,” Đức Hồng Y nói. “Tôi khuyến khích các bạn hãy thực sự tận dụng các quyền tự do mà cha ông các bạn, những người sáng lập nên đất nước này đã giành được, đừng để mất nó”.
National Prayer Breakfast là một sự kiện thường niên được tổ chức tại Washington, DC, vào ngày thứ Năm đầu tiên của tháng Hai mỗi năm. Người sáng lập ra sự kiện này là Abraham Vereide. Chương trình National Prayer Breakfast thực sự ra bao gồm một loạt các cuộc họp, với các bữa ăn sáng, trưa, tối và đã diễn ra từ năm 1953 và từ năm 1980 luôn được tổ chức tại khách sạn Hilton Washington trên Connecticut Avenue NW. Các bữa ăn sáng, được tổ chức tại phòng khiêu vũ quốc tế của Hilton, thường quy tụ khoảng 3,500 khách, trong đó khách mời quốc tế đến từ hơn 100 quốc gia.
National Catholic Prayer Breakfast là một sự kiện tương tự dành cho Công Giáo, cũng diễn ra hàng năm tại Washington, DC. Sáng kiến này được đưa ra để đáp lại lời mời gọi tân phúc âm hóa của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
6. Lãnh đạo Huynh Đoàn Thánh Piô X bày tỏ lạc quan về triển vọng hợp thức hoá
Giám mục Bernard Fellay, là nhà lãnh đạo của Huynh Đoàn Thánh Piô X, đã thể hiện sự lạc quan về triển vọng có thể đạt được một thỏa thuận với Vatican trong một cuộc phỏng vấn dài dành cho tờ National Catholic Register của Hoa Kỳ.
Đức Cha Fellay nói rằng dưới triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, cuộc đàm phán giữa Huynh Đoàn Thánh Piô X và Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã tìm ra một hướng đi mới, trong đó các quan chức Vatican không còn đòi hỏi đó các nhóm ly khai truyền thống phải hoàn toàn chấp nhận giáo lý của Công Đồng Vatican II. Ông nói trong khi cuộc đàm phán tiếp tục, “Rôma trở nên mềm mỏng hơn.”
Theo nhà lãnh đạo của Huynh Đoàn Thánh Piô X, tình hình có vẻ nghịch lý, trong khi Huynh Đoàn tiếp tục chê bai những thay đổi trong giáo huấn của Giáo Hội, cùng lúc đó các quan chức Vatican lại càng đi gần hơn đến việc hợp thức hoá Huynh Đoàn.
7. Sáu Tân Đại Sứ trình ủy nhiệm thư lên Đức Thánh Cha
Đức Thánh Cha phê bình xu hướng tự cô lập vì sợ hãi, đồng thời ngài cổ võ sự quan tâm đến số phận của những người di dân, và nền văn hóa đối thoại.
Đức Thánh Cha bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 19-5-2016 dành cho các vị đại sứ mới của 6 nước đến trình ủy nhiệm thư: Estoni, Malawi, Namibia, Seychelles, Thái Lan và Zambia.
Trong diễn văn chào mừng, sau khi đề cao vai trò của các vị đại sứ góp phần vào việc xây dựng hòa bình, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “công việc này ngày càng trở nên khó khăn vì thế giới chúng ta dường như ngày càng bị phân hóa và thành những cực khác nhau. Nhiều người có xu hướng tự cô lập đứng trước những khó khăn của thực tại. Họ sợ khủng bố và sợ làn sóng gia tăng của người di dân thay đổi văn hóa, sự ổn định kinh tế và lối sống của họ. Chúng ta hiểu những sợ hãi ấy và không thể coi nhẹ chúng, nhưng cần phải đối phó với chúng một cách khôn ngoan và trong tinh thần cảm thương, tôn trọng và nâng đỡ các quyền lợi và nhu cầu của mọi người”.
Đức Thánh Cha kêu gọi các vị đại sứ phổ biến cho thế giới thấy thảm cảnh của những người bị bạo lực và cưỡng bách di cư, nhờ đó tiếng nói yếu ớt của các nạn nhân có thể được lắng nghe. Con đường ngoại giao giúp chúng ta gia tăng cường độ và thông truyền tiếng kêu ấy, qua sự tìm kiếm những giải pháp cho nhiều nguyên nhân gây ra những cuộc xung đột hiện nay. Điều này đặc biệt được thực hiện qua nỗ lực làm cho những kẻ sự dụng bạo lực không còn võ khí, đồng thời chấm dứt tệ nạn buôn người và buôn bán ma túy thường đi kèm tai ương ấy.”
Cũng trong diễn văn với các vị tân đại sứ, Đức Thánh Cha kêu gọi “đừng để cho những hiểu lầm và sợ hãi làm suy yếu quyết tâm của chúng ta. Đúng hơn, chúng ta được kêu gọi kiến tạo một nền văn hóa đối thoại, giúp chúng ta nhìn nhận tha nhân như người đối thoại có giá trị, nhìn người nước ngoài, người di dân, người thuộc một nền văn hóa khác, như một chủ thể cần lắng nghe, và quí trọng” (Diễn Văn ngày 6-5-2016 khi nhận giải Carlo Magno)... Nếu sự thiếu thông cảm và sợ hãi trổi vượt, thì chúng ta cũng bị thiệt hại một cái gì đó, nền văn hóa, lịch sử và truyền thống của chúng ta cũng bị suy yếu, và hòa bình bị thương tổn”.
Sáu vị tân đại sứ đến trình thư ủy nhiệm lên Đức Thánh Cha là những vị không thường trú tại Roma, nên được ngài tiếp chung. Trong số này, có tân đại sứ Thái Lan, Ông Nopadol Gunavibool, 60 tuổi, hiện nay cũng là Đại sứ tại Vương Quốc Bỉ. Trước đó ông là đại sứ tại Cộng hòa Singapore.
8. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý quan ngại về sự suy giảm dân số, và tình trạng bách hại các Kitô hữu
Trong phát biểu ngày 17 tháng 5 cho các giám mục Italia đang tham dự Đại hội đồng thứ 69 của Hội đồng Giám mục Ý tại phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới ở Vatican, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý chào đón các tài liệu gần đây và các sáng kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và nói rằng Giáo Hội tại Ý đã tiếp đón 23,000 người di cư.
Nhắc lại câu chuyện máu của Abel trong Thánh Kinh, Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục Genoa than thở về sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế trước hoàn cảnh của các Kitô hữu bị bắt bớ, đặc biệt là ở Syria, và chỉ trích tình trạng thanh niên thất nghiệp tại Ý, và sự gia tăng đói nghèo.
Đức Hồng Y cũng than vãn về hôn nhân đồng tính, việc đẻ mướn, và ý thức hệ giới tính, cũng như tình trạng suy giảm dân số của quốc gia. Ngài cho biết vào năm 2015, đã có 488,000 trẻ em chào đời nhưng có đến 653,000 trường hợp tử vong, trong khi đó lại có 100,000 người Ý rời khỏi đất nước đi lập nghiệp ở các quốc gia khác.
9. Đức Hồng Y Kasper viết sách về Luther
Nhà xuất bản Ý, Editrice Queriniana, vừa xuất bản một cuốn sách dầy 75 trang về Martin Luther của Đức Hồng Y Walter Kasper.
Trong cuốn “Martin Lutero: Una prospettiva ecumenica”, vị nguyên Chủ Tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo đã mở rộng một bài giảng mà ngài đã thuyết trình tại Đức vào tháng Giêng vừa qua.
Đức Hồng Y Kasper ghi nhận: “Luther không phải là một con người đại kết,” và Luther đã có những lời khắc nghiệt đối với người Do Thái và người Hồi giáo.
Đức Hồng Y Kasper cũng nhận xét rằng cuộc bút chiến chống giáo hoàng của Luther đã dẫn đến một “phản đề”, cụ thể là người Công Giáo đã phản ứng ngược lại là càng chú trọng hơn đến quyền bính và giáo huấn của các vị Giáo Hoàng, và coi điều này là một dấu chỉ căn tính Công Giáo.
Công đồng Vatican II và các vị Giáo Hoàng gần đây, đặc biệt là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã giúp đẩy một môi trường trong đó cuộc đối thoại đại kết có thể tiến hành.
Bên cạnh đó, Đức Hồng Y Kasper, người cũng đã thảo luận về tầm quan trọng của “định hướng ban đầu của Luther về Tin Mừng của ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa và lời mời gọi hoán cải”.
10. Do Thái gỡ bỏ các loại mìn quanh khu vực Chúa Giêsu chịu Phép Rửa
Trong bản tin hôm 18 tháng 5, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết quân Do Thái sẽ gỡ bỏ tất cả các loại mìn chung quanh khu vực Qasr al-Yahud, bao bọc quanh bờ Tây sông Jordan, nơi theo truyền thống Chúa Giêsu đã chịu phép rửa từ tay Thánh Gioan Tiền Hô.
Đây là những loại bom mìn vẫn còn nằm rải rác năm mươi năm sau cuộc chiến Sáu ngày (từ 5 đến 10 tháng 6 năm 1967). Theo báo chí Israel, khu vực có bom mìn bao gồm khoảng 100 ha và không ai được ra vào từ năm 1967. Các dự án rà phá bom mìn sẽ được thực hiện dưới sự giám sát của Bộ Quốc phòng Israel với sự hợp tác của công ty Anh Halo Trust, chuyên về việc loại bỏ mìn và vật liệu chưa nổ trong chiến tranh. Việc rà phá bom mìn sẽ được thực hiện vào cuối năm 2016.
Qasr el-Yahud, cách thành phố Jericho một vài cây số, nằm trong số các vùng lãnh thổ của Palestine bị Israel chiếm đóng vào năm 1967, nằm sát ngay trên biên giới với Jordan. Khu vực này bao gồm các nhà thờ và tu viện cổ xưa đến nay được coi là không an toàn vì các loại bom mìn.
Từ năm 2011, Israel đã thực hiện một tuyến đường trực tiếp duy nhất thẳng đến một địa điểm cử hành các nghi lễ Kitô Giáo, trên bờ sông Jordan.
Cho đến nay, những người hành hương muốn vào khu vực này phải chịu sự giám sát chặt chẽ của quân đội Israel.
11. Hội Đồng Giám Mục Chile kêu gọi đối thoại quốc gia
Khẩn cầu Chúa Thánh Thần như là “nguồn lực chuyển hóa bản thân và xã hội”, ủy ban thường trực của Hội Đồng Giám Mục Chile đã ra một tuyên bố kêu gọi đối thoại chân thành để giúp vượt qua những xung đột mà quốc gia này đang phải đối mặt.
Các giám mục đã bày tỏ những quan ngại sâu xa trước thảm họa sinh thái ở vùng Los Lagos; các cuộc tấn công đốt phá bởi một số thành viên của người Mapuche bản địa; sự gia tăng tập trung quyền bính của chính phủ, trào lưu “judicialization” – nghĩa là pháp chế hóa, tức là não trạng của xã hội lệ thuộc mù quáng vào các phán quyết của tòa án ngay cả trong những vấn đề thuộc đạo đức và luân lý; và nhu cầu đối thoại giữa các thế hệ già trẻ.
Chile hay còn gọi là Chí Lợi có 18 triệu dân trong đó 74% Công Giáo.
12. Hội Đồng Giám Mục Peru thành lập ủy ban chống lại nạn buôn người
Một ủy ban của Hội Đồng Giám Mục Peru đã được thành lập để thực hiện một dự án chống lại nạn buôn người ở quốc gia Nam Mỹ này.
Trọng tâm của đề án này là Jaén, một thành phố nằm ở biên giới tây bắc của Peru với Ecuador, nơi các linh mục, tu sĩ, và giáo lý viên sẽ được đào tạo về giáo huấn xã hội của Giáo Hội liên quan đến tệ nạn buôn người. Chủ đề của khóa đào tạo này là: quyền con người và hiện trạng di cư, giáo huấn xã hội của Giáo Hội về di dân, và thực tế buôn người tại Peru.
Đây là khởi đầu của công việc mục vụ liên tục và phối hợp thường xuyên với các tổ chức chính phủ và xã hội dân sự trong khu vực, để bảo vệ người di cư và gia đình của họ.
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban do Quốc hội thành lập để theo dõi vấn đề này, gọi là “Kế hoạch quốc gia hành động chống lại nạn buôn người ở Peru 2011-2016”, Peru được coi là nơi xuất phát và quá cảnh của bọn buôn người quốc tế. Từ năm 2004 đến năm 2011, cảnh sát quốc gia báo cáo tìm được 974 nạn nhân (92% phụ nữ và 8% nam giới), trong khu vực rừng Amazon. 58% trong số những nạn nhân là trẻ vị thành niên.
13. Đức Thánh Cha chia buồn với tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi về vụ tai nạn máy bay
Các lực lượng vũ trang Ai Cập đã thông báo tìm thấy những mảnh vụn của chiếc bay của hãng hàng không Egyptair đã biến mất vào rạng sáng ngày thứ Năm 19 tháng 5. Theo Chuẩn Tướng Mohamed Samir, phát ngôn viên của quân đội Ai Cập: “Sáng thứ Sáu 20 tháng 5, các Không quân và Hải quân Ai Cập đã tìm thấy những mảnh vụn chiếc máy bay hành khách trong khu vực phía bắc của thành phố Alexandria, cách bờ biển 295 km”. Những thi hài trôi nổi trên biển, hai ghế ngồi và hành lý đã được tìm thấy trong vùng biển nơi cuộc tìm kiếm vẫn đang được tiếp tục.
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã thay mặt Đức Thánh Cha gởi điện chia buồn với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi.
66 người đã bị thiệt mạng trong chuyến bay MS804 từ Paris đi Cairo, trong đó có 10 nhân viên phi hành đoàn, và 66 hành khách gồm 30 người Ai Cập, 15 người Pháp, 2 người Iraq. Anh, Canada, Bỉ, Kuwait, Saudi Arabia, Algeria, Sudan, Chad và Bồ Đào Nha mỗi nước có một người trên chuyến bay.
Chiếc máy bay xấu số đã cất cánh từ phi trường Charles De Gaulle lúc 11:09 tối thứ Tư 18 tháng 5. Lúc 1:24 sáng phi công liên lạc với đài không lưu Athens khi vào không phận Hy Lạp. Lúc 1:48 sáng đài không lưu Athens vẫn còn liên lạc được với chiếc máy bay.
Lúc 2:27 sáng đài không lưu Athens liên lạc với chiếc máy bay nhưng không thấy trả lời.
Lúc 2:29:40 sáng mất hoàn toàn mọi tín hiệu với chiếc máy bay.
Lúc 2:45 sáng chiếc máy bay được ghi nhận là mất tích và công cuộc tìm kiếm bắt đầu.
14. Đức Thánh Cha tiếp các cầu thủ túc cầu
Lúc 12 giờ trưa ngày 20 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Liên minh Quốc Gia các nhà chuyên nghiệp túc cầu Seria A và các cầu thủ của 2 câu lạc bộ Juventus và Milan, nhân dịp 2 câu lạc bộ này sẽ tranh cúp vô địch “Coppa Italia” vào chiều mai tại sân vận động Stadio Olympico ở Roma.
Ngoài các vị lãnh đạo, các cầu thủ, các kỹ thuật viên, và các người đồng hành của 2 đội bóng, còn có các đại diên của Liên minh Quốc gia Seria, trong đó có chủ tịch Maurizio Beretta.
Trong bài diễn văn phát biểu trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ca ngợi sự chuyên nghiệp và vẻ đẹp của túc cầu mà các câu lạc bộ Italia đang tạo nên và kêu gọi các cầu thủ, là những người được nhiều người hâm mộ, đặc biệt là các bạn trẻ, “hành động trong cách thế để từ anh em luôn có thể xuất phát các phẩm chất nhân bản của các vận động viên, dấn thân làm chứng cho những giá trị đích thực của thể thao”.
Đức Thánh Cha cũng đề cao sự liên kết giữa thành công và các nhân đức, Ngài nói: “Sự thành công của một đội bóng là kết quả của nhiều nhân đức: sự hòa đồng, trung thành, khả năng của tình bạn và đối thoại, sự tương trợ; các giá trị thiêng liêng mà trở thành các giá trị thể thao. Khi thực hành các phẩm tính luân lý này, các anh em có thể làm nổi bật hơn mục đích thật sự của thể thao, thỉnh thoảng được ghi dấu bởi cả những hiện tượng tiêu cực”
Ngài cũng nhắc các cầu thủ: “trước khi là một cầu thủ, anh em là một con người với những giới hạn và thế mạnh, nhưng trên tất cả với một lương tâm đúng đắn mà tôi hy vọng luôn được chiếu sáng từ mối liên hệ với Thiên Chúa. Do đó, giữa các anh em, đừng bao giờ giảm đi tình bạn, sự tôn trọng lẫn nhau, sự hiểu biết và cả sự tha thứ. Hãy hành động trong cách thế mà (bản tính) con người luôn luôn hòa hợp với một vận động viên.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Anh em là những nhà vô địch thể thao, nhưng trên hết là vô địch trong cuộc sống”. Ngài khích lệ các cầu thủ: “Hãy luôn nâng cao những gì thực sự tốt đẹp, thông qua một nhân chứng mạnh mẽ của những giá trị đặc trưng cho thể thao đích thực. Đừng ngại làm cho thế giới của những người ngưỡng mộ anh em biết được những nguyên tắc luân lý và tôn giáo mà anh em ao ước chúng soi sáng cuộc sống của anh em”.
Cuối cùng Đức Thánh Cha cám ơn cuộc viếng thăm của phái đoàn và cầu chúc họ những điều tốt đẹp. Ngài cũng xin họ cầu nguyện cho ngài và ngài cũng cầu xin phúc lành của Thiên Chúa cho họ và gia đình.
Juventus và Milan là 2 trong số những câu lạc bộ túc cầu đứng đầu của Italia đang chơi ở giải Seria – giải đấu hàng đầu của Italia. Juventus là đội đã đoạt cúp vô địch Seria mùa giải năm 2015-2016, và đây là lần thứ 5 liên tiếp họ đoạt cúp vô địch. Chiều mai 2 đội Juventus và Milan sẽ tranh cúp Italia, giải đấu Juventus đang đứng đầu với 10 lần vô địch.
15. Nhà thờ mới dâng kính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Đặc sứ của Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở cửa Thánh ở nhà thờ Đức Maria, ngôi sao hướng dẫn việc tái truyền giảng Tin Mừng và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Đức Thánh Cha đã cử Đức Hồng Y Zenon Grocholewski làm đặc sứ của ngài đến thánh hiến ngôi thánh đường mới ở Toruń, Ba lan ngày hôm qua, 18/5, sinh nhật thứ 96 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Nhà thờ Đức Maria, ngôi sao hướng dẫn việc tái truyền giảng Tin Mừng và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II này được khởi công từ năm 2012; 3 năm sau, ngày 5/9/2015, một viên gạch được lấy từ đền thờ Thánh Phê rô, được đặt dưới nền của thánh đường. Nhà thờ được xây để bày tỏ lòng kính nhớ và biết ơn triều đại Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Trong thánh điện có bản sao của nhà nguyện của giáo hoàng ở Vatican. Bức họa Đức Mẹ Częstochowa mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến cầu nguyện trong nhiều năm được đặt trong nhà nguyện này. Bên dưới nhà thờ là nhà nguyện Tưởng niệm, dâng kính các vị tử đạo. Tên của những người Ba lan bị giết vì đã giúp người Do thái trong thế chiến thứ 2 với các thánh tích của các ngài có thể thất trên tường của nhà nguyện. Ở trung tâm của nhà nguyện là tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Trong thư gửi cho Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tôi cám ơn Hội dòng Chúa Cứu Thế về những nỗ lực của họ, và cám ơn lòng quảng đại của dân ba lan ở trong nước cũng như hải ngoại về những đóng góp để hoàn thành việc xây dựng”.
Tùy viên Văn hóa của tòa Đại sứ Israel ở Ba lan, Anna Ben Ezra, bày tỏ lòng biết ơn về việc xây dựng bên tròng nhà thờ mới này nhà nguyện tưởng niệm các người Ba lan bị giết vì giúp đỡ người Do thái bị nguy hiểm trong thế chiến thứ 2. Anna Ben Ezra bày tỏ lòng biết ơn về sự phục vụ và dấn thân của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho việc cải thiện mối tương quan của Công Giáo và Do thái.
Trong một lá thư, Đức Tổng Giám mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba lan, viết: “Sự thánh hiến của thánh đường Đức Đức Maria, ngôi sao hướng dẫn việc tái truyền giảng Tin Mừng trong dịp Ba lan kỷ niệm 1050 năm lãnh nhận phép Rửa tội và ngày Quốc tế giới trẻ Cracovia 2016 thật là ý nghĩa.
16. Đức Hồng Y John Onaiyekan bày tỏ vui mừng vì 2 trong 219 thiếu nữ bị khủng bố Hồi Giáo Boko Haram bắt cóc đã được giải thoát
“Câu hỏi chúng ta phải tự hỏi mình là: các thiếu nữ này đã bị bắt cóc hai năm trước đây, tại sao mãi đến nay chúng ta vẫn chưa tìm thấy họ?” Đức Hồng Y John Onaiyekan, Tổng Giám Mục Abuja, đã nói như trên với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc hôm thứ Sáu 20 tháng 5.
Đây là phản ứng đầu tiên của ngài trước tin quân đội vừa giải thoát được cho 2 trong số 219 cô gái bị quân khủng bố Hồi giáo Boko Haram bắt cóc vào đêm 14 tháng Tư năm 2014 tại trường học của họ ở Chibok, miền bắc Nigeria.
Đức Hồng Y nói thêm:
“Chúng ta biết rằng hàng trăm phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc bởi Boko Haram đã được giải thoát trong những tháng gần đây nhờ vào các hoạt động của quân đội. Nhưng trường hợp các cô gái ở Chibok rất đặc biệt, do sự vận động của các phương tiện truyền thông quốc tế về tình cảnh bi đát họ, do đó có vẻ như Boko Haram giấu họ cẩn thận hơn so với những người bị bắt cóc khác. Vì vậy, nếu chúng ta bắt đầu tìm ra các cô gái đó, thì tôi nghĩ đây là một dấu chỉ cho thấy cuối cùng tổ chức Boko Haram đang sụp đổ”
Đức Hồng Y cho biết ngài “quan ngại sâu xa cho sức khỏe của các cô gái nghèo, những người đã phải chịu đựng bạo lực thê thảm vì các tổ chức khủng bố Hồi Giáo nói chung và bọn Boko Haram luôn khen thưởng cho các chiến binh của chúng cả tiền bạc lẫn những phụ nữ mà chúng bắt được”.
Mặc dù các lực lượng quân sự cam kết săn lùng và tận diệt Boko Haram, tình hình an ninh chung ở Nigeria vẫn là một mối quan tâm. Ngay cả Đức Hồng Y Onaiyekan gần đây đã bị phục kích. Báo chí cho rằng những người chăn gia súc Fulani đã phục kích và bắn vào xe ngài. Tuy nhiên, Đức Hồng Y phát biểu thận trọng rằng: “Tôi không thể nói chắc chắn có phải những kẻ đã bắn vào xe của tôi là những người chăn gia súc Fulani hay không. Nhưng đó chắc chắn là một trận phục kích trên đường đi mà đáng tiếc là những chuyện như thế diễn ra rất nhiều tại Nigeria. Sự cường bạo của người chăn gia súc Fulani là một vấn đề cần được giải quyết bằng cách tìm kiếm một sự cân bằng lợi ích của tất cả mọi người.”
Đức Hồng Y kết luận:
“Tình hình mất an ninh chung mà cả nước đang sống là điều đáng lo ngại”