MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Chúa Nhật IX THƯỜNG NIÊN

St 14, 18-20 1Co 11,23-26 lc 9, 11b-17

PHÚC CHO NHỮNG AI ĐƯỢC MỜI ĐẾN DỰ TIỆC CHIÊN Thiên Chúa

Claude Ducarroz đã viết :” Thầy và Chúa chúng ta đích thân ban mình cho chúng ta toàn là dưới những dấu tích khiêm tốn là một chút bánh, một chút rượu. Thật giống như bầu khí của việc rửa chân, một cách đơn sơ và khiêm tốn. Coi như đáng kể , cảnh chia sẻ thân tình này giữa bạn hữu với nhau quanh một bàn ăn, vậy mà giữa cảnh ấy, phải đón nhận món quà tặng cao quí nhất, là chính Đức Giêsu, Quân Vương kiêm Tôi Tớ. Vậy chúng ta hãy thực hiện điều đó với lòng khiêm tốn, noi gương khiêm tốn của Người, với hai bàn tay trắng – nhưng là bàn tay giơ ra – của chúng ta, như bàn tay kẻ ăn xin tình yêu là chính chúng ta. Và ( thưa các bạn ), những người phục vụ các bạn để tạo điều kiện và khởi động buổi gặp gỡ linh thiêng này – tôi muốn nói tới các thừa tác viên của Giáo Hội, bắt đầu bằng các Giám mục, Linh mục và Phó tế - chỉ là và phải chỉ là những tôi tớ của các bạn vì yêu Đức Giêsu…và yêu các bạn…”. Bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu.

Thật lạ lùng và huyền nhiệm, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng con người, ban sự sống cho con người. Đây là một sáng kiến của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly vào Chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Bánh trở thành Mình của Chúa và Rượu nho trở thành Máu của Chúa. Quả diệu kỳ và linh thánh bởi vì không ai có thể làm được một việc lạ lùng và kỳ diệu như thế. Đức Giêsu Kitô lại mời gọi chúng ta làm những gì Người đã làm : “ Anh em hãy như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy “. Anh em hãy cầm lấy mà ăn và anh em hãy cầm lấy mà uống.Đây là việc cao sâu và thánh thiêng vì chính Chúa Giêsu đã để lại Thịt và Máu của Mình để nuôi dưỡng nhân loại, nuôi sống chúng ta. Sách Dẫn giải Giáo Lý giải thích thế này :” Chúa lập phép Thánh Thể trong lễ chiên Vượt qua cũng có ý cho ta hiểu rằng chính Chúa là Chiên lễ Vượt qua mới mà con chiên trong lễ Vượt qua bị sát tế thế nào, thì Chúa cũng sẽ bị sát tế để cứu rỗi chúng ta như vậy. Vì thế trong phụng vụ mùa Phục Sinh Giáo Hội ca hát rằng : “ Chiên Vượt qua của chúng ta là Đức Kitô đã hiến tế, vì thế chúng ta hãy mừng lễ với bánh không men tinh tuyền và chân chính.Halléluia…”. Giáo Hội hơn hai ngàn năm qua đã không ngừng lập lại điều Chúa đã truyền dạy. Mỗi lần dâng lễ là chúng ta cử hành tái diễn lại cuộc tử nạn của Chúa, như lời thánh Phaolô nói :” Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này, anh em hãy loan truyền sự chết của Chúa, cho đến khi Chúa lại đến “ ( 1 Co 11, 26 ).

Một sự lạ lùng và đòi hỏi đức tin bởi vì khi linh mục đọc lời truyền phép Thánh Thể, Ngài không đọc nhân danh cá nhân mình, nhưng là nhân danh Chúa Giêsu. Vì thế, Ngài không nói :” Này là Mình Chúa Kitô, này là Máu Chúa Kitô “, nhưng là nhân danh Chúa Giêsu, Ngài nói :” Này là Mình Ta, này là Máu Ta “. Và chính lúc đó, Chúa Giêsu đã dùng quyền năng của Người mà biến đổi bánh và rượu trở nên Mình Thánh Máu Thánh Người. Đây quả thật là một phép lạ lớn, mà chỉ con mắt đức tin mới nhận ra được. Vì sau khi truyền phép, bề ngoài hình bánh hình rượu vẫn y nguyên như trước, không thay đổi chút nào.Nhưng đức tin dạy cho ta biết đó không còn phải là bánh là rượu nữa, mà đã trở nên Mình Máu Thánh Chúa.Vì nhiệm mầu đức tin. Và khi đó ta phải giục lòng tin có Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong hình bánh hình rượu trên bàn thờ ( Dẫn giải Sách Giáo lý ).

Mỗi ngày trên thế giới có biết bao thánh lễ được dâng. Bí tích Thánh Thể là chính Mình Máu Thánh của Chúa tiếp tục nuôi dưỡng con người phần hồn cũng như phần xác. Do đó, chúng ta phải yêu mến năng đi tham dự thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa vì chính Chúa nuôi dưỡng và ban sự sống thần linh cho chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng siêng năng chầu Thánh Thể và viếng Chúa nơi Nhà Tạm. Chúa phán :” Hỡi những kẻ khó nhọc gồng gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ bổ sức lại cho các ngươi “.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con càng ngày càng yêu mến Chúa vì chính Chúa đã ban Mình Máu Thánh của Người để nuôi dưỡng nhân loại, nuôi dưỡng chúng con. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ ?

1.Chúa đã lập bí tích Thánh Thể lúc nào ?
2.Ai được cử hành bí tích Thánh Thể ?
3.Khi linh mục truyền phép bánh và rượu trở nên thế nào ?
4.Chúng ta phải có thái độ nào đối với bí tích Thánh Thể ?