Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong chương trình phóng sự đặc biệt này, chúng tôi xin trình bày một số chi tiết chung quanh diễn biến này.
Tuần qua, di hài hai vị thánh đã được mang đến Thánh Đường Thánh Laurensô Ngoại Thành, trước khi được đưa đến nhà thờ San Salvatore tại Lauro, Rôma. Hôm thứ Sáu 05 tháng Hai, di hài của các ngài đã được rước dọc theo con đường của những người hành hương Rôma để đến Đền Thờ Thánh Phêrô.
Những hình ảnh cảm động mà quý vị và anh chị em đang thấy đây là nghi thức rước di hài của các ngài, vẫn còn nguyên vẹn như khi còn sinh tiền, từ quảng trường Thánh Phêrô vào Đền Thờ Thánh Phêrô.
Cộng đoàn đang hát kinh cầu các thánh trong khi di hài của hai vị được rước vào Đền Thờ Thánh Phêrô.
Cha Pio là Vị Thánh lớn của thời đại này. Ðọc qua tiểu sử của Cha, chúng ta thấy rằng: Cha đã được Chúa chọn để diễn lại cuộc Tử nạn của Chúa, giữa một thế giới, như thế giới ngày nay, thi đua chạy theo vật chất và thú vui, mỗi ngày mỗi xa Chúa. Cha là một môn đệ thực hiện đầy đủ lời Chúa dạy: “Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thánh giá hằng ngày và theo Ta”. Cuộc đời đau khổ của Cha nhắc lại cho mỗi người trong chúng ta lời Thánh Phaolô nói: “Tôi rao giảng Chúa Kitô và Chúa Kitô chịu đóng đinh”. “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cor 4, 10). Cha Pio đã có thể nói như Thánh Tông đồ: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi”.
Cha Pio sinh tại xã Pietrelcina, thuộc tỉnh Benevento (miền nam nước Ý) ngày 25 tháng 5 năm 1887, trong gia đình nông thôn, rất sùng đạo. Thân phụ tên là Grazio Forgione, mẹ là Giuseppina Di Nunzio. Trong ngày rửa tội, Cha Piô nhận tên thánh Francesco (Phanxicô).
Hồi năm tuổi, Francesco đã mơ ước trở thành một Tu sĩ Dòng Phanxicô-Cappucin với bộ râu, hằng ngày từ nhà này qua nhà khác xin bố thí cho Tu viện. Một ngày kia, trước bàn thờ chính của nhà thờ Pietrelcina, chính Francesco kể lại là mình thấy Chúa Giêsu lại gần và đặt tay trên đầu, như dấu hiệu yêu thương, khích lệ. Francesco cũng thấy Thiên Thần bản mệnh, luôn luôn đồng hành và Ðức Mẹ Maria hiện ra. Francesco thấy cả Quỉ dữ dưới những hình ảnh rất ghê tởm.
Các hiện tượng này không thể giải thích như những tưởng tượng của tuổi trẻ, nhưng Francesco nghĩ rằng: những hiện tượng như vậy cũng xẩy đến cho các bạn cùng tuổi mình.
Các người trong gia đình hết sức ngạc nhiên về những vụ đánh tội của Francesco ban đêm. Francesco nghĩ rằng: để thánh hiến cuộc đời cho Chúa, phải gần gũi hết sức có thể Chúa Giêsu. Một ngày kia, Bà mẹ Giuseppina không thấy con, liền chạy đi tìm. Francesco trả lời: “Con phải đánh mình con như người Do thái xưa kia đã đánh đập Chúa Giêsu, đến độ làm Máu của Người chảy ra”. Nhiều lần Francesco ngủ trên sàn nhà lát đá cẩm thạch, gối đầu trên một viên đá, bởi vì Francesco nghĩ rằng: phải tự gánh tội trần gian theo gương Chúa Giêsu. Ðây là một ơn gọi riêng, ơn gọi đau khổ; nếu không, Francesco nghĩ rằng: sẽ đi đến chổ hư mất đời đời. Francesco sớm ý thức về ơn gọi chịu đau khổ này.
Ngày 6 tháng Giêng năm 1903, lúc 15 tuổi, Francesco được nhận vào Tập viện tại Morcone, cách Molise ít cây số. Sau hai tuần tĩnh tâm, Francesco được mặc áo Dòng và nhận tên dòng là “Pio da Pietrelcina”, để kính nhớ Ðức Thánh Pio V, Giáo Hoàng, và cũng kính nhớ Ðức Thánh Giáo Hoàng Pio X (1903-1914), lúc đó vừa được bầu làm Giáo Hoàng. Thời gian của Tập viện là thời gian rất gay go theo Luật Dòng Phanxicô. Pio đã trải qua thời kỳ thử thách này một cách gương mẫu. Việc chiến đấu với Satan càng ngày càng gia tăng đến độ từ những phòng kế bên phòng của Pio, các Tu sĩ khác thường nghe thấy những vụ đập đánh và những tiếng động. Lúc các thầy chạy đến xem, thì thấy Pio nằm bất tỉnh trên sàn nhà. Sau những năm tập viện,Thầy Piô tuyên khấn tạm, và ngày 27 tháng giêng năm 1907, thầy khấn trọng thể.
Thầy Pio lúc đó chưa phải là linh mục, đã được ơn hiện diện tại hai nơi một lúc, như chính Thầy kể lại với Cha Agostino: “Một ngày kia (ngày 18 tháng Giêng năm 1905) con thấy xẩy ra một sự kiện khác thường, trong lúc con đang ở trong nhà thờ (nơi hát kinh) với Thầy Anastasio, con cũng thấy mình ở trong nhà của một gia đình, nơi đây người cha đang hấp hối, chính trong lúc đó một trẻ em cũng sắp ra đời. Ðức Mẹ Maria hiện ra nói với con: “Mẹ phú thác đứa nhỏ này cho con... Con đừng sợ hãi: đứa nhỏ này một ngày kia sẽ đến với con, nhưng trước đó, con sẽ gặp đứa nhỏ này tại San Pietro”. Ngay sau đó, con lại thấy mình ở trong nhà thờ hát kinh”. Ðứa nhỏ này tên là Giovanna Rizzani. Sau này sẽ trở nên người con thiêng liêng của Cha Pio và thuộc Dòng Ba Phanxicô.
Thầy Piô được lãnh chức linh mục tại nhà thờ chính tòa Benevento, ngày 10 tháng 8 năm 1910, lúc 25 tuổi. Nhưng vì vấn đề sức khỏe, Bề Trên cho phép Cha Piô ở lại gia đình cho đến năm 1916. Tháng 9 cùng năm 1916 nầy, Cha được sai đến Tu Viện Santa Maria delle Grazie, -- Thánh Maria của Muôn Ơn Lành,-- ở San Giovanni Rotondo, và ở lại đây cho đến lúc qua đời ngày 23 tháng 9 năm 1968.
Ngày 20 tháng 9 năm 1918, lúc thánh lễ ban sáng vừa kết thúc, và mọi người ra về, Cha Pio còn ở lại cầu nguyện trong yên lặng và như xuất thần. Một nhân vật bí nhiệm hiện ra, tay và chân đẫm máu. Cha Pio kể lại cho Cha Agostino và Cha Benedetto như sau: “Từ ngày đó, con bị một vết thương chí tử. Trong thâm tâm, con cảm thấy vết thương này luôn luôn mở ra, làm con đau đớn nhiều”. Vết thương cạnh sườn bị đâm bởi một nhân vật trên trời bằng một lưỡi dao rất dài và rất sắc ở đầu, trong lúc Cha Pio ngồi tòa giải tội ngày 6 tháng 8 năm 1918. Cha Agostino và Cha Benedetto cho biết: Cha Pio đã sống “cuộc thử thách của tình yêu đặc biệt: vết thương thiêng liêng của nhân vật trên trời là dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa dành cho Cha”. Cha Pio có cảm giác không chịu nổi một sự đau đớn lớn lao như vậy được. Với thời gian qua đi, Cha Pio khám phá ra những vết thương đẫm máu kia trở nên những vết thương của chính mình. Những vết thương này mọi người đều thấy và làm cho Cha trở nên một “người bị đóng đanh sống động”. Cha muốn giấu, nhưng vết máu tiếp tục chảy ra, và anh em trong Dòng đều thấy. Từ ngày đó, Cha phải mang găng tay bằng len mầu xám tối, chỉ để thò ngón tay ra mà thôi, nhưng lúc đọc lời truyền phép, dâng Mình và Máu thánh Chúa lên, găng tay được tháo ra.
Bề trên nhà và Bề trên Tỉnh Dòng Cappucin muốn biết chắc chắn về các vết thương của Cha Pio, để đề phòng khỏi nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng các bác sĩ và giáo sư chuyên môn chỉ có thể giải thích được rằng: các vết thương kia không phải là những vết thương gây nên do chứng lao phổi, cũng không phải những vết thương tự tạo nên. Giáo sư Luigi Romanelli của Bệnh viện Barletta coi là “chứng bệnh mầu nhiệm”. Trong sự đau khổ không thể diễn tả được, Cha Pio xác nhận rằng: “Tất cả những gì Chúa Giêsu đã chịu trong cuộc Tử nạn của Người, nay tôi cũng chịu như vậy”, theo sức có thể của một tạo vật yếu hèn, không phải vì công nghiệp của tôi, nhưng chỉ vì lòng nhân hậu của Chúa mà thôi”.
Tiếng đồn về dấu thánh của Cha Pio mỗi ngày mỗi lan rộng các nơi. Các tín hữu tuốn đến Tu viện Santa Maria delle grazie ở San Giovanni Rotondo. Ðời sống của Cha Pio cũng thay đổi. Cha trả lời các thư nhận được. Cha ngồi Tòa giải tội và cử hành thánh lễ. Cha Pio trở nên như “một mầu nhiệm cho nhiều người”. Các vết thương của Cha trở nên đề tài học hỏi, nghiên cứu, không những trong lãnh vực Y khoa, nhưng cả nơi Giáo quyền. Những vụ xuất thần trong lúc Truyền phép và dâng Mình Máu thánh Chúa, đám đông lũ luợt tuốn đến mỗi ngày mỗi thêm nhiều tìm Cha Pio.... Tất cả đặt ra nhiều câu hỏi.
Ngày 18 tháng 4 năm 1920, Cha Pio được Cha Agostino Gemelli viếng thăm (Cha Gemelli là một nhà trí thức, sáng lập Bệnh viện Bách khoa Gemelli ở Roma, thuộc Ðại học Thánh Tâm Chúa ở Milano). Cha Pio không cho Cha Gemelli khám xét các vết thương, vì không có phép chính thức. Cha Gemelli theo tư tưởng này là các vết thương kia không thực. Một nhận xét không phù hợp với ý nghĩ mà Ðức Benedicto XV (1914-1922) vẫn có về Cha Pio: “Ðây là một trong các người mà Thiên Chúa đã sai đến mỗi khi cần đến trên thế gian này để làm cho con người trở lại”. Ngày 2 tháng 6 năm 1922, những biện pháp đầu tiên được gủi đến Cha Pio. Cha không được cử hành thánh lễ công khai, cũng không được thư từ với cha linh hướng của mình, và với rất nhiều tín hữu từ khắp thế giới viết cho ngài.
Trước những biện pháp giới hạn, Cha Pio chỉ đáp lại bằng sự yên lặng và vâng phục: “Tôi là người con của sự phục tùng”.
Từ năm 1923 đến 1933 Cha Pio bị kiểm soát ngặt nghèo, Cha không được giải tội và dạy các học sinh của trường thuộc Tu viện nữa. Cha bị hoàn toàn cô lập. Khiêm tốn, Cha đáp lại: “Tôi là người con của sự phục tùng”. Ðây chính là thái độ của một tu sĩ Cappucin. Thái độ vâng phục này sẽ tránh được những cuộc biểu tình chống đối có thể lan rộng nơi các tín hữu vốn sùng kính Cha Pio.
Những tố cáo chống lại Cha dần dần thấy rõ là không có nền tảng nào cả. Từ ngày 16 tháng 7 năm 1933 (sau 10 năm), Cha lại có thể cử hành thánh lễ công khai và năm sau trở lại tòa giải tội. Sứ mệnh của Cha là tòa giải tội, một ơn vĩ đại của lòng thương xót Thiên Chúa. Cha còn được ơn thấy những bí nhiệm trong tâm hồn của các người đến tòa giải tội. Nhiều lúc, sau khi giải tội, người ta thấy cha khóc vì đau đớn. Và đây cũng là một ơn riêng Chúa dành cho Cha, một cái nhìn siêu nhiên về tình trạng đáng thương của con người tội lỗi. Dù sống đầy đủ thừa tác vụ linh mục, Cha Pio thỉnh thoảng bị cám dỗ về một hồ nghi dữ dội làm Cha đau khổ nhiều: “Tôi đẹp lòng Chúa hay không?”.
Các nhóm cầu nguyện. Trong những năm 1940, Cha Pio lãnh nhận lời mời gọi của Ðức Pio XII (1939-1958) lập các nhóm cầu nguyện để nâng đỡ nhân loại bị chiến tranh đe dọa. Ðây cũng là những năm bắt đầu đào móng xây cất Bênh viện “Casa del Sollievo della Sofferenza”, được khánh thành 5 tháng 5 năm 1956. Hoa kỳ và các quốc gia đồng minh cung cấp phần lớn tài chính để xây cất Bệnh viện này, sau đệ nhị thế chiến. Số tiền gửi đến Cha Pio thật nhiều. ÐTC đã miễn Cha khỏi lời Khấn Khó nghèo. Và sau này Cha Pio đã trao việc quản trị và thừa hưởng gia tài cho Tòa Thánh.
Lòng sùng kính mỗi ngày gia tăng của người dân đối với Cha Pio làm tiêu tan những thù địch trước đây. Dân chúng luôn luôn coi Cha Pio là người của Thiên Chúa. Sau chuyến viếng thăm của Ðức Giám mục Carlo Maccari, đại diện Tòa Thánh, Cha Pio được hoàn toàn phục hồi trong năm 1965, thời Ðức Phaolô VI, để thi hành Thừa tác vụ linh mục. Ngoài ra, ÐTC còn cho phép Cha Pio, lúc đó đã già yếu, cử hành thánh lễ theo lễ nghi Latinh cũ, thay vì lễ nghi mới, được cải tổ sau Công đồng Vatican II.
Các đau khổ không lúc nào từ bỏ Cha Pio. Vào cuối năm 1966, Cha không thể đứng để cử hành thanh lễ, bắt buộc phải ngồi trong suốt thánh lễ. Cha cũng không thể đi từ phòng ở đến Tòa giải tội đặt trong nhà thờ.
Ngày 20 tháng 9 năm 1968, kỷ niệm 50 năm lãnh nhận dấu thánh. Trong dịp này, Ðại hội quốc tế các nhóm cầu nguyện được tổ chức; nhưng Cha Pio không thể tham dự, vì ngài sắp qua đời. Lúc 2g30 ngày 23 tháng 9 năm 1968, Cha đã tắt thở. Lúc các Bác sĩ và các Tu sĩ mặc áo lễ cho Cha, các vết thương biến mất hoàn toàn, không để lại dấu vết nào cả.
Năm 1982 ÐTC Gioan Phaolô II cho phép khởi sự vụ làm án phong Chân phước cho Cha Pio và, năm 1997 (sau 15 năm), ngài công nhận nhân đức anh hùng của Cha. Ngày 2 tháng 5 năm 1999, ÐTC chủ tế Thánh lễ tôn phong Cha lên bậc Chân phước, sau khi công nhận phép lạ do lời bầu cử của Cha. Người được khỏi bệnh lạ lùng và tức khắc là bà Consiglia De Martino, lúc đó điều trị tại Bênh viện ở thành phố Salerno (miền nam nước Ý). Giảng trong thánh lễ, ÐTC nói: “Chứng tá của Cha Pio là một lời kêu gọi mạnh mẽ về chiều kích siêu nhiên ... Vũ khí thực của Ngài là những cử chỉ thánh hằng ngày của việc giải tội và thánh lễ, bởi vì thánh lễ là trung tâm mỗi một ngày của Ngài”.
Và Chúa Nhật 16 tháng 6 năm 2002, tức sau ba năm, chính ÐTC lại chủ tế Thánh lễ phong Hiển Thánh cho Chân phước Pio, và từ đây Thánh Pio được tôn kính trong toàn Giáo Hội. “Mirabilis Deus in Sanctis suis”, Chúa thật kỳ diệu và làm những việc kỳ diệu nơi các Thánh của Người”.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Sáng thứ Năm 11 tháng Hai, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, là Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa, đã dâng thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô để tôn vinh Cha Thánh Pio Năm Dấu Thánh và Thánh Leopoldo Mandic.
Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Fisichella cho biết trong Năm Thánh “Chúa kêu gọi chúng ta từ bỏ chính mình, vác thập giá, và theo Chúa Giêsu - như Cha Thánh Pio Năm Dấu Thánh và Thánh Leopoldo Mandic đã làm”
Sau Thánh lễ vào sáng thứ Năm 11 tháng Hai, hài cốt của Cha Thánh Pio Năm Dấu Thánh đã bắt đầu cuộc hành trình trở về San Giovanni Rotondo, trong khi hài chốt của Thánh Leopoldo được đưa trở về nơi an nghỉ của ngài tại Padua.
Các nhà chức trách của thành phố Rôma ước tính trên 500,000 người đã kính viếng hai vị thánh trong một tuần qua.
Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.