Chương Hai: Các trải nghiệm và thách đố của các gia đình

31. Phúc lợi của gia đình có tính quyết định đối với tương lai thế giới và tương lai Giáo Hội. Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện về hôn nhân và gia đình, các vấn đề và thách đố hiện thời của họ. Ta nên tập chú vào các thực tại cụ thể, vì “lời kêu gọi và các đòi hỏi của Thần Khí vang vọng trong các biến cố của lịch sử”, và qua các biến cố này, “Giáo Hội cũng có thể được dẫn tới một cái hiểu sâu sắc hơn về mầu nhiệm khôn thấu của hôn nhân và gia đình” (8). Ở đây, tôi sẽ không cố gắng trình bầy mọi điều có thể nói về gia đình ngày nay. Tuy nhiên, vì các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khảo sát tình thế các gia đình khắp thế giới, nên tôi coi là thích hợp việc bàn tới một số tầm nhìn mục vụ thấu suốt của các ngài, cùng với các quan tâm từ chính kinh nghiệm của tôi.

Thực tại hiện thời của gia đình

32. “Trung thành với giáo huấn của Chúa Kitô, chúng tôi nhìn vào thực tại của gia đình ngày nay trong mọi tính phức tạp của nó, với cả các điểm sáng lẫn điểm tối của nó... Các thay đổi nhân học và văn hóa thời ta đang ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của cuộc sống và đòi hỏi phải có một lối tiếp cận có phân tích và đa dạng hóa” (9). Mấy thập niên trước đây, các giám mục Tây Ban Nha từng ghi nhận rằng các gia đình đã tiến tới chỗ hưởng được một sự tự do lớn hơn “nhờ việc phân phối bổn phận, trách nhiệm và trách vụ cách công bình hơn; quả vậy, “sự nhấn mạnh nhiều hơn tới việc thông đạt có tính bản vị giữa các người phối ngẫu đã giúp làm cho đời sống gia đình trở nên nhân đạo hơn”, trong khi “cả xã hội ngày nay lẫn xã hội chúng ta đang tiến tới đều không cho phép các hình thức và mẫu mực cũ xưa sống sót một cách không phê phán” (10). Điều cũng hiển nhiên là “các khuynh hướng chính trong các thay đổi nhân học và văn hóa” đang dẫn “các cá nhân, trong cuộc sống bản thân và trong cuộc sống gia đình của họ, tới chỗ càng ngày càng tiếp nhận được ít sự trợ giúp hơn so với quá khứ từ các cơ cấu xã hội” (11).

33. Mặt khác, “cũng phải lưu ý như thế tới mối nguy mỗi ngày một lớn do chủ nghĩa duy cá nhân cực đoan đại diện, một chủ nghĩa đang làm suy yếu các mối dây nối kết gia đình và nhiên hậu chỉ coi các thành viên của gia đình như một đơn vị biệt lập, trong một số trường hợp, còn dẫn tới ý nghĩ cho rằng nhân cách của người ta được lên khuôn bởi chính các thèm muốn được coi như tuyệt đối của họ” (12). “Các căng thẳng do nền văn hóa quá duy cá nhân chủ nghĩa gây ra, một nền văn hóa luôn ám ảnh với của cải và khoái lạc, đang dẫn tới sự bất khoan dung và cảnh thù nghịch trong các gia đình” (13). Ở đây, tôi cũng muốn thêm vào đó nhịp sống vội vã, sự căng thẳng và việc tổ chức xã hội và lao động ngày nay, vì tất cả đều là các nhân tố văn hóa chống lại khả năng đưa ra các quyết định vĩnh viễn. Chúng ta cũng gặp sự bất chắc chắn và hàm hồ phổ biến hiện nay. Thí dụ, chúng ta đúng khi trân quí chủ nghĩa nhân vị vì chủ nghĩa này chọn tính chân thực chống lại thái độ chỉ biết sống theo qui ước. Dù việc này có thể cổ vũ tính tự phát cũng như giúp người ta sử dụng năng khiếu của họ một cách tốt đẹp hơn, nhưng nếu bị hướng dẫn sai, nó có thể khuyến khích thái độ ngờ vực khôn cùng, trốn chạy việc dấn thân, tự giam mình vào tiện nghi, ngạo mạn. Tự do chọn lựa giúp ta dự phóng được đời mình và vun sới được những điều tốt hơn trong ta, nhưng nếu không có các mục tiêu cao thượng cũng như kỷ luật bản thân, nó sẽ thoái hóa, khiến ta bất lực, không thể tự hiến thân một cách quảng đại nữa. Thực vậy, tại nhiều quốc gia nơi con số hôn phối đang giảm dần, số người quyết định sống độc thân hay dành thì giờ cho nhau nhưng không sống chung với nhau, càng ngày càng gia tăng. Chúng ta cũng có thể nhấn mạnh tới việc quan tâm tới công lý rất đáng khâm phục; nhưng, nếu bị hiểu sai, quan tâm này có thể biến các công dân thành các khách hàng chỉ biết quan tâm đến việc được cung cấp các dịch vụ mà thôi.

34. Khi các nhân tố trên ảnh hưởng tới cái hiểu của chúng ta về gia đình, thì gia đình có thể tự biến thành một nơi quá giang, để ta chạy tới khi thấy thuận tiện, hoặc là nơi để ta tới đòi hỏi quyền lợi, còn các mối dây liên kết thì được phó mặc cho tính bấp bênh dễ thay đổi của thèm muốn và hoàn cảnh. Ngày nay, xét cho cùng, người ta rất dễ lẫn lộn tự do chân chính với ý nghĩ cho rằng mỗi người được phán đoán là tốt điều xem ra là tốt đối với họ; như thể, ngoài các cá nhân ra, không còn chi là sự thật, là giá trị, là nguyên tắc để hướng dẫn ta nữa, như thể thẩy đều như nhau, và bất kể là điều gì, cũng phải làm được và được phép làm. Trong ngữ cảnh này, lý tưởng hôn nhân, với sự cam kết độc chiếm và bền vững của nó, kết cục sẽ bị gạt sang một bên, bất cứ khi nào tỏ ra bất tiện hay gây mệt mỏi. Người ta sợ sự cô độc, họ muốn có một môi trường che chở và trung thành, nhưng đồng thời lại khuếch đại nỗi sợ phải sa vào một mối liên hệ có thể ngăn cản việc thể hiện các khát vọng bản thân.

35. Là các Kitô hữu, chúng ta khó có thể ngưng, không cổ vũ hôn nhân, chỉ để tránh đụng chạm tới các nhậy cảm hiện thời, hoặc vì muốn hợp thời thượng hoặc vì cảm thấy bất lực trước các thất bại nhân bản và luân lý. Làm như thế chúng ta đã tước bỏ cả một thế giới giá trị mà chúng ta vốn có thể và phải cung ứng. Đã đành, chỉ biết tố cáo các cái xấu hiện thời như thể ta chẳng thay đổi được gì là điều vô nghĩa. Cũng chẳng ích lợi gì khi cố gắng áp đặt các qui luật chỉ bằng thẩm quyền của mình mà thôi. Điều cần là chúng ta phải ra sức một cách có trách nhiệm và quảng đại hơn trong việc trình bầy các lý lẽ và nguyên động lực cho việc quyết định kết hôn và lập gia đình, và nhờ cách này, giúp các người nam nữ đáp ứng ơn thánh mà Thiên Chúa cung ứng cho họ một cách tốt đẹp hơn.

36. Chúng ta cũng cần phải khiêm tốn và hiện thực, thừa nhận rằng có lúc, cung cách ta trình bầy các niềm tin Kitô Giáo và việc cư xử với người khác chỉ giúp làm gia trọng tình thế đang gây vấn nạn hiện nay mà thôi. Ta cần liều thuốc tự phê lành mạnh. Rồi, ta còn hay trình bầy hôn nhân (tệ đến nỗi) khiến cho ý nghĩa nên một của nó, lời mời gọi lớn lên trong yêu thương của nó và lý tưởng trợ giúp nhau của nó bị che khuất bởi việc hầu như chỉ chuyên chú nhấn mạnh tới nhiệm vụ truyền sinh. Ta cũng đã không luôn cung cấp được sự hướng dẫn vững chắc cho những cặp vợ chồng trẻ, hiểu biết thời khóa biểu của họ, cách suy nghĩ và các quan tâm cụ thể của họ. Có lúc, ta cũng đã đề xuất một lý tưởng thần học về hôn nhân quá trừu tượng và gần như giả tạo, quá xa rời các hoàn cảnh cụ thể và các khả thể thực tế của các gia đình đích thực. Việc lý tưởng hóa thái quá này, nhất là khi ta thất bại trong việc gây hứng cho lòng tín thác vào ơn thánh Chúa, không giúp làm cho hôn nhân trở thành đáng ước muốn và lôi cuốn hơn, nhưng trở thành điều trái ngược hẳn.

37. Từ lâu chúng ta vốn nghĩ rằng chỉ bằng cách nhấn mạnh tới các vấn đề tín lý, sinh học và luân lý, không cần phải khuyến khích sự cởi mở với ơn thánh, ta đã đang cung cấp cho các gia đình sự trợ giúp thỏa đáng, củng cố dây hôn phối và đem lại ý nghĩa cho đời sống vợ chồng rồi. Ta thấy khó có thể trình bầy hôn nhân như con đường năng động để phát triển và hoàn thành bản thân hơn là một gánh nặng suốt đời. Ta cũng thấy khó có thể dành chỗ cho lương tâm tín hữu, những người thường hết mình đáp ứng Tin Mừng, bất chấp các hạn chế bản thân, và có khả năng thực hiện sự biện phân về chính họ trong các hoàn cảnh phức tạp. Chúng ta vốn được kêu gọi đào tạo các lương tâm, chứ không thay thế chúng.

38. Ta phải biết ơn khi phần lớn người ta còn trân quí các mối liên hệ gia đình vĩnh viễn và có đặc điểm tôn trọng lẫn nhau. Họ biết đánh giá các cố gắng của Giáo Hội nhằm cung ứng sự hướng dẫn và huấn đạo trong các lãnh vực liên hệ tới việc lớn mạnh trong tình yêu, thắng vượt tranh chấp và dưỡng dục con cái. Nhiều người được đánh động bởi ơn thánh tiếp nhận nơi bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, ơn thánh giúp họ đương đầu với các thách đố hôn nhân và gia đình. Ở một số quốc gia, nhất là ở một số nơi tại Châu Phi, chủ nghĩa duy thế tục vẫn chưa làm suy yếu một số giá trị truyền thống, và các cuộc hôn nhân vẫn tạo nên dây nối kết mạnh mẽ giữa hai đại gia đình, với những cơ cấu đuợc ấn định rõ ràng nhằm xử lý các nan đề và tranh chấp. Ngày nay, ta cũng biết ơn các chứng tá hôn nhân, không những chứng tỏ lâu bền, mà còn sinh hoa trái và đầy yêu thương. Tất cả các nhân tố này có sức gợi hứng cho một phương thức mục vụ tích cực và chào đón, có khả năng giúp các cặp vợ chồng lớn lên trong việc biết trân quí các đòi hỏi của Tin Mừng. Ấy thế nhưng, ta thường hay có tư thế phòng ngự, phí phạm năng lực mục vụ vào việc tố cáo thế giới sa đọa mà không đồng lực trong việc đề ra các cách thế tìm được hạnh phúc đích thực. Nhiều người cảm thấy sứ điệp của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình không phản ảnh rõ ràng giáo huấn và các thái độ của Chúa Giêsu, Đấng đã đặt ra một lý tưởng có tính đòi hỏi, nhưng chưa bao giờ bỏ lỡ việc tỏ lòng cảm thương và gần gũi với sự yếu đuối mỏng manh của các cá nhân như người đàn bà Samaria hay người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình.

39. Điều trên không có ý nói rằng ta nên ngưng, không cảnh giác trước sự xuống dốc của văn hóa nữa, một sự xuống dốc khiến người ta không còn cổ vũ tình yêu hay việc tự hiến nữa. Cuộc tham khảo ý kiến diễn ra trước khi có hai Thượng Hội Đồng trước đây cho ta thấy một số triệu chứng khác nhau của “nền văn hóa phù phiếm”. Chẳng hạn, ở đây, tôi nghĩ tới vận tốc độ thay đổi mau chóng của người ta từ mối liên hệ xúc cảm này sang mối liên hệ xúc cảm kia. Theo đường hướng của các mạng lưới xã hội, họ tin rằng tình yêu có thể được nối kết hay tháo gỡ, là tùy ở sở thích của người tiêu thụ, và mối liên hệ mau chóng “bị khóa cứng”. Tôi cũng nghĩ tới các nỗi sợ sệt của người ta khiến họ không dám cam kết vĩnh viễn, tới việc họ bị ám ảnh với thì giờ được tự do và tới các mối liên hệ luôn so đo lợi hại trong việc tránh bị cô đơn, được bảo vệ hay được phục vụ cách nào đó. Chúng ta xử sự với các mối liên hệ xúc cảm theo lối xử lý các đồ vật và môi trường vật chất: mọi sự đều có thể dùng rồi vứt bỏ; mọi người đều dùng rồi liệng bỏ, lấy rồi đập bể, khai thác và vắt cho tới giọt cuối cùng. Rồi, tạm biệt nhé! Tự yêu mình thái quá khiến người ta không còn khả năng nhìn quá con người của họ, quá các thèm muốn và nhu cầu của họ nữa. Ấy thế nhưng, chẳng sớm thì muộn, những người sử dụng người khác kết cục chính họ sẽ bị sử dụng, thao túng và vứt bỏ bởi cùng một não trạng. Điều cũng đáng lưu ý là: các cuộc tan vỡ thường xẩy ra nơi những người cao tuổi chỉ muốn đi tìm một thứ “độc lập” nào đó, chứ không chấp nhận lý tưởng cùng về già với nhau, cùng chăm sóc và giúp đỡ lẫn nhau.

40. “Trong nguy cơ đơn giản hóa thái quá, ta dám cho rằng ta sống trong một nền văn hóa chỉ biết áp lực người trẻ đừng lập gia đình, vì họ thiếu các khả thể đối với tương lai. Ấy thế nhưng, cũng chính nền văn hóa này đã trình bầy với nhiều người khác quá nhiều giải pháp đến nỗi cả người này nữa cũng không dám lập gia đình” (14). Ở một số quốc gia, nhiều người trẻ “hoãn việc cưới xin vì các lý do kinh tế, việc làm hay học hành. Một số làm thế vì các lý do khác, như ảnh hưởng của các ý thức hệ vốn hạ giá hôn nhân và gia đình, muốn tránh thất bại của các cặp vợ chồng khác, sợ điều gì đó họ coi là quá quan trọng và thánh thiêng, các cơ hội xã hội và lợi ích kinh tế vốn liên kết với việc chỉ sống chung với nhau, chỉ quan niệm tình yêu về phương diện thuần cảm xúc và thơ mộng, sợ mất tự do và độc lập, và bác bỏ bất cứ điều bị coi là có tính định chế và bàn giấy thuần túy” (15). Ta cần tìm ra thứ ngôn ngữ, các luận điểm và hình thức làm chứng đúng đắn có khả năng giúp ta đụng chạm tới tâm hồn giới trẻ, lôi cuốn khả năng đại lượng, dấn thân, yêu thương và thậm chí anh hùng của họ nữa, và nhờ cách này, mời gọi họ tiếp nhận thách đố hôn nhân một cách hứng khởi và can đảm.

41. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận rằng “các xu hướng văn hóa trong thế giới ngày nay xem ra không đặt bất cứ giới hạn nào cho cảm giới của người ta”; quả thế, “một cảm giới tự yêu mình thái quá, bất ổn hay dễ thay đổi không luôn giúp người ta trưởng thành”. Các ngài cũng tỏ ý quan tâm tới “việc lan tràn văn hóa khiêu dâm hiện nay và việc thương mãi hóa thân xác, vốn cũng được cổ vũ bởi việc lạm dụng liên mạng”, và tới “các hoàn cảnh đáng chê trách trong đó, người ta bắt buộc phải bước vào mãi dâm”. Trong bối cảnh này, “các cặp vợ chồng thường không chắc chắn, do dự và loay hoay tìm cách lớn lên. Nhiều cặp có khuynh hướng ở lỳ trong các giai đoạn khởi đầu của cuộc sống cảm giới và tính dục của họ. Khủng hoảng trong mối liên hệ vợ chồng sẽ làm gia đình bất ổn và, qua ly thân và ly dị, có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng cho người lớn, cho con cái và cả xã hội như một toàn thể, làm suy yếu các mối dây liên kết cá nhân và xã hội” (16). Các vấn đề vợ chồng “thường được xử lý một cách vội vã, không can đảm kiên nhẫn và suy nghĩ, hy sinh và tha thứ cho nhau. Các thất bại này tạo ra các mối liên hệ mới, các cặp vợ chồng mới, các vụ kết hợp dân sự mới, và các cuộc hôn nhân mới, tạo ra các tình huống gia đình phức tạp và có vấn đề đối với đời sống Kitô hữu” (17).

42. Hơn nữa, “việc suy giảm dân số, vì não trạng chống đối việc có con và được cổ vũ bởi nền chính trị ngừa thai trên thế giới, đã tạo nên không những một tình thế trong đó mối liên hệ giữa các thế hệ không còn được bảo đảm mà cả mối nguy này: với thời gian, việc suy giảm này sẽ dẫn đến cảnh bần cùng hóa kinh tế và mất hết hy vọng vào tương lai. Việc phát triển kỹ thuật sinh học cũng có tác động lớn đối với sinh suất” (18). Thêm vào đó, còn có các nhân tố khác như “kỹ nghệ hóa, cách mạng tình dục, sợ nhân mãn và các vấn nạn kinh tế... Chủ nghĩa duy tiêu thụ cũng khiến người ta không dám có con, chỉ để họ duy trì được một chút tự do hay lối sống nào đó” (19). Lương tâm ngay thẳng của vợ chồng nào biết quảng đại trong việc truyền sinh có thể dẫn họ, vì các lý do đủ nghiêm túc, tới việc giới hạn số con, ấy thế nhưng “vì phẩm giá của lương tâm này, Giáo Hội mạnh mẽ bác bỏ sự can thiệp cưỡng bức của Nhà Nước đòi người ta phải ngừa thai, triệt sản và thậm chí phá thai” (20). Các biện pháp này không thể chấp nhận được ngay ở những nơi có sinh suất cao, ấy thế nhưng ở các quốc gia có sinh suất thấp đến độ gây bối rối, chúng ta vẫn thấy các chính khách khuyến khích các biện pháp này. Như các giám mục Đại Hàn từng nói, việc này “hành động một cách tự mâu thuẫn và sao lãng bổn phận của mình” (20).

43. Việc suy yếu đức tin và thực hành tôn giáo trong một số xã hội đã gây nhiều hậu quả đối với các gia đình, khiến họ càng bị cô lập hơn khi gặp các khó khăn. Các Nghị Thượng Hội Đồng từng ghi nhận rằng “một triệu chứng của sự nghèo nàn lớn lao trong nền văn hóa hiện thời là sự cô đơn, phát sinh từ việc thiếu vắng Thiên Chúa trong đời sống con người và sự mỏng manh trong các mối liên hệ. Cũng có một cảm thức bất lực tổng quát trước các thực tại kinh tế xã hội đôi khi có tác dụng đè bẹp các gia đình... Các gia đình này thường cảm thấy bị bỏ rơi bởi sự thờ ơ và thiếu quan tâm của các định chế. Tác dụng tiêu cực đối với trật tự xã hội khá rõ ràng, như đã thấy trong cuộc khủng hoảng dân số, trong khó khăn nuôi dưỡng con cái, trong do dự chào đón sự sống mới, trong khuynh hướng coi người cao niên như một gánh nặng, và trong việc gia tăng các vấn đề xúc cảm và bùng nổ bạo lực. Nhà Nước có trách nhiệm ban hành các đạo luật và tạo ra việc làm để bảo đảm tương lai cho giới trẻ và giúp họ thể hiện được kế hoạch tạo lập gia đình của họ” (22).

44. Việc thiếu nhà ở xứng đáng và hợp túi tiền thường dẫn tới việc trì hoãn các mối liên hệ chính thức. Cần nhớ rằng “gia đình có quyền có nhà ở xứng đáng, thích hợp cho cuộc sống gia đình và tương xứng với con số thành viên của nó, trong một môi trường thể lý có thể cung cấp các dịch vụ căn bản cho cuộc sống gia đình và cộng đồng” (23). Gia đình và tổ ấm luôn đi đôi với nhau. Điều này giúp ta thấy việc nhấn mạnh tới quyền gia đình chứ không phải chỉ quyền cá nhân là điều quan trọng như thế nào. Gia đình là một thiện ích mà xã hội không thể không có, và nó cần được bảo vệ (24). “Giáo Hội vốn luôn coi việc cổ vũ hôn nhân và gia đình và bảo vệ chúng chống lại những người tấn công chúng là một phần trong sứ mệnh của mình” (25), nhất là ngày nay, khi chúng ít được lưu ý trong các nghị trình chính trị. Các gia đình có quyền “có khả năng trông chờ một chính sách gia đình thoả đáng từ phía các nhà cầm quyền công cộng trong các lãnh vực tư pháp, kinh tế, xã hội và tài chánh” (26). Đôi lúc, nỗi lo âu của các gia đình trở nên bi đát khi, đương đầu với bệnh tật của người thân, họ không có được sự chăm sóc y tế thỏa đáng, hay lao đao trong việc tìm được việc làm xứng đáng. “Các hạn chế kinh tế ngăn cản các gia đình tham dự vào giáo dục, các sinh hoạt văn hóa và can dự vào đời sống xã hội. Bằng nhiều cách, tình hình kinh tế hiện nay đang ngăn cản người ta tham dự vào xã hội. Cách riêng, các gia đình chịu nhiều nan đề liên quan tới việc làm, trong đó, giới trẻ có ít khả thể và việc cung ứng việc làm khá lựa lọc và không chắc chắn. Ngày làm việc dài hơn và thường còn trở nên nặng nề do những thời kỳ phải sống xa gia đình dài hơn. Tình thế này không giúp các thành viên trong gia đình tụ họp với nhau hay giúp cha mẹ ở với con cái một cách có thể nuôi dưỡng các mối liên hệ hàng ngày của họ” (27).

45. “Một số lớn trẻ em sinh ngoài hôn nhân, nhiều em sau đó lớn lên chỉ có một trong các cha mẹ hay trong các gia đình pha trộn hay tái tạo... Việc khai thác tình dục trẻ em là một trong những thực tại tai tiếng và đồi trụy nhất của xã hội hiện nay. Các xã hội trải qua bạo lực vì chiến tranh, vì chủ nghĩa khủng bố hay vì sự hiện hữu của tội ác có tổ chức cũng đang chứng kiến nhiều tình huống gia đình thoái hóa, nhất là tại các đô thị lớn, nơi, trong các khu ngoại ô, hiện tượng gọi là trẻ em hè phố đang gia tăng” (28). Việc lạm dụng tình dục trẻ em càng trở nên tai tiếng hơn nữa khi nó diễn ra ở những nơi đáng lý ra chúng phải được bảo vệ, đặc biệt, trong gia đình, ở trường học và trong các cộng đồng và định chế Kitô Giáo (29).

46. “Di dân là một dấu chỉ thời đại khác cần phải đương đầu và hiểu biết, với tất cả các hậu quả tiêu cực của nó đối với cuộc sống gia đình” (30). Thượng Hội Đồng mới đây đã làm ta lưu ý tới vấn đề này, khi ghi nhận rằng “bằng nhiều cách, việc di dân đang ảnh hưởng tới toàn bộ dân số thuộc nhiều vùng khác nhau trên thế giới. Giáo Hội vốn đóng một vai trò hàng đầu trong lãnh vực này. Ngày nay, việc duy trì và mở rộng chứng tá Tin Mừng này (xem Mt 25:35) đang khẩn thiết hơn bao giờ hết... Có thể minh chứng tính di động của con người, một tính vốn tương ứng với việc di chuyển tự nhiên của các dân tộc trong lịch sử, là một sự phong phú chân chính, đối với cả các gia đình di dân lẫn xứ sở tiếp đón họ. Nhưng việc gia đình bị cưỡng ép di dân lại là một chuyện khác, khi phát sinh từ các tình huống chiến tranh, bách hại, nghèo khổ, bất công, đầy những thăng trầm của một cuộc hành trình đôi lúc lâm nguy tới chính mạng sống, gây chấn thương cho các cá nhân và làm bất ổn các gia đình. Việc đồng hành với các di dân đòi phải có một nền mục vụ chuyên biệt dành cho các gia đình đang di dân, nhưng cũng dành cho các thành viên của gia đình còn ở lại nguyên quán. Việc này phải được thực hiện song song với việc tôn trọng nền văn hóa của họ, việc đào tạo tôn giáo và nhân bản của nơi họ phát xuất, sự phong phú tâm linh trong các nghi lễ và truyền thống của họ, dù là với một nền mục vụ chuyên biệt... Việc di dân đặc biệt bi thảm và phá hoại đối với các gia đình và các cá nhân khi nó diễn ra cách bất hợp pháp và được trợ giúp bởi các mạng lưới buôn người quốc tế. Ta cũng có thể nói như thế về các phụ nữ và trẻ em không có người đi theo, buộc phải ở lâu tại các nơi tạm cư, các trại tỵ nạn, nơi không thể có việc khởi đầu diễn trình hội nhập. Cảnh nghèo cùng cực và các tình huống khác của việc tản cư đôi lúc còn dẫn các gia đình tới chỗ bán con cho đĩ điếm hoặc cho việc buôn bán bộ phận người” (31). “Việc bách hại các Kitô hữu tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại Trung Đông, hiện là những thử thách lớn lao: không những đối với Giáo Hội, mà còn đối với toàn thể cộng đồng quốc tế nữa. Phải khuyến khích mọi cố gắng, cả trong bình diện thực tế, nhằm trợ giúp các gia đình và cộng đồng Kitô Giáo ở lại các nước nguyên quán của họ” (32).

47. Các Nghị Phụ cũng đã kêu gọi phải đặc biệt chú ý tới “các gia đình có các thành viên có nhu cầu đặc biệt, nơi thách đố bất ngờ phải đương đầu với một khuyết tật có thể phá vỡ thế quân bình, các ước nguyện và hoài mong của gia đình… Những gia đình nào biết yêu thương chấp nhận một đứa con khuyết tật đáng được ta hết lời ca ngợi. Họ đem lại cho Giáo Hội và xã hội một chứng tá quí giá về lòng trung thành đối với ơn phúc sự sống. Cùng với cộng đồng Kitô hữu, gia đình sẽ khám phá ra nhiều cử chỉ và ngôn từ mới, những cách hiểu và nhận diện mới, trong hành trình chào đón và chăm sóc mầu nhiệm yếu đuối mỏng manh. Người khuyết tật đem lại cho gia đình một ơn phúc và một dịp may để phát triển yêu thương, giúp đỡ nhau và hợp nhất với nhau… Gia đình nào biết dùng viễn kiến đức tin để tiếp nhận sự hiện diện của những người khuyết tật sẽ biết nhìn nhận và bảo đảm phẩm chất và giá trị của mọi sự sống, với các nhu cầu, quyền lợi và cơ hội của nó. Phương thức này sẽ cổ vũ việc chăm sóc và phục vụ cho người kém may mắn, và khuyến khích người ta xích lại gần họ, tỏ tình âu yếm ở mọi giai đoạn của cuộc sống họ” (33). Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng sự tận tụy và quan tâm đối với các di dân và những người có nhu cầu đặc biệt đều là dấu hiệu của Thần Khí. Cả hai hoàn cảnh này đều có tính điển hình: chúng được dùng để thử nghiệm cam kết tỏ lòng thương xót của ta trong việc chào đón người khác và giúp những người yếu thế trở nên các thành phần trọn vẹn của cộng đồng ta.

48. Phần lớn các gia đình biểu lộ được lòng tôn kính đối với các vị cao niên, bảo bọc các ngài bằng tình âu yếm và coi các ngài như một ơn phúc. Ta phải đánh giá cao các hiệp hội và các phong trào gia đình biết làm việc vì lợi ích của người cao niên, trong cả hai chiều kích thiêng liêng và xã hội… Trong các xã hội đã kỹ nghệ hóa cao, nơi các ngài đang gia tăng về con số trong khi sinh suất giảm, có nguy cơ các ngài bị coi như một gánh nặng. Đàng khác, sự săn sóc mà các ngài đòi hỏi thường gây ra nhiều thử thách cam go thực sự cho những kẻ thân yêu của các ngài” (34). “Ngày nay, việc chăm sóc và quan tâm tới giai đoạn cuối đời càng cần thiết hơn bao giờ hết, khi người ta bị cám dỗ muốn dùng mọi cách loại bỏ giây phút lâm chung. Sự yếu đuối và lệ thuộc của người cao niên đang bị cái lợi hoàn toàn về kinh tế khai thác một cách bất chính. Nhiều gia đình đang cho chúng ta thấy rằng chúng ta có thể tiếp cận giai đoạn cuối cùng của sự sống bằng cách nhấn mạnh tới sự quan trọng trong cảm thức của người ta về việc họ đã chu toàn và nay có thể hòa nhập trọn cuộc hiện sinh của họ vào mầu nhiệm vượt qua. Đa số người cao niên đang được đón tiếp vào các cơ sở của Giáo Hội nơi họ có thể sống trong một bầu không khí thanh thản và giống như ở gia đình về cả mặt vật chất lẫn tinh thần. An tử và trợ giúp tự sát đang đặt ra nhiều đe dọa trầm trọng cho các gia đình khắp thế giới. Tại nhiều quốc gia, việc thực hành này nay đã thành hợp pháp. Dù cực lực phản đối các thực hành này, Giáo Hội vẫn cảm thấy có bổn phận phải giúp đỡ các gia đình đang chăm sóc người cao niên và các thành viên yếu ớt của họ” (35)

49. Ở đây, tôi cũng muốn nhắc đến hoàn cảnh các gia đình đang sống trong cảnh nghèo cùng cực và bị giới hạn lớn lao. Các vấn đề mà các gia đình nghèo phải đương đầu thường càng có tính thử thách hơn (36). Thí dụ, nếu một bà mẹ đơn chiếc phải tự nuôi dưỡng một đứa con và cần phải để đứa con ở nhà một mình để đi làm, thì đứa con có thể lớn lên chịu đủ mọi loại nguy hiểm và trở ngại đối với việc tăng triển bản thân. Trong những hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn như thế, Giáo Hội phải đặc biệt quan tâm để cung ứng sự hiểu biết, an ủi và chấp nhận, hơn là thẳng thừng áp đặt cả một loạt qui luật chỉ khiến người ta cảm thấy bị phán xử và bỏ rơi bởi chính Người Mẹ vốn được kêu gọi biểu lộ với họ lòng thương xót của Thiên Chúa. Thay vì cung ứng sức mạnh chữa lành của ơn thánh và ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng, một số người lại “nhồi sọ” sứ điệp này, biến nó thành “những viên đá chết dùng để ném người khác” (37).

Kỳ sau: Một Số Thách Đố
____________________________________________________________________________________________________________
(8) Đức Gioan PHaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio, (22 tháng 11, 1981), 4: AAS 74 (1982), 84.
(9) Relatio Synodi 2014, 5.
(10) Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, Matrimonio y familia (6 tháng 7, 1979), 3, 16, 23.
(11) Relatio Finalis 2015, 5.
(12) Relatio Synodi 2014, 5.
(13) Relatio Finalis 2015, 8.
(14) Diễn Văn Trước Quốc Hội Hoa Kỳ (24 tháng 9, 2015): L’Osservatore Romano, 26 tháng 9, 2015, p. 7.
(15) Relatio Finalis 2015, 29.
(16) Relatio Synodi 2014, 10.
(17) Phiên Toàn Thể Ngoại Thườg Thư Ba Thượng Hội Đồng Giám Mục, Sứ Điệp, 18 tháng 10, 2014.
(18) Relatio Synodi 2014, 10.
(19) Relatio Finalis 2015, 7.
(20) Ibid., 63.
(21) Hội Đồng Giám Mục Đại Hàn, Towards a Culture of Life! (15 tháng 3, 2007), 2.
(22) Relatio Synodi 2014, 6.
(23) Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, Charter of the Rights of the Family (22 tháng 10,1983), Art. 11.
(24) Cf. Relatio Finalis 2015, 11-12.
(25) Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, Charter of the Rights of the Family (22 tháng 10, 1983), Dẫn Nhập.
(26) Ibid., 9.
(27) Relatio Finalis 2015, 14.
(28) Relatio Synodi 2014, 8.
(29) Cf. Relatio Finalis 2015, 78.
(30) Relatio Synodi 2014, 8.
(31) Relatio Finalis 2015, 23; cf. Sứ Điệp Ngày Di Dân Và Tỵ Nạn Thế Giới 17 Tháng Giêng 2016 (12 tháng 9, 2015), L’Osservatore Romano, 2 tháng 10, 2015, p. 8.
(32) Relatio Finalis 2015, 24.
(33) Ibid., 21.
(34) Ibid., 17.
(35) Ibid., 20.
(36) Cf. ibid., 15.
(37) Diễn Văn Bế Mạc Phiên Toàn Thể Thường Lệ Thứ Mười Bốn Thượng Hội Đồng Giám Mục (24 tháng 10, 2015): L’Osservatore Romano, 26-27 tháng 10, 2015, p. 13.