Lược sử Giáo Xứ Bình Cang

Bước sơ khởi, Từ thế kỷ thứ 16 có 5 gia đình Kitô hữu gốc Phú Cam Huế đến lập nghiệp ven cửa khẩu sông cái Bình Cang (Sông cái Nha Trang), nhóm giáo dân sơ khởi đã lập một nhà nguyện nhỏ tại đây để qui tụ đọc kinh sáng tối.

Sau một thời gian vì hoàn cảnh sinh sống của giáo dân địa phương nhà nguyện được dời về gần bến đò Chợ ông Bộ, sau thời cấm đạo Văn Thân 1885, Cố Ngoan chọn địa điểm trung tâm xóm đạo để xây dựng thánh đường và phát triển giáo xứ tại địa điểm này, nhà thờ được tái thiết nhiều lần cho đến hôm nay. Nhà thờ Bình Cang cách thành phố Nha Trang 7 Km, thuộc ngoại ô và nằm về hướng Tây của thành phố.

Trong thời giáo hội Việt Nam sơ khai các linh mục thừa sai thường tuyên nhiệm cả vùng gồm nhiều giáo xứ, trường hợp giáo xứ Bình Cang cũng vậy. Giáo xứ thời cấm đạo, suốt 300 năm cấm đạo, giáo dân Bình Cang cùng chung số phận với những người tín hữu Việt Nam đã bị bách hại, chém giết các bật tiền nhân mà trong đó có ông bà tổ tiên của chúng ta, kẻ trốn thoát lên rừng, người nhờ lương dân lén lút nuôi dưỡng, có người can đảm tự nguyện bị bắt bớ giam cầm tra tấn cực hình cho đến chết, có kẻ khiếp đảm trước gươm giáo yếu lòng nghe theo lời dụ dỗ của ác bá để trở lại cuộc sống bình thường, có người được các quan phủ huyện và bạn bè thân thích cứu khỏi ngục hình và kính đáo bảo bọc trong cơn lốc cho đến khi qua cơn phúc đáp, con cháu các gia đình này hiện vẫn còn đang sống trong xóm làng chúng ta. Từ thời vua chúa, qua từng cơn bách đạo khủng khiếp cũng đã qua đi, từng hạt giống đức tin gieo vào lòng đất bỗng nảy sinh và phát triển mạnh mẽ.

Chúng ta tô đậm qua trang sử oai hùng tử đạo của mình, Chị Annê Dần ngọn đuốc sáng của Bình Cang, ông biện Hoài và cả gia đình là khối lửa đức tin rực sáng của chúng ta và còn biết bao gương hy sinh anh dũng khác đã đổ máu đào nhuộm thắm quê hương.

Giáo xứ Bình Cang giáo xứ phát triển bắt đầu khôi phục. Các linh mục giáo xứ chính xứ: Kế nhiệm Cố Liêm là Cha Ninh 1949- 1951; Cha Long 1951-1952; Cha Thuận 1952-1955; Cha Tới 1955-1957; Cố MonLa; Cố Lực 1957-1958. Đức Giám Mục tiên khởi địa phận Nha Trang Piquet Lợi (Mộ của Ngài nằm ngay chân núi nhà thờ chính tòa Nha Trang) đã chọn tu sở tu viện Mến Thánh Giá Bình Cang để lập Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Bình Cang cho địa phận là ngày 15-9-1958, từ nhà Mẹ đến nay đã có hơn 150 nữ tu đã khấn và phục vụ tại Bình Cang cũng như trong toàn Giáo Phận Nha Trang. Cố Valour Lực đã có công phát triển Giáo Xứ về mặt văn hóa giáo hội, Ngài đứng ra xây cất một trường tiểu học gồm 6 phòng từ mẫu giáo đến lớp 5. Năm 1967 Cố Lực về Pháp chữa bệnh, cố Hồng tuyên úy Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ, tuyên nhiệm chính xứ Bình Cang 1967-1969, Ngài bị tai nạn trên đường vi hành công tác mục vụ, qua đời ngày 18-11-1974 và Ngài được mai táng ngay trong sân của Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Bình Cang.

Ngày 1-10-1969 Cha luis Lê Văn Sinh được cử đến lãnh nhận chức vụ chánh xứ Bình Cang cho đến năm 1995 thì Ngài về hưu và ở nhà hưu dưỡng của địa phận. Từ năm 1995 cho đến 18-6-2003 là Cha Tađêô Phan Đình Tạc. Từ ngày 19-6-2003 đến nay là cha Giuse Nguyễn Bình An làm quản xứ.

Họ nhánh giáo xứ Bình Cang trước có hai họ: Hòa Tân và Cầu Ké, nay Hòa Tân đã thành giáo xứ. Hiện tình giáo xứ có giáo dân gần 3000. Đức cố giám mục Phêrô Nguyễn văn Nho là người sinh trưởng tại giáo xứ Bình Cang và Ngài đã qua đời ngày 21-5-2003. Hiện nay giáo phận đang bận rộn sửa soạn mừng kỷ niệm giỗ giáp năm ngày qua đời của Đức Cha Nho. Lễ giỗ sẽ được tổ chức vào lúc 9:30 sáng ngày 21-5-2004 tại nhà thờ chánh tòa Nha Trang do Đức Cha Nguyễn văn Hòa chủ tế và cùng đồng tế có các Đức Giám Mục Đà Lạt, Nha Trang, Ban Mê Thuột, v.v... Sẽ có rất đông các linh mục đồng tế, và sự hiện diện của đông đảo nam nữ tu sĩ và giáo dân giáo phận tham dự.

Năm 1990, Giáo Xứ Bình Cang đã mừng Sinh Nhật 250 năm. Giáo xứ Bình Cang đã trải qua một cuộc lữ hành trong đức tin với niềm tự hào của con cháu các vị anh hùng tử đạo Việt Nam.

Lịch sử giáo xứ Bình Cang từng ngày được biết cụ thể bằng gương sống đạo của cộng đồng dân Chúa. Lịch sử giáo xứ Bình Cang với những đứa con tình yêu hợp nhất đã trở thành hoa quả của giáo hội sơ khai. Giáo xứ Bình Cang đã chọn Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng, vì vậy giáo xứ luôn được Đức Mẹ che chở qua bao nhiêu cơn thử thách và bách hại. Thế hệ của chúng ta hãy bảo toàn gia sản tinh thần cao quý của giáo xứ Bình Cang và tiếp tục hoàn thành lịch sử đời mình trong lịch sử ơn cứu độ.