ĐỨC MẸ SẦU BI

Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, khi tưởng nhớ cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, chúng ta cũng tưởng nghĩ đến những đau đớn của Đức Mẹ. Điêu khắc gia Michelangelo thành Florence nước Ý, thế kỷ XV, đã khắc một pho tượng nổi tiếng, lột tả cách sống động về chân dung Đức Mẹ Sầu Bi, gọi là Pietà.

Tượng Pietà trong Đền thờ Thánh Phêrô, Rôma (do Michelangelo, 1499)

Giáo Hội cũng có một lễ dành cho tước hiệu này vào ngày 15/9, sau lễ Suy Tôn Thánh Giá. Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (hay lễ Đức Bà Bảy Sự, lễ kính Bảy Sự Thương Khó của Đức Bà) tiếng Latinh là Mater Dolorosa (hay Septem Dolorum), tiếng Anh là Dolors of Our Lady (hay Seven Dolors of Blessed Virgin, Seven Sorrows of Our Lady).

1. Nguồn gốc ngày lễ

Trước cuộc cải tổ Phụng Vụ của Công đồng Vatican II, trong lịch Phụng Vụ có hai lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi. Việc tôn kính Đức Mẹ Sầu Bi do Dòng Citercian và Dòng Phanxicô khởi xướng từ thế kỷ XII và thế kỷ XIII. Đến năm 1423, Công đồng Cologne đã quy định thành lập lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi (điều luật 11). Ý niệm khởi đầu chỉ hướng về mối đau khổ tổng thể, cụ thể là tôn kính Đức Mẹ đau khổ đứng dưới chân thập tự giá, lễ này được cử hành vào ngày Thứ Sáu của tuần III sau lễ Phục Sinh. Năm 1482, Bảy Sự Thương Khó của Đức Mẹ mới được khai triển và phổ biến ở Âu Châu. Năm 1725, Đức Giáo Tông Bênêđitô XIV đưa lễ Đức Mẹ Sầu Bi qua ngày Thứ Sáu trong tuần Thương Khó I, trước Lễ Lá[1], đó là lễ thứ I. Năm 1668, Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ được Toà Thánh cho phép mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngày Chúa Nhật thứ III trong Tháng 9. Năm 1912 Đức Giáo Tông Piô X quyết định toàn thể Giáo Hội cử hành lễ này một lần nữa vào ngày 15/9 hàng năm, sau lễ kính Thánh Giá, đó là lễ thứ II. Cả hai thánh lễ đều dùng thánh thi “Stabat Mater” (Mẹ Sầu Bi đứng dưới chân thập tự giá) của Giacopone da Todi (1360), tu sĩ Dòng Phanxicô, làm thánh ca cho buổi lễ. Năm 1969, lễ Đức Mẹ Sầu Bi vào ngày Thứ Sáu trong tuần Thương Khó I bị bãi bỏ, lý do là vì Giáo Hội không muốn mừng một biến cố hay một mầu nhiệm hai lần trong một năm.

2. Nghĩa của những chữ đức, mẹ, sầu, bi

2.1. Đức, có duy nhất một chữ Hán 德 (nhưng có nhiều cách viết, như: 徳, 悳, 惪), nghĩa là (dt.) (1) Ân huệ: Dĩ đức báo oán. (2) Đạo đức, cái đạo để lập thân: Đức hạnh. (3) Hạnh kiểm, tác phong. (4) Cái khí tốt (vượng) trong bốn mùa: Mùa xuân gọi là thịnh đức tại mộc. (5) Ý chí, niềm tin: Nhất tâm nhất đức (một lòng một dạ) (6) Tên nước: Nước Đức. (7) Họ Đức. (đt.) (8) Tạ ơn: Vương viết: “Nhiên tắc đức ngã hồ” (Vua nói: “vậy thì cám ơn tôi không?”). (tt.) (9) Mỹ thiện: Đức chính (chính sách tốt đẹp).

Nghĩa Nôm: Đức là từ[2] đứng trước những danh xưng chức vị hay tước hiệu để biểu thị lòng kính trọng dành cho những đấng, những vị được tôn kính. Ví dụ: Đức Chúa Trời, Đức Mẹ, Đức Phật Thích Ca, Đức Thái Thượng Lão Quân, Đức vua, Đức thánh Trần...

Theo Cha Giuse Cao Phương Kỷ: “Chữ đức, không có ý nghĩa thần tính, chỉ là danh hiệu tỏ lòng tôn kính dành cho nhiều người như: đức vua, đức bà, đức ông, đức thầy... Ngoài ra, theo thói quen, chữ đức thường ghép vào một chức vị, hay danh hiệu của một người như Đức Giám Mục, Đức Cha... không ai gọi kèm theo tên riêng, tên tục người ta, chẳng hạn, ta quen gọi: Đức Hồng Y Khuê, mà không nói: “Đức Khuê”(vì chữ Khuê là tên riêng)” [3].

Chúng tôi đồng ý với Cha Giuse, vì Đức (nghĩa Nôm) là:

- “Từ đặt trước những danh từ chỉ những thần thánh hoặc những người đáng tôn kính”[4], “... hoặc người có địa vị cao quý trong xã hội phong kiến để tỏ ý tôn kính khi nói đến”[5]

- “Tiếng tôn gọi các bậc vua chúa, thần thánh” .

- “(Thường viết hoa) từ dùng để gọi thánh thần với ý tôn kính”[6] .

- “Tước hiệu danh giá tột đỉnh”[7]dùng để “xưng tặng các đấng cao sang, tài trí...” như Paulus Huỳnh Tịnh Của viết: “Đức: tiếng xưng tặng các đấng cao sang, tài trí; tiếng chỉ việc nhơn lành, lòng lành: Đức Chúa Trời[8]. Để tiếng đức cho trọng đấng bậc, không dám xưng ngay là Chúa Trời, về các tiếng sau này cũng vậy: chúa, vua, thánh, giáo tông, giám mục, cha, thầy, phu tử, ông, mụ, bà (dùng tiếng đức cũng về một ý)”[9].

Theo lễ phép “xưng khiêm, hô tôn”, khi nói với (hoặc nói về) người trên thì người ta dùng chức vụ, vị trí công tác hay danh hiệu học vị học hàm; khi nói với (hoặc nói về) người ngang hàng hoặc dưới mình, nhưng vẫn tỏ ra lịch sự, người ta có thể dùng tên tự hay gọi theo chức vị. Có thể thêm tên hay họ tên sau chức vị khi có người khác cùng chức vị đó hiện diện. Thiết nghĩ, đối với các bậc tôn quý “danh giá tột đỉnh” được gọi là “Đức...” mà chúng ta chỉ xưng hô vỏn vẹn là “Đức + tên riêng” thì không phải phép. Thí dụ: Người ta không nói “Đức Khổng Khâu”, nhưng là “Đức Khổng Tử”[10]; không nói “Đức Tất Đạt Đa Cồ Đàm”, nhưng nói là “Đức Phật Thích Ca”[11]. Chúng ta không nên nói “Đức Maria”, mà nên nói là “Đức Mẹ Maria”, “Đức Bà Maria” hay “Đức Nữ Đồng Trinh Maria”... Tuy nhiên, khi nói về Đức Phật Thích Ca trong giai đoạn trước khi thành Phật, người ta có thể gọi ngài là “Hoàng tử Tất Đạt Đa” hay “Đức Cồ Đàm”...cũng như có người dùng chữ “Đức Giêsu” để nhấn mạnh đến nhân tính, còn chữ “Chúa Giêsu” để nói về thiên tính của Ngôi Hai Thiên Chúa[12]. Nhưng khi nhấn mạnh nhứ thế, liệu chúng ta có đi lệch với mầu nhiệm ngôi hợp không? Đây, không phải chỉ là cách dùng từ nữa, mà liên quan đến phạm trù giáo lý đức tin rồi.

Khi ghép chữ “đức” vào hai chữ “lang quân” và “ông chồng” như “đức ông chồng” thì có nghĩa không được tốt đẹp lắm, tức là “chồng” (cách gọi có ý đùa hoặc mỉa mai)[13]. Còn “đức lang quân”, nay không nghe người ta nói nữa, chỉ thấy dùng trong văn viết với ý nghĩa như đức ông chồng vậy. Riêng Giáo Hội Công Giáo vẫn dùng Đức Phu Quân là Chúa Kitô... Đức Lang Quân của Hội Thánh!

2.2. Mẹ, là chữ Nôm, nghĩa là (dt.) (1) Người đàn bà có con, trong quan hệ với con cái: Nhớ mẹ, gửi thư cho mẹ, mẹ thương con. (2) Con vật cái, trực tiếp sinh ra đàn con nào đó: Gà con tìm mẹ. (3) Người đàn bà đáng bậc mẹ: Người mẹ chiến sĩ. (4) Cái gốc, cái xuất phát những cái khác: Lãi mẹ đẻ lãi con. (5) Mẹ ghẻ (vợ kế của bố). (6) Đàn bà xấu: Mẹ mìn. (7) Tiếng chửi: Mẹ kiếp.

2.3. Sầu, chỉ có một chữ Hán 愁, nghĩa là: (dt.) (1) việc lo buồn: Ly sầu (việc lo buồn của chia lìa). (đt.) (2) Lo lắng: Bất sầu ngật bất sầu xuyên (không phải lo ăn lo mặc). (tt.) (3) Lo buồn: Sầu my khổ kiểm (nét mặt buồn sầu).

Nghĩa Nôm: (đt.) (1) Đau lòng: Sầu khổ (hơi khác nghĩa Hv). (2) Nẫu: Gặp mưa to rau sầu hết. (dt.) (3) Trái durian (Hv Lựu liên), Nôm: Sầu riêng.

2.4. Bi, có nhiều chữ Hán, ở đây là chữ 悲. Nghĩa là (dt.) (1) Việc đau thương: Lạc cực sinh bi (Vui quá sinh việc đau thương). (2) Thương xót: Từ bi. (3) Họ Bi. (đt.) (4) Đau, khóc không có nước mắt. (5) Thương cảm: Du tử bi cố hương (Con đi xa thương cảm quê hương). (tt.) (6) Buồn.

Nghĩa Nôm: Tiếng chiêng, cồng.

3. Ý nghĩa của “Đức Mẹ Sầu Bi”

3.1. Đức Mẹ Sầu Bi có nghĩa là Đức Mẹ đau khổ, buồn thương... vì Đức Mẹ là mẹ Chúa Giêsu, trong suốt quãng đời 33 năm tại thế của Chúa Giêsu, Mẹ đã cảm nhận nhiều nỗi đau thương như: Lời tiên báo của ông Simêon (x. Lc 2,34-35); Cuộc chạy trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,13-21); Lạc mất Chúa ba ngày (x. Lc 41,50); theo sau Chúa khi Người vác thập tự giá lên đồi Calvê (x. Ga 19,17); khi Chúa bị đóng đinh và chịu chết trên thập tự giá (x. Ga 19,18-30); Tháo xác Chúa (x. Ga 19,39-40); Táng xác Chúa (x. Ga 19,40-42).

Cho đến ngày nay, tuy đã về trời, Mẹ Maria vẫn còn tiếp tục phải chịu bao đau đớn khi chứng kiến biết bao sự ích kỷ, hận thù, chia rẽ, chiến tranh... giữa đoàn con cái của mình. Nhưng nỗi thống khổ lớn nhất của Mẹ chính là việc trầm luân của biết bao linh hồn đang sống trong tội lỗi mà xa rời Thiên Chúa. Lời tiên tri của cụ già Simêon khi xưa quả rất hiện thực, con tim của Mẹ vẫn không ngừng bị bao lưỡi đòng đâm thâu, và người đâm thấu tâm hồn Mẹ lại chính là những đứa con mà Mẹ đã một lần sinh ra trong ân sủng. Trong số những đứa con phản nghịch ấy, phải chăng có tôi và bạn?

3.2. Giáo Hội đặt lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngay sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá như muốn nói rằng: “Khi Đức Kitô chịu treo trên thập tự giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ”[14]. Cuộc đời Mẹ luôn kết hợp với những khổ đau của Con. Có lẽ không đau khổ nào lớn hơn đau khổ của chính Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà theo lời của Thánh Gioan, “đã đứng kề bên thập giá Đức Giêsu” (Ga 19,25). Không ai hiểu con cho bằng người mẹ, và cũng không ai đau khổ hơn người mẹ khi phải chứng kiến sự đau khổ và cái chết của con mình:

“Mẹ sầu bi, tầm tã giọt châu,

đang đứng bên cây thập giá,

nơi Con Người đã bị treo lên.

Một lưỡi gươm nhọn đã đâm qua

tâm hồn Bà đang rên siết,

đang sầu khổ và đau buồn...”.

(Thánh thi Stabat Mater)

Cũng như Chúa Giêsu, Mẹ Maria cũng tự đồng hoá chính mình với mầu nhiệm đau thương của thập tự giá. Bởi thế, Mẹ đáng được gọi là Đấng Hiệp Công Cứu Chuộc. Qua việc cử hành lễ Mẹ Sầu Bi, Giáo Hội mời gọi con cái mình hãy chiêm ngắm hình ảnh của một người Mẹ đau khổ vì Con và vì chúng ta:

“Ai là người không tuôn châu lệ,

khi nhìn thấy Mẹ Chúa Kitô,

trong cảnh cực hình như thế?

Ai có thể không buồn bã nhìn xem

Mẹ Chúa Kitô, đang đau khổ cùng với Con Người?..”.

(Thánh thi Stabat Mater)

Đồng thời Giáo Hội kêu mời chúng ta hãy an ủi Mẹ bằng cách bắt chước và yêu mến Mẹ hơn:

“Ôi lạy Mẹ là niềm yêu mến,

xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương,

để cho con được khóc than cùng Mẹ.

Xin cho lòng con cháy lửa mến yêu,

mến yêu Đức Kitô là Thiên Chúa,

để cho con có thể làm đẹp ý Người...”.

(Thánh thi Stabat Mater)

3.3. Chúng ta hãy nhớ rằng Mẹ Maria đã bắt đầu cuộc lữ hành đức tin bằng những lời xin vâng: “Tôi là nữ tỳ của Chúa. Tôi xin vâng như lời Ngài truyền” (Lc 1,38) và những lời vui tươi hăng hái của người mẹ trẻ: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa... Vì Chúa đã nhìn đến phận hèn tôi tớ Chúa...”. Vì vậy, khi ngắm nhìn sự đau thương của Chúa Giêsu và Mẹ Người trong ánh sáng Thánh Kinh, chúng ta không thể đồng hóa sự tuân phục của Chúa và Mẹ với định mệnh thuyết hay thụ động tính[15]. Trái lại, như Công Đồng Vatican II dạy: “Đức Trinh Nữ đã vững tiến trong cuộc lữ hành đức tin, và trung thành hợp nhất với Con Mẹ cho tới khi đứng dưới chân thập tự giá, theo đúng chương trình của Thiên Chúa” (LG 58):

“Đức Maria, Nữ Vương cả đất trời,

Vẫn hiên ngang đứng vững

Gần bên thập giá Đức Kitô.

Diễm phúc thay, Đấng không phải chết

Mà được lãnh cành thiên tuế

Dành cho người tuẫn đạo”.

(Xướng đáp, Kinh Chiều lễ Đức Mẹ Sầu Bi)

Đó là niềm vui của Mẹ và cũng là niềm hy vọng của chúng ta:

“Mừng vui lên, lạy Mẹ Sầu Bi,

Xưa kia cùng với Con yêu dấu,

Mẹ thông phần đau khổ,

Ngày nay Mẹ lại được cùng Người

Chung hưởng phúc vinh quang”.

(Điệp ca Tin Mừng, Kinh Sáng lễ Đức Mẹ Sầu Bi)

Kết

Dựa theo giáo huấn Công Đồng Vatican II, Giáo Hội muốn lòng sùng kính Đức Mẹ của chúng ta phải quy hướng về Chúa Kitô. Do đó, Giáo Hội muốn chúng ta sùng kính việc Đức Mẹ hiệp công với Chúa Kitô khổ nạn để chúng ta noi gương Mẹ, mà kết hợp những khổ đau của ta với cuộc thương khó của Chúa Kitô, ngõ hầu mai sau chúng ta cùng được hưởng phúc trường sinh vinh hiển với Chúa như Đức Mẹ.

“Khi chúng con kính nhớ tình yêu đau khổ của Đức Trinh Nữ Maria, xin cho chúng con biết dùng đời sống mình để bù đắp những gì còn đang thiếu sót trong những đau khổ của Chúa Kitô để mưu ích cho Hội Thánh” (Lời nguyện hiệp lễ ngày 15/9). q

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

[1] Trong Phụng Vụ trước CĐ. Vatican II, Chúa Nhật Lễ Lá còn gọi là Chúa Nhật Thương Khó II (Dominica II Passionis seu in PaLMis) và tuần trước đó là Tuần Thương Khó I, Lễ Đức Mẹ Sầu Bi cử hành vào ngày Thứ Sáu trong tuần Thương Khó I này (Feria VI post Dominica De Passione).

[2] Các từ điển không thống nhất về từ loại của chữ này, ví dụ: Tự Điển Việt Nam (của Ban Tu Thư Khai Trí, NXB. Khai Trí, Sài Gòn, 1971) thì ghi là đại danh từ; Đại Từ Điển Tiếng Việt (của Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Nguyễn Như Ý (chủ biên), NXB. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1999) thì ghi là danh từ; còn Giúp Đọc Nôm Và Hán Việt (của LM. Antôn Trần Văn Kiệm, NXB. Đà Nẵng, 2004) thì ghi là mạo từ.

[3] Cao Phương Kỷ, Lạm bàn về phiên dịch Kinh - Sách sang Việt ngữ (http://www.gpnt.net/diendan/archive/index.php/t-795.html), các chữ in đậm do chúng tôi.

[4] Đại Từ Điển Tiếng Việt (của Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Nguyễn Như Ý (chủ biên), NXB. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1999) thì ghi là danh từ; còn Giúp Đọc Nôm Và Hán Việt (của LM. Antôn Trần Văn Kiệm, NXB. Đà Nẵng, 2004) thì ghi là mạo từ.

[5] Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam Từ Điển, NXB. Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội. Gs. Lê Ngọc Trụ, Việt Ngữ Chính Tả Tự Vị, in lần ll, NXB. Khai Trí, Sài Gòn, 1972.

[6] Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại Từ Điển Tiếng Việt, NXB. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1999.

[7] Alexandre de Rhodes, Từ Điển Annam - Lusitan - Latinh (Từ Điển Việt - Bồ - La), Roma, 1651. Phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, NXB. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1991.

[8] “Trong Lịch Sử Đàng Ngoài, ở bài giảng đầu tiên trên bến Cửa Bạng ngày 19/3/1627, chính ngày lễ kính Thánh Giuse, Đắc Lộ đã cho biết ông rất trịnh trọng nói đến tên Thiên Chúa một cách vô cùng long trọng. Ông không dùng ‘Thiên Chúa’, cũng không dùng ‘Chúa Trời’ mà nói ‘đức Chúa trời đất’, vì chữ đức này làm tôn giá trị tuyệt đối của ‘Chúa trời đất’, vì trong cung điện, trong phủ, người ta vẫn phải nói đức vua, đức chúa, đức ông, đức bà... Cho nên Phép giảng là phép giảng cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà bvào đạo thánh đức Chúa blời. Đắc Lộ còn viết rõ rệt: viết chữ nhỏ ở đức và blời, và chỉ viết chữ lớn, chữ hoa ở Chúa mà thôi, vì chúng ta không thờ trời, không thờ đất mà thờ đức Chúa blời đết”. (Nguyễn Khắc Xuyên, Giáo Sĩ Đắc Lộ và Giáo Hội Công Giáo Nguyên Thủy Việt Nam:

http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=44&ict=841)

[9] Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Rey, Curiol & Cie, Sài Gòn, 1895. NXB. Khai Trí, Sài Gòn, 1974.

[10] Đức Khổng Phu Tử (551-479 BC): Tên thật là Khổng Khâu (孔丘), tên hiệu là Trọng Ni (仲尼). Khổng là một họ phổ biến ở Trung Quốc; Phu Tử có nghĩa là thầy giáo, theo văn hóa Trung Quốc việc gọi thầy bằng tên là bất kính, nên ông chỉ được gọi là “Thầy Khổng”, thậm chí cho tới tận ngày nay. Từ “Phu” không bắt buộc, vì thế ông cũng thường được gọi là Khổng Tử.

[11] Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhārtha Gautama) là tên riêng của vị Phật lịch sử đã từng sống trên trái đất này, người sáng lập Phật Giáo. Thích Ca Mâu Ni (śākyamuni là danh hiệu có nghĩa là: Trí giả trầm lặng (muni) của dòng Thích Ca).

[12] Xem bài của Pt. Giuse Trần Văn Nhật, Về Danh xưng “Đức Giêsu” hay “Chúa Giêsu” trong www.nguoitinhuu.com.

[13] Hoàng Phê (chủ biên), Từ Điển Tiếng Việt, Viện Ngôn Ngữ Học, Đà Nẵng, 2005.

[14] Lời nguyện CGKPV lễ Đức Mẹ Sầu Bi.

[15] xem Bài giảng của ĐTC Gioan Phaolô II tại Los Angeles, ngày 15/9/1987.