Chương Sáu: Một Số Viễn Ảnh Mục Vụ (tiếp theo)

Đồng hành trong các năm đầu đời hôn nhân

217. Điều quan trọng là phải coi hôn nhân như một vấn đề yêu thương, mà chỉ những ai tự do chọn lựa và yêu thương nhau mới nên kết hôn. Khi lòng yêu thương chỉ là chuyện lôi cuốn thể lý hay âu yếm mơ hồ mà thôi, thì hai người phối ngẫu sẽ rất dễ bị thương tổn khi sự âu yếm nhạt phai hay khi lôi cuốn thể lý suy giảm. Vì việc này thường rất hay xẩy ra, nên điều càng chủ yếu là cặp vợ chồng cần được giúp đỡ trong những năm tháng đầu đời hôn nhân để họ phong phú hóa và thâm hậu hóa quyết định đầy ý thức và tự do giữ lòng chung thủy và yêu thương nhau suốt đời. Thời kỳ đính hôn thường không dài đủ, vì một số lý do nào đó, quyết định đã được đưa ra vội vàng, và điều càng gây vấn đề hơn nữa là khi cặp đính hôn chưa đủ chín chắn. Thành thử, các cặp mới cưới cần hoàn tất diễn trình đáng lý nên được diễn ra trong lúc đính hôn.

218. Một thách thức lớn lao nữa của hôn nhân là giúp cặp vợ chồng hiểu rõ ràng rằng hôn nhân không phải là một điều đã xẩy một lần là xẩy ra mãi mãi. Đã đành, sự kết hợp của họ có thực chất và không thể phản hồi, được củng cố và thánh hiến bởi bí tích hôn phối. Ấy thế nhưng khi kết hợp hai cuộc đời của họ với nhau, vợ chồng đảm nhiệm một vai trò tích cực và đầy sáng tạo trong một dự án kéo dài suốt đời. Cái nhìn của họ lúc này phải hướng về tương lai, một tương lai mà ngày nào họ cũng được kêu gọi phải xây dựng, với sự trợ giúp của ơn thánh. Chính vì lý do này, không ai trong hai người có thể mong chờ ở người kia phải hoàn hảo. Mỗi người phải để qua một bên mọi ảo tưởng và biết chấp nhận người kia trong con người thực của họ: một sản phẩm chưa hoàn tất, vẫn cần được lớn lên, một công trình còn đang diễn tiến. Thái độ nằng nặc đòi phê phán người bạn đời của mình là dấu hiệu cho thấy họ đã không bước vào cuộc hôn nhân như bước vào một dự án cần cùng nhau thể hiện, một cách kiên nhẫn, có hiểu biết, khoan dung và đại lượng. Từ từ nhưng chắc chắn, lòng yêu thương trong những lúc như thế sẽ nhường bước cho những tra vấn và chỉ trích khôn nguôi, nằm lỳ ở những điểm tốt xấu của người kia, ra tối hậu thư và chỉ hăm hở với hết cạnh tranh này tới tự biện hộ khác. Những lúc như thế, họ tự chứng tỏ không còn khả năng giúp nhau bồi đắp một cuộc kết hợp trưởng thành. Sự kiện này cần được trình bầy một cách thật thực tiễn cho cặp vợ chồng ngay từ đầu đời hôn nhân để họ nắm vững được rằng ngày cưới “mới chỉ là ngày khởi đầu”. Khi nói “thưa có”, họ đã khởi đầu một cuộc hành trình đòi họ phải vượt qua mọi trở ngại ở trên đường để đạt cho được mục tiêu của họ. Sự chúc hôn mà họ nhận lãnh là một ơn thánh và một khích lệ để họ lên đường. Họ chỉ có thể có lợi nếu biết ngồi xuống và thảo luận với nhau cách làm thế nào để đưa ra kế hoạch cụ thể nhằm đạt được mục tiêu của mình.

219. Tôi xin nhắc lại một câu nói xưa: nước lặng trở thành nước tù, không tốt cho bất cứ điều chi. Trong những năm đầu đời hôn nhân, nếu trải nghiệm yêu thương của vợ chồng trở nên tù túng, nó sẽ mất hết nét hào hứng vốn phải là lực đẩy của nó. Lòng yêu thương trẻ trung cần tiếp tục nhẩy múa hướng về tương lai đầy hy vọng. Hy vọng là chất men mà, trong các năm đầu đời đính hôn và kết hôn, đã làm người ta có khả năng biết nhìn quá bên kia tranh luận, tranh chấp và vấn nạn để nhìn sự việc trong một viễn ảnh rộng lớn hơn. Nó kiềm chế các bất trắc và lắng lo của ta để ta có thể lớn mạnh. Hy vọng cũng mời gọi ta sống cách trọn vẹn trong hiện tại, hiến tất cả những gì ta có cho cuộc sống gia đình, vì cách tốt nhất để chuẩn bị cho một tương lai chắc chắn là sống tốt trong hiện tại.



220. Diễn trình trên diễn ra trong các giai đoạn khác nhau, đòi ta phải đại lượng và hy sinh. Những cảm quan lôi cuốn mạnh mẽ đầu tiên sẽ nhường bước để ta hiểu ra rằng người kia nay đã là một phần của đời ta. Niềm sảng khoái được thuộc về nhau dẫn tôi tới chỗ biết nhìn đời sống như một dự án chung, đặt hạnh phúc của người kia lên trước hạnh phúc của tôi, và vui mừng hiểu ra rằng cuộc hôn nhân này quả có làm cho xã hội phong phú. Khi lòng yêu thương chín mùi, nó còn học cách “thương thảo” nữa. Không hề ích kỷ hay tính toán, việc thương thảo này chính là thao tác của lòng yêu thương hỗ tương, một tương tác của cho và nhận, vì lợi ích của gia đình. Ở mỗi giai đoạn mới của đời sống vợ chồng, đều cần phải ngồi xuống và tái thương thảo những điều cần nhất trí, ngõ hầu sẽ không còn kẻ thắng người thua, nhưng đúng hơn cả hai đều thắng. Trong tổ ấm, các quyết định không được đưa ra cách đơn phương, vì mỗi người phối ngẫu chia sẻ trách nhiệm đối với gia đình; tuy nhiên, mỗi tổ ấm đều có tính độc đáo và mỗi cuộc hôn nhân sẽ tìm được một cách dàn xếp hữu hiệu nhất.

221. Trong số các nguyên nhân làm hôn nhân tan vỡ có các chờ mong quá cao, không thích đáng đối với cuộc sống vợ chồng. Một khi đã hiểu rõ thực tại giới hạn và có tính đòi hỏi hơn mình tưởng tượng, thì giải pháp không phải là nghĩ một cách vội vàng và vô trách nhiệm đến chuyện phân ly, mà phải tỉnh táo nhận ra điều này: đời sống hôn nhân là một diễn trình tăng trưởng, trong đó, mỗi người phối ngẫu là phương thế của Thiên Chúa để giúp người kia trưởng thành. Thay đổi, cải thiện, nở rộ các đức tính tốt hiện diện nơi mỗi người, tất cả những điều này đều khả hữu cả. Mỗi cuộc hôn nhân là một thứ “lịch sử cứu rỗi” mà ngay từ những ngày đầu mong manh của nó, nhờ hồng phúc của Thiên Chúa và đáp ứng sáng tạo và quảng đại của ta, với thời gian sẽ lớn mạnh thành một điều qúy giá và lâu bền. Ta có dám nói rằng sứ mệnh cao cả nhất của hai con người sống trong yêu thương là giúp nhau trở nên, lần lượt, người đàn ông và người đàn bà hơn không? Phát huy sự tăng trưởng là giúp người ta lên khuôn căn tính riêng của họ. Như thế, lòng yêu thương là một loại học tay nghề (craftsmanship). Trong Thánh Kinh, khi ta đọc câu truyện tạo dựng người đàn ông và người đàn bà, ta thấy trước nhất Thiên Chúa dựng nên Ađam (xem St 2:7); Người nhận ra: một điều gì có tính chủ yếu đang không có và thế là Người dựng nên Evà, rồi nghe thấy người đàn ông lớn tiếng hô lên sự ngạc nhiên của mình, “Vâng, người này thật đúng là người cho tôi!”. Chúng ta gần như có thể nghe được cuộc đối thoại kỳ thú chắc hẳn đã diễn ra khi người đàn ông và người đàn bà gặp nhau lần đầu. Trong cuộc sống của cặp vợ chồng, cả những lúc khó khăn, người này vẫn luôn có thể gây ngạc nhiên cho người kia, và những cánh của mới vẫn có thể mở ra cho mối liên hệ của họ, như thể họ mới gặp nhau lần đầu. Ở mỗi giai đoạn mới, họ vẫn có thể liên tục “tạo hình” cho nhau. Lòng yêu thương làm mỗi người mong chờ người kia với lòng kiên nhẫn của một tay nghề, một lòng kiên nhẫn phát xuất từ chính Thiên Chúa.

222. Việc chăm sóc mục vụ cho các cặp mới lấy nhau cũng phải bao gồm việc khuyến khích họ quảng đại trong việc truyền sinh. “Để phù hợp với đặc điểm bản vị và nhân bản trọn vẹn của lòng yêu thương vợ chồng, việc kế hoạch hóa gia đình phải diễn ra một cách thích đáng như là kết quả của một cuộc đối thoại thuận tình giữa vợ chồng, biết tôn trọng thì giờ và ân cần đối với phẩm giá người bạn đời. Trong chiều hướng này, giáo huấn của Thông Điệp Humanae Vitae (xem các số 10-14) và Tông Huấn Familiaris Consortio (xem số 14; 28-35) cần được tiếp nhận như mới, ngõ hầu phản công lại não trạng thường hay chống lại sự sống... Các quyết định liên quan tới việc làm cha mẹ có trách nhiệm giả thiết trước đó phải có sự đào luyện lương tâm, vốn là ‘cốt lõi và cung thánh kín nhiệm nhất của một con người. Ở đấy, mỗi người hiện diện một mình với Thiên Chúa, Đấng mà tiếng nói vang vọng trong thẳm sâu tâm hồn họ’ (Gaudium et Spes, 16). Cặp vợ chồng càng cố gắng lắng nghe Thiên Chúa và các giới răn của Người trong lương tâm họ (xem Rm 2:15), và được đồng hành về phương diện thiêng liêng, thì các quyết định của họ sẽ càng được giải thoát sâu xa hơn khỏi tính thất thường chủ quan và thỏa hiệp với các phong thái đương thịnh hành trong xã hội” (248). Giáo huấn rõ ràng của Công Đồng Vatican II vẫn chủ trương rằng “[Cặp vợ chồng] sẽ đưa ra các quyết định do ý kiến và cố gắng chung. Họ nên lưu ý một cách có suy nghĩ tới cả phúc lợi của họ lẫn phúc lợi của con cái, những đứa đã được sinh ra và những đứa tương lai có thể đem tới. Vì sự lưu ý này, họ cần xem xét mọi điều kiện cả vật chất lẫn tinh thần của thời đại cũng như của riêng họ trong cuộc sống. Sau hết, phải nghĩ đến lợi ích của gia đình, của xã hội trần gian và của chính Giáo Hội. Sự phán đoán ấy, sau cùng chính đôi vợ chồng phải chọn lựa lấy trước mặt Thiên Chúa” (249). Hơn nữa, “việc sử dụng các phương pháp dựa vào ‘các luật tự nhiên và cơ hội có thể sinh nở’ (Humanae Vitae, 11) phải được cổ vũ, vì ‘các phương pháp này tôn trọng thân xác vợ chồng, khuyến khích tình âu yếm giữa họ với nhau và khích lệ việc giáo dục tự do chân chính’ (Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 2370). Cần nhấn mạnh hơn nữa sự kiện này: con cái là ơn phúc kỳ diệu của Thiên Chúa và là niềm vui của cha mẹ và của Giáo Hội. Qua con cái, Chúa đổi mới thế giới” (250).

Một số tài nguyên

223. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhận xét rằng “những năm đầu của hôn nhân là thời kỳ sinh tử và nhậy cảm trong đó vợ chồng trở nên ý thức hơn đối với các thách đố và ý nghĩa của cuộc sống vợ chồng. Do đó, việc đồng hành mục vụ cần vượt quá việc cử hành bí tích (Familiaris Consortio, Phần III). Về phương diện này, các cặp vợ chồng có kinh nghiệm có một vài trò quan trọng để đóng góp. Giáo xứ là nơi các cặp vợ chồng có kinh nghiệm này có thể giúp các cặp trẻ hơn, với việc cộng tác sau cùng của các hiệp hội, phong trào Giáo Hội và các cộng đồng mới. Các cặp trẻ cần được khuyến khích để thực sự cởi mở đối với hồng phúc con cái. Cũng cần phải nhấn mạnh đến sự quan trọng của linh đạo gia đình, của việc cầu nguyện và tham dự Thánh Thể Chúa Nhật, và các cặp vợ chồng này cần được khuyến khích gặp nhau thường xuyên để phát huy sự tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng của họ và tình liên đới trong các đòi hỏi cụ thể của cuộc sống. Phụng vụ, các thực hành đạo đức và Thánh Thể cử hành cho các gia đình, đặc biệt trong dịp kỷ niệm lễ cưới, đã được nhắc đến như là các nhân tố quan yếu trong việc cổ vũ việc phúc âm hóa xuyên qua gia đình” (251).

224. Diễn trình này cần thời gian. Lòng yêu thương cần thời gian và không gian; mọi điều khác đều là thứ yếu. Thời gian cần để thảo luận mọi sự, để ôm nhau không vội vã, để chia sẻ các dự án, để lắng nghe nhau, để nhìn nhau, để đánh giá nhau, để tăng cường mối liên hệ. Có lúc, nhịp độ điên cuồng của xã hội hay áp lực của sở làm tạo ra vấn đề. Lúc khác, vấn đề là ở chỗ thiếu thì giờ qúy hóa để ở với nhau, chia sẻ cùng một phòng mà không hề lưu ý tới sự hiện diện của người kia. Các nhân viên mục vụ và các nhóm đã kết hôn nên nghĩ tới những cách giúp các cặp vợ chồng trẻ hay dễ bị thương tổn dành tối đa thì giờ cho nhau, hiện diện với nhau, thậm chí chia sẻ các giây phút thinh lặng có ý nghĩa với nhau.

225. Các cặp đã học được cách thực hiện tốt điều trên có thể chia sẻ một số gợi ý mà họ thấy là hữu ích: hoạch định thì giờ rảnh rỗi với nhau, những giờ khắc giải trí với con cái, những cách khác nhau để cử hành các biến cố quan trọng, chia sẻ các cơ may lớn lên về tâm linh. Họ cũng có thể cung cấp tài nguyên giúp các cặp vợ chồng trẻ biến các thời khắc này thành có ý nghĩa và đầy yêu thương, và nhờ thế, cải thiện việc thông đạt của họ. Điều này cực kỳ quan trọng cho giai đoạn trong đó tính mới lạ của hôn nhân đã dần biến đi. Một khi cặp vợ chồng không còn biết cách dành thì giờ với nhau, một hay cả hai người kết cục sẽ vùi đầu vào những túi đồ phụ tùng, tìm các cam kết khác, tìm vòng tay của một ai khác, hay đơn giản tìm cách trốn chạy điều đã trở nên sự gần gũi gây khó chịu.

226. Các cặp vợ chồng trẻ nên được khuyến khích phát triển các thói quen nhằm đem đến một cảm thức gần gũi và ổn định lành mạnh qua các nghi thức chung hàng ngày. Các nghi thức này có thể bao gồm nụ hôn buổi sáng, lời chúc lành buổi tối, đợi ở cửa để chào đón nhau lúc về nhà, đi du lịch với nhau và chia sẻ việc trong nhà. Ấy thế nhưng, phá lệ dự tiệc tùng để tham dự các cử hành kỷ niệm của gia đình hay các biến cố đặc biệt cũng là điều có ích. Ta cần những giây phút như thế để trân quí các ơn phúc của Thiên Chúa và đổi mới lòng yêu đời của mình. Bao lâu còn có thể cử hành mừng vui, ta vẫn còn có khả năng khơi lại lòng yêu thương của mình, giải thoát nó khỏi đơn điệu và tô mầu cho thói quen hàng ngày bằng niềm hy vọng.

227. Các mục tử chúng ta phải khuyến khích các gia đình lớn mạnh trong đức tin. Điều này có nghĩa khích lệ họ năng sưng tội, linh hướng và tĩnh tâm khi có dịp. Nó cũng có nghĩa khích lệ việc gia đình cầu nguyện trong tuần, vì “gia đình cầu nguyện với nhau sẽ ở lại với nhau”. Khi thăm viếng các tổ ấm của giáo dân, ta nên tụ tập mọi thành viên của gia đình và dành ít phút cầu nguyện cho nhau, phó gia đình trong bàn tay của Chúa. Điều cũng hữu ích là khuyến khích mỗi người phối ngẫu tìm giờ để cầu nguyện một mình với Thiên Chúa, vì mỗi người đều có thánh giá bí mật để vác. Tại sao ta lại không nên nói với Thiên Chúa các rối rắm của ta và xin Người ban cho ta sự hàn gắn và sự trợ giúp ta cần để mãi trung thành với nhau? Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận điều này “lời Thiên Chúa là nguồn sự sống và linh đạo cho gia đình. Mọi công trình mục vụ nhân danh gia đình đều phải giúp người ta đuợc lên khuôn và đào tạo thành các thành viên của Giáo Hội tại gia qua việc đọc sách thánh theo lối cầu nguyện của Giáo Hội. Lời Thiên Chúa không phải chỉ là tin vui trong đời sống tư riêng của một người mà còn là tiêu chuẩn phán đoán và ánh sáng trong việc biện phân các thách đố đa dạng mà các cặp vợ chồng và các gia đình đang gặp phải” (252).

228.Trong một số trường hợp, một trong hai người phối ngẫu không chịu phép rửa hay không muốn thực hành đức tin. Điều này khiến cho ước nguyện của người kia muốn sống và lớn mạnh trong lối sống Kitô Giáo trở nên khó khăn và đôi lúc đau khổ. Tuy nhiên, một số giá trị chung vẫn có thể được tìm thấy và được chia sẻ và trân qúi. Dù sao, tỏ lòng yêu thương đối với người phối ngẫu không có đức tin, đem lại hạnh phúc, làm dịu các vết thương và cùng nhau chia sẻ cuộc sống quả đã nói lên con đường nên thánh thực sự. Lòng yêu thương luôn là ơn phúc của Thiên Chúa. Bất cứ phát xuất từ đâu, nó vẫn làm người ta cảm nhận được sự hiện diện đầy biến đổi của nó, nhiều khi một cách đầy huyền nhiệm, thậm chí tới chỗ “người chồng không tin được thánh hiến nhờ vợ mình, và người vợ không tin được thánh hiến nhờ chồng mình” (1Cr 7:14).



229. Các giáo xứ, các phong trào, các trường học và các định chế Kitô Giáo khác có thể giúp nhiều cách để nâng đỡ các gia đình và giúp họ lớn mạnh. Những cách này có thể bao gồm: các cuộc gặp gỡ của các cặp vợ chồng cùng sống trong một khu xóm, các buổi tĩnh tâm ngắn cho các cặp vợ chồng; các buổi nói chuyện của các chuyên viên về các vấn đề cụ thể đang đặt ra cho các gia đình, huấn đạo hôn nhân, truyền giáo tại nhà giúp các cặp vợ chồng thảo luận các khó khăn và ước nguyện của họ, các dịch vụ xã hội xử lý các vấn đề gia đình như nghiện ngập, bất trung và bạo hành trong gia đình, các chương trình lớn mạnh thiêng liêng, các buổi tập huấn dành cho cha mẹ có con cái có vấn đề và các buổi gặp mặt gia đình. Văn phòng giáo xứ nên được chuẩn bị để xử lý một cách hữu ích và nhậy cảm các nhu cầu của gia đình và có khả năng viết thư giới thiệu (referral), khi cần, cho những ai có thể giúp đỡ. Cũng còn có sự đóng góp của các nhóm người đã kết hôn, họ có thể cung cấp sự trợ giúp trong các cam kết về dịch vụ, cầu nguyện, huấn luyện hay nâng đỡ hỗ tương. Các nhóm như thế giúp các cặp vợ chồng biết quảng đại, trợ giúp các gia đình khác và chia sẻ đức tin; đồng thời họ tăng cường các cuộc hôn nhân và giúp chúng lớn mạnh.

230. Quả thực nhiều cặp vợ chồng, một khi kết hôn xong, liền xa rời cộng đồng Kitô hữu. Tuy nhiên, chúng ta thường không lợi dụng các dịp may khi họ trở lại để nhắc nhở họ nhớ đến lý tưởng cao đẹp của hôn nhân và sự nâng đỡ mà giáo xứ có thể cung ứng cho họ. Thí dụ, tôi nghĩ tới Phép Rửa và Việc Rước Lễ Lần Đầu của con cái họ, hay đám tang hoặc đám cưới của thân nhân hoặc bằng hữu của họ. Hầu hết mọi cặp vợ chồng đều tái xuất hiện trong các dịp này, và ta nên hết sức lợi dụng chúng. Một cách nữa để xích lại gần hơn là làm phép nhà hay đem tượng ảnh hành hương về Đức Mẹ tới các căn nhà trong khu xóm; việc này cung cấp cho ta một dịp may để chuyện trò có tính mục vụ về hoàn cảnh của gia đình. Cũng là điều hữu ích khi yêu cầu các cặp vợ chồng lớn tuổi hơn giúp đỡ các cặp vợ chồng trẻ hơn trong khu xóm bằng cách tới thăm viếng họ và cung cấp cho họ các hướng dẫn trong các năm họ mới lấy nhau. Vì nhịp độ lối sống ngày nay, phần lớn các cặp vợ chồng không thể tham dự các buổi gặp mặt thường xuyên; tuy thế, ta không nên giới hạn vòng tay mục vụ vươn dài của ta vào những nhóm nhỏ và có lựa lọc. Ngày nay, việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình cần phải có tính truyền giáo từ trong căn bản, nghĩa là đi tới chỗ người ta đang hiện diện. Chúng ta không thể giống một xưởng chế tạo nữa, chuyên sản xuất những khóa học mà phần lớn không mấy được ai tham dự.

Soi sáng các khủng hoảng, lo lắng và khó khăn

231. Cũng nên nói ít lời về những người, trong yêu thương, đã làm đậm đà rượu mới đính hôn. Rượu ngon trở nên đậm đà với thời gian thế nào thì trải nghiệm trung tín hàng ngày cũng đem lại sự phong phú cho đời sống vợ chồng như thế. Lòng trung tín hẳn phải liên hệ với sự kiên nhẫn và chờ mong. Các niềm vui và các hy sinh của nó phát sinh hoa trái khi năm tháng ngày giờ qua đi và cặp vợ chồng hân hoan nhìn thấy con cái của con cái mình. Lòng yêu thương hiện hữu từ đầu trở nên có ý thức hơn, ổn định và chín mùi khi cặp vợ chồng khám phá ra nhau như mới hết ngày này qua ngày nọ, hết năm này sang năm khác. Thánh Gioan Thánh Giá nói với chúng ta rằng “những người yêu có tuổi được thử nghiệm và chân thực”. Họ “bề ngoài không còn bừng bừng với những cảm xúc và kích thích mạnh mẽ nữa, nhưng nay nếm được vị ngọt ngào của rượu yêu thương, rượu lâu năm và được trữ thật sâu trong đáy lòng” (253). Những cặp vợ chồng như thế quả đã thành công trong việc khắc phục khủng hoảng và gian khó mà không trốn chạy các thách đố hoặc che dấu các vấn đề.

Thách đố của các cuộc khủng hoảng

232. Cuộc sống của mọi gia đình đều được đánh dấu bằng đủ loại khủng hoảng, ấy thế nhưng các khủng hoảng này cũng là thành phần của vẻ đẹp đầy cảm kích của nó. Các cặp vợ chồng nên được giúp đỡ để hiểu ra rằng việc khắc phục một cuộc khủng hoảng không nhất thiết làm suy yếu mối liên hệ của họ; thay vào đó, nó có thể cải thiện, ổn định hóa và làm chín mùi rượu ngon kết hợp của họ. Cuộc sống với nhau không nên làm giảm nhưng gia tăng sự hài lòng của họ; mỗi bước tiến mới ở trên đường có thể giúp cặp vợ chồng tìm được những nèo đường mới tiến tới hạnh phúc. Mỗi cuộc khủng hoảng trở thành lớp tập nghề để gần gũi với nhau hơn hay học thêm được một chút để biết thực ra hôn nhân có nghĩa gì. Các cặp vợ chồng không cần phải cam chịu cái vòng soắn ốc đi xuống không thể nào tránh được hay một sự tầm thường có thể chịu đựng được. Trái lại, khi hôn nhân được coi như một thách đố bao hàm việc khắc phục trở ngại, mỗi cuộc khủng hoảng đều trở nên dịp may để rượu liên hệ của họ trở nên già đậm và thơm ngon hơn. Ta nên đồng hành với các cặp vợ chồng để họ có thể chấp nhận các cuộc khủng hoảng xẩy tới, đương đầu với chúng và dành cho chúng một vị trí trong đời sống gia đình. Những cặp vợ chồng có kinh nghiệm và được đào tạo cần phải sẵn sàng để đồng hành với các cặp vợ chồng khác trong cuộc khám phá này, bằng một cách nào đó khiến các cuộc khủng hoảng không làm họ hãi sợ cũng không dẫn họ tới chỗ đưa ra các quyết định hấp tấp. Mỗi cuộc khủng hoảng đều có một bài học để dạy chúng ta; chúng ta vần học cách biết lắng nghe để nhận ra nó bằng lỗ tai của trái tim.

233. Khi đương đầu với một khủng hoảng, đầu tiên ta có khuynh hướng phản ứng bằng cách phòng ngự, vì ta cảm thấy mình đang mất kiểm soát, hay phần nào có lỗi, và điều này làm ta khó chịu. Ta tìm cách bác bỏ vấn đề, dấu biệt hay hạ tầm quan trọng của nó, và hy vọng nó sẽ biến mất. Nhưng điều này vô ích; nó chỉ làm sự việc tệ hơn, phí phạm năng lực và trì hoãn giải pháp mà thôi. Các cặp vợ chồng sẽ trở nên xa cách và đánh mất khả năng thông đạt. Khi các vấn đề không được xử lý, thông đạt là điều đầu tiên ra đi. Dần dần, “người tôi yêu thương” từ từ trở thành “ông bạn/bà bạn (tiếng Anh: mate), rồi chỉ còn là “ba hay má các con tôi” và sau cùng một người xa lạ.

234. Các cuộc khủng hoảng phải được cùng nhau đương đầu. Điều này khá khó, vì người ta thường hay rút lui để tránh phải nói điều mình cảm nghĩ; họ thu mình vào một thứ im lặng hèn nhát. Trong những thời khắc này, điều càng quan trọng là phải tạo cơ hội để lòng nói với lòng. Trừ khi cặp vợ chồng chịu học cách làm việc này, họ sẽ thấy nó càng ngày càng khó khăn hơn với ngày tháng qua đi. Thông đạt là một nghệ thuật chỉ học được lúc có hòa bình để mang ra thực hành lúc có khó khăn. Các người phối ngẫu cần sự giúp đỡ để khám phá ra các ý nghĩa và tâm tư thầm kín nhất của họ và nói chúng ra. Giống như lúc sinh con, đây là một diễn trình đau đớn nhưng đem lại cả một kho báu mới. Các câu trả lời cho cuộc tham khảo tiền Thượng Hội Đồng cho thấy điều này: phần lớn những người trong các tình huống khó khăn và nguy kịch không tìm sự trợ giúp mục vụ, vì họ không thấy nó có thiện cảm, hiện thực hay quan tâm tới các trường hợp cá biệt. Điều này nên kích thích ta cố gắng tiếp cận các vụ khủng hoảng hôn nhân với một sự nhậy cảm nhiều hơn đối với sức nặng thương tích và lo âu xao xuyến của họ.

235. Một số cuộc khủng hoảng có tính đặc trưng đối với mọi cuộc hôn nhân. Các cặp vợ chồng mới cưới nhau cần học cách biết chấp nhận các dị biệt của họ và tách xa cha mẹ họ. Việc ra đời của một đứa con đem lại nhiều thách đố mới về xúc cảm. Nuôi dưỡng các trẻ nhỏ đòi phải thay đổi cả lối sống, trong khi việc tới tuổi thiếu niên còn gây nên nhiều căng thẳng, thất vọng và cả căng thẳng giữa cha mẹ nữa. Cảnh “tổ ấm trống vắng” buộc cặp vợ chồng phải tái định nghĩa mối liên hệ của họ, trong khi nhu cầu chăm sóc cha mẹ già đòi phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn đối với các ngài. Tất cả đều là những tình huống khó khăn có thể gây ra e sợ, mặc cảm tội lỗi, trầm cảm và mệt mỏi, với những vang dội nghiêm trọng đối với cuộc hôn nhân.

236. Rồi còn có những cuộc khủng hoảng bản thân ảnh hưởng tới cuộc sống vọ chồng, thường liên lụy tới tài chánh, các vấn đề ở sở làm, các khó khăn xúc cảm, xã hội và tâm linh. Các tình huống bất ngờ tự xuất hiện, phá vỡ cuộc sống gia đình và đòi phải có diễn trình tha thứ và hòa giải. Khi thành thực cương quyết để tha thứ cho người kia, mỗi người phải im lặng và khiêm nhường hỏi xem mình có phần nào tạo ra các điều kiện dẫn đến lỗi lầm của người khác hay không. Một số gia đình tan vỡ khi các người phối ngẫu lao đầu vào việc kết tội lẫn nhau, nhưng “kinh nghiệm cho thấy với sự giúp đỡ và các hành vi hoà giải thích đáng, nhờ ơn thánh, một phần trăm rất lớn các cuộc hôn nhân gặp rắc rối có thể tìm được giải pháp khá thoả đáng. Biết cách tha thứ và cảm nhận được sự tha thứ là trải nghiệm căn bản trong cuộc sống gia đình” (254). “Nghệ thuật hòa giải cam go, thường đòi phải có sự trợ giúp của ơn thánh, cần tới sự hợp tác đại lượng của thân nhân và bằng hữu, và đôi khi cả sự giúp đỡ của bên ngoài và sự trợ giúp chuyên nghiệp nữa” (255).

237. Hiện nay, càng ngày người ta càng nghĩ rằng khi một hay cả hai người bạn đời không còn cảm thấy được thoả mãn nữa, hay các sự việc kết cục không như người ta mong muốn nữa, thì đây là lý do đầy đủ để kết liễu một cuộc hôn nhân. Nếu đúng như thế, thì không có cuộc hôn nhân nào kéo dài được. Đôi khi, chỉ một lần không thoả mãn, chỉ một lần người kia vắng mặt khi được cần đến nhất, chỉ một lần tự ái bị thương tổn hay một nỗi sợ mơ hồ nào đó cũng đủ để người ta quyết định rằng mọi sự đã kết thúc. Điều không thể tránh được là: các hoàn cảnh yếu đuối của con người sẽ xuất hiện và người ta có thể chứng tỏ là chúng có tính áp đảo. Một người phối ngẫu có thể không cảm thấy mình được đánh giá đầy đủ hay cảm thấy bị thu hút vào một người khác. Các ghen tương và căng thẳng có thể xuất hiện, hay các quan tâm mới thu hút hết thì giờ và lưu tâm của người kia. Các thay đổi thể lý tự nhiên xẩy ra nơi mọi người. Những điều này, và rất nhiều những điều khác nữa, thay vì đe dọa lòng yêu thương, đều là những dịp để làm nó sống lại và canh tân.

238. Trong các hoàn cảnh như thế, một số người có đủ chín mùi cần thiết để tái xác định việc mình chọn người kia như là người hùn hạp của mình trong cuộc hành trình đời sống, bất chấp các giới hạn trong mối liên hệ. Họ chấp nhận một cách hiện thực rằng người kia không thể làm cho mọi giấc mơ yêu qúi của họ thành sự thực được. Những người như thế tránh việc nghĩ mình là thánh tử vì đạo; họ thể hiện được tối đa bất cứ khả thể nào mà cuộc sống gia đình có thể dành cho họ và họ nhẫn nại làm việc để củng cố dây hôn phối. Dù sao, họ hiểu ra rằng mọi cuộc khủng hoảng đều có thể là lời “xin vâng” mới, giúp tình yêu được đổi mới, được thâm hậu hóa và được củng cố từ bên trong. Khi các cuộc khủng hoảng xuất hiện, họ không sợ đi tới tận gốc rễ của chúng, tái thương thảo các điều kiện căn bản, đạt cho bằng được thế quân bình mới và cùng nhau tiến lên. Với thứ cởi mở không ngừng này, họ có khả năng đối diện với bất cứ số lượng tình thế khó khăn nào. Dù sao, khi hiểu ra rằng hoà giải là điều có thể, chúng ta cũng sẽ thấy rằng “ngày nay, điều cần kíp là một thừa tác vụ để chăm sóc những người mà mối liên hệ vợ chồng đã tan vỡ” (256).

Kỳ Sau: Các Vết Thương Cũ

_________________________________________________________________________________________________________

(248) Ibid., 63.

(249) Gaudium et Spes, 50.

(250) Relatio Finalis 2015, 63.

(251) Relatio Synodi 2014, 40.

(252) Ibid., 34.

(253) Cántico Espiritual B, XXV, 11.

(254) Relatio Synodi 2014, 44.

(255) Relatio Finalis 2015, 81.

(256) Ibid., 78.