XEM TẬN MẮT BẮT TẬN TAY
(Ga 20, 19-31)
Mỗi khi nói đến Tông đồ Tô-ma, người ta thường kèm theo biệt hiệu “Cứng lòng tin”.
Thật ra Tô-ma không cứng lòng tin hơn các Tông đồ khác. Khi Chúa đã chết rồi, các ngài hoang mang sợ hãi. Khi nghe tin Chúa sống lại, các ngài bàng hoàng bỡ ngỡ nhưng nửa tin nửa ngờ. Vì thế hai môn đệ đi đường Em-mau vẫn còn buồn bã. Dù đã nghe các phụ nữ tường thuật việc Chúa sống lại, các ngài vẫn không tin, nên muốn bỏ về làng cũ.
Vì thế, Chúa phải hiện ra nhiều lần. Và mỗi lần hiện ra, Người phải trấn an các môn đệ, cho các ngài xem các vết thương, cùng ăn uống để các ngài tin tưởng.
Tuy các môn đệ chưa hoàn toàn tin nhưng không ai trong các ngài phát biểu câu nào. Chỉ có Tô-ma nói một câu quyết liệt : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Chính vì câu nói mạnh mẽ này mà ông bị mang biệt danh “Cứng lòng tin”.
Tô-ma đại diện cho những người thời nay, cái gì cũng muốn xem tận mắt, bắt tận tay. Chỉ tin những gì thấy được. Chỉ chấp nhận những gì sờ được. Đòi kiểm nghiệm tất cả. Đòi tự mình chứng nghiệm tất cả. Không chỉ tin vào lời nói suông.
Nhưng ta phải cám ơn thánh Tô-ma, vì nhờ Ngài mà các môn đệ khác được chứng kiến tỏ tường Chúa sống lại, được nhìn thấy những vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người. Vì nhờ Ngài mà Đức Giê-su lại hiện ra một lần nữa. Và nhất là nhờ Ngài mà ta được nghe mối phúc cuối cùng Chúa hứa cho ta : “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Việc thánh Tô-ma đòi xem vết thương ở tay chân và cạnh sườn của Chúa đặt ra cho ta những tiêu chí mới cho việc truyền giáo hôm nay.
Người thời nay không còn tin vào những lý thuyết đẹp, những lời nói hay, những hứa hẹn xa vời thực tế. Những lý thuyết đẹp phải được kiểm nghiệm bằng những kết quả đẹp. Những lời nói hay chỉ có giá trị khi đi đôi với những việc làm tốt.
Vì thế, muốn làm chứng cho Chúa, người tín hữu phải có một đời sống đạo gương mẫu. Đời sống đạo gương mẫu không phải chỉ là siêng năng đi đọc kinh, đi lễ. Nhưng nhất là phải gương mẫu trong cách ăn nết ở.
Làm sao người ngoài đạo mến đạo nếu những người trong đạo cũng chia rẽ bất hoà ? Làm sao đạo có sức thuyết phục khi người theo đạo vẫn còn ham hố danh vọng chức quyền đến nỗi bán rẻ cả lương tâm của mình và tìm cách chà đạp bôi nhọ người khác ? Làm sao làm chứng được đạo là tốt trong khi những người tin đạo vẫn còn bất công, gian tham của cải không phải của mình ?
Thỉnh thoảng tôi có dịp gặp một ông trùm xứ Long châu. Long châu là một giáo xứ thuộc giáo phận Nam ninh. Trước đây, chỉ có gia đình ông tin Chúa. Gia đình ông tích cực rao giảng Lời Chúa. Kết quả là sau 20 năm hầu như cả làng gần 500 khẩu đã tin theo Chúa. Cứ mỗi dịp lễ Phục sinh và Giáng sinh có khoảng 20 người xin rửa tội.
Tôi hỏi ông nhờ bí quyết nào mà việc truyền giáo của ông có kết quả tốt đẹp như thế. Ngẫm nghĩ một lát, ông trả lời : “Nhờ đời sống gia đình”. Bên Trung quốc, đời sống gia đình trong thời đại mới đang gặp khủng hoảng. Vợ chồng bất hoà với nhau. Con cái không vâng lời cha mẹ, có khi còn hành hung cả cha mẹ. Số gia đình tan vỡ ngày càng tăng lên. Trong khi đó gia đình ông trùm vẫn trên thuận dưới hoà, vợ chồng thương yêu kính trọng nhau, con cái vâng lời cha mẹ, anh chị em thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Thấy thế, người trong làng bảo nhau : “Đây là đạo tốt vì có thể gìn giữ được hạnh phúc gia đình”. Nhờ tấm gương sống đạo của gia đình ông trùm mà mọi người trong làng tin theo Chúa.
Những anh em ngoài Công giáo cũng nhìn vào đời sống của chúng ta. Nếu người Công giáo thật sự sống tốt thì không cần rao giảng mọi người cũng tin. Đời sống công bình bác ái, khiêm nhường nhịn nhục, đoàn kết yêu thương có sức thuyết phục hơn tất cả mọi lời nói hay đẹp.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ
1- Chứng kiến cuộc thương khó của Đức Giê-su, niềm tin của các Tông đồ bị chao đảo. Đời bạn cũng đã gặp nhiều thử thách, niềm tin của bạn có bị chao đảo không ?
2- Lời nói hay và việc làm tốt, đàng nào có sức thuyết phục hơn ?
3- Trong năm truyền giáo này, bạn quyết định làm gì để góp phần vào việc truyền giáo ?
澹